THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI VÀ CÁC HUYỆN TRONG TỈNH
----------------------------
 

HUYỆN MINH LONG

MINH LONG là huyện miền núi nằm ở khoảng giữa tỉnh Quảng Ngãi. Phía đông giáp huyện Nghĩa Hành; phía tây giáp huyện Sơn Hà; phía nam giáp huyện Ba Tơ; phía bắc giáp huyện Tư Nghĩa. Diện tích: 216,37km2. Dân số: 14.913 người (năm 2005). Mật độ dân số: khoảng 69 người/km2(1). Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 5 xã (Long Hiệp, Long Sơn, Long Mai, Long Môn, Thanh An), với 43 thôn; trong đó:

Xã Long Hiệp có 7 thôn: thôn 1, thôn 2, thôn 3, Hà Liệt, Thiệp Xuyên, Dục Ái, Hà Bôi;

Xã Long Sơn có 9 thôn: Biều Qua, Sơn Châu, Xà Tôn, Lạc Hạ, Lạc Sơn, Diên Sơn, Gò Chè, Yên Ngựa, Gò Tranh;

Xã Long Mai có 9 thôn: Mai Lãnh Thượng, Mai Lãnh Hạ, Mai Lãnh Trung, Mai Lãnh Hữu, Ngã Lăng, Tối Lạc Thượng, Minh Xuân, Dư Hữu, Kỳ Hát;

Xã Thanh An có 14 thôn: Đồng Rinh, Làng Vang, Hóc Nhiêu, Ruộng Gò, Tam La, Làng Hinh, Diệp Hạ, Diệp Thượng, Làng Đố, Dưỡng Chơn, Gò Rộc, Phiên Chá, Thanh Mâu, Công Loan;

Xã Long Môn có 4 thôn: Làng Trê, Làng Ren, Cà Xen, Làng Vang.

Từ thành phố tỉnh lỵ Quảng Ngãi theo tỉnh lộ 627 đến huyện lỵ Minh Long (đóng ở xã Long Hiệp) 30km. Minh Long là huyện miền núi gần nhất với tỉnh lỵ trong số 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, nếu tính điểm rẽ từ Quốc lộ 1, thì độ xa 30km là tương đương với các huyện Trà Bồng, Ba Tơ.

Minh Long là huyện có đơn vị hành chính tương đối ít (trừ huyện đảo Lý Sơn, Minh Long là huyện có số xã ít nhất của Quảng Ngãi), dân số không nhiều, với đa số là người dân tộc Hrê giỏi canh tác lúa nước và có cây chè đặc chủng, có những di sản văn hóa cổ truyền đáng quý, nhưng nằm ở vị trí địa lý không thật thuận lợi, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

*
*          *

Về hành chính, huyện Minh Long xưa có tên là nguồn Phụ Ba, rồi nguồn Phụ Bà Địa; năm 1822, dưới triều vua Minh Mạng, đổi là nguồn Phụ An, một trong bốn nguồn của tỉnh Quảng Ngãi. Thời Pháp thuộc, năm 1915, nguồn Phụ An đổi là đồn Minh Long có 5 tổng với 60 làng, sách. 5 tổng có tên là tổng Hành, tổng Lạc, tổng Trung, tổng Thượng, tổng Hạ. Đến thập niên ba mươi thế kỷ XX, đồn Minh Long được điều chỉnh lại còn 3 tổng là An Hành, Lợi Hành, Lạc Hành với 65 sách; sau đổi đồn Minh Long thành nha Minh Long.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nha Minh Long đổi thành châu Minh Long rồi huyện Minh Long. Cấp tổng được bãi bỏ, các sách hợp lại trong 9 xã lớn đều lấy chữ Long làm đầu, gồm các xã: Long Môn, Long Sơn, Long Huy, Long Xuyên, Long Mai, Long Quang, Long An, Long Thanh, Long Xuân.

