THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI VÀ CÁC HUYỆN TRONG TỈNH
----------------------------
 

 

HUYỆN SƠN HÀ

SƠN HÀ là huyện miền núi ở phía tây tỉnh Quảng Ngãi. Phía đông giáp các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Minh Long; phía tây giáp huyện Sơn Tây; phía nam giáp huyện Ba Tơ và tỉnh Kon Tum; phía bắc giáp các huyện Trà BồngTây Trà. Diện tích 750,31km2. Dân số 65.937 người (năm 2005). Mật độ dân số khoảng 88 người/km2(1). Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 13 xã, đều lấy chữ Sơn làm đầu (Sơn Trung, Sơn Thượng, Sơn Bao, Sơn Thành, Sơn Hạ, Sơn Nham, Sơn Giang, Sơn Linh, Sơn Cao, Sơn Hải, Sơn Thuỷ, Sơn Kỳ, Sơn Ba), 1 thị trấn (Di Lăng huyện lỵ, nguyên là xã Sơn Lăng), với 77 thôn và tổ dân phố; trong đó:

Xã Sơn Trung có 6 thôn: Tà Màu, Gò Rộc, Làng Nà, Làng Rin, Làng Đèo, Gia Ri;

Xã Sơn Thượng có 5 thôn: Nước Năm, Gò Ren, Tà Ba, Làng Vố, Làng Nưa;

Xã Sơn Bao có 6 thôn, tên gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 6: thôn 1 (Nước Bao), thôn 2 (Mò O), thôn 3 (Mang Kmuồng), thôn 4 (Tà Lương), thôn 5 (Pó Rang), thôn 6 (Làng Mùng);

Xã Sơn Thành có 5 thôn: Gò Ra, Nước Chu, Hà Thành, Gò Rin, Gò Gạo;

Xã Sơn Hạ có 5 thôn: Cà Tu, Đèo Gió, Trường Khay, Hà Bắc, Đèo Rơn;

Xã Sơn Nham có 5 thôn: Bàu Sơn, Cận Sơn, Xà Riêng, Xà Nay, Chàm Rao;

Xã Sơn Giang có 6 thôn: Đèo Đinh, Làng Rê, Gò Ngoài, Đồng Giang, Làng Lùng, Làng Rí;

Xã Sơn Linh có 5 thôn, tên gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 5: thôn 1 (Gò Da), thôn 2 (Làng Ghè), thôn 3 (Bồ Nung), thôn 4 (Ca La), thôn 5 (Làng Xinh);

Xã Sơn Cao có 5 thôn, tên gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 5: thôn 1 (Xà Ây), thôn 2 (Làng Gung), thôn 3 (Làng Mon), thôn 4 (Làng Trăng), thôn 5 (Làng Trá);

Xã Sơn Hải có 4 thôn: Tà Bía, Tà Mát, Gò Sim, Làng Lành;

Xã Sơn Thuỷ có 4 thôn, tên gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 4: thôn 1 (Tà Bi), thôn 2 (Tà Bần), thôn 3 (Tà Cơm), thôn 4 (Làng Rào);

Xã Sơn Kỳ có 7 thôn: Làng Riềng, Làng Rút, Làng Rê, Tà Gâm, Làng Trăng, Bồ Nung, Nước Lát;

Xã Sơn Ba có 5 thôn: Tà Gâm, Di Ôi, Làng Già, Mò O, Làng Bưng, Di Hoăn;

Thị trấn Di Lăng có 8 tổ dân số (tương đương thôn): Cà Đáo, Nước Nia, Làng Bồ, Gò Dép, Di Lăng, Hàng Gòn, nước Bung, Làng Dầu.

Từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi đến thị trấn Di Lăng 55km. Từ thị trấn Di Lăng đi huyện lỵ Sơn Tây 30km, Ba Tiêu - Ba Tơ 42km, Trà Phong (huyện lỵ Tây Trà) 35km, Trà Xuân (huyện lỵ Trà Bồng) 40km.

Sơn Hà là huyện có tiềm năng kinh tế nông, lâm nghiệp khá phong phú, đã và đang được khai thác để phát triển. Tuy nhiên, tiềm lực kinh tế của huyện còn nhiều hạn chế, đời sống của nhân dân còn thấp.

