THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI VÀ CÁC HUYỆN TRONG TỈNH
----------------------------
 

 

HUYỆN SƠN TỊNH

SƠN TỊNH là một huyện đồng bằng ven biển nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Ngãi. Phía đông giáp biển Đông; phía tây giáp hai huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Hà; phía nam giáp huyện Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi (sông Trà Khúc là ranh giới tự nhiên); phía bắc giáp huyện Bình Sơn.

Hình thể huyện Sơn Tịnh có bề ngang (theo chiều nam - bắc) hẹp, bề dài (theo chiều đông - tây) trải rộng từ chân dãy Trường Sơn giáp đến biển; có Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam chạy qua ở giữa huyện. Diện tích tự nhiên: 343,57km2. Dân số: 194.738 người (năm 2005). Mật độ dân số: 566,8 người/km2(1). Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 1 thị trấn (Sơn Tịnh huyện lị) và 20 xã (Tịnh Giang, Tịnh Đông, Tịnh Minh, Tịnh Bắc, Tịnh Hiệp, Tịnh Trà, Tịnh Bình, Tịnh Thọ, Tịnh Sơn, Tịnh Hà, Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh Phong, Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Long, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa), với 106 thôn; trong đó:

Thị trấn Sơn Tịnh có 5 thôn: Liên Hiệp 1, Liên Hiệp 2, Trường Thọ Đông, Trường Thọ Tây, Quyết Thắng;

Xã Tịnh Giang có 5 thôn: Cù Và, Đông Hòa, An Hòa, An Kim, Phước Thọ;

Xã Tịnh Đông có 8 thôn: Thôn Giữa, Tân Phước, Tân An, Hưng Nhượng Nam, Hưng Nhượng Bắc, Đồng Nhơn Nam, Đồng Nhơn Bắc, An Bình;

Xã Tịnh Minh có 4 thôn: Minh Thành, Minh Khánh, Minh Long, Minh Trung;

Xã Tịnh Bắc có 3 thôn: Minh Lộc, Minh Mỹ, Minh Xuân;

Xã Tịnh Hiệp có 6 thôn: Vĩnh Tuy, Hội Đức, Phú Sơn, Mỹ Danh, Xuân Hòa, Xuân Mỹ;

Xã Tịnh Trà có 4 thôn: Thạch Nội, Phú Thành, Trà Bình, Khánh Mỹ;

Xã Tịnh Bình có 3 thôn: Bình Bắc, Bình Nam, Bình Đông;

Xã Tịnh Thọ có 5 thôn: Thọ Đông, Thọ Trung, Thọ Tây, Thọ Bắc, Thọ Nam;

Xã Tịnh Sơn có 5 thôn: Bình Thọ, Phước Lộc Đông, Phước Lộc Tây, An Thọ, Diên Niên;

Xã Tịnh Hà có 11 thôn: Hà Tây, Ngân Giang, Lâm Lộc Nam, Lâm Lộc Bắc, Hà Trung, Hà Nhai Nam, Hà Nhai Bắc, Thọ Lộc Tây, Thọ Lộc Bắc, Thọ Lộc Đông, Trường Xuân;

Xã Tịnh Ấn Tây có 4 thôn: Thống Nhất, Cộng Hòa 1, Cộng Hòa 2, Độc Lập;

Xã Tịnh Ấn Đông có 6 thôn: Hòa Bình, Hạnh Phúc, Đoàn Kết, Bình Đẳng, Độc Lập, Tự Do;

Xã Tịnh Phong có 6 thôn: Thế Lợi, Thế Long, Trường Thọ, Phú Lộc, Phong Niên Hạ, Phong Niên Thượng;

Xã Tịnh An có 4 thôn: An Phú, Ngọc Thạch, Long Bàn, Tân Mỹ;

Xã Tịnh Châu có 4 thôn: Phú Bình, Kim Lộc, Mỹ Lộc, Lệ Thuỷ;

Xã Tịnh Long có 4 thôn: Gia Hòa, Tăng Long, An Lộc, An Đạo;

Xã Tịnh Thiện có 4 thôn: Hòa Bân, Phú Vinh, Long Thành, Khánh Lâm;

Xã Tịnh Khê có 4 thôn: Tư Cung, Mỹ Lại, Trường Định, Cổ Luỹ;

Xã Tịnh Kỳ có 3 thôn: Kỳ Xuyên, An Kỳ, An Vĩnh;

Xã Tịnh Hòa có 8 thôn: Diêm Điền, Minh Quang, Phú Mỹ, Vĩnh Sơn, Trung Sơn, Đông Hòa, Đông Thuận, Xuân An.

Sơn Tịnh vốn có truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước từ lâu đời, là nơi sản sinh nhiều nhân vật lịch sử, nhiều tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, nơi có nhiều thắng cảnh và di tích, có núi Ấn sông Trà được coi như biểu tượng của Quảng Ngãi, có Khu chứng tích tội ác chiến tranh Sơn Mỹ được cả nước và thế giới biết đến; là một huyện có tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng.

*
*          *

Về hành chính: Đời nhà Hồ vùng đất Sơn Tịnh ngày nay nằm trong huyện Trì Bình thuộc châu Tư, lộ Thăng Hoa. Đến đời nhà Lê, huyện Trì Bình có tên là huyện Bình Dương, địa hạt huyện Sơn Tịnh sau này nằm trong huyện Bình Dương. Huyện Bình Dương sau đổi tên là huyện Bình Sơn. Đến đời vua Đồng Khánh, huyện Bình Sơn có 6 tổng với 158 xã, thôn, trại, ấp, phường, ty.

Đến năm 1890, các làng, xã, ấp phía nam huyện Bình Sơn được tách ra thành lập châu Sơn Tịnh thuộc Sơn phòng Nghĩa Định. "Năm thứ 11 đời vua Thành Thái (1899), cải làm huyện, trích 18 xã thôn tổng Bình Thượng huyện Bình Sơn và 8 xã thôn tổng Bình Trung nhập làm tổng Tịnh Thượng; lại trích 25 xã thôn tổng Bình Trung và 3 xã thôn tổng Bình Hạ nhập làm tổng Tịnh Trung thuộc về huyện này" (Đại Nam nhất thống chí - Quyển 6, bản năm Duy Tân 1909). Sau đó, dưới thời vua Bảo Đại, tổng Bình Châu nhập về huyện Sơn Tịnh và đổi tên là tổng Tịnh Châu. Năm 1932, huyện Sơn Tịnh đổi gọi là phủ Sơn Tịnh. Phủ Sơn Tịnh có 4 tổng, là Tịnh Thượng, Tịnh Trung, Tịnh Hòa, Tịnh Châu, với 72 làng, xã, thôn, ấp, vạn, trại.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, phủ Sơn Tịnh lấy tên là phủ Trương Quang Trọng - tên của Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi(2). Đến tháng 6.1946, phủ Trương Quang Trọng đổi gọi là huyện Sơn Tịnh. Các làng xã nhỏ hợp nhất thành 12 xã lớn, lấy chữ Tịnh đứng đầu: Tịnh Giang, Tịnh Hiệp, Tịnh Thọ, Tịnh Minh, Tịnh Bình, Tịnh Sơn, Tịnh Hà, Tịnh Phong, Tịnh Ấn, Tịnh Thành, Tịnh Khê, Tịnh Hòa.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, việc tách nhập xã diễn ra như sau: xã Tịnh Giang tách thành hai xã Tịnh Giang, Tịnh Đông; xã Tịnh Hiệp tách thành hai xã Tịnh Hiệp, Tịnh Trà; xã Tịnh Minh tách thành hai xã Tịnh Minh, Tịnh Bắc; xã Tịnh Hòa tách thành hai xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ; xã Tịnh Thành tách thành 8 xã Tịnh Tân, Tịnh Nhơn, Tịnh Thủy, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Bân, Tịnh Long, Tịnh An. Sau đó, 8 xã nhỏ được chia ra từ xã Tịnh Thành lại sáp nhập thành 4 xã: xã Tịnh Tân và xã Tịnh Nhơn nhập lại thành xã Tịnh An; xã Tịnh Châu và xã Tịnh Thủy nhập lại thành xã Tịnh Châu; xã Tịnh Thiện và xã Tịnh Bân nhập lại thành xã Tịnh Thiện; xã Tịnh Long và xã Tịnh An nhập lại thành xã Tịnh Long. Có lúc 2 xã Tịnh Khê và Tịnh Hòa sáp nhập thành xã Tịnh Hải, sau lại tách ra. Đến năm 1954, huyện Sơn Tịnh còn 19 xã.

