THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI VÀ CÁC HUYỆN TRONG TỈNH
 ----------------------------------------------------------------------------
 

HUYỆN LÝ SƠN

LÝ SƠN là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm chếch về phía đông bắc tỉnh, cách đất liền 15 hải lý. Diện tích 9,97km2. Dân số 20.033 người (năm 2005). Mật độ dân số 2.009 người/km2(1). Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 3 xã (An Vĩnh, An Hải, An Bình; huyện lị đóng ở xã An Vĩnh), với 6 thôn; trong đó:

Xã An Vĩnh nằm trên đảo lớn có 2 thôn: thôn Đông, thôn Tây;

Xã An Hải nằm trên đảo lớn có 3 thôn: Đồng Hộ, thôn Đông, thôn Tây;

Xã An Bình nằm trên đảo bé có 1 thôn: thôn Bắc.

Huyện Lý Sơn nối với tỉnh lỵ chủ yếu bằng đường biển qua cửa biển Sa Kỳ. Tuy là một đảo nhỏ nhưng Lý Sơn có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Quảng Ngãi. Cư dân ở huyện đảo này là người Việt đã định cư và tạo lập được nhiều di sản văn hóa quý báu. Đánh cá, trồng hành tỏi là sinh hoạt kinh tế đặc thù của huyện đảo.

*
*          *

Về hành chính, đảo Lý Sơn có dân cư từ lâu đời, nhưng trở thành đơn vị hành chính cấp huyện lại chưa lâu. Thuở xưa, cư dân ở Lý Sơn còn ít ỏi nên cơ chế hành chính chủ yếu phụ thuộc vào đất liền. Vị trí quân sự được chú ý từ xưa. Giữa thế kỷ XV, Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán đem quân nhà Lê Trung hưng vào diệt Mạc, lấy lại thừa tuyên Quảng Nam, đã đi theo đường biển và đổ quân lên đảo để diễn tập. Trước kia, Lý Sơn có một ít người Chăm sinh sống nhưng chưa thấy tư liệu nào nói đến việc hoạch định đơn vị hành chính ở Lý Sơn. Từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII dưới thời Lê Trung hưng và các chúa Nguyễn, cư dân Việt từ đất liền ra đây lập nghiệp, lập An Hải phường và An Vĩnh phường. Đời vua Gia Long, năm 1808, Lý Sơn đặt thành một tổng thuộc huyện Bình Sơn, gọi là tổng Lý Sơn, vẫn có hai phường. Đời vua Đồng Khánh, hai phường Lý Sơn An Vĩnh và Lý Sơn An Hải nằm trong tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn, về sau lại đặt tổng Lý Sơn. Thời Pháp thuộc, đảo Lý Sơn có tên Pháp là Paulo Canton. Năm 1931, tổng Lý Sơn đặt là đồn Lý Sơn trực thuộc tỉnh, có một viên Bang tá cai trị, nặng về quân sự. An Hải phường đổi thành xã Hải Yến, An Vĩnh phường đổi thành xã Vĩnh Long.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đảo Lý Sơn được gọi là tổng Trần Thành với hai xã Dương Sạ (Hải Yến cũ) và Vĩnh Long. Năm 1946, tổng Trần Thành đổi thành xã Lý Sơn, một trong các xã thuộc huyện Bình Sơn, có Uỷ ban kháng chiến hành chính xã. Năm 1951, quân Pháp đánh chiếm đảo Lý Sơn và thiết lập ở đảo một khu vực hành chính, nhập vào thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1954 đến năm 1975, Lý Sơn có hai xã Bình Vĩnh, Bình Yến thuộc quận Bình Sơn dưới thời chính quyền Sài Gòn. Sau giải phóng 1975, hai xã vẫn giữ nguyên tên cũ và thuộc huyện Bình Sơn. Ngày 1.1.1993, huyện Lý Sơn được thành lập, hai xã của huyện là Bình Vĩnh và Bình Yến đổi tên là xã Lý Vĩnh và xã Lý Hải. Đến năm 2003, các tên xã đổi lại theo tên gọi truyền thống là xã An Vĩnh và xã An Hải. Do đặc thù nằm ở một hòn đảo cách biệt, thôn Bắc xã Lý Vĩnh (đảo Bé) đồng thời tách lập thành một xã gọi là xã An Bình. Huyện Lý Sơn có 3 xã: An Vĩnh, An Hải, An Bình (như đã kể trên).