Từ sau 1954, chính quyền Sài Gòn đổi huyện Minh Long thành quận Minh Long, chia thành 14 xã và đổi đặt tên xã mới, lấy chữ Minh làm đầu, gồm các xã: Minh Tâm, Minh Điền, Minh Hiệp, Minh Cao, Minh Thượng, Minh Nghĩa, Minh Sơn, Minh Trị, Minh Anh, Minh Đức, Minh Dũng, Minh Hạ, Minh Trung, Minh Tân.

Sau năm 1975, chính quyền cách mạng chia lại huyện Minh Long thành 9 xã: Long Môn, Long Thanh, Long Quang, Long An, Long Tân, Long Hiệp, Long Xuân, Long Mai, Long Sơn.

Từ 1976 đến 1981, huyện Minh Long nhập với huyện Nghĩa Hành thành huyện Nghĩa Minh, thuộc tỉnh Nghĩa Bình. Các xã Long Thanh, Long An, Long Quang hợp nhất thành xã Thanh An, xã Long Xuân nhập vào xã Long Mai, xã Long Tân nhập vào xã Long Hiệp.

Năm 1982, huyện Minh Long được tái lập, huyện còn 5 xã (như đã kể trên) và ổn định đến nay.

Về tự nhiên, Minh Long là huyện miền núi với trên 80% diện tích là đồi núi. Địa hình Minh Long cao ở phía tây, thấp dần về phía đông, bị chia cắt mạnh bởi các đồi núi, sông suối.

Núi: Có các núi cao như Đá Vách (Thạch Bích), núi Mum (Mông Sơn), núi Kỳ Lân đều cao trên 1.000m. Từ làng Trê đến Bãi Vẹt có khu rừng nguyên sinh. Rừng Minh Long xưa có nhiều hổ và các loài thú khác như gấu, nai, trăn, khỉ, công… có nhiều gỗ lim, chò, sến, ké, có mật ong, song mây. Đất đai đặc biệt thích hợp với cây chè, cây cau. Núi rừng vừa chứa tài nguyên phong phú, vừa là vị trí chiến lược trong an ninh quốc phòng.

Sông suối: Ở Minh Long có nhiều sông suối chia cắt, trong đó đáng chú ý là suối Kvả, sông Phước Giang (tiếng Hrê gọi là Rét Cà Ra Vá), thác Trắng, suối Tía, nước Nhiêu, nước Xà Hoen… là nguồn nước dồi dào cho sản xuất và sinh hoạt. Sông suối có nhiều loại cua cá ngon như cá niêng, ốc đá, cá chép, đồng thời có nhiều thác cao có thể tận dụng làm thuỷ điện hay phát triển du lịch.

Đồng bằng: Thường nằm ở các thung lũng, tuy nhỏ hẹp nhưng màu mỡ, từ thuở xa xưa đã được khai phá tạo thành các đồng lúa nước xanh tốt.

Tình hình sử dụng đất ở Minh Long năm 2005 như sau: 1) Đất nông nghiệp 2.435,26ha (đất trồng cây hàng năm 1.929,47ha); 2) Đất lâm nghiệp 12.932,71ha; 3) Đất chuyên dùng 190,65ha; 4) Đất khu dân cư 123,65ha; 5) Đất chưa sử dụng 5.600,98ha.

Khí hậu ở Minh Long tương tự như các huyện miền núi khác trong tỉnh Quảng Ngãi. Mùa hè ở Minh Long khá nóng, mùa đông rất lạnh, mưa nhiều và lũ quét mạnh, thường xuất hiện sạt lở núi, gió lốc khi có mưa dông.

Về dân cư, ở Minh Long có hai thành phần dân tộc cộng cư là người Hrê và người Kinh, trong đó người Hrê chiếm trên 2/3 số dân (10.582 người), người Kinh chiếm gần 1/3 số dân (4.331 người), trong tổng số dân 14.913 người tính ở thời điểm 2005.