Trong kháng chiến chống Mỹ, chính quyền Sài Gòn đổi tên huyện Sơn Tịnh thành quận Sơn Tịnh và đổi tên các xã, lấy chữ Sơn làm đầu như sau: xã Tịnh Giang đổi là xã Sơn Tây; xã Tịnh Đông đổi là xã Sơn Đông; xã Tịnh Hiệp đổi là xã Sơn Phương; xã Tịnh Trà đổi là xã Sơn Trà; xã Tịnh Bắc đổi là xã Sơn Bắc; xã Tịnh Minh đổi là xã Sơn Nam; xã Tịnh Sơn đổi là xã Sơn Lộc; xã Tịnh Bình đổi là xã Sơn Châu; xã Tịnh Thọ đổi là xã Sơn Kim; xã Tịnh Phong đổi là xã Sơn Hương; xã Tịnh Hà đổi là xã Sơn Trung; xã Tịnh Ấn đổi là xã Sơn Long; xã Tịnh An đổi là xã Sơn Phú; xã Tịnh Châu đổi là xã Sơn Thành; xã Tịnh Thiện đổi là xã Sơn Hòa; xã Tịnh Long đổi là xã Sơn Hội; xã Tịnh Hòa đổi là xã Sơn Quang; xã Tịnh Khê đổi là xã Sơn Mỹ; xã Tịnh Kỳ đổi là xã Sơn Hải. Về phía cách mạng, tên huyện Sơn Tịnh và tên các xã có từ kháng chiến chống Pháp vẫn được sử dụng.

Để tiện việc chỉ đạo và tổ chức kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong những năm 1961 - 1965 và 1970 - 1975, Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định nhập các xã phía đông Quốc lộ 1A của huyện Sơn Tịnh và các xã phía đông huyện Bình Sơn lập thành huyện Đông Sơn trực thuộc tỉnh; các xã phía tây Quốc lộ 1A vẫn gọi là huyện Sơn Tịnh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, các xã phía đông và phía tây Quốc lộ 1A của huyện Sơn Tịnh hợp nhất lại thành một huyện như cũ. Năm 1987, xã Tịnh Ấn được chia thành ba đơn vị: thị trấn Sơn Tịnh, xã Tịnh Ấn Tây, xã Tịnh Ấn Đông. Đến năm 2005, huyện Sơn Tịnh gồm 1 thị trấn, 20 xã, với 106 thôn.

Về tự nhiên: Sơn Tịnh là một dải đất dài bên tả ngạn sông Trà Khúc, địa hình khá đa dạng, dốc dần từ tây xuống đông, chia thành bốn vùng: vùng bán sơn địa phía tây, vùng đất cát phía tây bắc, vùng châu thổ dọc sông Trà Khúc, vùng đầm phá, cửa sông, động cát ven biển. Mỗi vùng có đặc điểm thổ nhưỡng khác nhau.

Núi đồi: Sơn Tịnh có nhiều núi cao thấp khác nhau và những dãy đồi lượn sóng, úp bát khắp trong huyện từ tây xuống đông: núi Dầu, núi Tròn, núi Cà Ty, núi Thiên Ấn cao trên dưới 100m; núi Nhàn, núi Khỉ (còn gọi là núi Bìn Nin hoặc núi Chợ), núi Sứa, núi Long Đầu, núi Ngang, núi Đất, núi Hầm, núi Voi, núi Thiên Mã cao trên dưới 70m; đồi Tranh (Quang Thạnh), đồi Mã Tổ, Gò Đồn, Gò Mạ, Rừng Dê, Rừng Xanh...

Sông, suối: Dọc phía nam huyện có sông Trà Khúc chảy từ tây sang đông, độ dài ở địa hạt Sơn Tịnh gần 40km, đến xã Tịnh Khê sông đổ ra cửa Cổ Lũy. Trà Khúc là con đường thủy quan trọng giao lưu kinh tế - văn hóa từ vùng biển lên nguồn và ngược lại; là nguồn nước quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Phía tây Sơn Tịnh còn có sông Giang, bắt nguồn từ vùng nam huyện Trà Bồng chảy qua xã Tịnh Giang rồi hợp nước vào sông Trà Khúc. Phía đông Sơn Tịnh có sông Diêm Điền (ở Tịnh Hòa), sông Kinh (ở Tịnh Khê).

Suối từ hướng tây bắc chảy về hướng đông nam khá nhiều, tính từ tây xuống đông có các suối Bàng Lăng, Tam Hân, Bến Ngói, Bến Bè, Bà Mẹo, Bà Tá... Xưa kia các suối khá nhiều nước, người đi đường mùa hè phải lội qua, mùa mưa phải đi đò. Nay hầu hết các suối đều cạn nước, đường qua suối đều có cầu.

Biển và bờ biển: Sơn Tịnh có bờ biển dài 12km, nằm giữa hai cửa biển Sa Kỳ, Cổ Lũy, nhờ đó có thể mở rộng giao lưu hàng hóa bằng đường biển đi các nơi và cũng là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nghề đánh bắt hải sản, hình thành các cánh đồng muối ở Xuân An (Tịnh Hòa). Những đầm ngập mặn ở ven biển tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân ở đây nuôi trồng thủy hải sản xuất khẩu. Các bãi biển đẹp như Mỹ Khê, An Kỳ, An Vĩnh, gắn với di tích Sơn Mỹ đã và đang thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi.

Đồng bằng: Ở vùng châu thổ tả ngạn sông Trà Khúc, nhờ được phù sa bồi đắp nên đất đai màu mỡ, phì nhiêu, tạo nên những cánh đồng lúa, mía, ngô, dâu tằm, rau quả với sản lượng cao, phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân và sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Ở các vùng khác, đất đai ít thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp.

Khí hậu: Sơn Tịnh nằm trong vùng nhiệt đới, gió mùa; mỗi năm có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng chín âm lịch đến tháng giêng năm sau, mùa nắng từ tháng hai đến tháng tám.

Trong tổng diện tích tự nhiên 34.357,4ha của huyện Sơn Tịnh, tính ở thời điểm năm 2005, đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ hải sản có 24.400,8ha (71%); đất chuyên dùng3.148,7ha (9,2%); đất khu dân cư 1.662,3ha (4,8%); đất phi nông nghiệp 2.809,9ha (8,2%); đất chưa sử dụng 2.335,7ha (6,7%).

Rừng núi và đất đồi Sơn Tịnh trước kia có nhiều cây bằng lăng, bìn nin (loại gỗ quý nhóm I), có nhiều động vật. Ở vùng đất cát tây bắc huyện có cây chổi, được nhân dân khai thác lá, cành chế biến ra dầu chổi (giống như dầu khuynh diệp). Ngày nay, các loại cây trên hầu như không còn. Từ sau ngày giải phóng đến nay, Sơn Tịnh trồng mới hàng ngàn hécta rừng, nhiều nhất là dương liễu ở ven biển, cây điều, bạch đàn ở vùng gò đồi; đồng thời khoanh nuôi, tái sinh, chăm sóc hàng ngàn hécta rừng cũ.

Núi rừng, sông suối Sơn Tịnh là nơi nhân dân khai thác được nhiều đá, cát, sỏi phục vụ cho xây dựng cơ bản. Năm 2004 và 2005, toàn huyện khai thác được trên 39.000m3 gỗ, 319.000 ster củi, 400 ngàn cây tre, 2,8 triệu lá dừa nước.

Dưới lòng đất ở phía tây bắc huyện có mỏ graphit Hưng Nhượng (ở Tịnh Đông) với trữ lượng khoảng trên 40 triệu tấn, có quặng bauxit, silamít, quặng sắt, cao lanh ở Tịnh Hiệp, Tịnh Giang, Tịnh Trà, có đá vôi ở Tịnh Khê...

Dưới biển có nhiều loại hải sản quý.

Về dân cư: Qua một số hiện vật khảo cổ, người ta biết xưa kia ở địa hạt huyện Sơn Tịnh từng có các cộng đồng cư dân cổ, chủ nhân của thời kỳ đồ đá cũ tại khu vực Gò Trá (nay thuộc xã Tịnh Thọ), chủ nhân của nền văn hóa Tiền Sa Huỳnh ở Núi Sứa (nay thuộc xã Tịnh Ấn Tây). Tiếp sau là cư dân Chăm sống rải rác ở nhiều nơi.