Về tự nhiên, Lý Sơn là một đảo nhỏ nằm trong vùng nội thủy của Việt Nam, bốn phía là biển. Lý Sơn là một cụm 3 đảo như những ngọn núi nhô cao giữa biển.

Đảo lớn nhất là đảo Lý Sơn (hay còn gọi là đảo Lớn, cù lao Ré), vì ở đây có nhiều cây ré (một loài thực vật mọc hoang) với năm hòn núi được gọi là Ngũ Linh: núi Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, núi Giếng Tiền, Hòn Vung, trong đó núi Thới Lới lớn nhất. Xưa ở Lý Sơn có nhiều rừng, có suối, như rừng suối Truông, rừng Nhợ, rừng Cây Gạo, rừng Bà Bút, suối Chình, suối Ốc… Trong đó có loài cây dầu (du thuỷ) được nhà nước phong kiến chú ý và bắt nộp thuế sản vật. Rừng đã bị tàn phá từ nhiều đời trước và suối nước không còn. Đảo có các trảng bằng (chủ yếu nằm dọc ở phía nam đảo), là khu dân cư và đất canh tác.

 Đảo Bé nhỏ, nằm ở phía tây bắc đảo Lớn, còn gọi là cù lao Bờ Bãi, có cư dân ở (nay là xã An Bình).

Phía đông nam đảo lớn có hòn Mù Cu, một bãi đất đá nhô lên giữa biển, không có người ở. Vùng biển ở đảo Lý Sơn có nhiều cá, nhiều loại hải sản, nhiều san hô.

Lý Sơn có nhiều hang động tự nhiên như hang Câu, hang Cò, hang Kẻ Cướp, và nhiều vết tích miệng núi lửa đã tắt.

Trong tổng số 997ha diện tích đất tự nhiên, tình hình sử dụng đất tính ở thời điểm năm 2005 như sau: 1) Đất nông nghiệp 392ha; 2) Đất lâm nghiệp 171ha; 3) Đất chuyên dùng 159ha; 4) Đất khu dân cư 55ha; 5) Đất chưa sử dụng 220ha.

Lý Sơn là đảo ven bờ, nên xưa kia, các thuyền buôn với điều kiện kỹ thuật thô sơ thường ghé dừng lại nơi đây và để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong giao lưu buôn bán và văn hóa. Thời Pháp thuộc, ở cánh gà phía đông bắc thuộc xã An Hải trên đảo Lớn đã xây dựng trụ đèn biển còn tồn tại đến ngày nay. Bọn cướp biển Tàu Ô xưa kia cũng thường ẩn nấp ở đây, nay còn lưu truyền địa danh hang Kẻ Cướp. Huyện đảo Lý Sơn có một vị trí xung yếu về quốc phòng.

Là một hải đảo, Lý Sơn ngoài những đặc điểm chung là khí hậu nhiệt đới gió mùa ở vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Ngãi, còn có đặc điểm riêng: dễ khô hạn về mùa nắng, thiếu nước ngọt để sinh hoạt, chịu nhiều giông bão về mùa mưa. Năm 2005, nhiệt độ trung bình là 26,40oC, lượng mưa 1.970,7mm, giờ nắng trong năm 2.430,1 giờ, độ ẩm trung bình 86,6%.

Về dân cư, các phát hiện khảo cổ học gần đây cho thấy, cách nay 2.500 - 3.000 năm ở đảo Lý Sơn đã có cư dân chủ nhân của Văn hóa Sa Huỳnh sinh sống, không như nhiều người nhận định xưa là một hoang đảo. Cư dân sống dọc các suối cổ, bắt ốc và cá, có thể có cả canh tác nông nghiệp để sinh sống. Cũng từ những phát hiện khảo cổ cho thấy kế tiếp đó là lớp dân cư Chămpa cũng sống bằng khai thác hải sản và trồng rau củ, hoa màu. Từ cuối thế kỷ XVI, những cư dân Việt ở hai bên cửa Sa Kỳ là An Vĩnh và An Hải ra khai thác và sinh sống ở đảo, lập ra An Vĩnh phường và An Hải phường, 15 người thuộc 15 dòng họ gọi là "thất tộc, bát hiền", trở thành 15 vị tiền hiền của đảo. Như vậy, khác với đất liền, nguồn gốc cư dân Việt ở đảo Lý Sơn không trực tiếp từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ di cư vào, mà từ vùng đất liền tỉnh Quảng Ngãi di chuyển ra sinh sống.

