THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI VÀ CÁC HUYỆN TRONG TỈNH
 -----------------------------------------------------------------------------------
 

 

HUYỆN ĐỨC PHỔ

ĐỨC PHỔ là huyện đồng bằng ven biển nằm ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi. Phía bắc giáp huyện Mộ Đức; phía nam giáp huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định); phía tây giáp huyện Nghĩa Hành và huyện Ba Tơ; phía đông giáp biển Đông. Hình thể của huyện trải dài theo bờ biển phía nam tỉnh Quảng Ngãi, có trục giao thông Quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất chạy qua. Diện tích: 371,67km2. Dân số: 153.684 người (năm 2005). Mật độ dân số: 413 người/km2(1). Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 14 xã (Phổ Hòa, Phổ Thuận, Phổ Văn, Phổ Phong, Phổ An, Phổ Quang, Phổ Ninh, Phổ Minh, Phổ Nhơn, Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu, Phổ Vinh), 1 thị trấn (Đức Phổ, huyện lị), với 91 thôn, tổ dân phố; trong đó:

Xã Phổ Hòa có 4 thôn: An Thường, Hòa Thạnh, Nho Lâm, Hiển Văn;

Xã Phổ Thuận có 7 thôn: Kim Giao, Mỹ Thuận, Thanh Bình, Thiệp Sơn, An Định, Vùng 4, Vùng 5;

Xã Phổ Văn có 5 thôn: Văn Trường, Đông Quan, Tập An Nam, Tập An Bắc, Thủy Triều;

Xã Phổ Phong có 7 thôn: Hiệp An, Gia An, Hùng Nghĩa, Vạn Lý, Trung Liêm, Tân Phong, Vĩnh Xuân;

Xã Phổ An có 4 thôn: An Thổ, An Thạch, Hội An 1, Hội An 2;

Xã Phổ Quang có 4 thôn: Hải Tân, Du Quang, Bàn An, Phần Thất;

Xã Phổ Ninh có 5 thôn: An Trường, An Ninh, Vĩnh Bình, Thanh Lâm, Lộ Bàn;

Xã Phổ Minh có 7 thôn: Tân Tự, Sa Bình, Tân Mỹ, Lâm An, Hải Môn, Tân Bình, Trường Sanh;

Xã Phổ Nhơn có 9 thôn: An Tây, An Điền, An Lợi, An Sơn, Phước Hạ, Nhơn Phước, Bích Chiểu, Thới Thượng, Nhơn Tân;

Xã Phổ Cường có 7 thôn: Lâm Bình, Mỹ Trang, Xuân Thành, Thanh Sơn, Nga Mân, Bàn Thạch, Thủy Thạch;

Xã Phổ Khánh có 7 thôn: Diên Trường, Trung Sơn, Vĩnh An, Quy Thiện, Phước Điền, Trung Hải, Phú Long;

Xã Phổ Thạnh có 9 thôn: Long Thạnh 1, Long Thạnh 2, Thạnh Đức 1, Thạnh Đức 2, Tân Diêm, La Vân, Thạch Bi 1, Thạch Bi 2, Đồng Vân;

Xã Phổ Châu có 4 thôn: Vĩnh Tuy, Tấn Lộc, Hưng Long, Châu Me;

Xã Phổ Vinh có 6 thôn: Trung Lý, Phi Hiển, Lộc An, Đông Thuận, Khánh Bắc, Nam Phước;

Thị trấn Đức Phổ có 6 tổ dân phố, tên gọi theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 6.

Đức Phổ là huyện đồng bằng chạy dài theo biển, nơi có di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng, là nơi đất đai canh tác không rộng, điều kiện sản xuất không được thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp, nhưng nhờ nằm trên các trục giao thông huyết mạch (Quốc lộ 1, Quốc lộ 24), có trên 40km bờ biển nên có thế mạnh về ngư nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế của huyện nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

*
*          *

Về hành chính: Trước kia địa bàn Đức Phổ nằm trong huyện Khê Cẩm đời nhà Hồ, huyện Mộ Hoa đời nhà Lê và Mộ Đức đời nhà Nguyễn. Năm 1890 (Thành Thái năm thứ 2), những xã "thượng bạn" thuộc Mộ Đức cắt ra và đặt thành châu Đức Phổ thuộc Nha sơn phòng Nghĩa Định. Năm 1899 (Thành Thái năm thứ 11), phần lớn các tổng Cảm Đức, Triêm Đức, Tri Đức được tách ra khỏi Mộ Đức lập thành huyện Đức Phổ. Năm 1906, 3 tổng đổi tên là Phổ Cảm, Phổ Tri và Phổ Vân với 78 xã.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, huyện Đức Phổ đổi tên là huyện Nguyễn Nghiêm (tên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi)(2), nhưng chỉ một thời gian ngắn rồi đổi lại là Đức Phổ. Các tổng cũng có sự đổi tên: tổng Phổ Cảm đổi là tổng Trần Kha, tổng Phổ Tri đổi là tổng Huỳnh Lầu, tổng Phổ Vân đổi là tổng Phan Bằng (tên các nhà yêu nước địa phương), nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn thì quay lại tên cũ và xóa bỏ luôn cấp tổng. Đức Phổ được hoạch định lại đơn vị hành chính với 13 xã đều lấy chữ Phổ làm đầu: Phổ Phong, Phổ Thuận, Phổ Văn, Phổ Quang, Phổ An, Phổ Nhơn, Phổ Ninh, Phổ Hòa, Phổ Minh, Phổ Vinh, Phổ Khánh, Phổ Cường, Phổ Thạnh. Dưới xã là thôn. Các thôn thường lấy tên làng xã cũ.