*
*          *

Về hành chính, huyện Sơn Hà nguyên xưa kia là nguồn Cù Bà, một trong bốn nguồn của tỉnh Quảng Ngãi. Đời Minh Mạng, nguồn Cù Bà đổi là nguồn Thanh Cù. Năm 1915, nguồn Thanh Cù đổi thành đồn Sơn Hà. Đồn Sơn Hà được chia thành 5 tổng: Sơn Hạ, Sơn Trung, Sơn Thượng, Sơn Nham, Sơn Thạch, với 47 sách (làng). Lỵ sở của Sơn Hà lúc này đóng ở Hà Thành (nay thuộc xã Sơn Thành). Còn Di Lăng (sau này là huyện lỵ) chỉ là căng an trí, nơi lưu đày phạm nhân.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng đổi là huyện Sơn Hà, cấp tổng được bãi bỏ, các xã mới được hình thành với 15 xã, đều lấy chữ Sơn làm đầu: Sơn Tinh, Sơn Liên, Sơn Hiệp, Sơn Thượng, Sơn Thọ, Sơn Tân, Sơn Trung, Sơn Kỳ, Sơn Thuỷ, Sơn Thành, Sơn Hạ, Sơn Nham, Sơn Linh, Sơn Giang, Sơn Cao. Từ năm 1952, 15 xã lại chia thành 28 xã: Sơn Hạ, Sơn Nam, Sơn Tong (thuộc Sơn Hạ cũ), Sơn Thành, Sơn Kim (Sơn Thành cũ), Sơn Trung, Sơn Lăng (Sơn Trung cũ), Sơn Thượng, Sơn Mùng (Sơn Thượng cũ), Sơn Linh, Sơn Đông (Sơn Linh cũ), Sơn Thuỷ, Sơn Hải (Sơn Thuỷ cũ), Sơn Kỳ, Sơn Ba (Sơn Kỳ cũ), Sơn Tinh, Sơn Dung, Sơn Màu, Sơn Long (Sơn Tinh cũ), Sơn Liên, Sơn Mùa, Sơn Bao (Sơn Liên cũ), Sơn Hiệp, Sơn Thọ, Sơn Tân, Sơn Cao, Sơn Giang, Sơn Nham (giữ nguyên). Huyện lúc này bao gồm cả huyện Sơn Tây và một phần các huyện Tây Trà, Trà Bồng ngày nay. Đầu năm 1954, tỉnh Kon Tum giao thêm xã Sơn Bua; giữa năm 1954 thành lập thêm xã Sơn Lập, Sơn Bùi. Huyện Sơn Hà lúc này có đến 31 xã.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hành chính huyện Sơn Hà có sự thay đổi. Sau khi tiếp quản một thời gian, từ giữa năm 1958, chính quyền Sài Gòn đồng loạt đổi huyện thành quận. Quận Sơn Hà được thành lập và đổi tên các xã, lấy chữ Hà làm đầu: Hà Trung, Hà Lâm, Hà Bắc, Hà Thành, Hà Thạch, Hà Long, Hà Tây, Hà Đông, Hà Châu, Hà Nam, Hà Thượng, Hà Khê. Quận lỵ đóng ở Hà Trung (nay là xã Sơn Giang). Nhưng chính quyền Sài Gòn quản lý chưa lâu thì phong trào cách mạng ở Sơn Hà đã phát triển. Một phần huyện Sơn Hà trở thành vùng căn cứ địa của cách mạng. Việc hoạch định lại các đơn vị hành chính là một yêu cầu cấp bách trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Năm 1955, các xã Sơn Hiệp, Sơn Thọ, Sơn Bùi nhập về huyện Trà Bồng. Tháng 7.1957, các xã Sơn Kỳ, Sơn Ba nhập với 9 xã của huyện Ba Tơ thành khu VI (sau đổi là huyện Sông Rhe). 9 xã khu tây là Sơn Tinh, Sơn Màu, Sơn Dung, Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Bua, Sơn Mùa, Sơn Bao, Sơn Lập thành lập khu VII (sau gọi là huyện Sơn Tây); các xã còn lại của huyện hợp thành khu III (sau gọi là huyện Sơn Hà).

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, năm 1976 huyện Sơn Tây và hai xã Sơn Kỳ, Sơn Ba nhập lại về Sơn Hà; và sau khi tách nhập một số xã, huyện Sơn Hà có 16 xã: Sơn Mùa, Sơn Tân, Sơn Bao, Sơn Dung, Sơn Tinh, Sơn Lăng, Sơn Thượng, Sơn Thuỷ, Sơn Kỳ, Sơn Ba, Sơn Thành, Sơn Giang, Sơn Linh, Sơn Cao, Sơn Hạ, Sơn Nham.

Năm 1994, bốn xã phía tây huyện là Sơn Mùa, Sơn Tinh, Sơn Tân, Sơn Dung được tách ra hình thành huyện Sơn Tây. Huyện Sơn Hà còn 12 xã. Năm 1998, xã Sơn Lăng tách lập thành thị trấn Di Lăng và xã Sơn Trung; xã Sơn Thuỷ tách lập thành 2 xã Sơn Thuỷ, Sơn Hải. Huyện Sơn Hà có 14 xã, thị trấn (như đã kể ở phần đầu).

Về tự nhiên, Sơn Hà là huyện có diện tích tự nhiên rộng thứ hai trong tỉnh Quảng Ngãi (chỉ sau huyện Ba Tơ). Địa bàn Sơn Hà trải rộng, đồi núi, sông suối chằng chịt, chia cắt bạo biệt; độ cao trung bình 500 - 1000m so với mặt nước biển.

Núi rừng: Chiếm hầu hết diện tích tự nhiên của toàn huyện. Phía đông có ngọn Thạch Bích (Đá Vách) giáp giới với huyện Tư Nghĩa, phía nam tiếp liền với dãy Cao Muôn (Ba Tơ), núi Mum (Minh Long), phía bắc tiếp liền với các núi cao ở các huyện Trà BồngTây Trà, phía tây là các khối núi cao giáp với huyện Sơn Tây. Rừng núi Sơn Hà có các loại gỗ quý như lim, sơn, chò, nhiều loại thú như hổ, nai, trăn, nhiều mật ong, song mây.

Sông suối: Sơn Hà có mạng lưới sông suối chằng chịt, lớn nhất là các sông: sông Rhe, sông Rinh, sông Xà Lò, sông Tang. Sông Rhe từ phía Nam (Ba Tơ) chảy ra, hợp với sông Rinh, sông Xà Lò ở khu vực Hải Giá, chảy về phía đông, là đầu nguồn của sông Trà Khúc lớn nhất trong tỉnh Quảng Ngãi. Sông suối ở Sơn Hà có nhiều loại cá, ốc, đặc biệt có đặc sản cá niêng nổi tiếng. Các sông suối là nguồn nước quan trọng và còn chứa tiềm năng về thuỷ lợi, thuỷ điện nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Các sông ở đây đều có lòng sông đào sâu, khuất khúc, lòng sông dốc, nước chảy xiết, nên thường gây lũ lớn về mùa mưa và dễ khô kiệt về mùa nắng.