Do đặc thù cách biệt với đất liền, lại không chịu sự tàn phá của chiến tranh, mà văn hóa do người Việt tạo lập tại Lý Sơn mang rất đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền và các di sản được lưu giữ khá tốt, ít bị mất mát, hư hại, tuy việc học ở đảo phát triển chậm hơn nhiều so với đất liền.

Dân số trên đảo Lý Sơn có sự phát triển khá nhanh. Năm 1930 - 1931, số dân có khoảng 4.000 người. Năm 1962, số dân có khoảng 6.400 người. Năm 1990, số dân có khoảng 16.260 người. Năm 2000, số dân có khoảng 18.500 người. Năm 2004, số dân có khoảng 19.802 người. Năm 2005, số dân là 20.033 người.

Mật độ dân số ở Lý Sơn năm 2005 là 2.009 người/km2, cao gấp 8 lần so với mật độ dân số trung bình trong tỉnh Quảng Ngãi (250 người/km2, vốn đã rất cao), chỉ thấp hơn thành phố Quảng Ngãi và cao tuyệt đối so với các huyện khác. Mật độ dân số cao, mà số đông vẫn là làm nông đã đặt áp lực dân số rất lớn ở đảo.

Tình hình diện tích, phân bố dân cư tương đối cân phân giữa 2 xã trên đảo Lớn, riêng xã An Bình biệt lập ở đảo Bé do điều kiện khó khăn, cư dân thưa hơn, như bảng kê sau đây của năm 2005(2). 

TT

Diện tích (km2)

Dân số (người)

Mật độ dân số (người/km2)

1

An Vĩnh

4,25

11.380

2.678

2

An Hải

5,09

8.214

1.614

3

An Bình

0,63

439

697

 

Cư dân huyện đảo Lý Sơn có một truyền thống yêu nước đáng chú ý. Trải các thời phong kiến, Lý Sơn là nơi tập trung dân binh góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài khơi biển Đông. Điều này được ghi chép rất rõ trong các thư tịch cổ như: Phủ biên tạp lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Quảng Ngãi tỉnh chí... cùng nhiều di tích, tư liệu, thư tịch tại chỗ và các câu ca dao còn lưu truyền ở địa phương:

Hoàng Sa đi có về không

Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi...

Đời Tây Sơn, đảo Lý Sơn là vị trí xung yếu và nơi tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Thời phong kiến tự chủ, bọn giặc Tàu Ô thường xuyên đổ bộ vào cướp của giết người, nhân dân Lý Sơn đã phải kháng cự, đánh đuổi cướp biển. Trong thời Pháp thuộc, phong trào Duy tân, Đông du cũng lan đến Lý Sơn tuy chưa để lại dấu ấn gì sâu đậm. Từ khi Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi được thành lập (1926), tư tưởng cách mạng đã dần dần hình thành. Sau khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, tháng 2.1931, chi bộ Đảng Cộng sản ở Lý Sơn cũng hình thành. Từ đây nhân dân Lý Sơn có sự lãnh đạo của Đảng, là một bước ngoặt trọng đại trong phong trào yêu nước của nhân dân Lý Sơn. Cờ Đảng được treo ở đảo, các cuộc mít tinh được tổ chức, truyền đơn vận động cách mạng được rải ở nhiều nơi; có khi bị địch đánh phá, lực lượng cách mạng có tổn thất nặng, đứt liên lạc với cấp trên trong đất liền, nhưng nhìn chung phong trào cách mạng ở Lý Sơn được chắp nối liên tục và hòa nhịp với phong trào ở đất liền. Sau hai ngày Cách mạng tháng Tám thành công trong đất liền, ngày 16.8.1945, cán bộ và nhân dân đảo Lý Sơn đã nổi dậy khởi nghĩa lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, cán bộ và nhân dân Lý Sơn đã tích cực giữ đảo, đóng góp vào kháng chiến, đấu tranh với bọn Quốc dân Đảng đang hoạt động lén lút. Tháng 9.1951, quân Pháp đổ bộ đánh chiếm đảo, lập đồn ở đảo để cai trị khủng bố nhân dân và khống chế vùng biển tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều đảng viên và quần chúng bị bắt và đày ải. Cán bộ cách mạng phải rút vào hoạt động bí mật. Trong thời kỳ 1954 - 1975, Lý Sơn tiếp tục nằm trong vòng kiểm soát của địch. Tháng 10.1962, chi bộ Đảng Lý Sơn được thành lập lại, trở thành nhân tố quyết định cho phong trào cách mạng ở Lý Sơn. Do địch đóng đồn và kiểm soát ngặt nghèo nên hoạt động cách mạng ở Lý Sơn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng luôn được liên tục, bằng các hình thức thích hợp. Sau ngày giải phóng Quảng Ngãi 24.3.1975, hải quân và lục quân chính quyền Sài Gòn với 12.000 quân tháo chạy tập trung về Lý Sơn để trốn tránh, cố thủ. Ngày 31.3.1975, sau 1 tuần giải phóng Quảng Ngãi, quân giải phóng đã đẩy lùi được địch và giải phóng đảo, chấm dứt ách thống trị của địch kéo dài suốt gần 25 năm. Qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tấm lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân huyện đảo Lý Sơn khá nổi bật.