Sau khi tiếp quản, đến năm 1958 chính quyền Sài Gòn thành lập quận Đức Phổ, đổi tên gọi các xã, đặt hai xã mới, tổng cộng có 15 xã, vẫn lấy chữ Phổ ở đầu, nhưng đổi tên chữ sau: xã Phổ Hòa đổi là xã Phổ Đại; xã Phổ Thuận đổi là xã Phổ Long; xã Phổ Văn đổi là xã Phổ Hưng; xã Phổ Phong đổi là xã Phổ Nghĩa; xã Phổ An đổi là xã Phổ Lợi; xã Phổ Quang đổi là xã Phổ Xuân; xã Phổ Ninh đổi là xã Phổ Bình; xã Phổ Minh đổi là xã Phổ Tân; xã Phổ Nhơn đổi là xã Phổ Phước; xã Phổ Cường đổi là xã Phổ Trang; xã Phổ Khánh đổi là xã Phổ Trung, một phần tách lập thành xã Phổ Hiệp; xã Phổ Thạnh đổi là xã Phổ Thạch, tách một phần lập xã Phổ Châu; xã Phổ Vinh đổi là xã Phổ Thành.

Phía kháng chiến vẫn gọi là huyện Đức Phổ và các tên xã có từ thời chống Pháp. Riêng 2 xã Phổ Hiệp, Phổ Châu do chính quyền Sài Gòn tách lập vẫn được dùng và cũng được gọi là Phổ Hiệp, Phổ Châu.

Sau năm 1975, Đức Phổ vẫn giữ nguyên địa giới hành chính đã có và có 13 xã như thời kháng chiến chống Pháp (xã Phổ Hiệp nhập lại vào xã Phổ Khánh, xã Phổ Châu nhập lại vào xã Phổ Thạnh). Đến năm 1999, xã Phổ Châu lại được tách lập thành 1 xã, là xã cực nam của tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1987, thị trấn Đức Phổ được thành lập từ thôn Vĩnh Lạc và một phần thôn Vĩnh Bình xã Phổ Ninh, thôn Trường Sanh xã Phổ Minh, thôn An Thọ, An Lạc xã Phổ Hòa. Năm 2005, bắt đầu có dự án xây dựng thị trấn Đức Phổ thành thị xã. Đến nay, Đức Phổ có 14 xã và 1 thị trấn (đã kể trên).

Về tự nhiên, Đức Phổ có địa hình phức tạp, đa dạng, bị chia cắt mạnh, núi và đồng bằng xen kẽ, một số nhánh núi của dãy Trường Sơn chạy ra tận bờ biển. Có 3 dạng địa hình: 1) Vùng bắc và nam sông Trà Câu có địa hình tương đối bằng phẳng, là vùng trọng điểm sản xuất lúa; 2) Vùng nam sông Trà Câu đến núi Dâu có núi và đồng bằng xen kẽ, có nhiều sông, suối, địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc giảm từ tây sang đông, thường bị ngập úng vào mùa mưa; 3) Vùng nam núi Dâu đến đèo Bình Đê chủ yếu là đồi núi và có một số dãy núi chạy suốt ra bờ biển, có một ít đồng bằng nhỏ hẹp nằm cạnh các suối và xen kẽ với núi.

Đồi núi: Trên địa bàn Đức Phổ rải rác có các đồi núi, như núi Dâu, núi Cửa, một phần núi Lớn (núi Dầu Rái), núi Giàng, núi Bé, núi Xương Rồng, núi Chóp Vung, núi Nga, núi Mồ Côi, núi Diêm, núi Giàng Thượng, núi Giàng Hạ, núi Sầu Đâu, núi Khỉ, núi Chà Phun, núi Làng...

Sông ngòi: Lớn nhất là sông Trà Câu, số còn lại chỉ là sông suối nhỏ bắt nguồn từ huyện Ba Tơ chảy về với đặc điểm chung là diện tích lưu vực hẹp, sông nhỏ, lòng dốc.

Sông Trà Câu bắt nguồn từ vùng đông nam huyện Ba Tơ, đoạn trên gọi là sông Ba Liên hay sông Vực Liêm, chảy theo hướng tây - tây bắc đến đông - đông nam rồi đổ ra cửa biển Mỹ Á. Sông Trà Câu được coi là một trong những con sông lớn của tỉnh Quảng Ngãi.

Sông Lò Bó bắt nguồn từ vùng núi phía nam huyện, có độ cao 300m, chảy theo hướng tây nam - đông bắc, diện tích lưu vực khoảng 36km2, chiều dài 27,8km.

Sông Thoa là chi lưu của sông Vệ, chảy qua địa bàn Mộ Đức và đông huyện Đức Phổ, hợp dòng ở hạ lưu với sông Trà Câu đổ ra cửa biển Mỹ Á.

Sông Trường dài 4km, hợp với hạ lưu sông Lò Bó và cùng đổ ra cửa biển Mỹ Á.