Người Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã chuyển cư đến vùng đất Sơn Tịnh từ cuối thế kỷ XV, sinh cơ lập nghiệp, mở đất, dựng làng. Một số người Hoa từ thời phong kiến đã sang buôn bán, sinh sống, về sau hòa nhập với cộng đồng người Việt, gọi là người Việt gốc Hoa, tập trung nhiều nhất ở Ba Gia (nay thuộc xã Tịnh Bắc), Đồng Ké (nay thuộc xã Tịnh Giang). Ở các xã cực tây của huyện có một số ít người thuộc dân tộc Hrê sinh sống. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có một số ít người thuộc các dân tộc thiểu số ở miền Bắc theo gia đình về sống ở Sơn Tịnh.

Đến năm 2005, dân số Sơn Tịnh có 194.738 người, trong đó có 194.725 người Việt, 13 người dân tộc Hrê sống ở xã Tịnh Giang cực tây huyện(3).

Phân bố dân số tính ở thời điểm năm 2005 ở các xã, thị trấn trong huyện Sơn Tịnh như sau: 

TT

Xã, thị trấn

Diện tích tự nhiên (km2)

Dân số trung bình
(người)

Mật độ dân số (người/km2)

1

Tịnh Giang

17,060

7.975

467,5

2

Tịnh Đông

24,967

6.506

260,6

3

Tịnh Minh

9,143

6.259

684,6

4

Tịnh Bắc

8,842

4.460

504,4

5

Tịnh Sơn

14,795

9.713

656,5

6

Tịnh Hà

19,224

17.536

912,2

7

Tịnh Ấn Tây

7,254

7.520

1.036,7

8

Thị trấn Sơn Tịnh

9,249

12.883

1.392,9

9

Tịnh Ấn Đông

9,808

5.753

586,6

10

Tịnh An

9,150

8.934

976,4

11

Tịnh Long

8,441

9.168

1.086,1

12

Tịnh Châu

6,549

7.015

1.071,2

13

Tịnh Thiện

12,132

8.321

685,9

14

Tịnh Khê

15,503

13.928

898,4

15

Tịnh Hòa

17,828

12.728

713,9

16

Tịnh Kỳ

4,426

8.875

2.005,2

17

Tịnh Hiệp

35,808

7.857

219,4

18

Tịnh Trà

21,213

5.236

246,8

19

Tịnh Bình

25,275

11.677

462,0

20

Tịnh Thọ

39,400

12.640

320,8

21

Tịnh Phong

27,508

9.754

354,6

Bảng thống kê trên cho thấy: 1) Về số dân, có 6 xã, thị trấn có số dân trên 10.000 người là các xã Tịnh Hà, Tịnh Khê, Tịnh Thọ, Tịnh Hòa, Tịnh Bình và thị trấn Sơn Tịnh. Các xã có số dân ít hơn trong huyện là Tịnh Bắc, Tịnh Trà, Tịnh Ấn Đông; 2) Về mật độ dân số, các xã có mật độ dân số cao là Tịnh Kỳ, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Ấn Tây và thị trấn Sơn Tịnh đều là các địa phương hoặc có đông dân số làm nghề cá hoặc gần với trung tâm buôn bán, chủ yếu nằm ở phía đông huyện. Dân số thưa hơn là ở các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Thọ, Tịnh Trà, Tịnh Phong, Tịnh Đông, là những xã xa, nằm ở vùng tây bắc của huyện, đất đai nhìn chung cằn cỗi, thiếu nước.

Cư dân Sơn Tịnh chủ yếu sinh sống bằng nông - ngư nghiệp, một số làm nghề thủ công (ép mía nấu đường, ươm tơ dệt lụa, làm đồ gốm, chằm nón, dệt chiếu cói, chế tác sừng, làm muối, chế biến mắm, làm dây dừa...) hoặc buôn bán. Cộng đồng cư dân Sơn Tịnh có những phong tục tập quán, lễ nghi, sinh hoạt văn hóa của người Việt trên đất Quảng Ngãi. Ở vùng ven biển Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê có tục thờ cúng cá Ông (Nam Hải đại vương). Ở vùng sông nước Tịnh Long, Tịnh Ấn có lễ hội đua thuyền vào đầu xuân hằng năm cầu mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

*
*          *

Về truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huyện Sơn Tịnh có nhiều điểm đáng chú ý.

Thế kỷ XVIII, nhân dân Sơn Tịnh đã từng tham gia phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, đánh đuổi quân Thanh xâm lược. Tiêu biểu có đô đốc Trương Đăng Đồ (ở làng Mỹ Khê, nay thuộc xã Tịnh Khê) và vợ là nữ đô đốc Nguyễn Thị Dung; đô đốc Nguyễn Tăng Long (ở làng Đông Thành, nay thuộc xã Tịnh Thọ)(4).

Nhân dân Sơn Tịnh luôn có mặt trong các phong trào yêu nước chống Pháp, tiêu biểu có Bình Tây Đại nguyên soái Trương Công Định (ở làng Tư Cung Nam, nay thuộc xã Tịnh Khê) lãnh đạo nghĩa quân Nam Kỳ lục tỉnh chống Pháp (1861 - 1864); các phong trào Cần vương 1885 - 1896, Duy tân 1904 - 1908, Việt Nam quang phục Hội 1912 - 1916, Cộng sản lạc thôn 1923 - 1925 dưới sự hướng đạo của các sĩ phu yêu nước Lê Trung Đình, Tôn Tường, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Đình Quản, Mai Bá, Mai Tuấn, Trương Quang Cận. Giữa năm 1927, huyện bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sơn Tịnh được thành lập. Đồng chí Trương Quang Trọng, Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi, kiêm Bí thư huyện bộ Sơn Tịnh. Tháng 8.1929, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sơn Tịnh chuyển thành tổ chức "Dự bị Cộng sản".

Mùa xuân 1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập. Ở Sơn Tịnh, đến tháng 4.1930 đã tổ chức được 5 chi bộ Đảng (An Vĩnh, Tư Cung Nam, Sung Tích, Đông Dương, Thọ Lộc). Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Sơn Tịnh được thành lập, đưa phong trào cách mạng của nhân dân Sơn Tịnh bước vào một thời kỳ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện.

Trong cao trào 1930 - 1931, ở Sơn Tịnh đã liên tục nổ ra các cuộc đấu tranh với quy mô lớn theo các mục tiêu của Đảng đề ra. Có những cuộc xuống đường của nhân dân cả phía tây và phía đông huyện gồm từ 3.000 đến 5.000 quần chúng tham gia. Trong những năm 1932 - 1935, mặc dù thực dân Pháp và tay sai thực hiện khủng bố trắng, nhưng phong trào cách mạng ở Sơn Tịnh vẫn được duy trì. Trong những năm 1936 - 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, phong trào cách mạng lại bùng lên mạnh mẽ. Nổi bật là cuộc xuống đường ngày 01.7.1937 của 5.000 quần chúng khắp các làng xã tập trung đến Quốc lộ 1A đón Gôđa (đại diện Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp), đưa yêu sách đòi các quyền tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình; đòi thả hết tù chính trị; cuộc đấu tranh của nhân dân Phước Lộc (nay thuộc xã Tịnh Sơn) vào tháng 12.1937, buộc cường hào Nguyễn Duệ (Hương Duật) phải trả 50ha đất cho nông dân lập hội đồng canh trồng mía; các cuộc đấu tranh vào đầu tháng 1 và cuối tháng 2.1939 của hàng ngàn người ở chợ Châu Sa, Phước Lộc và các làng ven biển chống chủ trương tăng thuế mới của thực dân Pháp; cuộc xuống đường ngày 14.7.1939 của trên 1.000 người dân Sơn Tịnh kéo về sân vận động Quảng Ngãi cùng với hàng vạn nhân dân các nơi khác trong tỉnh biến lễ Chánh Chung (Quốc khánh nước Pháp) thành ngày hội chống chiến tranh, chống chủ nghĩa phát xít.

Trong những năm 1940 - 1945, các tổ chức cơ sở Đảng và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện được khôi phục, củng cố và phát triển. Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc lần lượt được thành lập từ làng, xã, tổng đến cấp phủ. Ngày Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương (9.3.1945), ở Sơn Tịnh có nhiều cán bộ, đảng viên, thanh niên liên lạc với tổ chức Đảng tại Căng An trí Ba Tơ. Hàng loạt cán bộ trẻ và thanh niên tham gia lực lượng du kích cứu quốc Ba Tơ. Đại đội du kích Ba Tơ Phan Đình Phùng xuống lập chiến khu tại Vĩnh Tuy (nay thuộc xã Tịnh Hiệp). Lực lượng du kích, tự vệ cứu quốc được thành lập ở tất cả các làng xã. Xưởng Từ Nhại ở Vĩnh Tuy và hầu hết lò rèn trong phủ rèn sắm vũ khí. Nhân dân tích cực đóng góp tiền bạc, mua sắm vũ khí, đóng góp lương thực, thuốc men quần áo chuyển lên chiến khu ủng hộ Đội du kích Ba Tơ, chăm nuôi du kích các làng xã tập luyện...