*
*          *

Về kinh tế, Lý Sơn chủ yếu là kinh tế nông - ngư nghiệp. Tuy ở đảo nhỏ hẹp, khó khăn về nguồn nước, nhưng dân cư sống bằng nghề nông vẫn chiếm nhiều nhất. Cụ thể năm 2005, trong tổng số 9.475 lao động thì đã có 4.164 lao động nghề nông, 3.420 lao động ngư nghiệp, 635 lao động công nghiệp và xây dựng, 615 lao động thương mại - dịch vụ.

Trong nông nghiệp, Lý Sơn không trồng được lúa, chỉ trồng trọt các loại cây lương thực, thực phẩm khác. Lúa gạo chủ yếu mua từ đất liền chở ra đảo. Có nhiều cây trồng rất phổ biến ở đất liền Quảng Ngãi nhưng có rất ít ở Lý Sơn như cây dâu, cây mía, vì đất đai trồng trọt ở đảo rất hạn hẹp (đất nông nghiệp 392ha), lại thiếu nguồn nước tưới. Người dân Lý Sơn từ xưa chủ yếu trồng cây ngô, đậu, gai (đay), rau và khoai lang, khoai mì. Từ khoảng năm 1960, cây hành, cây tỏi được trồng phổ biến và trở thành cây trồng đặc chủng của Lý Sơn vì nó tỏ ra rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết ở đảo. Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ở huyện Lý Sơn chỉ vỏn vẹn 243ha (năm 2004), với sản lượng cây lương thực có hạt chỉ có 1.486 tấn (trong đó xã An Vĩnh 817 tấn, xã An Hải 669 tấn), bình quân 74,60kg/người/năm; năm 2005 sản lượng lương thực là 1.524 tấn (xã An Vĩnh 838 tấn, xã An Hải 686 tấn), bình quân lương thực đầu người 76kg, thấp tuyệt đối so với tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh Quảng Ngãi. Lương thực được tính chỉ là ngô. Tuy nhiên, lương thực không phải là nguồn sống chính của cư dân Lý Sơn.

Cho đến nay, việc trồng hành, tỏi vẫn rất thịnh đạt, hành tỏi Lý Sơn ngon nổi tiếng không chỉ trong phạm vi tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ hành tỏi, nông dân ở Lý Sơn có đời sống tương đối ổn định. Thời điểm 2005, diện tích trồng tỏi là 297ha, sản lượng 1.557 tấn (trong đó xã An Vĩnh 146ha, 796 tấn; xã An Hải 151ha, 761 tấn); diện tích trồng hành 282,4ha, sản lượng 1.790 tấn (trong đó xã An Vĩnh 139ha, 898 tấn; xã An Hải 117,4ha, 671 tấn; xã An Bình 26ha, 221 tấn). Diện tích hành tỏi năm 2005 tuy lớn, nhưng giảm sút so với năm 2004, vì có sự chuyển qua cây trồng khác. Dưa hấu phát triển. Năm 2005, có 49ha dưa hấu với sản lượng 400 tấn. Tuy nhiên, việc trồng hành tỏi ở Lý Sơn không phải dễ dàng. Hằng năm, người nông dân phải tải đất đỏ từ trên cao về trải đều trên mặt đất, lại tải cát từ bãi biển lên trải ở lớp trên, để có đất tốt cho cây phát triển. Không chỉ tốn quá nhiều công sức, việc lấy đất cát như vậy còn có tác hại đến môi trường, gây tình trạng sạt lở, sóng biển xâm thực, biển lấn sâu vào đảo.

