THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI VÀ CÁC HUYỆN TRONG TỈNH
----------------------------
 

 

HUYỆN SƠN TÂY

SƠN TÂY là huyện miền núi nằm ở cực tây tỉnh Quảng Ngãi. Phía đông và đông nam giáp huyện Sơn Hà; phía tây nam giáp các huyện Đắk Tô, Đắk Hà, Kon Plông (tỉnh Kon Tum); phía bắc giáp huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Tây Trà. Diện tích 380,74km2. Dân số 15.499 người (năm 2005). Mật độ dân số khoảng 40,7 người/km2(1). Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 6 xã (Sơn Mùa, Sơn Dung, Sơn Tinh, Sơn Tân, Sơn Bua, Sơn Lập), với 24 thôn; trong đó:

Xã Sơn Mùa có 5 thôn: Huy Em, Nước Min, Mang Tu La, Nước Vương - Tang Tong, Tang Tong (các từ: Mang tiếng Ca Dong có nghĩa là bãi bằng, Huy có nghĩa là bạn bè);

Xã Sơn Dung có 6 thôn: Huy Măng, Đắk Lang, Gò Lả, Ra Manh, Ra Pân, Đắk Trên;

Xã Sơn Tinh có 4 thôn: Nước Kỉa, Xà Ruông, Bà He, Ka Năng;

Xã Sơn Tân có 5 thôn: Ra Nhua, Đắk Be, Tà Dô, Ha Leu, Ta Vinh;

Xã Sơn Bua có 2 thôn: Mang Ta Bể, Mang He (Mang Ta Bể có nghĩa là bãi bằng ở ngã ba);

Xã Sơn Lập có 2 thôn: Mang Rễ, Mang Trẫy.

Huyện lỵ đóng ở xã Sơn Dung. Từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi đến huyện lỵ Sơn Tây 90km theo tỉnh lộ 623 trực chỉ hướng tây, băng qua địa hạt huyện Sơn Hà (đã trải nhựa).

Sơn Tây là huyện tách ra từ phần phía tây huyện Sơn Hà. Đa số cư dân Sơn Tây là đồng bào dân tộc Ca Dong (một nhóm của dân tộc Xơ Đăng mà địa bàn cư trú chính là cao nguyên Kon Tum). Người Ca Dong ở Sơn Tây sinh sống bằng nghề nông, kiểu nông nghiệp sơ khai, làm rẫy, trồng cau, rèn, dệt, lối sống đậm chất tự túc, tự cấp, đồng thời có những di sản văn hóa quý báu. Sơn Tây là huyện núi xa xôi của Quảng Ngãi, còn nhiều khó khăn, nhưng đã dần dần phát triển.

*
*          *

Về hành chính, Sơn Tây xưa là vùng đất thuộc nguồn Cù Bà, sau đổi là nguồn Thanh Cù. Cuối thế kỷ XIX, nguồn Thanh Cù đổi thành nha Sơn Hà, đến năm 1915 đổi là đồn Sơn Hà. Đây là một trong bốn nguồn chính của tỉnh Quảng Ngãi. Từ đường Thiên Lý (tức Quốc lộ 1) có đường dẫn lên nguồn Thanh Cù, và thực chất vùng đất Sơn Tây là điểm nút cuối cùng về phía tây của nguồn Thanh Cù. Đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồn Sơn Hà đổi là huyện Sơn Hà, trong đó có tổng Ca Dong hình thành xã Sơn Tinh. Năm 1952, Sơn Tinh hình thành 2 xã là Sơn Liên và Sơn Tinh. Xã Sơn Liên lại tiếp tục chia thành 3 xã Sơn Liên, Sơn Mùa, Sơn Bao; xã Sơn Tinh chia thành 4 xã Sơn Tinh, Sơn Dung, Sơn Mùa, Sơn Long. Xã Sơn Bua từ tỉnh Kon Tum cắt giao cho Sơn Hà. Năm 1954, xã Sơn Lập được thành lập từ vùng Tà Ngom, Bù Nít.