Dân số ở Minh Long năm 2005 được phân bố trên địa bàn các xã như sau(2): 

TT

Diện tích (km2)

Dân số (người)

Mật độ dân số (người/km2)

1

Long Hiệp

17,26

3.689

214

2

Long Sơn

66,32

4.156

63

3

Long Mai

37,16

3.122

84

4

Thanh An

37,18

2.839

76

5

Long Môn

58,45

1.107

19

Bảng kê trên cho thấy, ở Minh Long không có sự chênh lệch quá lớn về số dân và mật độ dân số ở các địa phương trong huyện, trừ xã Long Môn xa nhất.

Xã có số dân đông nhất là Long Sơn đồng thời cũng là xã có diện tích tự nhiên rộng nhất, nên mật độ dân số vẫn ở mức thấp. Xã có số dân đông thứ hai là Long Hiệp, có mật độ dân số cao vượt trội, là nơi đóng huyện lỵ, tập trung buôn bán của huyện. Xã có số dân và mật độ dân số thấp nhất là Long Môn, xã xa nhất huyện, đường sá đi lại khó khăn. Sự phân bố dân cư như vậy phù hợp với quy luật tự nhiên.

Tổng số dân của toàn huyện Minh Long chỉ bằng tổng số dân của một xã có dân số hạng trung bình ở đồng bằng.

Mật độ dân số của toàn huyện không chỉ thấp hơn nhiều so với toàn tỉnh mà còn ở mức thấp so với các huyện miền núi khác trong tỉnh Quảng Ngãi, ngoại trừ huyện Tây Trà.

Sự vừa phải của tổng số dân và mật độ dân số còn khá thưa cho phép người quản lý dễ hoạch định những quyết sách phát triển và bảo vệ môi trường.

Xét theo cơ cấu dân tộc ở từng xã trong huyện, dễ thấy tỉ lệ dân tộc Kinh chiếm tỉ trọng cao ở vùng trung tâm huyện và giảm dần ở vùng xa, trong khi tỉ lệ dân tộc Hrê tương đối đều ở các xã. Cụ thể hơn thì người Kinh đến sinh sống ở Minh Long đã khá lâu đời và tập trung chủ yếu ở xã Long Hiệp (nơi có đóng huyện lỵ) và các xã Long Sơn, Long Mai, cụ thể năm 2005 như bảng kê sau: 

TT

Người Kinh

Người Hrê

1

Long Hiệp

2.195

1.494

2

Long Sơn

1.241

2.915

3

Long Mai

617

2.505

4

Thanh An

264

2.575

5

Long Môn

14

1.093

Người Hrê ở Minh Long nhìn chung có nét tương đồng với người Hrê ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, sự khác biệt không nhiều. dân tộc Hrê nói chung giỏi canh tác lúa nước, duy ở Minh Long người Hrê giỏi trồng chè, khác với ở Ba Tơ trồng nhiều dứa. Người Hrê ở Minh Long sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, trồng lúa nước, trồng chè, cau, thuốc lá và lưu giữ được nhiều tinh hoa văn hóa cổ truyền.

Người Kinh ở Minh Long mang đặc điểm của văn hóa Kinh nói chung và có sự giao thoa văn hóa với người Hrê. Trong số người Kinh ở Minh Long thì nhiều người cư trú lâu đời, một số người ở vùng Nghĩa Hành, Mộ Đức đến sinh sống, lập nghiệp. Người Kinh chủ yếu trồng lúa nước, buôn bán, làm nghề thủ công. Cộng đồng các dân tộc ở Minh Long đã đoàn kết gắn bó, tương trợ nhau trong cuộc sống, kháng chiến năm xưa cũng như trong xây dựng hòa bình hôm nay.

*
*          *

Trong truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Minh Long có nhiều điểm đáng chú ý.

Đời các chúa Nguyễn và thời nhà Nguyễn, đồng bào Hrê đã nổi dậy chống ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, nổi lên tên tuổi động Thạch Bích (Đá Vách) được nhắc đến nhiều trong sách sử triều Nguyễn. Đời Tây Sơn, thủ lĩnh Đa Phát Canh (Đa-Boăk-Kinh) đã giúp phong trào Tây Sơn chống lại chúa Nguyễn. Đầu thế kỷ XX, có phong trào đấu tranh chống đế quốc của đồng bào Hrê ở Minh Long do Đinh Tăm, Đinh Mẫn, Đinh Mút, Đinh Rin chỉ huy, kéo dài từ năm 1901 đến năm 1912. Người dân Hrê ở Minh Long cũng đã tham gia phong trào "Nước Xu đỏ" trong các năm 1937 - 1938 với nhân dân các dân tộc ở bắc Tây Nguyên.