Ngoài ngô, hành, tỏi, ở Lý Sơn còn trồng một số loại cây khác, cụ thể như sau(3): 1) Rau: năm 2004 diện tích 580ha, sản lượng 4.356 tấn; năm 2005 diện tích 595ha, sản lượng 3.420 tấn; 2) Đậu các loại: năm 2004 diện tích 30ha, sản lượng 36 tấn; năm 2005 diện tích 28ha, sản lượng 28 tấn; 3) Vừng: năm 2004 diện tích 125ha, sản lượng 59 tấn (không có số liệu năm 2005).

Bên cạnh trồng trọt, người dân Lý Sơn còn chăn nuôi, chủ yếu là bò 803 con, heo 2.435 con, dê 294 con, gà vịt trên 5.649 con (tính ở thời điểm 31.12.2005). Trong 803 con bò năm 2005, xã An Vĩnh có 307 con, xã An Hải có 479 con, xã An Bình có 17 con. Trong tổng đàn lợn 2.435 con, xã An Vĩnh có 1.070 con, xã An Hải có 1.349 con, xã An Bình có 16 con. Như vậy, chăn nuôi chỉ đáng kể nhất ở hai xã An Vĩnh, An Hải trên đảo Lớn và số lượng của hai xã không chênh lệch nhau nhiều.

Giá trị sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn năm 2005 là 45.730 triệu đồng, trong đó trồng trọt là 37.228 triệu đồng, chăn nuôi 8.502 triệu đồng (theo giá hiện hành).

Lao động ngư nghiệp ít hơn lao động nông nghiệp, nhưng về giá trị sản xuất, thủy sản ở Lý Sơn lại cao gấp gần 5 lần so với nông nghiệp của huyện đảo, cụ thể năm 2005 giá trị sản xuất thủy sản ở Lý Sơn là 217.573 triệu đồng. Cho nên xét về giá trị sản xuất thì thủy sản lại đứng hàng đầu trong kinh tế của huyện đảo, chứ không phải nông nghiệp.

Nghề cá xưa chủ yếu chỉ đánh bắt ở ven bờ, với nghề lưới chuồn và đánh cá trích. Nhờ có kinh nghiệm đi biển và khai thác hải vật, nên từ xưa người dân ở An Hải phường và An Vĩnh phường đã được các triều đại phong kiến tuyển mộ đi tuần thú và khai thác hải vật ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngày nay, nhà nước đã đầu tư xây dựng cảng cá Lý Sơn và hỗ trợ ngư dân mua sắm ngư lưới cụ phát triển nghề và ngành đánh bắt hải sản ngày càng tỏ ra quan trọng, nhất là đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, năng lực đánh bắt và sản lượng đánh bắt hải sản của Lý Sơn vẫn còn thấp so với các huyện ven biển của tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2004, Lý Sơn chỉ có 292 tàu đánh cá, năm 2005 có 319 chiếc, tuy đã tăng lên gần 1/3 so với số tàu 5 năm trước (năm 1999 Lý Sơn có 206 tàu) nhưng chỉ hơn huyện Mộ Đức (132 tàu), còn chưa bằng một nửa số tàu của huyện Đức Phổ, huyện Tư Nghĩa hay huyện Sơn Tịnh và chưa bằng 1/3 số tàu của huyện Bình Sơn. Năm 2004, sản lượng hải sản đánh bắt của Lý Sơn đạt 9.684 tấn, năm 2005 là 9.916 tấn, cũng chỉ nhiều hơn huyện Mộ Đức (2008 tấn và 1.820 tấn trong các năm tương ứng), và kém huyện Bình Sơn 1/4 lần, hơn một nửa của huyện Tư Nghĩa và chỉ bằng 1/3 của huyện Đức Phổ(4). Lý Sơn không có điều kiện hay khả năng nuôi trồng thuỷ sản như các huyện ven biển trong đất liền. Tuy vậy, nhìn vào giá trị sản xuất thủy sản mới thấy tầm quan trọng hàng đầu của nó. Chẳng hạn ở thời điểm 2005, giá trị sản xuất của ngành thủy sản ở Lý Sơn là 217,573 tỉ đồng, trong khi nông nghiệp chỉ 45,73 tỉ đồng. Tổng số lao động đang làm việc trong ngành thủy sản gần 3.500 người, chiếm hơn 1/3 tổng số lao động của huyện (gần 9.500 người). Xã An Vĩnh có sản lượng thủy sản chiếm đến 2/3 của toàn huyện, năm 2005 đạt 10.610 tấn. Trong sản lượng thuỷ sản khai thác thì cá chiếm tỉ lệ cao tuyệt đối.