Sau 1954, khi chính quyền Sài Gòn mới tiếp quản chưa kịp thay đổi về hành chính, thì vùng Sơn Tây đã dần trở thành căn cứ địa của lực lượng kháng chiến. Trong khu căn cứ địa, ngày 20.7.1957, khu VII được thành lập tương đương với huyện Sơn Tây ngày nay gồm 9 xã của vùng cao Sơn Hà là Sơn Liên, Sơn Mùa, Sơn Bao, Sơn Tinh, Sơn Dung, Sơn Màu, Sơn Long, Sơn Bua, Sơn Lập. Năm 1959, tỉnh Kon Tum giao 6 làng cho khu VII lập xã Sơn Tân. Năm 1965, khu VII được gọi là huyện Sơn Tây. Trong những năm 1970 - 1972, huyện Sơn Tây nhập với các xã vùng Tây Trà Bồng thành khu Sơn Trà. Từ 1972, huyện Sơn Tây lại được thành lập. Từ 1975, huyện Sơn Tây nhập chung vào huyện Sơn Hà, 10 xã của Sơn Tây nhập lại còn 4 xã là Sơn Mùa, Sơn Tinh, Sơn Tân, Sơn Dung.

Ngày 6.8.1994, với Nghị định 83/CP của Chính phủ, huyện Sơn Hà tách lập thành 2 huyện Sơn Hà và Sơn Tây. Huyện Sơn Tây có 4 xã Sơn Mùa, Sơn Tân, Sơn Dung, Sơn Tinh. Năm 1999, xã Sơn Mùa tách lập thành 2 xã Sơn Mùa, Sơn Bua; xã Sơn Tinh tách lập thành 2 xã Sơn Lập, Sơn Tinh. Huyện Sơn Tây có 6 xã (như kể trên).

Về tự nhiên, Sơn Tây là huyện núi cao, có độ cao từ 400 - 1.700m.

Núi rừng: Chiếm khoảng 4/5 diện tích toàn huyện, có nhiều đỉnh cao như Hoăn Plây, Rét, Gò Tăng, Hà Neng, Vá Rẫy, Azin đều cao từ 1.000m trở lên. Núi rừng Sơn Tây có nhiều lâm thổ sản quý như các loại gỗ lim, sơn, chò, gõ, có nhiều loại động vật, thú rừng như hổ, voi, sơn dương, trăn, khỉ... Sơn Tây còn có nhiều trầm hương, có suối khoáng Tà Meo (địa hạt xã Sơn Mùa). Vùng rừng nguyên sinh chủ yếu nằm ở xã Sơn Lập, trên núi Azin, có nhiều trầm hương, song mây.

Sông suối: Hai con sông chính chảy qua địa hạt Sơn Tây là sông Rinh và sông Xà Lò.

Sông Rinh có nguồn nước từ cao nguyên Kon Tum đổ về, ở địa hạt Sơn Tây có các phụ lưu như Nước Lao, Nước Bua (Sơn Mùa), Ra Manh, Ra Pân, Huy Măng (Sơn Dung), Nước Màu (Sơn Tân).

Sông Xà Lò phát nguyên từ núi Azin hợp nước với suối Xà Ruông chảy theo hướng đông bắc, làm ranh giới tự nhiên giữa hai xã Sơn Lập, Sơn Tinh với xã Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà).

Sông Rinh và sông Xà Lò đổ về phía đông, hợp nước với sông Rhe ở đoạn Hải Giá (địa hạt huyện Sơn Hà) chảy tiếp về đông, tạo thành sông Trà Khúc, con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Sông Rinh, sông Xà Lò là hai trong ba nguồn của sông Trà Khúc, có vị trí vô cùng quan trọng trong việc cung cấp nước, đồng thời cũng có dòng chảy rất bạo liệt, thường gây ra lũ lụt kinh hoàng về mùa mưa.