Đồng bằng: Vùng dốc dọc sông Trà Câu, trên địa phận các xã Phổ Phong, Phổ Thuận, Phổ Văn, Phổ An, Phổ Quang có đồng bằng tương đối rộng, là vùng trọng điểm sản xuất lúa của Đức Phổ. Vùng đất nam sông Trà Câu đến núi Dâu và từ núi Dâu đến đèo Bình Đê chỉ có đồng bằng nhỏ hẹp, bị chia cắt, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Bờ biển, cửa biển: Đức Phổ có bờ biển dài trên 40km, có 2 cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh, là đầu mối giao thông đường thủy và là tụ điểm của nghề cá, đánh bắt và nuôi trồng hải sản.

Đầm: Ở dọc ven biển Đức Phổ có hai đầm lớn là đầm Lâm Bình và đầm An Khê. Đây cũng là hai đầm đáng kể nhất trong toàn tỉnh Quảng Ngãi. Đầm An Khê xưa còn gọi là đầm Cẩm Khê hay Phú Khê, nổi tiếng có nhiều cá (cá Phú Khê - ngạn ngữ).

Khí hậu: Đức Phổ nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, mùa khô từ tháng 01 đến tháng 8. Có 2 mùa gió chính là gió mùa đông với hướng gió thịnh hành là tây bắc đến bắc và gió mùa hạ với hướng gió chính là đông đến đông nam. Tốc độ gió trung bình 2 - 4m/s, nhiệt độ trung bình trong năm là 25,8oC. Lượng mưa cả năm đạt 1.915mm. Trên biển trung bình hằng năm có 135 ngày gió mạnh (cấp 6 trở lên) gây ảnh hưởng đến thời gian đi biển của ngư dân, nhất là vào các tháng từ tháng 11 đến tháng 01 năm sau.

Về dân cư: Địa bàn Đức Phổ từng có lớp cư dân cổ là chủ nhân của nền Văn hóa Sa Huỳnh (niên đại cách nay 2.500 - 3.000 năm). Lớp cư dân này sống ở ven biển bằng nghề chài lưới và một số ít làm ruộng. Tiếp theo cư dân Văn hóa Sa Huỳnh, Đức Phổ còn có cư dân Chămpa, lớp cư dân này tiếp tục sống ở ven biển và cụm lại theo từng xóm nhỏ. Một số nơi trong huyện ngày nay còn rải rác một số mộ của người Chăm xưa và dấu tích còn lại duy nhất của người Chăm trên mảnh đất này là bi ký Chăm ở thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh.

Cư dân Việt định cư trên địa bàn Đức Phổ từ khá sớm (thế kỷ XV - XVI). Họ sống chủ yếu bằng nghề nông, ngư nghiệp, diêm nghiệp, buôn bán, mang đặc trưng của văn hóa vùng ven.

Đức Phổ có dân số, mật độ dân số trung bình so với các huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi. Tính đến năm 2005, số dân, mật độ dân số các xã, thị trấn như sau(3)

TT

Xã, thị trấn

Diện tích tự nhiên (km2)

Dân số trung bình (người)

Mật độ dân số (người/km2)

1

Đức Phổ

5,62

8.451

1.504

2

Phổ Hòa

17

4.339

255

3

Phổ Thuận

14,62

13.004

889

4

Phổ Văn

10,54

10.029

952

5

Phổ Phong

54,07

9.501

176

6

Phổ An

18,62

11.859

637

7

Phổ Quang

10,50

7.963

758

8

Phổ Ninh

22,25

10.344

465

9

Phổ Minh

9,02

5.204

577

10

Phổ Nhơn

40

7.087

177

11

Phổ Cường

48,50

15.183

313

12

Phổ Khánh

55,60

14.070

253

13

Xã Phổ Thạnh

29,73

22.634

761

14

Xã Phổ Châu

19,85

5.290

266

15

Xã Phổ Vinh

15,75

8.726

554

Thống kê cho thấy có sự chênh lệnh khá lớn về số dân, mật độ dân số trong địa hạt huyện, do sự chi phối của địa hình, điều kiện tự nhiên hơn là do nghề nghiệp.

Về dân số, đông dân nhất là các xã Phổ Thạnh, Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Thuận, Phổ An, Phổ Ninh.

Về mật độ dân số, ngoài thị trấn Đức Phổ tập trung cao về mật độ, thì các xã Phổ Văn, Phổ Thuận thuộc hạng cao nhất nhưng lại là các xã sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Các xã có số dân sống bằng ngư nghiệp là chính, như Phổ Thạnh, Phổ Quang, Phổ Vinh, Phổ An tuy mật độ dân số có cao nhưng không cao nhất như thường thấy, bởi trên địa bàn phần nhiều là đồi núi, độ dân cư sống mật tập theo từng khu vực nhỏ. Các xã Phổ Phong, Phổ Nhơn, Phổ Hòa có mật độ dân số khá thấp cũng vì đất đai trồng trọt ít và đồi núi chiếm phần lớn diện tích tự nhiên.