Nhận được mệnh lệnh của Tỉnh ủy, Đảng bộ Sơn Tịnh đã phát động quần chúng khởi nghĩa từ chiều tối ngày 14.8.1945 và đến đêm 16.8.1945 Cách mạng tháng Tám thành công trong toàn phủ, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng, Mặt trận Việt Minh, Liên Việt, các đoàn thể cứu quốc được xây dựng và củng cố, tập hợp hầu hết quần chúng vào các tổ chức cách mạng. Trong "Tuần lễ quyên vàng xây nền độc lập", nhân dân Sơn Tịnh đóng góp được 5,2kg vàng và nhiều bạc trắng, đồng.

Trong kháng chiến chống Pháp, ở Sơn Tịnh, lực lượng dân quân du kích phát triển, làng chiến đấu được xây dựng khắp nơi, đẩy lùi các cuộc đổ bộ đánh phá của quân Pháp vào vùng ven biển, đập tan các cuộc càn quét của bọn "chí xẻng" (tay sai của Pháp) từ miền tây xuống Tịnh Giang, có trận loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch, thiết thực góp phần bảo vệ vùng tự do Liên khu V trong suốt 9 năm. Sơn Tịnh đã đưa nhiều cán bộ và chiến sĩ tham gia công tác và chiến đấu ở các chiến trường cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Miên, Hạ Lào, đưa hàng vạn thanh niên nhập ngũ, đưa hàng ngàn dân công phục vụ tiền tuyến và đóng góp hàng vạn tấn thóc thuế nông nghiệp phục vụ kháng chiến, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Sơn Tịnh càng được phát huy.

Trong những năm đầu đen tối, Đảng bộ Sơn Tịnh đã lãnh đạo nhân dân liên tục đấu tranh chống chính sách "tố Cộng, diệt Cộng" của Mỹ - Diệm, xây dựng căn cứ lòng dân và căn cứ địa ở một số nơi, tiến lên diệt ác, phá thế kìm kẹp của địch. Sau cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (8.1959), cấp ủy Sơn Tịnh rút thanh niên các xã thành lập đội vũ trang tuyên truyền huyện, bổ sung cho các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh, tấn công địch ở một số nơi, phát động quần chúng nổi dậy phá kìm, giành quyền làm chủ một số thôn, xóm.

Từ năm 1961 đến năm 1965, Sơn Tịnh tiếp tục phát triển lực lượng cách mạng, thực hiện đồng khởi nông thôn. Đến cuối năm 1964, hệ thống "ấp chiến lược" của địch và bộ máy chính quyền địch ở nhiều thôn xã phía tây và đông của Sơn Tịnh bị xóa sổ. Vùng giải phóng và vùng cách mạng làm chủ mở rộng gần sát Quốc lộ 1A. Quân dân Sơn Tịnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang của tỉnh, Quân khu V thực hiện Chiến dịch xuân hè 1965 tại chiến trường tây bắc Quảng Ngãi, làm nên chiến thắng Ba Gia lịch sử vào cuối tháng 5.1965, góp sức cùng toàn tỉnh, toàn quốc đánh bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ.

Quân Mỹ, quân Nam Triều Tiên sau khi vào trực tiếp tham chiến, thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ", đã gây nên nhiều vụ thảm sát hàng loạt thường dân Sơn Tịnh. Từ cuối tháng 8 đến tháng 12.1966, lính Nam Triều Tiên thuộc lữ đoàn Rồng Xanh đã sát hại dã man 600 đồng bào ta ở các xã Tịnh Bình, Tịnh Sơn, Tịnh Thọ, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Tịnh Thiện. Và chỉ trong buổi sáng 16.3.1968, lính Mỹ đã giết hại 504 đồng bào ta tại Sơn Mỹ(5).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Sơn Tịnh kiên định tư tưởng chiến lược tiến công, kiên định phương châm hai chân ba mũi giáp công, kiên quyết đánh trả quân Mỹ, quân chư hầu. Từ tháng 6.1965 đến tháng 12.1966, quân dân Sơn Tịnh đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống 2.757 địch, có 365 lính Mỹ, 611 lính Nam Triều Tiên. Trong hai năm 1967 - 1968, quân dân Sơn Tịnh phối hợp với các lực lượng của trên đánh hàng trăm trận, tiêu diệt hàng vạn tên địch. Tiêu biểu là trận đánh diệt một tiểu đoàn và 2 ban chỉ huy tiểu đoàn Nam Triều Tiên ở đồi Quang Thạnh, tiêu diệt 420 lính Nam Triều Tiên; các trận đánh tiêu diệt và làm thiệt hại nặng 3 đại đội lính Nam Triều Tiên ở Tịnh Bình, Tịnh Sơn, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa; trận đánh tiêu diệt và làm thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn Mỹ càn vào tây Sơn Tịnh (17.12.1967); trận đánh đồn hải thuyền Cổ Lũy diệt 120 địch, có 3 lính Mỹ (3.8.1967); tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân loại khỏi chiến đấu 448 lính địch...(6).

Trong giai đoạn thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ" (1969 - 1972), địch mở nhiều cuộc ném bom, càn quét lớn vào Sơn Tịnh, lùa xúc dân vào các khu dồn Núi Tròn, Văn Thánh… cày ủi phá hủy nhiều làng mạc, đồng ruộng của nhân dân, ra sức lập vành đai trắng phòng thủ quận lỵ và phía bắc thị xã Quảng Ngãi. Trong tháng 3.1969, địch lùa 1.200 đồng bào ta xuống tàu thủy đem đổ ngoài biển giết sạch(7).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Sơn Tịnh kiên trì trụ bám giữ vững thế tiến công địch bằng ba mũi giáp công, phối hợp với các lực lượng của trên liên tục chống càn, đánh vào đồn bót địch, diệt ác, phá các khu dồn, đưa dân về làng cũ. Từ năm 1969 đến năm 1971, trên đất Sơn Tịnh có hàng vạn quân địch bị loại khỏi chiến đấu, trong đó có hàng ngàn lính Mỹ.

Ngày 24.10.1971, đơn vị lính Mỹ cuối cùng ở Núi Đất (Tịnh Bình) rút khỏi tây Sơn Tịnh. Sơn Tịnh đã góp sức cùng cả tỉnh, cả nước làm phá sản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ, buộc nhà cầm quyền Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari vào ngày 27.1.1973, cuốn cờ rút quân Mỹ về nước.

Nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục đứng sau giúp sức chính quyền Sài Gòn thực hiện âm mưu kéo dài chiến tranh, chia cắt lâu dài đất nước ta. Chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Pari, xua quân lấn chiếm vùng giải phóng, cày ủi trắng đất trắng dân nhiều vùng ở tây đông huyện lỵ.

Quân dân Sơn Tịnh trụ bám trừng trị đích đáng những hành động của địch vi phạm Hiệp định. Vừa đánh địch, vừa xây dựng lực lượng mạnh lên gấp bội để tiến lên phối hợp với toàn tỉnh, toàn quốc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng toàn huyện vào ngày 25.3.1975.

Nhờ những đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sơn Tịnh có 17 đơn vị và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, có một cá nhân hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là ông Hồ Giáo (Tịnh Sơn), có 412 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng(8).

Sơn Tịnh cũng là nơi sản sinh ra nhiều tướng lĩnh, được xem là "đất tướng": có 1 thượng tướng, 5 trung tướng, 6 thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, 1 thiếu tướng Công an nhân dân(9).

Từ sau năm 1975, huyện Sơn Tịnh khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đưa hàng vạn thanh niên tòng quân nhập ngũ tham gia bảo vệ quê hương, đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế. Đã có hàng trăm cán bộ và chiến sĩ Sơn Tịnh đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Cămpuchia.

Tình hình chính trị tư tưởng và an ninh quốc phòng toàn huyện ngày càng ổn định và luôn được giữ vững.