Tháng 10.1945, chi bộ Đảng lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tại Minh Long được thành lập, trực thuộc Huyện uỷ Nghĩa Hành. Tháng 5.1946, Đảng bộ Minh Long ra đời. Phong trào cách mạng có tổ chức Đảng lãnh đạo và hoạt động ngày càng lan rộng, mạnh mẽ, phản ánh sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Minh Long. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân Minh Long đã ra sức xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng cuộc sống mới, đề cao cảnh giác và góp phần đập tan bọn "chí xẻng" tay sai của Pháp đầu năm 1954, đóng góp nhiều công sức vào công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, người dân Minh Long tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực đánh địch, đóng góp nhân tài vật lực cho tiền tuyến, nổi bật là trận đánh lớn ở quận lỵ Minh Long, dẫn đến kết quả giải phóng toàn huyện ngày 17.8.1974.

Minh Long có 3 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân là xã Long Môn, xã Thanh An, xã Long Sơn; có 18 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

*
*          *

Kinh tế ở Minh Long cơ bản là kinh tế nông nghiệp, trong nông nghiệp còn đậm dấu ấn cổ truyền.

Số liệu kinh tế cho thấy giá trị xây dựng cơ bản ở Minh Long thường bằng khoảng 2/3 của giá trị sản xuất. Chẳng hạn các số liệu sau đây của 2001 và 2005(3): 

Năm

Xây dựng cơ bản

Giá trị sản xuất (chưa tính xây dựng cơ bản)

2001

15,838 tỉ đồng

23,944 tỉ đồng

2005

21,8 tỉ đồng

33,318 tỉ đồng

Ước tính tăng bình quân hàng năm trong các năm 2001 - 2005 xây dựng cơ bản là 7,5% và giá trị sản xuất (chưa tính xây dựng cơ bản) là 7,83%, chỉ chênh nhau chút ít. Điều này cho thấy tình trạng còn kém phát triển của nền kinh tế lẫn cơ sở hạ tầng và số vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản hãy còn chiếm tỉ lệ rất lớn trong nền kinh tế.

Về nông nghiệp

Nghề nông: Tính ở thời điểm 2005, trong số 8.144 lao động đang làm việc ở Minh Long, có đến 6.796 lao động trên lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản (chủ yếu là nông nghiệp). Một bộ phận lớn dân cư Minh Long sống bằng nghề nông còn mang dấu ấn của nông nghiệp sơ khai. Một bộ phận người Kinh sống bằng nghề nông, trong đó cây trồng chính là lúa nước. Người Hrê cũng giỏi làm lúa nước. Tuy nhiên, với diện tích hạn hẹp trước kia, lối canh tác còn lạc hậu nên năng suất còn thấp. Trong nông nghiệp, điều đặc biệt là ở Minh Long có truyền thống trồng cây chè. Cây chè được trồng trên rẫy rừng, người ta cắt lá bó thành lọn gùi ra chợ bán. Chè Minh Long là loại chè tươi, được bán đi khắp nơi trong tỉnh Quảng Ngãi và được dùng rất phổ biến trong người dân miền xuôi, nhất là trong khi làm đồng áng. Loại chè lá Minh Long cũng được người buôn bán ra tận Đà Nẵng, Huế. Cùng với cây lúa, cây chè góp phần đáng kể trong cuộc sống của người Hrê ở Minh Long xưa nay.