Đồng bằng: Nằm dọc theo thung lũng các sông, đất đai khá màu mỡ, như đồng bằng dọc sông Rhe chảy qua các xã Sơn Ba, Sơn Kỳ, Sơn Thuỷ, Sơn Hải, Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Nham, Sơn Hạ. Đồng bằng thường có các cánh đồng lúa, hoặc trồng các loại hoa màu.

Khoáng sản: Rải rác trong các xã ở Sơn Hà có vàng sa khoáng, đá vôi, cao lanh, suối khoáng.

Nhìn chung, đất đai ở Sơn Hà khá tốt. Các vùng thung lũng nhiều nơi tương đối thoáng rộng, được cư dân trong vùng khai phá thành đất canh tác từ lâu đời. Đất đai tốt nhất là ở các làng Tà Bần, Tà Bi xã Sơn Thủy, Làng Rút xã Sơn Kỳ.

Quá trình khai thác, phát triển đất đai ở Sơn Hà nói chung đã diễn ra nhiều đời, trong khắp huyện. Tình hình sử dụng đất vào năm 2005 như sau: 1) Đất nông nghiệp 19.227,57ha; 2) Đất lâm nghiệp 36.081,43ha; 3) Đất chuyên dùng 1.003,07ha; 4) Đất khu dân cư 628,27ha; 5) Đất chưa sử dụng 16.325,70ha.

Khí hậu: Tương tự như khí hậu các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi. Mùa mưa hay đến sớm hơn các huyện đồng bằng và lượng mưa khá lớn. Khí hậu lúc bình thường ở Sơn Hà khá dễ chịu. Tuy nhiên, Sơn Hà là nơi có "ngã ba sông", nơi tiếp giáp giữa 3 nguồn nước lớn là sông Rhe, sông Rinh và sông Xà Lò, nên về mùa mưa thường xảy ra lụt lớn. Vùng Sơn Ba, Sơn Cao đến Sơn Kỳ thường có hiện tượng xảy ra lốc lớn, tốc mái nhà. Lụt nặng nhất thường là ở thị trấn Di Lăng và xã Sơn Giang.

Về dân cư, Sơn Hà có cư dân chủ yếu là dân tộc Hrê, dân tộc Kinh, dân tộc Ca Dong, một ít người dân tộc Cor và các dân tộc khác. Diễn tiến dân số phát triển khá mạnh, trong vòng 30 năm từ 1975 đến 2005, dân số Sơn Hà tăng gấp đôi (từ 32.737 lên 65.937 người - chưa kể huyện Sơn Tây tách lập từ năm 1994). Mật độ dân số ở Sơn Hà là 88 người/km2, cao nhất trong các huyện miền núi, nhưng thấp hơn nhiều so với các huyện đồng bằng Quảng Ngãi.

Tình hình diện tích đất, dân số, mật độ dân số của 14 xã, thị trấn ở Sơn Hà năm 2005 như sau: 

TT

Xã, thị trấn

Diện tích
(km2)

Dân số
(người)

Mật độ dân số (người/km2)

1

Di Lăng

56,92

8.881

156

2

Sơn Trung

23,94

2.811

117

3

Sơn Thượng

45,00

3.665

81

4

Sơn Bao

68,45

3.425

50

5

Sơn Thành

48,52

6.745

139

6

Sơn Hạ

39,02

7.925

203

7

Sơn Nham

59,96

3.659

61

8

Sơn Giang

26,15

3.910

150

9

Sơn Linh

82,37

4.032

49

10

Sơn Cao

40,73

4.348

107

11

Sơn Hải

24,66

2.603

106

12

Sơn Thủy

44,23

4.276

97

13

Sơn Kỳ

145,38

5.908

41

14

Sơn Ba

44,98

3.752

83

 

Xét trong nội hạt thì mật độ dân số chênh lệch không cao lắm giữa các xã, thị trấn. Cao nhất là xã Sơn Hạ, nơi có đông người Kinh sinh sống (203 người/km2), có nơi tập trung buôn bán dịch vụ, thấp nhất là xã Sơn Kỳ (41 người/km2). Có 7 xã, thị trấn có mật độ dân số trên 100 người/km2, có 7 xã mật độ từ 40 - 100 người/km2.

Trong tổng số dân 65.937 người có đến 54.434 người dân tộc Hrê. Đến 31.12.2005, ở Sơn Hà, tính theo dân tộc có: 1) dân tộc Hrê 54.434 người, cư trú ở khắp các địa phương trong huyện, nhưng đông nhất là ở xã Sơn Hạ (6.447 người), kế đến là Sơn Kỳ (5.474 người), thị trấn Di Lăng (4.607 người), Sơn Thành (4.930 người), Sơn Cao (4.126 người), xã ít nhất là Sơn Hải cũng có đến 2.343 người; 2) dân tộc Kinh 11.331 người, cư trú ở khắp các xã, đông nhất là ở thị trấn Di Lăng (3.777 người), xã Sơn Thành (1.840 người), xã Sơn Hạ (1.472 người), xã ít nhất là Sơn Ba (182 người); 3) Dân tộc Ca Dong 327 người, cư trú chủ yếu ở thị trấn Di Lăng (218 người); 4) Dân tộc Cor 161 người, chủ yếu ở Di Lăng (141 người). Ngoài ra, còn có các dân tộc khác và khách vãng lai.