*
*          *

Truyền thống yêu nước của cư dân Đức Phổ xưa bắt đầu được thể hiện trong phong trào nông dân Tây Sơn từ cuối thế kỷ XVIII. Đến thời kỳ Pháp xâm lược, trong phong trào Cần vương do Nguyễn Bá Loan lãnh đạo năm 1886 có Đỗ Điệt, một người chỉ huy trẻ tuổi quê Đức Phổ, giữ chức phó tướng trong nghĩa quân của Nguyễn Bá Loan. Tiếp theo, trong phong trào Duy tân, Đức Phổ cũng là địa bàn tham gia sôi nổi, có nhiều người tham gia như Tú tài Nguyễn Tuyên người làng Tân Hội (xã Phổ Phong), ông Phan Long Bằng người làng Thanh Sơn (Phổ Cường), đều là những nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào Duy tân ở Quảng Ngãi và miền Nam Trung Kỳ.

Năm 1916, hưởng ứng cuộc vận động khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục Hội ở Trung và Nam Trung Kỳ, nhân dân Đức Phổ đã quyên góp lương thực, mua sắm vũ khí, tổ chức lực lượng và lập chiến khu ở phía tây xã Phổ Cường chuẩn bị kháng chiến. Bước sang những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào yêu nước của nhân dân Đức Phổ vẫn được phát huy mạnh mẽ, nhiều tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi được thành lập ở Đức Phổ như tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức "Dự bị Cộng sản" ra đời.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3.2.1930), vào mùa xuân 1930 Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập(4), do đồng chí Nguyễn Nghiêm người làng Tân Hội (xã Phổ Phong) làm Bí thư. Sau khi Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập, tháng 4.1930, chi bộ cộng sản đầu tiên của Đức Phổ ra đời tại làng Tân Hội, do đồng chí Nguyễn Suyền (người thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong) làm Bí thư.

Sau thời gian được thành lập, chi bộ cộng sản Đức Phổ đã tập hợp và lãnh đạo nhân dân trong huyện tiến hành cuộc đấu tranh mới với nhiều hình thức đấu tranh như mít tinh, biểu tình thị uy, rải truyền đơn, treo cờ cách mạng nhân ngày Quốc tế Lao động 1.5, qua đó đem lại niềm tin cho quần chúng bị áp bức bóc lột và làm cho kẻ địch phải kiêng dè. Đặc biệt trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, Đức Phổ là nơi đầu tiên diễn ra cuộc đấu tranh biểu tình rầm rộ của 5.000 quần chúng (8.10.1930) hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đang dấy lên mạnh mẽ trong cả nước. Lực lượng biểu tình đã chiếm được huyện đường Đức Phổ, gây chấn động trong dư luận thời bấy giờ.

Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân trong huyện đòi tự do dân chủ, chống khủng bố, chống sưu cao thuế nặng diễn ra liên tục dưới sự lãnh đạo của Đảng và cho đến cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đức Phổ cũng như các huyện khác của Quảng Ngãi là vùng tự do, nhân dân trong huyện đã đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, đồng thời đánh bại nhiều cuộc càn quét, đổ bộ bằng đường biển của quân Pháp, góp phần giữ vững vùng tự do, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, cùng với cả tỉnh và Khu V tạo nên thắng lợi trong chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954, góp phần kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Đức Phổ kiên cường trụ bám đánh địch, làm nên chiến thắng mùa khô 1965 - 1966 đánh bại trận càn quét lớn của quân Mỹ mang tên "Diều hâu đôi", một trong những cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ bị đánh bại ở Đức Phổ. Bước sang mùa khô thứ hai (1967), quân và dân Đức Phổ đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, góp phần đập tan kế hoạch "tìm diệt" và "bình định" của lính Mỹ và quân đội Sài Gòn. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nhân dân Đức Phổ còn đóng góp nhiều nhân tài vật lực cho tỉnh, cho Khu V đến đại thắng mùa Xuân 1975.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Đức Phổ đã vượt qua mọi khó khăn, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, từng bước ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chính sách của Đảng và nhà nước đối với những gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Với những thành tích đạt được qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ, quân và dân Đức Phổ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có 16 đơn vị, 8 cá nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, 431 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng(5).

*
*          *

Đức Phổ xuất phát từ kinh tế nông ngư lạc hậu, song có điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển kinh tế khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, nhưng nông, lâm, ngư nghiệp (chủ yếu là nông nghiệp) vẫn chiếm tỷ trọng khá cao. Các ngành kinh tế cơ bản như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, nhưng vẫn chưa chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế.

Cơ cấu kinh tế Đức Phổ dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - ngư - lâm nghiệp. Tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp từ 58,3% năm 2000, năm 2004 giảm còn 52,4%, ngành dịch vụ từ 20,7% năm 2000 lên 25,7% năm 2004, công nghiệp - xây dựng từ 20,8% năm 2000 tăng lên 25,7% năm 2004. Đến năm 2005, nông - lâm - ngư nghiệp vẫn là lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của Đức Phổ, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản là 975.579 triệu đồng, trong đó thủy sản chiếm đến 370.667 triệu đồng, kế đến là nông nghiệp 247.034 triệu đồng, lâm nghiệp 11.442 triệu đồng. Xét về lao động thì toàn huyện Đức Phổ năm 2005 có 81.460 người, trong đó lao động ở ngành nông lâm nghiệp là 56.261 người, ở ngành thủy sản là 8.538 người, công nghiệp và xây dựng là 7.191 người, dịch vụ là 9.470 người.