Thống kê về lúa, mì, chè là các cây trồng chủ yếu của Minh Long, tính ở thời điểm 2005 như sau: 

TT

Cây trồng

Diện tích canh tác (ha)

Sản lượng (tấn)

Năng suất (tạ/ha)

1

Lúa

1545,5

4.693,1

30

2

Mì (sắn)

946

7.800

82,5

3

Chè lá

150

255

17

Ngoài lúa, chè, người dân Hrê ở Minh Long còn sống bằng nghề nương rẫy trồng tỉa nhiều loại cây lương thực, thực phẩm khác và chăn nuôi. Tuy vậy, trong những năm đầu sau giải phóng, người dân Minh Long vẫn chịu cảnh thiếu đói kéo dài, hằng năm tỉnh phải tăng cường 10 - 15 tấn lương thực để cứu đói. Bước sang thời kỳ đổi mới, nhờ chuyển đổi tập quán canh tác, mở rộng diện tích, làm thuỷ lợi, thâm canh tăng năng suất nên sản suất lương thực ở Minh Long luôn tăng nhanh. Đồng lúa tốt nhất trong địa hạt Minh Long là ở các xã Long Mai, Long Sơn. Sản lượng lương thực có hạt năm 1980 là 1.118 tấn, đến năm 1990 đạt 2.709 tấn, năm 2000 là 3.590 tấn, năm 2005 đạt 4.724,3 tấn, bình quân lương thực đầu người năm 1980 chỉ mới 133kg, năm 1990 lên 222kg, năm 2000 lên 258kg và năm 2005 tăng lên 316,8kg, trong đó phần lớn là lúa. Năng suất lúa đạt mức 30 tạ/ha/vụ (năm 2005).

Về chăn nuôi, tính ở thời điểm năm 2005, Minh Long có gần 5.115 con lợn, 4.032 con trâu, 1.718 con bò. Dễ thấy rằng trong đại gia súc thì con trâu vẫn được người dân ưa chuộng và số lượng bò nuôi cũng đã tăng khá cao. Xã Thanh An có số lượng trâu nhiều nhất với 1.439 con, có hai xã đều có trên 800 con trâu là Long Mai, Long Sơn, hai xã khác đều có trên 400 con trâu là Long Hiệp, Long Môn. Với số lượng trâu như vậy, có thể hiểu ở Minh Long rất phù hợp với việc nuôi trâu. Bò không phải là vật nuôi truyền thống của đồng bào Hrê, nên dễ hiểu ở xã Long Sơn nơi có nhiều người Việt nhất cũng là xã nuôi bò nhiều nhất trong huyện với 689 con, xã Long Môn ít nhất với 213 con. Xã Long Sơn cũng nuôi nhiều lợn nhất với trên 1.400 con, xã Long Môn cũng là xã nuôi ít lợn nhất với 460 con, các xã còn lại đều trên 1.000 con. Ngoài việc trồng trọt, chăn nuôi, việc săn bắn, hái lượm các sản vật cũng góp một phần trong đời sống của đồng bào các dân tộc Minh Long. Về cơ bản, Minh Long đã giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ. Tuy vậy, trong khi bình quân lương thực đầu người ở 4 xã khác đều ở mức từ 271,3kg (xã Long Hiệp - nơi đóng huyện lỵ) đến 390kg (xã Thanh An), thì ở xã Long Môn con số này chỉ đạt trên 250kg. Long Môn là xã có diện tích tự nhiên rất rộng (66,32km2), dân số ít (trên 1.100 người) nhưng diện tích gieo trồng cây lương thực lại rất ít (dưới 125,4ha). Xã Long Môn, thôn Gò Tranh xã Long Sơn là những nơi xa xôi khó khăn nhất trong huyện, đời sống thấp, chợ búa ở xa, việc đi lại không thuận tiện.