Đồng bào dân tộc Hrê ở Sơn Hà chủ yếu làm ruộng nước, nương rẫy, còn lưu giữ được những di sản văn hóa dân tộc quý báu. dân tộc Kinh cư trú chủ yếu ở huyện lỵ và các xã phía đông huyện, có đặc điểm chung của người Kinh và có sự giao lưu, giao thoa văn hóa với các dân tộc anh em trong huyện. Dân tộc Ca Dong có đặc điểm chung với người Ca Dong ở huyện Sơn Tây. Các dân tộc anh em ở Sơn Hà sống đoàn kết, tương trợ nhau, có lúc đã vượt qua thử thách lớn lao đối phó với chính sách chia rẽ dân tộc của bọn thực dân để cùng thắt chặt tình nghĩa anh em.

*
*          *

Ngược dòng lịch sử, nhân dân Sơn Hà có truyền thống yêu nước từ rất sớm. Đó là các cuộc nổi dậy chống lại ách áp bức, bóc lột của quan quân chúa Nguyễn, chống lại quan quân phong kiến triều Nguyễn và chống lại thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân vùng Sơn Hà cũng từng tham gia cuộc khởi nghĩa Đă Boăk King và Boăk Xuân hưởng ứng phong trào nông dân Tây Sơn; tham gia phong trào chống càn quét, chống sưu thuế của thực dân, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và tham gia phong trào "Nước Xu đỏ" với các dân tộc anh em ở Bắc Tây Nguyên trong những năm 1937 - 1938.

Phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam dần dần thâm nhập vào nhân dân, qua hoạt động của cán bộ cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, nhất là trong Cách mạng tháng Tám 1945, khi đội du kích Ba Tơ do các đồng chí Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt chỉ huy đánh chiếm đồn Di Lăng từ tay thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, năm 1946, tổ chức Đảng đã được thành lập, nhân dân Sơn Hà nỗ lực xây dựng chính quyền cách mạng và đóng góp cho kháng chiến. Thực dân Pháp chiếm thị xã Kon Tum và từ cao nguyên đánh xuống. Lợi dụng một số sai lầm của cán bộ cách mạng, địch dùng bọn tay sai kích động, gây nên vụ phiến loạn Sơn Hà năm 1950. Đảng bộ và nhân dân Sơn Hà đã cùng với tỉnh dập tắt vụ bạo loạn, ổn định tình hình, góp phần giữ vững vùng tự do Liên khu V.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sơn Hà nằm trong vùng căn cứ địa của cuộc kháng chiến, nhân dân Sơn Hà tạo lập được nhiều chiến công, kiên cường chiến đấu và đóng góp nhiều nhân tài vật lực cho kháng chiến. Toàn huyện giải phóng ngày 17.3.1975.

Qua các cuộc kháng chiến, quân và dân Sơn Hà, quân và dân 4 xã Sơn Thành, Sơn Lăng, Sơn Kỳ, Sơn Thuỷ, 4 cá nhân là Đinh Banh, Đinh Tía, Đinh Kméo, Đinh Nghít của huyện đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

*
*          *

Cũng như nhiều huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi, kinh tế Sơn Hà là kinh tế nông nghiệp. Năm 2005, trong tổng số 33.678 lao động đang làm việc của toàn huyện, có đến gần 30.146 lao động nông, lâm nghiệp, chỉ có 18 lao động thủy sản.

Nghề nông là nghề sinh sống chính của nhân dân Sơn Hà xưa nay. Kinh tế nông nghiệp ở Sơn Hà xưa mang nặng tính tự túc tự cấp, nay đã có sự chuyển biến đáng kể, nhưng dấu ấn xưa vẫn còn rất rõ. Ngày nay, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ ở Sơn Hà đã hình thành và phát triển, nhưng nhìn chung còn chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế.

Nông nghiệp

Xưa kia, bà con các dân tộc Sơn Hà canh tác nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ, nhất là trong việc làm lúa nước. Tuy vậy, đời sống của nhân dân vẫn rất thấp do các tập quán lạc hậu và do chính sách áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân. Sau năm 1975, nông nghiệp đã phát triển mạnh. Diện tích canh tác lúa được mở rộng. Đồng lúa ven sông Rhe từ xưa đã được ghi nhận là một đồng lúa đẹp mắt với trình độ canh tác khá cao của bà con Hrê. Ở vùng thấp, người Kinh cũng có trình độ thâm canh lúa khá phát triển. Ở vùng cao, bà con người Ca Dong, người Cor có khó khăn hơn. Trong nông nghiệp, ở Sơn Hà xưa nay thì cây lúa vẫn chiếm vị trí hàng đầu và có sự phát triển theo thời gian.