Về khí hậu: Do nằm sâu trong lục địa và nhiều núi cao nên khí hậu ở Sơn Tây có sự khác biệt rõ rệt so với vùng đồng bằng ven biển Quảng Ngãi. Mưa ở đây sớm hơn vài tháng so với ở đồng bằng, bắt đầu từ cuối tháng tám dương lịch. Lượng mưa hàng năm khá cao với khoảng 2.700mm. Nhiệt độ có phần thấp hơn so với đồng bằng. Tuy vậy, khí hậu ở Sơn Tây so với đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi cũng không quá khác biệt. Độ ẩm trung bình hằng năm là 88 - 90%. Hạn hán, lũ lụt, bão tố thường gây nhiều tác hại cho sản xuất và đời sống nhân dân. Vùng này về mùa mưa thường xảy ra lũ quét. Lốc xảy ra thất thường, gây tốc nhà, chết người. Tình trạng lở núi thường xảy ra.

Về đất đai, tình trạng sử dụng ở thời điểm năm 2005 như sau: 1) Đất nông nghiệp 3.216,99ha (có 2.105,40ha trồng cây hàng năm); 2) Đất lâm nghiệp 19.411,33ha (có 13.255,14ha rừng tự nhiên); 3) Đất chuyên dùng 910,87ha; 4) Đất khu dân cư 114,69ha; 5) Đất chưa sử dụng 14.420,12ha (có 14.258,33ha là đất đồi núi).

Về dân cư, địa hạt Sơn Tây có 3 dân tộc sinh sống: Ca Dong, Hrê, Kinh. Trong số dân 15.499 người (năm 2005) ở Sơn Tây, dân tộc Ca Dong có đến 13.259 người, dân tộc Kinh có 1.138 người, dân tộc Hrê có 1.207 người.

Người Ca Dong sinh sống ở tất cả các xã trong huyện, ngoài xã Sơn Lập dưới 1.000 người, các xã khác đều từ 1.000 người trở lên, đông hơn cả là ở xã Sơn Dung trên 4.000 người, xã Sơn Mùa trên 3.000 người, xã Sơn Tân trên 2.600 người.

Người Hrê nhiều nhất ở các xã Sơn Tân (trên 450 người), Sơn Tinh (trên 370 người), ít nhất là ở các xã Sơn Bua, Sơn Lập.

Người Kinh nhiều nhất ở Sơn Dung (trên 560 người), Sơn Tân (trên 180 người), Sơn Mùa (trên 170 người), các xã khác trên 50 người.

Phân bố dân số cụ thể ở các xã (2005) như bảng sau: 

TT

Các xã

Diện tích (km2)

Dân số (người)

Mật độ dân số (người/km2)

1

Sơn Dung

87,96

4.916

55,9

2

Sơn Mùa

73,97

3.328

45

3

Sơn Bua

47,39

1.140

24,1

4

Sơn Tân

73,56

3.244

44,1

5

Sơn Tinh

44,39

1.801

40,6

6

Sơn Lập

53,47

1.070

20

 Tất cả các xã ở Sơn Tây đều có 3 dân tộc Ca Dong, Hrê và Kinh cùng sinh sống, trong đó cộng đồng Ca Dong ở xã nào cũng chiếm số đông. Mật độ dân số ở Sơn Tây thấp nhất trong tỉnh Quảng Ngãi (trên 40 người/km2). Xét trong nội hạt thì sự phân bố dân cư không có sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng trong huyện.

Cư dân Sơn Tây đa số còn nghèo, có cuộc sống thuần phác, chủ yếu sống bằng nghề nông, nghề rừng. Việc buôn bán đã dần phát triển và chủ yếu là người Kinh sinh sống bằng nghề buôn. Người Kinh có văn hóa Việt, người Hrê có nét văn hóa tương đồng với người Hrê ở huyện Sơn Hà. Người Ca Dong có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa với các dân tộc anh em, song văn hóa bản địa nội sinh vẫn rất đậm nét.