Về thuỷ lợi, trước năm 1975, ở Minh Long việc tưới nước, dẫn thuỷ nhập điền theo kinh nghiệm cổ truyền. Ở các làng người Kinh có một số máy bơm nước phục vụ canh tác. Từ sau năm 1975, các công trình thuỷ lợi đã được xây dựng ở nhiều làng trong huyện, đảm bảo nguồn nước tưới cho một bộ phận diện tích canh tác. Công trình thuỷ lợi chủ yếu là các đập nước, như đập Ruộng Thủ, đập Nước Ren, đập Làng Diều, đập Làng Hinh, đập Gò Nhung, đập Nước Nhiêu... mà phần lớn các đập chỉ tưới cho khoảng 10 - 15ha đất canh tác. Riêng đập Suối Lớn khá nhất cũng chỉ tưới được khoảng gần 50ha. Đến 2005, có 99% diện tích lúa nước ở Minh Long được tưới bằng các công trình thủy lợi nhưng chỉ có 15,1% được tưới bằng các công trình kiên cố.

Về lâm nghiệp

Nghề rừng là một trong những nguồn sống không thể thiếu ở Minh Long xưa nay. Rừng Minh Long khá phong phú về thú rừng, cây gỗ, sản vật, tuy nhiên trải qua sự tàn phá của chiến tranh và của bản thân con người mà rừng đã trở nên nghèo kiệt. Rừng khoanh nuôi có 2.850ha. Việc trồng rừng, khôi phục rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc được đặt lên hàng đầu; bên cạnh đó, việc khai thác hợp lý vẫn được duy trì, như trồng và khai thác chè, điều, keo lai, bạch đàn, khai thác mây. Nghề rừng có tiến triển tốt, tuy nhiên chưa thật tương xứng với tiềm năng, còn tình trạng khai thác gỗ, đốt rẫy làm nương trái phép xảy ra.

Thuở xưa, nghề thủ công ở Minh Long chủ yếu là nghề đan lát vật dụng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Về sau này, các nghề thủ công mới du nhập vào huyện như nghề sản xuất gạch ngói, khai thác đá chẻ, xẻ và chế biến gỗ, mộc, rèn, làm chổi đót… đáp ứng nhu cầu của sự phát triển ngày càng cao trong huyện. Tận dụng nguồn nguyên liệu chè tại chỗ, Minh Long đã xây dựng xưởng chế biến chè búp. Việc chế biến chè búp đã được thực hiện, nhưng sản lượng còn quá ít (11,7 tấn năm 2005); tuy vậy, các nghề thủ công vẫn có bước tiến bộ nhất định. Năm 2005, địa hạt Minh Long có 152 cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể với 186 lao động, trong đó riêng tại xã Long Hiệp có 62 cơ sở với 82 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn là 3.024 triệu đồng, trong đó chủ yếu là công nghiệp chế biến thực phẩm (1.030 triệu đồng), đóng đồ gỗ (856 triệu đồng).

Thương mại và dịch vụ cũng có tiến trình phát triển tương tự. Xưa kia, người Hrê và người Kinh đã tiến hành trao đổi, mua bán các mặt hàng thiết yếu cho mình. Chợ phiên ở châu lỵ Minh Long, chợ phiên Tam Bảo trên đất Nghĩa Hành là điểm tập trung mua bán của đồng bào các dân tộc chung quanh. Hai chợ phiên này xưa kia họp chênh nhau một ngày, mục đích là để người buôn từ hai chợ có điều kiện lưu thông hàng hóa được thuận tiện, nhanh chóng. Người Hrê thường cõng hàng đến bán ở chợ phiên Minh Long. Người buôn mua ở chợ này rồi gánh về chợ Tam Bảo để bán. Bước sang thời hiện đại, song song với sự phát triển sản xuất, việc buôn bán cũng được đẩy mạnh. Ở huyện lỵ Minh Long có chợ và nhiều cửa hàng tiến hành buôn bán, trao đổi hàng hóa. Ở các xã trong huyện cũng có chợ, có gia đình chuyên sống bằng nghề buôn; việc mua bán hàng hóa ngày càng thuận tiện. Các loại dịch vụ cho sinh hoạt và sản xuất ngày càng nhiều, càng phong phú. Khu du lịch Thác Trắng đang được xây dựng và đưa vào khai thác. Năm 2005, Minh Long có 332 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ cá thể với 365 lao động, trong đó địa hạt xã Long Hiệp chiếm phần lớn với 235 cơ sở và 260 lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là 9.658 triệu đồng.