Ngoài đánh cá, người dân Lý Sơn còn sống nhờ vào nghề buôn bán và dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ nghề cá. Xưa do nhu cầu của đời sống phải có những nhu yếu phẩm như gạo, nước, đá, gỗ, gạch ngói, vải vóc và nhu cầu bán đi các loại hàng sản xuất được nên đã mặc nhiên hình thành những ghe chuyên đi buôn bán với đất liền trong tỉnh, dần hình thành một vạn ghe 50 chiếc đi xa, chuyên vào Nam ra Bắc mua lúa gạo về bán. Từ đất liền Quảng Ngãi cũng có nhiều người chuyên đi buôn bán ở Lý Sơn. Nhiều thuyền buôn của các nước cũng ghé lại đảo. Việc buôn bán trong bối cảnh kinh tế mở cửa ngày nay càng thịnh đạt. Dịch vụ nghề cá, như sản xuất ngư lưới cụ, sửa chữa tàu thuyền, buôn bán xăng dầu, các dịch vụ vui chơi giải trí… cũng theo đó mà phát triển. Năm 2005, Lý Sơn có 559 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ với 615 lao động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xấp xỉ 61 tỉ đồng. Du lịch là ngành có tiềm năng nhưng chưa thể phát triển ở Lý Sơn. Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, với di sản văn hóa cổ truyền khá phong phú, Lý Sơn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của kinh tế Quảng Ngãi chưa phát triển cao và chưa có một dự án thực sự bài bản, chưa có cơ sở hạ tầng tốt, nên nghề kinh doanh du lịch ở đây cũng chưa thực sự hình thành.

Đường từ đất liền ra Lý Sơn có thể đi từ nhiều cửa biển, nhưng thuận tiện nhất vẫn là từ cửa biển Sa Kỳ. Cần biết rằng đây là thuỷ đạo truyền thống có từ nhiều trăm năm trước. Sách Đồng Khánh địa dư chí chép: "Tấn Lý Sơn: nằm ở vùng biển thuộc huyện Bình Sơn, đối xứng với tấn Sa Kỳ theo chiều ngang. Có xây đồn trấn giữ. Bốn mặt đều có ghềnh đá, bãi đá, tàu bè đi lại phải né tránh. Nếu thuận gió thì từ tấn Sa Kỳ đến tấn Thuận Sơn(5) thuyền đi mất 5 khắc". Ca dao hải trình của ngư dân cũng có câu:

Trực nhìn ngó thấy Bàn Thang

Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ

Sự thuận tiện của tuyến hải trình Sa Kỳ - Lý Sơn còn ở chỗ nó là tuyến ngắn nhất nối với tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi thuở xưa có con đường chạy theo tả ngạn sông Trà Khúc đi trực chỉ đến cửa Sa Kỳ. Đường này nay đã xây dựng thành Quốc lộ 24B, trải nhựa; cảng cá Sa Kỳ, cảng Lý Sơn đều đã được xây dựng.