*
*          *

Trong truyền thống yêu nước của các dân tộc ở Sơn Tây có nhiều điểm đáng chú ý. Thời Pháp thuộc, khoảng 1908 - 1909, trong khi đồng bào Kinh ở miền xuôi tỉnh Quảng Ngãi rầm rộ đấu tranh "cự sưu khất thuế" thì người Ca Dong ở Sơn Tây tham gia với nghĩa quân Xơ Đăng đánh địch trên cao nguyên Kon Tum, diệt đồn Đắk Sút và đồn Đắk Tô, giết sĩ quan, binh lính Pháp. Đồng bào Ca Dong ở Sơn Tây lại tham gia phong trào chống xâu thuế do ông Đinh Tôm (dân tộc Hrê) cầm đầu trong những năm cuối thập niên mười và thập niên hai mươi của thế kỷ XX. Năm 1922, đồng bào Ca Dong lại cùng nghĩa quân Xơ Đăng chiến đấu trên cao nguyên Kon Tum, đánh địch ở Đắk Lây, Đắk Pếch, diệt một toán quân Pháp ở Đắk Hà, chống thực dân bắt đi phu đắp đường từ Di Lăng (Sơn Hà) đi Măng Bút, Kon Plông năm 1935 - 1936. Thực dân Pháp phải đưa quân lên đóng ở Sơn Tây để dễ bề khống chế. Đồng bào Ca Dong do Cha Reo chỉ huy vẫn nổi dậy chống lại việc làm đường. Vọt Tàu và Phó Nía kéo dân làng phối hợp với đồng bào Hrê đánh đồn Di Lăng. Từ 1937 - 1938, đồng bào Ca Dong do Đinh Nhá, Đinh Nía cầm đầu đã tham gia phong trào "Nước Xu đỏ" với các dân tộc anh em ở bắc Tây Nguyên. Phong trào yêu nước của đồng bào các dân tộc ở Sơn Tây hòa nhập vào cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945. Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, đồng bào các dân tộc ở Sơn Tây tích cực xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng đời sống mới, bố phòng chiến đấu, chống địch từ cao nguyên Kon Tum đánh xuống, góp phần dẹp bọn phản loạn, giữ vững vùng tự do Liên khu V. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn huyện Sơn Tây được giải phóng vào ngày 05.9.1959. Sơn Tây trở thành vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh và của Khu V, đã đóng góp nhiều nhân lực cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Đường 559 từ Bắc vào Nam đi qua địa bàn Sơn Tây khoảng 20km, được nhân dân góp công xây dựng, bảo vệ, tham gia đưa cán bộ, bộ đội, vũ khí, lương thực từ Bắc vào Nam kháng chiến.

Quân và dân toàn huyện Sơn Tây, quân và dân xã Sơn Dung được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vì công lao trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

*
*          *

Về đời sống kinh tế, Sơn Tây là một huyện miền núi vùng cao, vùng xa được xếp vào diện huyện miền núi đặc biệt khó khăn, trong đó 6/6 xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ.

Trong tổng số thu chi ngân sách năm 2005 với 19.363,33 triệu đồng thì số thu chuyển giao từ các cấp ngân sách chiếm đến 18.705,86 triệu đồng, tổng số thu trên địa bàn chỉ có 556,13 triệu đồng. Sơn Tây còn mất cân đối thu - chi rất lớn, chủ yếu nhờ vào sự chi viện của ngân sách cấp trên.

Kinh tế Sơn Tây cơ bản vẫn là nền kinh tế nông, lâm nghiệp và dấu ấn của nền nông nghiệp sơ khai vẫn còn khá đậm nét. Tính đến năm 2005, có đến 14.466 nhân khẩu sống bằng nghề nông với 8.451 lao động (chỉ có 273 lao động ngành nghề khác).

Về nông nghiệp

Nông nghiệp Sơn Tây ngày nay còn mang đậm dấu ấn cổ truyền. Trong nông nghiệp cổ truyền ở Sơn Tây, đồng bào các dân tộc chủ yếu phát rẫy làm nương sinh sống: trồng lúa, mì, bắp, rau (mướp, bí). Cần lưu ý rằng đất đai vùng Sơn Tây phần lớn là đồi núi, cằn cỗi không thuận lợi cho cây trồng, nhất là cây lương thực. Đặc biệt, vùng Sơn Tây bà con các dân tộc trồng nhiều cau. Nếu như ở Trà Bồng, cây trồng đặc chủng là quế, vùng Minh Long là chè, thì ở Sơn Tây cây cau được xem như một loại cây trồng chính. Cau được trồng ở quanh làng, trên rẫy thành rừng, rừng cau trở thành một nét đặc biệt trong vùng cư trú của người Ca Dong. Lúa rẫy là nguồn lương thực chính. Việc khai hoang làm ruộng lúa nước được thực hiện cách đây chưa lâu và ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng của nó trong việc giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ và hạn chế nạn khai thác rừng thiếu kế hoạch.