Về cơ sở hạ tầng

Đường sá: Đường từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi đến Minh Long khoảng 30km, có qua ba dốc thấp, là dốc Đẳng, dốc Dài, dốc Dăm. Từ huyện lỵ Minh Long có tuyến đường ôtô dẫn về trung tâm các xã, các đường liên xã trong huyện và nối với các xã của các huyện lân cận cũng được xây dựng. Đường sá khá thuận tiện, nhân dân nhiều người đã sắm xe máy để đi. Phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách cũng theo đó mà phát triển. Riêng về vận tải hành khách, hằng ngày có các chuyến xe đò nối Minh Long với tỉnh lỵ Quảng Ngãi.

Điện: Minh Long bắt đầu xây dựng mạng lưới điện từ năm 1991, có các trạm hạ thế để phục vụ điện cho sinh hoạt và sản xuất. Huyện lỵ và các xã trong huyện đều đã có mạng lưới điện quốc gia kéo về, có tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tính đến năm 2004, có 80% tổng số hộ dân trong huyện dùng điện. Tuy vậy, đường dây chưa chuẩn, chất lượng dùng nói chung còn kém.

Bưu điện: Ở huyện nay đã có bưu cục trung tâm huyện. Các xã đều có máy điện thoại để liên lạc, có 4 nhà bưu điện văn hóa xã. Tổng số máy điện thoại tăng từ 199 máy năm 1998 lên 430 máy năm 2004, 516 máy năm 2005, trong tổng đài có dung lượng 620 số. Việc liên lạc khá thuận tiện, tuy nhiên doanh thu của ngành bưu điện còn khá thấp (173,1 triệu đồng năm 2005), trong đó chủ yếu là thu từ dịch vụ điện chính (97,5 triệu đồng).

Trường học: Đã dần dần ngói hóa, tầng hóa các trường ở huyện và các xã.

Trạm y tế: Trung tâm y tế huyện và các trạm xá xã đều đã được xây dựng.

Kinh tế Minh Long có sự vận động đi lên theo thời gian, đời sống của nhân dân trong huyện đã có một bước tiến dài so với trước. Đã có trên 70% số nhà ở tại Minh Long là nhà ngói. Tuy nhiên, phát triển công, thương nghiệp còn chậm, do điều kiện chưa thật thuận lợi và chưa có sự đầu tư đúng mức.

*
*          *

Minh Long có những di sản văn hóa quý báu. Trong văn hóa tộc người, Minh Long có di sản văn hóa tộc người Hrê và người Kinh, trong mối giao lưu, giao thoa của nó. Văn hóa người Hrê ở Minh Long là một bộ phận của văn hóa tộc người Hrê nói chung. Trong các truyện cổ tích Hrê ở đây có những truyền thuyết về Thạch Bích, về núi Mum, về Thác Trắng là những núi cao hùng vĩ và cảnh đẹp ở Minh Long. Truyền thuyết núi Mum kể về sự hình thành dân tộc Hrê. Một phần các truyện cổ Hrê trước đây đã được sưu tầm, dịch ra tiếng Việt. Người Hrê ở Minh Long cũng có nhà sàn với lối kiến trúc độc đáo, các tri thức cổ truyền về sản xuất cây lúa, cây chè, về dẫn thuỷ nhập điền, về chữa bệnh, về cây thuốc cho đến nay chưa được chú ý khai thác. Người Hrê ở Minh Long chủ yếu dùng nhạc cụ chiêng (mua của miền xuôi) và tự tạo các nhạc cụ dân tộc khác là chinh kla, kloong pút, ra ngói và một số nhạc cụ dân gian khác. Người Hrê thích chơi đàn, múa hát, có điệu hát ca lêu, ca choi, có lễ hội về nhà mới, ăn lúa mới, đâm trâu. Xưa kia làng Hrê được rào xung quanh, mỗi làng có một luật tục riêng. Trong văn hóa Hrê vùng Minh Long với các vùng khác như Sơn Hà, Ba Tơ không mấy khác biệt, chỉ là yếu tố địa phương hóa, các địa danh…Với văn hóa Việt ở Minh Long và các vùng lân cận, văn hóa Hrê ở đây cũng có sự giao thoa, tiếp nhận và lưu lại những dấu ấn nhất định. Minh Long có những di tích, thắng cảnh đáng chú ý như di tích chiến thắng Minh Long, thắng cảnh Thác Trắng (đều đã xếp hạng di tích cấp tỉnh).