Nông nghiệp

Nhìn chung, điều kiện tự nhiên ở Đức Phổ không thuận lợi như một số huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là về độ phì nhiêu của đất đai và vấn đề nguồn nước tưới. Trước năm 1945, nghề nông ở Đức Phổ có phương thức sản xuất lạc hậu, ruộng đất phần lớn tập trung trong tay địa chủ phong kiến. Nghề nông trong thời kỳ này mang nặng tính chất tự cấp, tự túc. Theo Quảng Ngãi tỉnh chí (Nam Phong tạp chí, 1933) của Nguyễn Bá Trác và các tác giả thì ở thời điểm này Đức Phổ có 13.244 mẫu 8 sào điền, 3.856 mẫu 9 sào thổ, trong đó có đất lúa 10.084 mẫu (3.630,24ha), thu hoạch hằng năm được 6.280 tấn lúa trong tổng số 44.070 tấn của toàn tỉnh. Năm 1932, Đức Phổ có 600 mẫu đất mía, 600 mẫu đất trồng khoai sắn. Toàn huyện có 21 đập, tưới cho tổng diện tích khoảng 4.970 mẫu, lớn nhất là đập Vực Tre ở xã An Ninh tưới cho khoảng 500 mẫu, đập Liên Chiểu (ở Kim Giao), đập Làng (ở Diên Trường), đập Đồng Nghê (ở Nho Lâm và Hiển Văn), đập Đồng Đồ (ở Hòa Thịnh, Đông Ôn), đập Lâm Bình (ở Hiển Tây, Thanh Hiếu) mỗi đập tưới 400 mẫu.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nông dân được chia ruộng đất, nghề nông đã có những chuyển đổi mới. Nông dân trồng lúa và các loại cây lương thực khác, bên cạnh đó còn trồng bông, dệt vải, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong kháng chiến chống Mỹ, về cơ bản nghề nông ở Đức Phổ vẫn phát triển như trước kia. Riêng về thủy lợi có những bước thay đổi về tưới tiêu, nhờ có các loại máy bơm thay cho việc tưới thủ công trước đây. Đồng ruộng cũng phần nào có máy móc thay cho sức kéo trâu, bò. Nhờ những thay đổi đó mà năng suất lúa và hoa màu có sự gia tăng nhất định.

Nông nghiệp Đức Phổ từ 1975 - 2005 phát triển trong điều kiện đất nước hòa bình thống nhất. Ruộng đất được chia đều cho nông dân đã thúc đẩy sản xuất phát triển. Từ 1975 - 1985 hình thành các hợp tác xã nông nghiệp, ruộng đất được đưa vào hợp tác để sản xuất chung, nhưng do cách tổ chức chưa phù hợp nên nông nghiệp không phát triển, đời sống của nông dân còn thấp và gặp nhiều khó khăn. Năm 1981 khi cơ chế "khoán 100" ra đời, sau đó là "khoán 10" được thực hiện, ruộng đất được giao khoán cho nông dân thì nông nghiệp đã có bước phát triển, đời sống của người nông dân được nâng cao rõ rệt. Hiện nay, nông nghiệp ở Đức Phổ phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngành chăn nuôi được đẩy mạnh. Hệ thống tưới tiêu như hồ Liệt Sơn, hồ Núi Ngang... được xây dựng, mở rộng, hệ thống kênh mương nội đồng Thạch Nham được xây dựng và ngày càng hoàn thiện nhằm đảm bảo diện tích tưới tiêu chủ động cho việc phát triển sản xuất và vật nuôi, cây trồng trên địa bàn huyện.

Tính ở thời điểm năm 2005, sản lượng lương thực có hạt của Đức Phổ đạt 52.412 tấn (trong đó hầu hết là lúa), bình quân lương thực đầu người đạt 342kg/người/năm(6). Về cây công nghiệp, mía có diện tích 1.512,5ha, sản lượng đạt 73.351 tấn, cây mì có diện tích 1.282ha, năng suất đạt 197,1 tạ/ha, sản lượng 25.265 tấn. Cây đậu phụng có diện tích gieo trồng là 306ha, năng suất bình quân 13,9 tạ/ha, sản lượng 426 tấn.

Trong chăn nuôi, năm 2005 Đức Phổ có đàn trâu 1.234 con, đàn bò 29.469 con, lợn 58.817 con. Trâu nuôi nhiều nhất ở xã Phổ Cường (635 con), các xã Phổ Văn, Phổ Thuận, Phổ Phong (đều trên 100 con); bò nuôi nhiều ở các xã Phổ Khánh (3.578 con), Phổ Phong (2.850 con), Phổ Thuận (2.765 con); lợn nuôi nhiều nhất ở các xã Phổ Ninh (6.700 con), Phổ Văn (6.530 con), Phổ Khánh (6.460 con), Phổ Thạnh (5.570 con). Trong khoảng 15 năm sau khi tỉnh Quảng Ngãi tái lập (1990 - 2005), nông nghiệp Đức Phổ có sự phát triển đều đặn các mặt, như biểu kê sau.