Cùng với việc mở rộng diện tích, làm thuỷ lợi, thâm canh tăng năng suất, trong vòng 30 năm, từ 1975 đến 2005, sản lượng lương thực có hạt cũng như bình quân lương thực đầu người ở Sơn Hà đều tăng cao, như bảng sau đây(2): 

Năm

Chỉ số

1975

1985

1995(3)

2000

2005

Sản lượng (tấn)

5.039

16.076

11.262

16.224

18.741

Bình quân lương thực đầu người hằng năm (kg)

153,9

304,1

198,8

265,3

284,2

 

Trừ năm 1995, sản lượng lương thực và bình quân lương thực đầu người đều đột ngột giảm do tách lập huyện Sơn Tây và do mất mùa, các chỉ số trên đều khả dĩ phản ảnh trung thực sự phát triển. Bình quân lương thực đầu người ở Sơn Hà năm 1985 là cao nhất có thể do dân số còn ít và lúc này nông nghiệp tập trung chủ yếu vào cây lương thực. Sản lượng lương thực bình quân đầu người năm 2005 cao nhất là xã Sơn Ba (376kg), kế đến là xã Sơn Thành (347kg), xã Sơn Hạ (338kg), xã Sơn Thủy (330kg), thấp nhất là thị trấn Di Lăng (120kg) không hoàn toàn chuyên nông nghiệp. Trong thành phần lương thực thì lúa chiếm đa số tuyệt đối, ngô chỉ là một phần phụ. Ngoài lúa và ngô, Sơn Hà là nơi trồng khá nhiều sắn, mía làm nguyên liệu cho công nghiệp và chăn nuôi. Trong những năm gần đây, do giá cả không ổn định, cây mía có xu hướng giảm nhanh. Ngược lại, cây mì (sắn) có xu hướng tăng mạnh do có Nhà máy tinh bột mỳ Sơn Hải đóng ngay trên địa bàn huyện, có nhu cầu thu mua lớn. Mì trồng ở Sơn Hà năm 2005 nhiều nhất so với các huyện trong tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt đã dẫn đến việc phá rừng trồng mì khá phức tạp, gây tác hại môi trường.

Chỉ số về các loại cây trồng chính ở Sơn Hà năm 2005 như sau: 

TT

Cây trồng

Diện tích canh tác (ha)

Sản lượng (tấn)

Năng suất (tạ/ha)

1

Lúa

5.616

18.459

32,9

2

Ngô

166

282

17,0

3

Sắn

2.987

43.204

144,6

4

Mía

830

37.226

448,5

5

Lạc

278

436

15,7

6

Đậu các loại

142

107

7,5

7

Rau các loại

186

1.694

91,1

Lúa trồng nhiều nhất ở các xã Sơn Hạ (diện tích 797ha, sản lượng 2.661,3 tấn), Sơn Thành (690ha, 2.330,2 tấn), Sơn Kỳ (548ha, 1.796,1 tấn), ít nhất ở xã Sơn Hải (225,9ha, 731,1 tấn). Năng suất lúa giữa các xã, thị trấn chênh lệch không đáng kể.

Ngô trồng nhiều nhất ở các xã Sơn Nham (23,5ha, 41,7 tấn), Sơn Bao (18,5ha, 30,8 tấn).

Sắn trồng nhiều nhất ở các xã Sơn Cao (385ha, 5.621 tấn), xã Sơn Hải (250ha, 3.707 tấn), ít nhất là ở xã Sơn Ba cũng có đến 145ha với 2.073,5 tấn.

Mía trồng nhiều nhất ở các xã Sơn Hạ (409ha, 17.820 tấn), Sơn Thành (250ha, 11.450 tấn), hai xã này nằm ở vùng thấp của huyện và có nhiều người Kinh sinh sống. Các xã hầu như không trồng mía là Sơn Thủy, Sơn Kỳ, Sơn Ba, Sơn Bao.

Lạc trồng nhiều nhất ở các xã Sơn Thủy (97ha, 153,4 tấn), Sơn Nham (34ha, 54 tấn), Sơn Thượng (31,5ha, 50,4 tấn), ít nhất ở Sơn Trung chỉ 1,5ha với sản lượng 2,3 tấn.

Rau các loại, đậu các loại ở các xã, thị trấn có chênh lệch nhau nhưng không quá cao.

Về vật nuôi, nuôi trâu, heo, gà là nghề truyền thống. Trâu là vật nuôi truyền thống từ lâu đời của đồng bào dân tộc Hrê. Đàn trâu ở Sơn Hà rất đáng kể, tính trong toàn tỉnh thì chỉ xếp sau huyện Ba Tơ về số lượng. Đàn trâu Sơn Hà năm 2005 có 10.392 con, cùng với đàn trâu huyện Ba Tơ (17.862 con) chiếm tỉ lệ cao tuyệt đối so với các huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi (với tổng số 48.283 con). Trâu được nuôi nhiều nhất ở xã Sơn Hạ (1.248 con), xã Sơn Thủy (1.187 con), thấp nhất là xã Sơn Bao cũng có đến 314 con. Các xã có khá nhiều trâu là Sơn Thành (920 con), Sơn Kỳ (912 con), Sơn Ba (824 con), Sơn Trung (810 con). Đàn bò ở Sơn Hà xưa chủ yếu ở vùng thấp và phổ biến trong người Kinh, nay phát triển ở khắp nơi trong huyện với các hộ đồng bào Hrê. Từ 1975 đến 2005, số lượng bò tăng khá nhanh, cứ năm năm tăng trung bình 3.000 con (từ 1.788 con năm 1975 lên 20.378 con năm 2005), cao nhất trong các huyện miền núi ở Quảng Ngãi. Bò nuôi nhiều nhất ở xã Sơn Thành (2.092 con), Sơn Hạ (1.981 con), Sơn Giang (1.784 con), xã ít nhất là Sơn Hải cũng có đến 785 con. Chăn nuôi heo cũng phát triển với trên 32.187 con năm 2005. Heo nuôi nhiều nhất ở xã Sơn Thành, thị trấn Di Lăng, xã Sơn Hạ.