 Ở Minh Long cũng như các huyện miền núi khác trong tỉnh Quảng Ngãi, việc xây dựng văn hóa mới là một nhu cầu, đồng thời cũng là một nhiệm vụ. Việc xây dựng văn hóa mới có từ Cách mạng tháng Tám 1945, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên trong 30 năm tiếp đó, đồng bào ở đây vẫn sống theo nếp sống cổ truyền, chưa có sự chuyển biến một cách căn bản. Từ năm 1975 về sau, với chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước, với điều kiện giao lưu rộng rãi, với sự bùng nổ thông tin và có điện, có điện thoại, nên văn hóa mới ngày càng có tác động mạnh đến cuộc sống của người dân Minh Long. Ở huyện lỵ có đài truyền thanh huyện, ở các xã có đài truyền thanh xã. Việc thông tin tuyên truyền còn có đội thông tin lưu động, các đội chiếu bóng, các bảng tin, panô, áp phích. Rất nhiều hộ gia đình đã có máy thu thanh, máy thu hình, viđêô để xem, đã hạn chế tình trạng đói thông tin thuở trước. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một phương diện quan trọng trong văn hóa mới. Ở Minh Long, một mặt người dân lưu giữ và phát huy tinh hoa văn hóa cổ truyền, mặt khác xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu trong sinh hoạt và sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa mới, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển. Một số làng ở Minh Long đã xây dựng làng văn hóa khá tốt, như làng Dục Ái (xã Long Hiệp), làng Trê (xã Long Môn), làng Hinh (xã Thanh An). Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng đã hình thành và phát triển ngày càng rộng khắp.

Về giáo dục

Nhìn chung trong lịch sử, giáo dục ở Minh Long có phần phát triển muộn so với các huyện đồng bằng. Trước năm 1945, ở châu lỵ Minh Long chỉ có một lớp yếu lược với tổng cộng không đến 10 người đậu bằng Tiểu học trở xuống. Tuyệt đại đa số nhân dân mù chữ. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, việc giáo dục mới dần dần phát triển. Cho đến năm 2005, Minh Long có tổng số 12 trường học, trong đó có 6 trường Tiểu học ở 5 xã, 5 trường Trung học cơ sở (có 1 trường dân tộc nội trú), 1 trường Trung học phổ thông, 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên với tổng số 161 lớp học, gần 3.450 học sinh. Có những người con của dân tộc Hrê ở Minh Long đã trưởng thành dưới mái trường cách mạng, tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về xây dựng quê hương và công tác trong ngoài tỉnh...

Về y tế, một thời gian dài trong lịch sử, người dân Minh Long chữa bệnh theo kinh nghiệm và các bài thuốc dân gian của dân tộc Hrêdân tộc Kinh. Y học hiện đại mãi sau này mới lan tới. Đến năm 2005, ở huyện lỵ có Trung tâm y tế huyện với 30 gường bệnh, ở các xã đều có trạm y tế. Toàn huyện có 10 bác sĩ, 22 y sĩ. Chỉ mới trạm y tế xã Long Sơn là có bác sĩ.

Về xã hội, Minh Long vấn đề xã hội lớn nhất là vấn đề nghèo đói (vẫn còn 25,43% hộ nghèo tính đến năm 2004, theo chuẩn cũ)


(1) Theo Niên giám Thống kê tỉnh Quảng Ngãi 2005.
(2) Nguồn: Niên giám thống kê huyện Minh Long.
(3) Nguồn: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Minh Long (nhiệm kỳ 2001 - 2005).
 

Về Đầu trang