Diễn biến cơ bản về nông nghiệp qua các năm 1990, 2000, 2005 (7)

TT

Năm

Lĩnh vực
nông nghiệp

1990

1995

2000

2005

1

Sản lượng lương thực quy thóc

31.681 tấn

34.141 tấn

47.878 tấn

52.412 tấn

 

- Lương thực bình quân đầu người/năm

343kg

278,3kg

324kg

342kg

2

Chăn nuôi gia súc

 

 

 

 

 

 - Trâu

2.536 con

2.108 con

1.604 con

1.234

 

 - Bò

18.116 con

23.320 con

25.869 con

29.469 con

 

 - Heo

41.350 con

53.446 con

47.213 con

58.817con

Lâm nghiệp

Lâm nghiệp xa xưa ở Đức Phổ phát triển một cách tự nhiên. Rừng có diện tích khá lớn, động thực vật, lâm sản khá phong phú. Những sản phẩm của rừng phần lớn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người. Trong kháng chiến chống Mỹ, rừng bị tàn phá nhiều, động thực vật cũng còn lại rất ít. Ngày nay, lâm nghiệp được chú trọng và ngày càng phát triển tốc độ trồng rừng, như phủ xanh đất trống đồi núi trọc được đẩy mạnh, đặc biệt là rừng phòng hộ ven biển và các dự án trồng rừng đã và đang được triển khai có kế hoạch. Năm 2003, diện tích rừng phòng hộ của Đức Phổ tại 4 xã là 1.839ha. Diện tích rừng trồng mới là 300ha. Dự án trồng rừng KFW6 đang được triển khai. Năm 2004, trồng 856ha, chăm sóc rừng 800ha, trong đó có 100ha rừng phòng hộ. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác cả năm là 25.200m3, độ che phủ rừng là 21%. Tính đến năm 2005, trồng rừng 500ha, chăm sóc rừng 1.459ha, khoanh nuôi rừng tái sinh 2.246ha.

Ngư nghiệp

Đức Phổ có bờ biển khá dài và có hai cửa biển, thuận lợi cho ngư nghiệp phát triển. Ngư nghiệp xưa nay được xem là một thế mạnh của huyện. Từ xưa, nghề cá luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của nhân dân Đức Phổ. Từ sau năm 1975, ngư nghiệp Đức Phổ đã được phát triển hơn trước, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành thủy sản Quảng Ngãi nói chung. Bên cạnh việc đánh bắt và chế biến hải sản, ngư nghiệp còn có thêm một số nghề mới như: nuôi trồng thuỷ sản, nuôi tôm trên cát, nuôi cá nước ngọt trên các hồ nước. Năm 2003, toàn huyện có 690 tàu đánh cá, sản lượng khai thác là 31.545 tấn cá, tôm, cua, hải sản khác, diện tích nuôi trồng thủy sản là 75ha, sản lượng nuôi trồng là 431,7 tấn. Năm 2004, sản lượng thủy sản khai thác là 36.300 tấn; năm 2005 tăng lên 42.000 tấn, trong đó xã Phổ Thạnh chiếm 26.463 tấn, xã Phổ Quang 5.071 tấn, còn lại là các xã Phổ Vinh, Phổ Châu, Phổ An. Năm 2005, Đức Phổ có số tàu đánh cá 1.050 chiếc với tổng công suất là 87.195CV, trong đó xã Phổ Thạnh cao tuyệt đối với 671 chiếc có tổng công suất 66.308CV, xã Phổ Quang có 195 chiếc với tổng công suất 8.824CV, còn lại 4 xã khác (Phổ An, Phổ Khánh, Phổ Châu, Phổ Vinh) số tàu đều dưới 100 chiếc và tổng công suất đều dưới 700CV. Ngành nuôi trồng thủy sản ở Đức Phổ cũng nổi trội trong toàn tỉnh Quảng Ngãi. Diện tích nuôi trồng thủy sản 304,3ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 94,3ha (diện tích nuôi tôm trên cát 46,6ha, gấp 2,3 lần năm 2003). Sản lượng thủy sản nuôi trồng là 515 tấn, trong đó tôm 410 tấn. Việc nuôi cá lồng ở các hồ, đầm ở các xã có hiệu quả. Năm 2005, ngành nuôi trồng thủy sản vẫn tiếp tục phát triển, với diện tích 381ha, sản lượng 1.181 tấn hải sản, chủ yếu là tôm. Các xã nuôi thủy sản mạnh nhất là Phổ Quang (diện tích 60,2ha tôm, sản lượng 489,4 tấn), Phổ Khánh 91,7ha (có 31,7ha tôm, sản lượng 280,7 tấn), Phổ Vinh, Phổ An, Phổ Minh, Phổ Hòa, Phổ Thạnh(8). Thủy sản là một ngành kinh tế mũi nhọn của Đức Phổ. Đức Phổ luôn đứng đầu về sản lượng thủy sản so với các huyện khác, có số tàu thuyền cao nhất. Trong tổng giá trị sản xuất thủy sản năm 2005, thì đánh bắt vẫn chiếm tỷ lệ vượt trội so với nuôi trồng (285,455 tỷ đồng so với 85,092 tỷ đồng), mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản cũng khá phát triển.

Diêm nghiệp

Sa Huỳnh là nơi sản xuất muối lớn nhất ở Quảng Ngãi. Năm 1932 có 7.000 tấn muối được xuất cảng ra nước ngoài và nhiều nơi trong nước. Hiện nay, Đức Phổ có 100ha ruộng muối, có khả năng sản xuất từ 10 - 15 nghìn tấn trong năm. Song do chưa tìm được thị trường tiêu thụ, giá cả không ổn định nên sản lượng muối sản xuất chỉ dừng ở mức 7.500 tấn (2004), 8.000 tấn (2005).

Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Nghề thủ công cổ truyền đã có từ xưa ở Đức Phổ như: nghề dệt ở Thạch Bi (Sa Huỳnh); nghề gốm ở Thanh Hiếu, Chỉ Trung; nghề mộc, nghề đan võng ở Hội An, Mỹ Thuận; nghề bạc bịt tháp, chén khay đĩa ở Chỉ Trung. Ở vùng biển có các nghề: làm cá khô, tôm khô, mực khô, nước mắm, đan lưới, đánh nhợ ở Sa Huỳnh. Ngoài ra còn có các nghề như: nghề nấu đường thủ công, nghề làm bún, làm bánh tráng. Ngày nay có nhiều nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: sản xuất vật liệu xây dựng, gạch ngói, đá chẻ, đá hoa, đóng và sửa chữa tàu thuyền. Tiểu thủ công nghiệp phát triển các làng nghề: làm chổi đót ở Phổ Phong, Phổ Thuận, Phổ Văn; làm gốm ở Phổ Khánh. Ở xã Phổ Phong đã hình thành khu công nghiệp. Tại Phổ Phong có nhà máy đường có công suất trên 1.000 tấn/ngày, nhà máy gạch ngói Phổ Phong sản xuất 14 triệu viên/năm.

Năm 2004, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Đức Phổ đạt 225,076 tỷ đồng, trong đó khu vực ngoài quốc doanh đạt 128,752 tỷ đồng, tàu thuyền đóng mới 30 chiếc, sản lượng muối ráo đạt 7.500 tấn, sản xuất đá xây dựng đạt 74.600m3, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện 97%. Năm 2005, giá trị sản lượng công nghiệp tăng lên 302,670 tỷ đồng, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 192,623 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp cá thể có 2.209 cơ sở với 5.820 lao động.

Mục tiêu từ năm 2006 - 2010, Đức Phổ sẽ ưu tiên xây dựng 3 vùng kinh tế động lực: phát triển trung tâm thị trấn Đức Phổ lên đô thị loại IV để thành lập thị xã Đức Phổ, xây dựng vùng kinh tế văn hóa Sa Huỳnh và khu công nghiệp Phổ Phong, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Đức Phổ nói riêng, của tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

Thương mại - dịch vụ

Việc buôn bán xưa ở Đức Phổ thường diễn ra ở các chợ, như chợ Trà Câu, chợ Cây Chay, chợ Bàu Cối, chợ Giếng Thí, chợ Sa Huỳnh. Việc mua bán lúc bấy giờ mang tính tự cấp, tự túc trong một khu vực, ít mang yếu tố buôn bán chuyên nghiệp. Cũng có một số người đi buôn núi, lên giao lưu trao đổi hàng hóa với bà con người Hrê trên nguồn Ba Tơ và một số người sắm ghe bầu đi buôn vào Nam, ra Bắc.

Thương mại ngày nay phát triển nhờ hệ thống các chợ xã, có ba trung tâm thương mại của huyện là thị trấn Đức Phổ, thị tứ Sa Huỳnh (ở phía nam) và thị tứ Trà Câu (ở phía bắc).

Năm 2004, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Đức Phổ đạt 487,6 tỷ đồng, năm 2005 là 580,25 tỉ đồng. Toàn huyện có 4.452 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ (trong đó có 2.492 cơ sở bán lẻ) với 5.172 lao động. Một đề án phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch sẽ được thực hiện trong thời gian đến, giúp dịch vụ du lịch phát triển đúng hướng và phát huy được tiềm năng, đạt hiệu quả cao nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Cơ sở hạ tầng

Đức Phổ có đường Thiên Lý Bắc - Nam sau này là Quốc lộ 1 chạy qua dọc theo chiều dài của huyện; có Quốc lộ 24 nối từ Quốc lộ 1 lên tỉnh Kon Tum chạy qua huyện ở khu vực xã Phổ Phong; có đường sắt Bắc - Nam song song với Quốc lộ 1. Các phương tiện giao thông đường thủy có sông Trà Câu thông thương miền xuôi với miền ngược, tuy nhiên vì lòng sông cạn nên khá hạn chế. Có hai cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh là đấu mối giao thông đường thủy quan trọng, đồng thời là tụ điểm của nghề cá.

Hiện nay, Đức Phổ đang thực hiện bêtông hóa giao thông nông thôn. Năm 2004, cơ bản hoàn thành thi công 18 tuyến đường ở các xã với tổng chiều dài 17,9km. Đường huyện đã nhựa cứng được 51,6km, đường xã được nhựa cứng hóa 33,06km. Về kiên cố hóa kênh mương, năm 2004 xây dựng 6 tuyến kênh với chiều dài 6,231km, góp phần phục vụ cho việc phát triển sản xuất của nhân dân trong huyện.

Trước năm 1975, điện chỉ có ở các cơ quan chính quyền địch, quận lỵ hoặc các tụ điểm dân cư dọc Quốc lộ 1, dùng máy phát điện nhỏ. Sau 1975, mạng lưới điện được kéo về huyện. Đến nay tại các xã, thôn, xóm 97% số hộ đã được dùng điện cho sinh hoạt và sản xuất.