Công tác thuỷ lợi ở Sơn Hà luôn được coi trọng. Xưa kia, bà con Sơn Hà dựa vào nguồn nước tự nhiên và dẫn thuỷ nhập điền theo phương pháp thủ công (đắp đập bổi bằng đá, tre), hiệu quả thấp, không chủ động được nguồn nước. Từ sau năm 1975, có 29 công trình thuỷ lợi được xây dựng, có những công trình lớn như hồ chứa nước Di Lăng, đập Prinh (Sơn Linh), đập dâng nước Lác (Sơn Kỳ), diện tích tưới bằng công trình kiên cố đạt 1/2 diện tích canh tác. Điều đáng chú ý là, trên địa hình bị chia cắt bởi nhiều núi đồi, sông suối, thuỷ lợi ở Sơn Hà chỉ có thể giải quyết bằng các công trình quy mô nhỏ. Các công trình đã thực hiện đều chỉ có năng lực tưới phổ biến 10 - 25ha diện tích canh tác. Xây dựng công trình thuỷ lợi quy mô lớn là không thể, nhưng nếu quá nhỏ cũng sẽ không đạt hiệu quả cao. Sơn Hà là huyện có diện tích canh tác lúa khá rộng nên huyện không có chủ trương khai hoang, chỉ tập trung làm công tác thủy lợi, tăng chất lượng, tăng năng suất các vật nuôi, cây trồng trên diện tích đã có. Có nhiều trường hợp trồng lúa không bảo đảm về nguồn nước tưới nên cần phải chuyển đổi sang cây trồng khác, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.

Giá trị sản xuất nông nghiệp của Sơn Hà năm 2005 là 124.612,4 triệu đồng, trong đó trồng trọt là 86.282,8 triệu đồng, chăn nuôi 38.329,6 triệu đồng theo giá hiện hành.

Lâm nghiệp

Nghề rừng là một hoạt động không thể thiếu từ xưa đến nay của nhân dân Sơn Hà. Bên cạnh trồng lúa và chăn nuôi, người dân Sơn Hà còn vào rừng lấy cây làm nhà, lấy củi đun, săn bắn, hái lượm, lấy mật ong... Từ sau năm 1975, vấn đề khoanh nuôi và trồng rừng đặt ra như một nhu cầu cấp bách sau một thời gian dài rừng ở Sơn Hà bị tàn phá nặng do chiến tranh và con người. Sơn Hà khoanh nuôi 19.500ha rừng tự nhiên, trồng 6.296ha rừng phòng hộ và rừng nguyên liệu, nâng độ che phủ của rừng lên gần 40%. Tình trạng phá rừng trái phép vẫn diễn ra, nhằm mục đích lấy gỗ hoặc lấy đất trồng sắn (mì) cung cấp cho Nhà máy sản xuất tinh bột mì Sơn Hải. Về rừng trồng, Sơn Hà trồng nhiều cây keo lai là cây có xu hướng phát triển về lâu dài để xuất khẩu, trồng và khai thác tre, nứa, lồ ô để làm nguyên liệu chế biến bột giấy. Giá trị sản xuất lâm nghiệp của Sơn Hà năm 2005 là 12.118,5 triệu đồng theo giá hiện hành.

Về tiểu thủ công nghiệp, xưa kia bà con dân tộc Hrê, Ca Dong chủ yếu đan lát các vật dụng để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của mình. Bà con dân tộc Kinh ở vùng thấp thường có một số nghề thủ công thông dụng như mộc, rèn. Trên địa bàn huyện chưa có cơ sở công nghiệp nào. Từ năm 1975 trở về sau, một số cơ sở công nghiệp đã mọc lên, đáng chú ý có cụm công nghiệp Sơn Hải, cụm công nghiệp Sơn Thượng, nhà máy sản xuất tinh bột mì Sơn Hải và nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp tư nhân khác. Tuy nhiên, nhìn chung công nghiệp ở Sơn Hà chưa chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu là đá xây dựng, gạch nung, xay xát, may quần áo, xẻ gỗ, sản xuất đồ mộc gia dụng. Thời điểm 2005, Sơn Hà có 470 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cá thể, nhưng cũng chỉ có 721 lao động trên lĩnh vực này. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 là 73.930 triệu đồng theo giá hiện hành.

Hoạt động buôn bán xưa kia ở Sơn Hà thường diễn ra giữa người Kinh với các dân tộc anh em. Người Kinh mang hàng đến tận các làng để trao đổi, mua bán. Việc trao đổi, mua bán xuôi ngược ở Sơn Hà còn được thực hiện qua các chợ Di Lăng, Hà Thành, chợ Đồng Ké (tây Sơn Tịnh), chợ Phước Lâm (tây Tư Nghĩa) là những cửa ngõ thông thương xuôi ngược. Người Hrê cũng tiến hành buôn bán, đổi chác với người Cor ở vùng Trà Tân (Trà Bồng), Trà Niêu (Tây Trà), chủ yếu là trao đổi chè lá sản xuất ở các vùng này. Việc buôn bán như vậy vẫn tiếp diễn liên tục, ngay cả trong thời kỳ chiến tranh. Từ năm 1975, nhất là từ ngày đổi mới (1986) trở về sau, việc buôn bán ngày càng phát triển. Trên địa bàn huyện có 3 chợ là chợ Di Lăng, chợ Sơn Hạ và chợ Sơn Giang. Trung tâm buôn bán của Sơn Hà trước kia nằm tại Sơn Hạ, gần với ngã ba Hà Thành, nơi đóng lỵ sở của huyện. Từ sau năm 1975, huyện lỵ được xây dựng ở Di Lăng, chợ của huyện tập trung ở đây (thường gọi là chợ Hàng Gòn), trở thành nơi mua bán đổi chác trong huyện, thu hút cả người dân ở các huyện láng giềng. Tại các trung tâm xã đều có các hộ buôn bán và chợ búa. Ở Di Lăng và ven đường có nhiều người sống bằng nghề mua bán. Bên cạnh việc mua bán, ở Sơn Hà cũng như các huyện miền núi khác trong tỉnh Quảng Ngãi, bà con được cấp phát một số mặt hàng thiết yếu. Thống kê cho biết năm 2005, Sơn Hà có 945 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ cá thể với 1.141 lao động, nhiều nhất ở thị trấn Di Lăng với 255 cơ sở và 305 lao động, xã Sơn Hạ với 111 cơ sở và 170 lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là 58.772 triệu đồng.