Sơn Tây xác định bốn tiểu vùng kinh tế trọng điểm của huyện gồm: 1) Cụm xã Sơn Mùa (gồm hai xã Sơn Mùa - Sơn Bua), trung tâm tại Sơn Mùa; 2) Tiểu vùng Ra Manh (xã Sơn Dung); 3) Cụm xã Sơn Tinh - Sơn Lập, trung tâm tại Sơn Tinh; 4) Khu trung tâm huyện lỵ tại Sơn Dung.

Thời điểm 2005, Sơn Tây có 1.054,2ha diện tích đất trồng lúa. Ngoài lúa còn nhiều cây trồng khác. Năm 1995, mới tái lập huyện, sản lượng lúa chỉ đạt 1.226 tấn; đến năm 2005, đạt 3.863 tấn, tăng hơn 3 lần; diện tích lúa cả năm tăng gần 2 lần. Tổng sản lượng lương thực có hạt thời điểm 2004 là 4.004,6 tấn, lương thực bình quân đầu người 260,2kg; năm 2005 là 4.268 tấn, bình quân lương thực đầu người toàn huyện là 273kg. Sản lượng lương thực cao nhất là xã Sơn Dung (1.384,04 tấn), xã Sơn Mùa (964,04 tấn), thấp nhất là xã Sơn Lập (262,39 tấn). Lương thực bình quân đầu người cao nhất là xã Sơn Bua (385,04kg), xã Sơn Tinh (332,94kg), thấp nhất là xã Sơn Tân (188,22kg).

Thống kê sơ bộ về các cây lương thực, thực phẩm chính ở Sơn Tây năm 2005 như sau: 

TT

Cây trồng

Diện tích canh tác (ha)

Sản lượng (tấn)

Năng suất (tạ/ha)

1

Lúa

1.591,5

3.863,08

24,27

2

Ngô

224,19

 405,59

 18,1

3

Sắn

650

 5.605

 86,2

4

Rau các loại

129,05

 777,70

 60,3

5

Đậu các loại

66,31

 34,30

 5,2

Lúa trồng nhiều nhất ở xã Sơn Dung (diện tích 502,2ha, sản lượng 1.281,03 tấn), xã Sơn Mùa (diện tích 332ha, sản lượng 854,71 tấn); ít nhất ở xã Sơn Lập (diện tích 111,6ha, sản lượng 241,89 tấn).

Ngô trồng nhiều nhất ở xã Sơn Mùa (diện tích 58,50ha, sản lượng 109,73 tấn), xã Sơn Dung (diện tích 56,60ha, sản lượng 103,01 tấn), thấp nhất ở xã Sơn Lập (diện tích 12,23ha, sản lượng 20,50 tấn).

Sắn trồng nhiều nhất ở xã Sơn Tân (diện tích 185ha, sản lượng 1.595,3 tấn), xã Sơn Mùa (diện tích 170ha, sản lượng 1.465,9 tấn), thấp nhất ở xã Sơn Lập (40ha, sản lượng 344,9 tấn).

Rau các loại được trồng nhiều nhất ở xã Sơn Mùa (42ha, sản lượng 258,30 tấn), ít nhất ở xã Sơn Bua (9,60ha, sản lượng 56,41 tấn). Các xã khác đều từ 10 đến 30ha.

Đậu các loại được trồng nhiều ở các xã Sơn Dung, Sơn Mùa, Sơn Tân.