*
*          *

Sơn Tịnh vốn là một huyện thuần nông, nền kinh tế lạc hậu. Trong kháng chiến chống Pháp, địa hạt huyện đã duy trì được kinh tế tự cấp tự túc. Trong kháng chiến chống Mỹ, mảnh đất này bị bom đạn, chất độc hóa học của Mỹ tàn phá nghiêm trọng. Từ sau năm 1975, Sơn Tịnh phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý: phát triển nông nghiệp toàn diện, từng bước mở mang tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp, phát triển thương mại - dịch vụ. Từ những năm cuối thế kỷ XX, Khu Kinh tế Dung Quất và Khu Công nghiệp Tịnh Phong ra đời tạo thuận lợi cho kinh tế Sơn Tịnh phát triển nhanh hơn.

Nông, lâm, ngư nghiệp

Đất đai ở huyện Sơn Tịnh tương đối đa dạng, thuộc nhiều loại hình khác nhau nhưng có thể phân làm hai nhóm chính: 1) Đồng đất ven sông Trà, nhờ có nước và phù sa nên phì nhiêu màu mỡ hơn; 2) Đồng đất phía tây bắc huyện chủ yếu là đất cát, bạc màu, khô cằn, chỉ làm được lúa gieo 1 vụ/năm và trồng mì.

Nổi bật trong nông nghiệp ở Sơn Tịnh trước hết là công tác thủy lợi, trong đó các guồng xe nước trên sông Trà đặc biệt nổi tiếng vì sự kỳ vĩ và độc đáo. Năm 1790, dân làng Phước Lộc (nay thuộc xã Tịnh Sơn) có đơn xin miễn công ích cho những người thợ xe, được vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) châu phê. Các ông Nguyễn Văn Giai (ở làng Phước Lộc), Lê Văn Hóa (ở làng Sơn An, nay thuộc xã Tịnh An) đã có công đầu trong tạo dựng và phát triển hệ thống guồng xe nước ở đây(10). Đến thập niên ba mươi thế kỷ XX, Sơn Tịnh có 29 guồng xe nước bên bờ tả ngạn sông Trà: 4 guồng 8 bánh, 19 guồng 9 bánh; 6 guồng 10 bánh. Để giải quyết vấn đề nước tưới, nông dân Sơn Tịnh còn khai mương, đắp đập, dùng cần vọt, gàu giai, gàu sòng, guồng đạp nước để lấy nước tưới cho hoa màu cây trái. Thời phong kiến nhân dân đã đắp đập Bàu Cá (ở làng Trà Bình, nay thuộc xã Tịnh Trà). Khi đập bị hư, ông Đinh Duy Tự (Nghè Kim) cùng với nhân dân góp công của tu sửa, nên gọi là đập ông Nghè. Phía đông huyện thì có đập Ngự Hàm (ở làng Tư Cung Nam, nay thuộc xã Tịnh Khê) ngăn mặn. Thời kháng chiến chống Pháp, nhân dân Tịnh Giang đã đắp đập Cù Và. Năm 1948, dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Cát (người xã Tịnh Hòa đã tham gia cách mạng và trở thành đảng viên cộng sản năm 1930, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Sơn Tịnh), nhân dân đã đào kênh Sơn Tịnh dài 16km lấy nước sông Trà Khúc tại cửa khẩu Ngân Giang vào tưới cho 1.500ha đồng ruộng Tịnh Hà, Tịnh Phong và các xã phía đông của huyện - nhân dân gọi là kênh Ông Cát. Thời kháng chiến chống Mỹ, một số làng xã có điều kiện đã mua sắm bơm nước chạy bằng dầu mazut hoặc xăng để đưa nước vào đồng. Sau ngày giải phóng, nhân dân đã xây dựng 6 hồ chứa nước, đắp đập Cống Giang (ở Tịnh Giang) dẫn nước vào ruộng, đắp đập Khê Hòa để ngăn mặn và giữ ngọt cho hàng ngàn hécta ruộng phía trên đập. Từ năm 1993, hệ thống kênh mương thủy lợi Thạch Nham đã vươn dài đưa nước sông Trà Khúc đến hầu khắp đồng đất Sơn Tịnh. Mấy năm gần đây, nhân dân còn dùng cả máy bơm điện để bơm nước vào ruộng. Thời kỳ nào, nhân dân Sơn Tịnh cũng đặc biệt coi trọng công tác thủy lợi.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Sơn Tịnh ở thời điểm 2005 là 17.997,8ha, trong đó đất trồng cây hằng năm 14.384ha, đất trồng cây lâu năm 3.613,8ha.

Về trồng trọt: Lúa là cây lương thực chính. Trước kia đồng ruộng ven sông Trà, kênh Sơn Tịnh làm lúa nước 2 vụ/năm; đồng ruộng phía bắc huyện làm lúa gieo (nhiều nhất là giống trì trì) mỗi năm một vụ. Nói chung năng suất lúa đạt thấp. Từ sau ngày giải phóng đến nay, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, nhờ thủy lợi Thạch Nham, năng suất lúa đã tăng đáng kể. Trong số 14.384ha đất trồng cây hằng năm, lúa chiếm gần 1/2 diện tích với 7.053,1ha, sản lượng 63.473 tấn. Những năm cuối thế kỷ XX, các công đoạn làm đất, tưới tiêu nước, thu hoạch lúa đã được cơ giới hóa trên nhiều cánh đồng. Bên cạnh lúa, ngô cũng có diện tích khá đáng kể với diện tích gieo trồng 1.842ha, sản lượng 8.801 tấn (năm 2005). Tổng sản lượng lương thực ở huyện Sơn Tịnh năm 2005 là 72.274 tấn, bình quân lương thực đầu người năm 2005 là 371kg. Có 5 xã bình quân lương thực đầu người từ 500kg trở lên là Tịnh Trà, Tịnh Bắc, Tịnh Phong, Tịnh Thọ, Tịnh Minh; có 5 xã đạt từ 400 đến 500kg là Tịnh Thiện, Tịnh Đông, Tịnh Hiệp, Tịnh Sơn, Tịnh Ấn Đông; xã thấp nhất là Tịnh Kỳ 5kg (xã chuyên nghề biển); các xã Tịnh Ấn, Tịnh Hà, Tịnh Long, Tịnh Khê, Tịnh Hòa, thị trấn Sơn Tịnh (dưới 300kg). Ngoài cây lúa, ngô, còn có mì, khoai lang, các loại cây họ đậu, huỳnh tinh… trong đó do có sự thu hút nguyên liệu của Nhà máy tinh bột mì Tịnh Phong mà cây mì phát triển đáng kể, với diện tích 2.270ha, sản lượng đạt 59.020 tấn (2005).

Cùng với cây lương thực, Sơn Tịnh còn trồng khá nhiều loại rau, quả. Ớt Sơn Tịnh đã từng được chế biến để xuất khẩu. Xã Tịnh Long nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc có rất nhiều hộ chuyên trồng rau, bán đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2005, Sơn Tịnh có 2.352ha trồng rau với sản lượng 42.292 tấn.

Cây công nghiệp, trước đây chủ yếu là mía, dâu tằm, lạc, vừng, bông, dừa, cói; gần đây có thêm cây điều, dứa, thông, tiêu… cho thu hoạch khá. Cây mía có chiều hướng giảm, năm 2005 còn 751ha với sản lượng 43.305 tấn mía cây. Trong khi diện tích trồng lạc tăng đáng kể với diện tích gieo trồng 1.353ha, sản lượng 2.861 tấn.

Về chăn nuôi: Trước kia Sơn Tịnh có đàn bò ta, heo cỏ, gà nhà, vịt. Từ năm 1980 đến năm 2005, đàn gia súc gia cầm Sơn Tịnh phát triển gấp hai lần, riêng đàn trâu tăng gấp 9 lần. Trong đàn bò đã có nhiều bò lai sin, zêbu. Trong đàn gà đã có nhiều gà công nghiệp. Ngoài gà, vịt, nhiều xã phát triển thêm đàn cút. Lượng trứng gà, vịt, cút tăng khá cao. Tính ở thời điểm 2005, Sơn Tịnh có 5.009 con trâu (nhiều nhất là ở các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Phong, mỗi xã trên 850 con), 49.862 con bò (nhiều nhất ở xã Tịnh Bình, Tịnh Thọ, mỗi xã trên 4.000 con), tổng đàn heo trên 2 tháng tuổi là 97.320 con (nhiều nhất ở xã Tịnh Hà, 9.840 con), gia cầm có 793.000 con.