Về liên lạc, thời phong kiến đến thời Pháp thuộc, việc thông tin liên lạc chủ yếu bằng ngựa trạm và có các dịch trạm. Ở Đức Phổ có trạm Nghĩa Quán (ở xã Quán Sứ), trạm có một tá dịch coi sóc và 1 lính trạm chuyên chuyển công văn, thư từ trong địa phương huyện. Nhìn chung thông tin liên lạc thời kỳ này chuyên phục vụ cho việc công, phổ biến trong nhân dân vẫn là dùng thư tay hay nhắn miệng cho người ở xa. Chính vì vậy, thông tin liên lạc thời kỳ này chưa có tác dụng đối với kinh tế - xã hội. Trải qua thời kháng chiến, thời chính quyền Sài Gòn, đến ngày nay, cùng với tốc độ phát triển khoa học công nghệ toàn cầu, ngành thông tin liên lạc đã phát triển nhanh chóng với kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hiện nay bưu điện huyện có 1 bưu cục trung tâm, 2 bưu cục cấp III, có 12 điểm bưu điện văn hóa xã, 3 đại lý đa dịch vụ và hơn 70 đại lý điện thoại được phân bố tại các vùng nông thôn. Tính đến năm 2005, số máy điện thoại cố định trên mạng đã có 10.296 máy, số máy điện thoại di động 1.230 máy. Tổng doanh thu của Bưu cục Đức Phổ là 2.150 triệu đồng (phần lớn là thu từ dịch vụ điện chính). Các dịch vụ bưu chính viễn thông đa dạng và tiện ích của mạng internet đã đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sử dụng của cán bộ và nhân dân địa phương, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí và thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

*
*          *

Đức Phổ là quê hương của nền Văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng, được nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện năm 1909 và được xác định niên đại cách nay khoảng 2.500 năm. Tiếp theo văn hóa Sa Huỳnh là nền Văn hóa Chămpa cũng được phát hiện ở Đức Phổ, đó là bi ký khắc trên đá bằng chữ Sanskrit (chữ Chăm cổ), văn bia này được tìm thấy tại thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh.

Qua nhiều trăm năm sinh sống của người Việt, di sản văn hóa của người Việt cũng rất phong phú và đa dạng như:

Lễ hội ra quân đánh bắt thủy sản đầu năm: được tổ chức tại cửa biển Sa Huỳnh vào ngày mùng 3 Tết Âm lịch hàng năm, nhằm cầu mong được mùa tôm cá trong năm mới.

Hát sắc bùa: là một hình thức diễn xướng dân gian, mang tính chất nghi lễ phong tục thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán.

Về y tế, có Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm tại thị trấn Đức Phổ đã được xây dựng khang trang với 140 giường bệnh; Phòng khám đa khoa khu vực đóng tại Sa Huỳnh; 14/15 xã, thị trấn có trạm y tế và đều có bác sĩ, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong huyện. Năm 2006, Bệnh xá mang tên anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được xây dựng ở xã Phổ Cường. Tổng số cán bộ y tế trong huyện là 178 người, trong đó có 37 bác sĩ.

Công tác dân số, gia đình, trẻ em được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hiện nay giảm còn 1,18%, đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ nhân đạo của các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh giúp trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hòa nhập cộng đồng.

Về lao động và các vấn đề xã hội, Đức Phổ hiện nay có trên 110.204 người trong độ tuổi lao động, hầu hết là làm nghề nông và ngư nghiệp. Với một lực lượng lao động lớn như vậy cho nên lao động nông thôn hàng năm sử dụng không hết, tình trạng thừa lao động thiếu việc làm đặt ra khá cấp bách. Thống kê cho thấy trong toàn huyện năm 2005 có đến 8.322 người trong độ tuổi có khả năng lao động không làm việc; 8.220 người trong độ tuổi có khả năng lao động không có việc làm; hàng năm có khoảng hơn 2.000 lao động xã hội phải đi tìm việc làm.

Để giải quyết việc làm cho người lao động, hàng năm huyện đã xây dựng các dự án cho nông dân vay vốn sản xuất, phối hợp với các đoàn thể giải quyết cho một số hộ vay vốn xóa đói giảm nghèo từ nguồn vốn ngân hàng. Năm 2003, số hộ nghèo giảm 548 hộ, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2003 giảm còn 10,77%. Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,2%.

Đức Phổ có 431 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 6.596 liệt sĩ, 3.018 thương binh, 1.426 người bị bắt tù đày và 3.287 người hoạt động kháng chiến được hưởng trợ cấp 1 lần.

Huyện đã phối hợp cùng với các cấp chính quyền, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa. Đến năm 2004, xây dựng được 402 nhà tình nghĩa, giải quyết cứu trợ thường xuyên cho 270 người (gồm 29 trẻ mồ côi, 93 người tàn tật, 148 người già cô đơn).


(1) Theo Niên giám thống kê huyện Đức Phổ 2005. Con số này chênh lệch chút ít so với Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi.
(2)  Xem Chương XI: Các nhân vật lịch sử tiêu biểu.
(3) Nguồn: Niên giám thống kê huyện Đức Phổ.
(4) Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí: Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Tín, Trần Thị Hiệp, Trần Hàm, Trần Kha.
(5)  Cụ thể xem ở Phụ lục 6, 9, Phần II: Truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(6) Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi 2005. Con số này có chênh lệch chút ít so với số thống kê của huyện Đức Phổ.
(7)  Nguồn: Niên giám thống kê huyện Đức Phổ.
(8) Các số liệu trên lấy từ Niên giám thống kê huyện Đức Phổ, có sự chênh lệch ít nhiều so với Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

 

 

Về Đầu trang