Đi đôi với việc làm lúa nước là việc xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ, thích hợp với địa hình vùng núi, như các đập Nước Min, Kà Rá, Nước Ma, Ka Năng với năng lực tưới mỗi đập vào khoảng 10 - 25ha. Nghề làm rẫy và các cây trồng truyền thống tiếp tục được duy trì. Cây cau ở Sơn Tây nhờ có đầu ra nên vẫn phát huy. Các cơ sở thu mua cau đến tận nơi để thu mua cau về chế biến xuất khẩu. Bên cạnh việc khai thác các nguồn lâm sản tự nhiên như mây, tre, đót, một số người dân còn trồng thêm mây để bán và đem lại hiệu quả, triển vọng đáng khích lệ. Cây ngô, rau xanh, đậu xanh, sắn, khoai cũng từng bước được trồng tỉa trên diện rộng. Đặc biệt, cây đậu xanh ưa khô nóng tỏ ra khá thích hợp với điều kiện đất đai khí hậu ở đây.

Chăn nuôi cũng là một lĩnh vực quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc Sơn Tây. Tuy vậy, còn rất bé nhỏ so với tiềm năng. Năm 2005, đàn trâu có 1.402 con, đàn bò có 5.144 con, đàn heo 6.605 con, gà 23.833 con.

Về lâm nghiệp

Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và khai thác, chế biến lâm thổ sản cũng là hoạt động kinh tế chiếm một phần quan trọng trong đời sống của cư dân Sơn Tây. Trải qua thời gian, chiến tranh và sự tàn phá của con người, rừng ở Sơn Tây đã trở nên nghèo kiệt. Do vậy, việc khoanh nuôi, trồng và bảo vệ rừng ở Sơn Tây được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, cũng như ở các huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2004, Sơn Tây trồng được 1.737ha rừng, khoanh nuôi 1.553ha; khai thác 172,54m3 gỗ, 4,5 ngàn cây tre, 176 tấn đót, 55 tấn song mây. Số liệu năm 2005 có thấp hơn: trồng rừng tập trung 250ha, khoanh nuôi tái sinh 750ha; khai thác 113m3 gỗ, 30 ngàn cây tre, 170 tấn đót, 30 tấn song mây. Độ che phủ của rừng hiện nay ước khoảng 36,7%. Tính đến cuối năm 2005, trên địa bàn huyện đã trồng được 3.820,5ha rừng, phần lớn trong số đó là rừng phòng hộ đầu nguồn do Nhà nước đầu tư. Rừng sản xuất được trồng các cây công nghiệp như cau, quế và nhiều loại cây trồng khác. Riêng cây cau có 1.125ha, sản lượng 3.895 tấn (cau tươi) và quế 887,43ha (năm 2004). Kinh tế trang trại bắt đầu phát triển với 3 trang trại chăn nuôi.

Xưa kia, tiểu thủ công nghiệp của đồng bào các dân tộc Sơn Tây chủ yếu là nghề đan, nghề dệt, nghề rèn để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và sản xuất, mang tính chất tự túc, tự cấp là chính. Người Ca Dong ở Sơn Tây thường đan các loại gùi, giỏ. Nghề dệt khá phát triển với các loại thổ cẩm mang nhiều hoa văn, giàu bản sắc dân tộc. Người Ca Dong dệt vải vừa để mặc, vừa để bán cho người Cor láng giềng vốn không có truyền thống về nghề dệt. Do vậy mà trong y phục cổ truyền của dân tộc Cor khá đậm đặc kiểu thẩm mỹ thể hiện qua hoa văn họa tiết của người Ca Dong ở Sơn Tây và lối phục sức của hai dân tộc cũng rất giống nhau. Rất tiếc nghề dệt thổ cẩm ngày nay hầu như đã mất. Nghề rèn cũng là một nét nổi bật trong đời sống của người Ca Dong xưa. Nghề rèn phát sinh trong điều kiện cuộc sống trên địa bàn người Ca Dong thuở trước gần như hoàn toàn cách biệt. Người Ca Dong đã dùng vật liệu tại chỗ, công cụ tự tạo để rèn đúc các loại công cụ như rựa, dao, giáo, mác phục vụ cho nhu cầu sản xuất, săn bắn, tự vệ của mình, đồng thời có sự giao lưu, trao đổi, buôn bán với các dân tộc anh em trong vùng. Chất lượng các sản phẩm rèn cổ truyền của người Ca Dong khá cao. Tuy nhiên, nghề rèn truyền thống của người Ca Dong ngày nay hầu như đã thất truyền.