Lâm nghiệp: Trước kia người dân Sơn Tịnh chỉ khai thác rừng tự nhiên (gỗ, củi, đốt than). Trong chiến tranh, rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Từ năm 1975 đến năm 2005, thực hiện dự án PAM, Sơn Tịnh đã trồng 5.835ha rừng mới, chủ yếu là bạch đàn, thông; khoanh nuôi chăm sóc tái sinh 6.086ha rừng cũ. Rừng Sơn Tịnh đã cung cấp cho nhân dân gỗ, củi, cung cấp bạch đàn cho Nhà máy chế biến dăm bạch đàn ở Dung Quất để xuất khẩu. Rừng tiêu của nông trường 25-3 (Tịnh Giang, Tịnh Đông) cung cấp tiêu cho xuất khẩu. Rừng dừa ở các xã phía đông cung cấp cùi dừa cho công nghiệp chế biến bánh kẹo, sọ dừa chế biến than hoạt tính, xơ dừa sản xuất dây dừa… Cả nông, lâm nghiệp, đến năm 2005 Sơn Tịnh có 17 cơ sở trang trại sản xuất của tư nhân, trong đó có 7 trang trại có 4 hoặc 5 lao động thường xuyên (chưa tính lao động mùa, vụ).

Ngư, diêm nghiệp: Một bộ phận cư dân Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê từ xưa sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, làm mắm, làm muối. Việc đánh bắt hải sản chủ yếu dựa vào ghe thuyền nhỏ đánh bắt trong lộng. Cư dân bên sông Trà Khúc thì đánh bắt cá bống, don, hến, cá thài bai. Từ sau năm 1975, Sơn Tịnh ngày càng có nhiều tàu thuyền lớn vươn ra đánh bắt hải sản ở các ngư trường xa. Năm 1980 có 137 tàu thuyền, công suất bình quân 10CV/chiếc; đến năm 2005 có 775 tàu, công suất bình quân 35,8CV/tàu, trong đó có 439 tàu có công suất từ 50 đến 400CV. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2005 là 13.170 tấn, trong đó xã Tịnh Kỳ 7.143 tấn, Tịnh Khê 4.975,4 tấn, Tịnh Hòa 704,6 tấn. Đồng muối Xuân An bảo đảm cung cấp muối cho cả huyện và vùng đông bắc thành phố Quảng Ngãi. Trong những năm gần đây, vùng phía đông huyện phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Năm 2005 có 187,21ha nuôi tôm, sản lượng tôm nuôi 168,5 tấn.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Từ xưa Sơn Tịnh có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp: nghề ép mía nấu đường thủ công, nghề ươm tơ dệt lụa ở nhiều làng xã; nghề rèn ở Tịnh Minh; nghề làm nón lá ở Tịnh Bình; nghề chế tác sừng ở Tịnh Sơn, Tịnh Hà; nghề gốm ở Tịnh Thiện; nghề dệt chiếu, làm dây dừa, mài bột huỳnh tinh ở Tịnh Khê; nghề làm mắm ở Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ… Từ năm 1975 đến năm 2005, Sơn Tịnh đã phát triển thêm một số ngành nghề mới như sản xuất gạch ngói, chẻ đá, nung vôi, sản xuất đồ gỗ, đồ nhôm, đan mây tre…

Về công nghiệp, trước năm 1945 Pháp chỉ xây dựng hãng rượu Xica ở bắc cầu Trà Khúc. Cho đến trước năm 1975, công nghiệp ở Sơn Tịnh hầu như không có gì. Từ năm 1975 về sau, Sơn Tịnh có Xí nghiệp sửa chữa ô tô Vạn Tường (đã giải thể), xí nghiệp sửa chữa và đóng tàu thuyền ở Tịnh Kỳ, các cơ sở sản xuất gạch ngói bằng dây chuyền công nghiệp, các xí nghiệp khai thác mỏ graphit, may mặc, thuộc da, sản xuất đũa tre… Những năm 90 của thế kỷ XX, Khu Công nghiệp Tịnh Phong ra đời với diện tích 141ha. Đến năm 2005, đã có 27 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư 341,7 tỷ đồng, trong đó có 13 dự án đã đi vào sản xuất. Các nhà máy gạch tuynen, ximăng, bêtông, tinh bột mì, sản xuất trụ điện ly tâm, đá granit xuất khẩu, xí nghiệp hàng may mặc xuất khẩu, chế biến lâm sản xuất khẩu… đã và đang sản xuất có hiệu quả.

Trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn phải kể đến hoạt động xây dựng cơ bản góp phần tạo nên nhiều công trình mới, nhiều cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng trong huyện. Huyện cũng đã tiến hành xây dựng cụm công nghiệp để thúc đẩy các ngành nghề phát triển.

Trước kia Sơn Tịnh không có điện. Những năm 70, 80 thế kỷ XX có máy phát điện chạy bằng diesel, chủ yếu phục vụ khu vực huyện lỵ. Từ những năm 90 thế kỷ XX đến nay, điện lưới quốc gia đã đưa điện về khắp các xã, thôn phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến năm 2005, đã có 98,5% hộ gia đình được dùng điện.

Đến năm 2005, toàn huyện có 2.100 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cá thể với 4.050 lao động.

Thương mại - dịch vụ: Từ xưa việc giao lưu kinh tế hàng hóa, buôn bán đã khá nhộn nhịp, tập trung nhiều nhất là ở chợ Hàng Rượu (thị trấn), chợ Đồng Ké (Tịnh Giang), chợ Ba Gia (Tịnh Bắc), chợ Đình (Tịnh Bình), chợ Phước Lộc (Tịnh Sơn), chợ Mới (Tịnh Hà), chợ Sa (Tịnh Châu), chợ mới Bến Trể (Tịnh Hòa). Ngoài ra, còn có những chợ mang tên đặc trưng hàng hóa như chợ Bò (Tịnh Phong), chợ Than (Tịnh Hiệp), chợ Gà (Tịnh An).

Trong kháng chiến chống Mỹ, nghề buôn bán ở các chợ nông thôn bị hạn chế nhiều. Thời kỳ bao cấp (1975 - 1986), hầu hết hoạt động thương mại - dịch vụ do kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể quản lý nên không phát triển được bao nhiêu. Từ ngày cơ chế thị trường ra đời (1987), thị trấn Sơn Tịnh với chợ huyện trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất trong huyện. Sơn Tịnh nằm kề thành phố Quảng Ngãi, nên hoạt động thương mại - dịch vụ của huyện rất sôi động. Trên địa hạt huyện có thêm một số chợ mới được hình thành: chợ Chiều thị trấn, chợ Đồng Có (Tịnh Minh), chợ Tịnh Trà, chợ Gò (Tịnh An), chợ An Bình (Tịnh Đông), chợ Tịnh Ấn Tây, chợ Tịnh Ấn Đông…

Việc giao lưu hàng hóa, buôn bán bằng đường thủy trên sông Trà trước đây diễn ra hằng ngày. Đường cát, tơ lụa Sơn Tịnh từ cảng Sa Kỳ theo đường biển xuất đi các nơi. Dịch vụ giao thông - vận tải, trước kia chủ yếu là dùng thuyền buồm vận tải đường thủy, hoặc vận chuyển hàng bằng đường sắt. Ngày nay, vận tải đường bộ đã có ô tô, đường biển đã có tàu thủy. Mỗi năm có hàng trăm chuyến tàu thuyền ra vào cảng Sa Kỳ. Đến 2005, toàn huyện có 124 đầu xe vận tải lớn nhỏ chuyên chở hành khách, hàng hóa.

Dịch vụ bưu điện: Từ sau năm 1975, mạng lưới bưu điện bao gồm điện báo, điện thoại, phát hành thư tín, báo chí từ huyện đến xã phát triển tương đối hoàn chỉnh. Đến năm 2005, có 18/20 xã có bưu điện văn hóa xã, toàn huyện có 8.568 máy điện thoại cố định, 333 điện thoại di động, bình quân 21 người dân có một máy điện thoại.