Đường nội bộ ở đảo Lý Sơn thì từ điểm nút là cảng nằm ở phía tây nam đảo (gần huyện lỵ) có trục đường men theo bờ biển phía nam nối hai xã của đảo Lớn. Đây là trục đường chính. Có trục đường ngang nối phía nam và phía bắc nằm ở giữa đảo, và có nhiều tuyến nhỏ ngang dọc. Cho đến cách nay khoảng một vài chục năm, phương tiện giao thông của cư dân trên đảo vẫn là đi bộ, đi xe đạp. Xe máy, xe ô tô mới xuất hiện gần đây. Về điện, do sự cách biệt nên mạng lưới điện trong đất liền chưa thể kéo ra đảo. Trước đây, Lý Sơn chỉ có máy điện nhỏ tự phát điện, đặt ở đảo Lớn, thời gian phát và công suất điện rất hạn chế. Đặc biệt, hệ thống thông tin liên lạc do cách biển nên trước kia hết sức khó khăn. Từ khi có hệ thống điện tử tự động, nhất là hệ điện thoại di động, đã khắc phục được điểm yếu cố hữu và giúp cho giao dịch, quản lý thuận tiện hơn nhiều. Đến năm 2005, hệ thống bưu điện ở Lý Sơn có Bưu điện huyện, 3 Bưu điện văn hóa xã ở An Vĩnh, An Hải, An Bình. Bưu điện Lý Sơn có Bưu Cục Trung tâm huyện, có tổng đài diện tử dung lượng 1.112 số. Tính đến năm 2005, có 975 máy điện thoại cố định trên mạng. Nhờ nhà nước quan tâm nên cơ sở hạ tầng ở Lý Sơn ngày càng tốt, trong đó hệ thống điện, đường, trường, trạm, trụ sở cơ quan được xây dựng khang trang. Tuy nhiên, vấn đề nước dùng cho sinh hoạt ở đảo Bé rất khan hiếm. Đảo hầu như không có nguồn nước ngầm, nên dân ở đảo phải sắm bể, lu, vại lớn để chứa nước mưa dùng hằng năm. Ở đảo Lớn, trong những năm khô hạn, nước ngầm cạn kiệt, vấn đề nước dành cho sinh hoạt cũng rất nan giải.

*
*          *

Về mặt văn hóa, Lý Sơn có những di sản văn hóa quý báu. Các cuộc khai quật khảo cổ học gần đây đã tìm ra các mộ nồi, các công cụ… cho thấy đảo Lý Sơn từng có cư dân cách nay ít nhất 2.500 - 3.000 năm là chủ nhân Văn hóa Sa Huỳnh hệ biển đảo, kế đó là Văn hóa Chămpa, trong môi trường biển - đảo. Lớp văn hóa Việt kế tiếp cũng tạo được nhiều di sản quý báu. Ở Lý Sơn xưa có nhiều ca dao, ngạn ngữ đặc thù, nói về chính mảnh đất này, tâm tình hướng về đất liền, về cội nguồn. Ở Lý Sơn có các lễ hội đặc sắc như: lễ hội đua thuyền, hội dồi bòng, lễ hội tế đình làng An Hải, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa… Ở phía đông đảo thuộc xã An Hải có chùa hang, còn gọi là "Thiên khổng thạch tự" (chùa hang đá trời sinh), phía tây có đình làng Lý Hải (đều đã xếp hạng di tích quốc gia), có đền thờ cá Ông ở thôn Đông xã An Hải, Âm Linh tự ở thôn Tây xã An Vĩnh (đều đã xếp hạng di tích cấp tỉnh). Các di tích lịch sử - văn hóa, di tích về Hoàng Sa - Trường Sa trên đảo Lý Sơn được phục dựng, tôn tạo, các di vật cổ, các kiến trúc nhà cổ, liễn đối là những di vật rất quý ở đảo Lý Sơn còn giữ được khá nguyên vẹn. Một dự án xây dựng tượng đội Hoàng Sa, Trường Sa trên đảo Lý Sơn đang được thực hiện. Trong văn hóa ẩm thực, ở Lý Sơn có nhiều món ăn như bánh ít lá gai, đồn đột, nhiều hải sản và rượu dầm hải sản.

Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các thiết chế hoạt động văn hóa mới đã được hình thành và phát triển ngày càng mạnh ở huyện đảo Lý Sơn. Lý Sơn ngày nay có đài truyền thanh huyện và trạm thu phát lại truyền hình, có thư viện huyện, có nhiều hoạt động văn nghệ quần chúng khá tốt. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng có sự phát triển. Hầu hết các gia đình ở Lý Sơn đều có máy thu thanh, máy thu hình và một số phương tiện nghe nhìn khác.

Về giáo dục, xưa kia, trong thời Nho học, Tân học, do cách biệt với đất liền và do cuộc sống nhiều khó khăn, nên giáo dục ở Lý Sơn ít phát triển. Thời Nho học chỉ có một vài người đỗ Tú tài. Thời Pháp thuộc, Lý Sơn có trường Tiểu học (theo chương trình Tân học). Thời chính quyền Sài Gòn quản lý, Lý Sơn đã có trường Trung học Đệ nhất cấp (phổ thông cơ sở), ai học Đệ nhị cấp phải vào học ở đất liền. Hệ thống giáo dục chỉ thực sự phát triển từ sau 1975 và được đẩy mạnh hơn nữa từ sau khi huyện Lý Sơn được thành lập (năm 1993).

Đến 2005, Lý Sơn đã có 1 trường Trung học phổ thông (thành lập từ năm 1984), 2 trường Trung học cơ sở, 3 trường Tiểu học và 2 trường Mầm non bán công, với tổng số học sinh gần 5.697 em (năm học 2005 - 2006), chiếm hơn 1/4 dân số. Trường Trung học phổ thông Lý Sơn nằm ở xã An Vĩnh, có 21 lớp, 40 giáo viên và 955 học sinh. Xã An Vĩnh có 1 trường Trung học cơ sở, 27 lớp học, 48 giáo viên, 1.044 học sinh. Xã An Hải có 1 trường Trung học cơ sở, có 21 lớp học, 34 giáo viên, 767 học sinh. Về Tiểu học, xã An Vĩnh có 2 trường với 43 lớp, 65 giáo viên, 1.218 học sinh; xã An Hải có 1 trường, 29 lớp học, 44 giáo viên, 823 học sinh. Hệ Mẫu giáo, các xã An Vĩnh, An Hải mỗi xã 1 trường, trong đó xã An Vĩnh có 16 lớp, 21 giáo viên, 517 học sinh; xã An Hải có 13 lớp, 17 giáo viên, 373 học sinh. Xã An Bình vẫn còn nhiều thiếu thốn về giáo dục.

Về y tế, sự cách biệt với đất liền là một vấn đề nan giải cho việc khám chữa bệnh của cư dân đảo Lý Sơn. Thuở xưa, việc chữa bệnh ở đảo chủ yếu dựa vào các bài thuốc cổ truyền. Thời Pháp tái chiếm, ở Lý Sơn có 1 bệnh xá. Mãi đến sau 1975, ở đây mới có trạm xá huyện. Hiện tại, Lý Sơn đã có 1 bệnh viện huyện và 1 trạm y tế ở xã An Bình (đảo Bé). Bệnh viện huyện có 50 giường bệnh, có 7 bác sĩ.

Về xã hội, vấn đề đặt ra cho Lý Sơn cũng như nhiều huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi là vấn đề thừa nhân lực thiếu việc làm, đặc biệt trong các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp. Mật độ dân số quá dày cũng gây ra nhiều vấn đề về môi trường sống, về dịch bệnh phát sinh. Trong một thời gian, việc đánh bắt hải sản bằng mìn, kiểu huỷ diệt môi trường đã diễn ra. Vấn đề vệ sinh cũng là vấn đề cấp bách và rất quan trọng của đảo. Trong điều kiện đất đai ở huyện đảo rất hẹp, thì việc giải quyết các vấn đề này chỉ có hai cách là dịch chuyển mạnh từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, hoặc di chuyển dân cư, đồng thời cần chú trọng cải tạo môi trường, tái phủ màu xanh cho đồi núi.


(1) Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi 2005.
(2) Nguồn: Niên giám thống kê huyện Lý Sơn.
(3) Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi.
(4) Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi. Còn theo số liệu trong Niên giám thống kê huyện Lý Sơn hoàn toàn khác.
(5) Tấn Thuận Sơn: có lẽ là tên xưa của tấn Lý Sơn.
 

Về Đầu trang