Theo báo cáo chính trị tại Đại hội XX của Đảng bộ huyện Sơn Hà, thu nhập bình quân đầu người ở Sơn Hà năm 2005 ước đạt 2.596.000 đồng.

Cơ sở hạ tầng

Về điện: 10 năm sau giải phóng (1985), nhà máy thuỷ điện Di Lăng được xây dựng với công suất 180kW, phục vụ khoảng 300 hộ dân, lần đầu tiên người dân ở Sơn Hà được dùng điện. Từ năm 1998, điện lưới quốc gia kéo về huyện lỵ Sơn Hà. Cho đến 2004, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều đã có điện lưới quốc gia với trên 60% số hộ dùng điện. Đến cuối năm 2005, có 66/77 thôn trong huyện có điện, với trên 65% số hộ dùng điện.

Về giao thông, cũng có những tiến bộ vượt bậc. Trục đường xương sống là tỉnh lộ 623 nối từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi đến huyện lỵ Sơn Hà dài khoảng 55km, có từ thời phong kiến, đến thời Pháp và chế độ Sài Gòn đều có rải đá, nhưng chỉ là dã chiến, tạm thời. Từ năm 1975 về sau, việc giao thông ở Sơn Hà đã có một bước tiến rất dài. Tỉnh lộ 623 ngày nay đã được trải nhựa. Từ thành phố tỉnh lỵ Quảng Ngãi đi Sơn Hà có thể theo 2 ngả, hoặc từ huyện lỵ Sơn Tịnh đi trực chỉ, hoặc theo tỉnh lộ 625 đi băng qua công trình đầu mối Thạch Nham, gặp tỉnh lộ 623 tại Tịnh Giang. Đến Hà Thành, có ngã ba trực chỉ huyện lỵ, một nhánh băng qua vùng xã Sơn Giang, gặp lại đường kia tại thị trấn Di Lăng, qua các xã Sơn Hải, Sơn Thủy, Sơn Kỳ, gặp Quốc lộ 24 tại Ba Tiêu. Đường Sơn Hà nối với Ba Tơ qua thung lũng sông Rhe. Đường nối với huyện lỵ Tây Trà cũng được duy trì, bảo dưỡng, nhưng chỉ là đường đất. Đường Sơn Hà nối với Sơn Tây đã được trải nhựa. Các cầu được xây dựng, trong đó có cầu lớn bắc qua sông Rinh, cầu Hải Giá. Các xã đều có đường ôtô đến trung tâm xã. Một số tuyến đường cụm xã đã được trải nhựa. Huyện có 2 bến xe ôtô, một ở thị trấn Di Lăng và một ở xã Sơn Giang. Giao thông phát triển đã tạo điều kiện cho sự phát triển mọi mặt của Sơn Hà.

Thông tin liên lạc: Từ sau năm 1975, mạng lưới bưu chính viễn thông ở Sơn Hà đã được thiết lập. Ngày nay, ở huyện lỵ có bưu điện huyện và ở các xã có 7 bưu điện văn hóa xã. Trạm viba viễn thông đặt ở trung tâm huyện và ở Sơn Hạ, Sơn Kỳ. Thông tin liên lạc khá thuận tiện. Tổng số máy điện thoại trong huyện lắp đặt trên 1.300 chiếc năm 2004, 1.872 chiếc năm 2005. Hầu hết các xã đều đã có báo đọc trong ngày.

Huyện Sơn Hà xác định có 4 trung tâm cụm xã: 1) Cụm xã Sơn Hạ - Sơn Thành - Sơn Nham, trung tâm ở xã Sơn Hạ; 2) Cụm xã Sơn Cao - Sơn Linh - Sơn Giang, trung tâm ở xã Sơn Linh; 3) Cụm xã Di Lăng - Sơn Thượng - Sơn Bao - Sơn Trung, trung tâm tại xã Sơn Thượng; 4) Cụm xã Sơn Hải - Sơn Thủy - Sơn Kỳ - Sơn Ba, trung tâm tại xã Sơn Kỳ.

Bên cạnh việc xây dựng thuỷ lợi, điện, đường sá, bưu điện, các thiết chế trường học, bệnh xá cũng được xây dựng, tạo nên cho Sơn Hà một diện mạo mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã ngày càng nâng lên.