Về dịch vụ du lịch, Sơn Tịnh có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa có tiềm năng thu hút khách tham quan du lịch. Nổi bật có Thiên Ấn niêm hà, năm 1830 hình núi được chạm vào di đỉnh tại Kinh thành Huế, năm 1850 được liệt vào hạng danh sơn. Trên đỉnh núi có ngôi chùa cổ gắn với truyền thuyết về chuông Thần, giếng Phật, có mộ cụ Huỳnh Thúc

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

1980(11)

2005(12)

Diện tích lúa cả năm

ha

19.670

11.702

Diện tích màu cả năm

ha

3.188

4.282

Sản lượng lương thực quy thóc

tấn

32.170

72.274

Lương thực bình quân/người

kg

220

371

Diện tích cây công nghiệp:

 

 

 

- Mía

ha

820

751

- Lạc

ha

112,5

1.353

- Cói

ha

40

11

- Điều

ha

Chưa có

70

- Hồ tiêu

 

Chưa có

31

Sản lượng cây công nghiệp:

 

 

 

- Mía

tấn

24.100

41.305

- Lạc

tấn

83,5

2.861

- Cói

tấn

214

44

- Điều

ha

Chưa có

45,5

- Hồ tiêu

ha

Chưa có

15

Đàn trâu

con

480

5009

Đàn bò

con

22.300

49.862

Đàn lợn

con

42.000

97.320

Đàn gia cầm

con

245.000

813.000

Diện tích rừng mới trồng, chăm sóc, tái sinh

ha

1.836

6.786

Sản lượng gỗ khai thác

m3

Chưa nắm được

20.000

Sản lượng hải sản đánh bắt

tấn

1.200

13.170

Tổng giá trị sản xuất kinh tế

tỷ đồng

37,4

2.015(13)

- Nông, lâm, ngư

tỷ đồng

25,5

857,8

- Công nghiệp - Tiểu thủ CN- xây dựng

tỷ đồng

6,2

770,8

- Thương mại dịch vụ

tỷ đồng

5,7

386,4

Tỷ trọng các ngành kinh tế:

%

 

 

- Nông, lâm, ngư nghiệp

%

68,1

42,5

- Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp -
xây dựng

%

16,6

38,3

- Thương mại dịch vụ

%

15,2

19,2

Thu nhập bình quân đầu người

triệu đồng

0,256

10,3

 Về giao thông

Đường sắt xuyên Việt chạy qua Sơn Tịnh 14,5km, có ga Đại Lộc. Quốc lộ 1A chạy qua Sơn Tịnh dài 10,5km đã được mở rộng; Quốc lộ 24B chạy qua Sơn Tịnh dài 18,5km; Tỉnh lộ 623 đi Sơn Hà, Sơn Tây (71km) chạy qua Sơn Tịnh.

Đường liên huyện: Tịnh Phong đi Bình Tân (Bình Sơn) 7km (dã có dự án tráng nhöïa); Tịnh Đông đi Trà Tân (Trà Bồng) 10km (dã có dự án tráng nhöïa).

Đường nội hạt:

- Tịnh Phong đi Trà Bình (Tịnh Hiệp) 23km;

- Thế Lợi (Tịnh Phong) đi Tịnh Hòa 11km;

- Trên đường 5B từ Tịnh Giang xuống thị trấn có các tuyến đường ngang: Cây số 20 ra Cù Và - Vĩnh Tuy khoảng 8km; Cây số 18 ra mỏ gờraphít khoảng 4km; Cây số 18 vào Gò Đu (Tịnh Đông) khoảng 4km; Cây số 17 vào Tả Đội (Tịnh Đông) khoảng 4km; Cây số 15 ra Tịnh Trà Tịnh Hiệp khoảng 11,5km; Cây số 14 vào Tịnh Minh khoảng 6km; Cây số 13 ra Tịnh Bắc, Tịnh Thọ khoảng 8km; Cây số 13 vào Tịnh Minh khoảng 6km; Cây số 11 ra Tịnh Bình, Tịnh Hiệp khoảng 6km; Cây số 10 ra Tịnh Bình, Tịnh Thọ khoảng 8km; Cây số 6 ra Tịnh Bình, Tịnh Thọ khoảng 8km; Cây số 4 vào Thọ Lộc, Ngân Giang khoảng 6km; Cây số 4 vào nhà lưu niệm ông Nguyễn Chánh 4km; Cây số 2 vào Đông Dương khoảng 6km; Cây số 3 ra bắc xã Tịnh Ấn Tây khoảng 6km;

- Trên Quốc lộ 24B từ bắc cầu Trà Khúc I xuống Sa Kỳ 18km, có các tuyến đường xương cá: Tịnh An đi Tịnh Ấn Đông gần 4km; Tịnh An đi Tịnh Long gần 3,5km; Tịnh Châu đi Bình Tân gần 4,5km; Tịnh Châu đi Tịnh Long gần 3,5km; Cầu Sắt đi Tịnh Thiện 4,5km; Núi Đồn đi Tịnh Thiện 4,5km; Mỹ Lai đi Trường Định 2km; Tịnh Khê đi Cổ Lũy 4km; Tịnh Hòa đi Bình Phú 3km.

Đến năm 2005, trên địa bàn huyện Sơn Tịnh đã có 284km đường liên huyện, liên xã, liên thôn được bêtông hóa, nhựa hóa.

Đường thủy: Năm 1980 toàn huyện có 1 thuyền máy và 30 thuyền buồm vận tải hàng hóa hành khách theo đường sông từ Sa Kỳ lên Đồng Ké, theo đường biển từ Sa Kỳ ra Lý Sơn và ngược lại. Đến năm 2005, đã có hàng chục thuyền máy và tàu vận tải nhẹ.

*
*          *

Di sản văn hóa: Sơn Tịnh có 4 cảnh đẹp (trên 12 cảnh đẹp của toàn tỉnh): Thiên Ấn niêm hà, Long Đầu hý thủy, Hà Nhai vãn độThạch ky điếu tẩu.

Vùng đất Sơn Tịnh có di chỉ văn hóa thời đại đồ đá cũ ở Gò Trá, di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh ở Núi Sứa, di chỉ trống đồng tìm thấy ở Bàu Lát (Tịnh Ấn Đông), di chỉ Văn hóa Chămpa ở Châu Sa, đền Văn Thánh thờ Đức Khổng Tử.

Sau ngày giải phóng năm 1975, huyện Sơn Tịnh đã xây dựng văn hóa mới với nhiều thành tựu, đáng chú ý gồm:

Xây dựng tôn tạo các di tích lịch sử: chiến khu Vĩnh Sơn, đài tiếng nói Nam Bộ; di tích căm thù địch ở Sơn Mỹ, Tịnh Kỳ, Tịnh Bình, Tịnh Sơn; di tích chiến thắng Ba Gia, Quang Thạnh.

Xây dựng trung tâm văn hóa huyện gồm nhà văn hóa, đài tiếp sóng phát thanh truyền hình, thư viện, hiệu sách nhân dân…

Đến cuối năm 2005, có 68 thôn, 29.108 gia đình đạt chuẩn văn hóa, 70% số hộ dùng nước sạch, 93% số hộ có phương tiện nghe nhìn.

Phong trào văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao đã phát triển khá, nhất là trong lớp trẻ.

Trải qua các thời kỳ, huyện Sơn Tịnh đã xuất hiện những gương mặt văn hóa nổi bật, như học giả Trương Đăng Quế, nhà thơ Đinh Duy Tự (Nghè Kim). Thời kỳ hiện đại có các Giáo sư, Tiến sĩ: Đỗ Sanh, Phan Ngọc Liên, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Diệu, Lê Công Dưỡng, Nguyễn Kim Hiệu, Nguyễn Xuân Vỹ, nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhà văn Đoàn Minh Tuấn, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng…

Giáo dục đào tạo

Thời Nho học: Nhiều làng có thầy đồ dạy chữ nho. Thời nhà Nguyễn toàn huyện có 33 người đậu Cử nhân tại các trường thi Hương ở Thừa Thiên và Bình Định, trong đó ở làng Phú Nhơn có 8 người, làng Mỹ Khê (nay thuộc xã Tịnh Khê) có 5 người. Khoa thi Hương đầu tiên tại Thừa Thiên năm 1819, ông Trương Đăng Quế, người làng Mỹ Khê thi đỗ Hương tiến (Cử nhân), là người khai khoa của Quảng Ngãi(14).

Thời Tân học: Toàn huyện chỉ có hai người đậu Tú tài Tây (ngang với tốt nghiệp Trung học phổ thông ngày nay), có một trường Tiểu học ở làng Phước Lộc (Tịnh Sơn), năm 1939 chỉ có đến lớp Ba (élémentaire), đến năm 1944 mới mở đến lớp Nhất (supérieure) - ngang với lớp sáu ngày nay. Số ít con nhà giàu học bậc Thành chung phải đến học ở tỉnh lỵ; số người tốt nghiệp Thành chung (diplôme - ngang tốt nghiệp Trung học cơ sở ngày nay) chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay

Trong kháng chiến chống Pháp, vùng giải phóng thời kháng chiến chống Mỹ và từ sau đại thắng mùa Xuân 1975, Sơn Tịnh có phong trào xóa nạn mù chữ cho nhân dân đạt kết quả khá cao. Đến năm 2004, có 99% người dân trên 6 tuổi biết chữ.

Cũng trong kháng chiến chống Pháp, ở Sơn Tịnh năm 1949 còn có Trường Trung học Rừng Xanh (ở Tịnh Hà) đào tạo hàng trăm người có trình độ học vấn cấp II.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ở vùng giải phóng có Trường Sư phạm đào tạo giáo viên Tiểu học, tất cả các xã giải phóng có trường Tiểu học.

Từ năm 1975 đến năm 2005, sự nghiệp giáo dục đào tạo Sơn Tịnh phát triển khá nhanh. Đến năm 1995, cơ bản xóa xong nạn mù chữ. Công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ, công chức và thanh niên được đẩy mạnh. Hầu hết thanh niên đạt trình độ cấp I, II. Hầu hết cán bộ, công chức đạt trình độ cấp III, đại học.

Thống kê cơ bản về giáo dục đào tạo năm 1980 và năm 2005(15)

Cấp học

Năm

Trường

Lớp

Giáo viên

Học sinh

Mầm non

1980

19

143

143

6.286

2005

22

190

219

4.102

Tiểu học và Trung học cơ sở

1980

28

1.004

1.262

37.583

2005

49

1.071

1.521

36.040

Trung học phổ thông

1980

2

22

66

1.092

2005

5

172

290

8.288

Ngoài ra, Sơn Tịnh còn có hàng ngàn học sinh, sinh viên đã và đang học tại các trường Dạy nghề, trường Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học trong tỉnh và trong nước.

Chăm sóc sức khỏe

Trước kia, ở các làng xã thường có những thầy thuốc Đông y dùng thuốc Bắc, thuốc Nam chữa bệnh cho nhân dân. Từ những năm ba mươi của thế kỷ XX đã có một số thầy thuốc Tây y. Ở huyện lỵ và một số thị tứ đã có một vài hiệu thuốc Tây.

Trong kháng chiến chống Pháp, Sơn Tịnh là nơi tỉnh đặt bệnh viện dân y (ở Phước Lộc, Tịnh Sơn) để chữa bệnh cho nhân dân, chiến sĩ và cán bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều xã duy trì và phát triển phương thức chữa bệnh bằng Đông y. Ở vùng giải phóng, từ những năm 1965 - 1966, huyện có bệnh xá khu tây và bệnh xá khu đông (Đông Sơn) có bác sĩ và y sĩ tác nghiệp. Các xã giải phóng có trạm y tế do các y tá phục vụ.

Từ sau năm 1975, Sơn Tịnh tổ chức được phòng chẩn trị Đông y của huyện và nhiều cơ sở Đông y của các xã khám chữa bệnh cho nhân dân bằng y học cổ truyền dân tộc. Bệnh viện huyện ở xã Tịnh Ấn Tây và Trung tâm chăm sóc sức khỏe Mỹ Lai (ở Tịnh Khê) được xây dựng, có đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, y sĩ được đào tạo cơ bản. Tất cả các xã và thị trấn có trạm y tế do y sĩ hoặc y tá trưởng phụ trách. Đến năm 2005, có 18/21 trạm y tế xã đã có các bác sĩ phụ trách.

Một vài số liệu về y tế năm 1980 và năm 2005(16)

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

1980

2005

Tổ chức khám chữa bệnh

Cơ sở

19

24

Cán bộ y tế

Người

139

228

Gồm: + Bác sĩ, dược sĩ cao

Người

4

39

 + Y sĩ, dược sĩ trung

Người

24

65

 + Y tá, hộ sinh, hộ lý

Người

111

124

- Giường bệnh

Giường

100

235

- Tỷ lệ sinh tự nhiên

%

2,82

1

- Trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng

%

42

25,4

 

Nhân lực và các vấn đề xã hội (tính đến năm 2005)(17)

Về nhân lực, trên địa hạt Sơn Tịnh theo thống kê như sau:

Nguồn lao động: 104.076 người; trong đó, ở độ tuổi có khả năng lao động 92.486 người, ngoài độ tuổi có khả năng lao động 11.590 người. Số trong độ tuổi lao động và ngoài độ tuổi có khả năng lao động đang đi học là 10.269 người.

Lao động trong các ngành: nông, lâm, ngư nghiệp - 69.167 người; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng - 10.444 người; thương mại dịch vụ - 5.204 người; giáo dục, y tế, quản lý nhà nước - 3.536 người; nội trợ - 3.415 người.

Trình độ học vấn của lao động: tốt nghiệp Trung học phổ thông - 8.540 người; tốt nghiệp Trung học cơ sở - 23.691 người; Tiểu học - 42.034 người.

Trình độ chuyên môn: trên Đại học - 04 người; Đại học - 648 người; Cao đẳng - 1.232 người; Trung học chuyên nghiệp - 2.325 người; công nhân kỹ thuật - 7.344 người.

Lao động thiếu việc làm:  1.508  người.

Ngoài số nhân lực tại chỗ như trên, còn có nhiều lao động huyện Sơn Tịnh định cư lâu dài ở nhiều địa phương trong nước, nhất là ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Ở các huyện lân cận là các huyện Sơn HàSơn Tây, nhiều người đi kháng chiến, đi làm ăn cũng ở lại, trở thành cán bộ và nhân dân ở các nơi này, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng ở địa phương.

Các vấn đề xã hội đến năm 2004: Song song với phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội đã được quan tâm đúng mức, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.

Sơn Tịnh đã và đang thực hiện các chính sách: 1) Bảo hiểm xã hội cho 1.539 cán bộ hưu trí; 2) Thực hiện các chính sách xã hội cho 412 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang, 5.336 gia đình liệt sĩ, 4.145 thương binh, 406 gia đình có công với nước; 3) Xây dựng 304 ngôi nhà tình nghĩa và ngôi nhà tình thương cho các đối tượng chính sách và người nghèo.

Vấn đề xã hội lớn là thừa nhân lực, thiếu việc làm đã và đang được quan tâm giải quyết. Sơn Tịnh chú trọng phát triển các làng nghề, các trang trại, các cụm tiểu thủ công nghiệp, huy động nhân lực tham gia xây dựng và phục vụ Khu Công nghiệp Tịnh Phong, Khu Du lịch Mỹ Khê... đã và đang giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.

Tỷ lệ hộ đói nghèo toàn huyện năm 1980 là trên 40%, đến năm 2005 không còn hộ đói, chỉ còn 7,80% hộ nghèo (theo chuẩn cũ).


(1) Theo Niên giám thống kê năm 2005 của Phòng Thống kê huyện Sơn Tịnh.
(2) Xem Chương XI: Các nhân vật lịch sử tiêu biểu.
(3) Theo Niên giám thống kê năm 2005 của Phòng Thống kê huyện Sơn Tịnh.
(4)  Nhân vật Đô đốc Long cần nghiên cứu thêm.
(5) Xem Chương XXV: Di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử - văn hoá, danh thắng, mục VI, 3.
(6) Tổng hợp từ Lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Tịnh 1929 - 1975, sđd, tr. 301 - 315.
(7) Báo Quân giải phóng khu V, ngày 24.4.1969.
(8) Xem Phụ lục 6, 9, phần II.
(9) Xem Phụ lục 5, phần II.
(10) Phạm Trung Việt: Nước non xứ Quảng, Cẩm Thành Thư xã, 1974, tr. 227, 228.
(11), (12) Năm 1980 theo Báo cáo của Uỷ ban nhân dân huyện Sơn Tịnh, năm 2005 theo Niên giám thống kê năm 2005 của Phòng Thống kê huyện Sơn Tịnh.
(13)  Giá hiện hành.
(14) Cao Chư: Các nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi 1819 - 1918, Nxb Đà Nẵng, 2001.
(15) Năm 1980 theo Báo cáo của Uỷ ban nhân dân huyện, năm 2005 theo Niên giám thống kê năm 2005 của Phòng Thống kê huyện Sơn Tịnh.
(16) Năm 1980 theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện, năm 2005 theo Niên giám thống kê năm 2005 của Phòng Thống kê huyện Sơn Tịnh.
(17) Theo Niên giám thống kê năm 2005 của Phòng Thống kê huyện Sơn Tịnh.

 

 

Về Đầu trang