*
*          *

Trong di sản văn hóa các dân tộc ở Sơn Hà, thì di sản văn hóa dân tộc Hrê là đáng chú ý nhất. Là một bộ phận quan trọng với số dân đông trong tổng dân số, người Hrê ở Sơn Hà còn lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc Hrê hết sức đặc sắc. Người Hrê có truyện cổ (một phần đã được sưu tầm và xuất bản), có các loại nhạc cụ như chiêng, trống và các nhạc cụ tự tạo khác, có các điệu dân ca ca lêu, ca choi (đã sưu tầm một phần), có kiến trúc nhà sàn. Bộ phận người Kinh cũng có những giá trị văn hóa nhưng chưa được sưu tầm đúng mức. Người Ca Dong có nhiều di sản văn hóa vẫn còn được lưu giữ và đã được sưu tầm phần nào. Các dân tộc ở đây cũng có sự giao thoa văn hóa, qua kết quả giao lưu tự ngàn xưa và để lại những dấu ấn đẹp đẽ trong di sản văn hóa của nhau. Về di tích và thắng cảnh, ở Sơn Hà có các di tích chiến thắng Di Lăng, chiến thắng đồn Tà Ma (đều đã xếp hạng di tích cấp tỉnh), thắng cảnh sông Hải Giá.

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, văn hóa mới ở Sơn Hà dần dần được xác lập, nhưng trải qua hai cuộc chiến tranh, từ sau năm 1975, văn hóa ở Sơn Hà mới thực sự chuyển mình sâu sắc. Ở huyện lỵ có nhà văn hóa huyện, có thư viện huyện, có đài truyền thanh huyện, có 3 trạm thu phát sóng truyền hình ở huyện lỵ và ở các trung tâm cụm xã (thị trấn Di Lăng, xã Sơn Kỳ, xã Sơn Linh), ở xã có đài truyền thanh xã; phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa. Tivi, rađiô được cấp phát. Số người xem truyền hình ước tính đã có trên 70% và nghe Đài Tiếng nói Việt Nam khoảng 85%. Các đội thông tin lưu động, đội chiếu bóng thường xuyên đi phục vụ ở các làng xã. Phong trào văn nghệ quần chúng, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển khá tốt. Từ trong kháng chiến, một thế hệ mới trong hoạt động văn hóa ở Sơn Hà đã hình thành, có người trở thành văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nghệ sĩ ưu tú Đinh Kim Nhớ (quê tại Di Lăng), nhà thơ Đinh Xăng Hiền (quê xã Sơn Kỳ), Nghệ sĩ nhân dân Đinh Thị Xuân Va (xã Sơn Hạ).

Về giáo dục, cũng như các huyện miền núi khác ở Quảng Ngãi, trước năm 1945, tuyệt đại đa số nhân dân Sơn Hà mù chữ. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, việc học mới thực sự bắt đầu và phát triển khó khăn trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt của hai cuộc kháng chiến. Từ năm 1975 đến nay, giáo dục ở Sơn Hà phát triển khá nhanh, từ điểm xuất phát 2.460 học sinh với khoảng 107 cán bộ, giáo viên, đến thời điểm 2005, Sơn Hà có 5 trường Mẫu giáo với 84 lớp, 86 giáo viên, 1.997 học sinh; về giáo dục phổ thông, có 1 trường Trung học phổ thông, đóng ở huyện lỵ với 35 lớp, 61 giáo viên, 1.441 học sinh; 7 trường Trung học cơ sở (tại các xã Sơn Kỳ, Sơn Linh, Sơn Giang, Sơn Hạ, Sơn Thành, Sơn Bao và thị trấn Di Lăng) với 150 lớp, 233 giáo viên, 4.975 học sinh; 16 trường Tiểu học (thị trấn Di Lăng 2 trường, mỗi xã 1 trường) với 334 lớp, 351 giáo viên, 6.868 học sinh.

Về y tế, từ sau 1975, mạng lưới y tế ở Sơn Hà được xác lập, trong đó ở huyện có bệnh viện huyện, 1 đội vệ sinh phòng dịch, 14 xã thị trấn đều có trạm xá. Bệnh viện huyện có
110 giường bệnh. Đến năm 2005, Sơn Hà có 143 cán bộ y tế, trong đó có 18 bác sĩ. Có 3 trạm y tế xã đã có bác sĩ là Sơn Hạ, Sơn Linh, Sơn Kỳ. Việc khám chữa bệnh của nhân dân được chăm lo, đã hạn chế việc cầu cúng khi đau ốm. Công tác vệ sinh phòng dịch được đề cao và thực hiện thường xuyên. Công tác kế hoạch hóa gia đình có những tiến triển tốt, tỉ lệ tăng dân số còn 1,25%.

Về xã hội: Sơn Hà có hai vấn đề xã hội lớn, thứ nhất huyện phải giải quyết chế độ cho những người được hưởng chính sách ưu đãi là khá lớn (với gần 2.690 người có công), thứ hai là phải tập trung xoá đói giảm nghèo. Tuy không có nhiều người phải đi làm ăn xa, nhưng ở Sơn Hà đến năm 2000 vẫn còn đến gần 70% số hộ nghèo, năm 2003 còn đến trên 44% hộ nghèo (với số lượng trên 6.000 hộ), năm 2004 còn trên 35%. Bảo đảm chế độ chính sách và xoá đói giảm nghèo là một trọng tâm trong công tác ở Sơn Hà trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong đồng bào Hrê ở Sơn Hà rải rác còn một số tập tục lạc hậu như tảo hôn, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, tục chia của cho người chết cần tiếp tục vận động bãi bỏ.


(1) Theo Niên giám Thống kê tỉnh Quảng Ngãi 2005.
(2) Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi.
(3) Các số liệu từ năm 1995 trở đi là các số liệu sau khi đã tách huyện Sơn Tây.
 

Về Đầu trang