Các nghề thủ công mới và dịch vụ về cơ bản mới xuất hiện từ sau 1975, nhất là sau khi huyện Sơn Tây được thành lập (1994). Đó là các nghề xay xát gạo, chế biến tinh bột mì, mộc, may mặc, sản xuất gạch ngói, đá chẻ...

Hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Sơn Tây còn quá nhỏ bé: năm 2004 chỉ đạt giá trị sản xuất 933 triệu đồng (giá hiện hành), năm 2005 đạt 1.306 triệu đồng, đều do tư nhân đảm nhiệm; trong đó chủ yếu là công nghiệp khai thác (đá sỏi), công nghiệp chế biến sản phẩm (gạch ngói, gỗ, tre, nứa, may mặc...). Đến năm 2005, chỉ mới có 53 cơ sở công nghiệp cá thể với 75 lao động.

Hoạt động buôn bán dần dần có sự chuyển đổi, phát triển. Xưa kia, việc buôn bán, đổi chác ở các làng trong huyện chủ yếu do các thương nhân thực hiện, ngay tại các làng. Thương nhân người Kinh gánh vải, rựa, nồi lên mua bán. Ngày nay đã có các cửa hiệu, có những hộ chuyên nghề buôn, chủ yếu là tạp hóa, ăn uống. Theo thống kê của huyện, năm 2005 có 315 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ, tập trung ở xã Sơn Dung (huyện lỵ) hơn một phần hai (169 cơ sở), còn lại ở các xã khác, chủ yếu là các cơ sở bán lẻ hàng hóa phục vụ sinh hoạt gia đình (146 cơ sở). Các cơ sở này hầu hết ở quy mô gia đình, do vậy tổng số lao động tham gia chỉ có 397 người. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2005 là 5.600 triệu đồng. Riêng về lĩnh vực du lịch văn hóa ở Sơn Tây còn tiềm tàng nhưng chưa có điều kiện để khơi dậy. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Sơn Tây đã xây dựng chợ để tập trung mua bán tại huyện lỵ.

Sự phát triển về kinh tế ở Sơn Tây chỉ mới là bước đầu, tỉ lệ hộ đói nghèo còn chiếm đến 2/3 số hộ dân trong toàn huyện. Đời sống của nhân dân trong huyện còn rất thấp, rất nhiều khó khăn.

Chuyển biến nổi bật nhất ở Sơn Tây là việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ở lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tỉnh lộ Quảng Ngãi - Sơn Hà - Sơn Tây đã trải nhựa, là trục đường xương sống của huyện. Nhận thấy hạn chế của vị trí "cuối đường", Sơn Tây đang có đề nghị tỉnh cho mở đường liên huyện sang các huyện bạn là Tây Trà, Trà My (tỉnh Quảng Nam), Kon Plông (tỉnh Kon Tum) để kích thích sự phát triển. Các đập thuỷ lợi lần lượt được xây dựng để phục vụ sản xuất. Thông tin liên lạc cũng được xác lập và ngày càng phát triển. Sơn Tây có Bưu điện huyện tại huyện lỵ đặt tổng đài điện tử dung lượng 492 số, có 2 bưu điện văn hóa xã ở Sơn Tân, Sơn Mùa, có trạm viễn thông ở huyện lỵ. Từ năm 2003, các xã trong huyện đều đã có điện thoại. Năm 2005, tổng số máy điện thoại trên mạng trong huyện là 375 chiếc. Các xã đều có mạng lưới điện quốc gia kéo đến trung tâm của 6 xã và có khoảng một phần tư số hộ trong toàn huyện được sử dụng điện. Đến cuối năm 2004, số hộ dùng điện tăng lên đến trên 70%, chủ yếu là thắp sáng. Các trường học cũng dần dần được xây dựng, kiên cố hóa.

*
*          *

Cũng như kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội ở Sơn Tây vừa mang đậm dấu ấn cổ truyền, vừa hình thành văn hóa mới và các yếu tố ấy có sự đan xen, hỗ trợ lẫn nhau.

Nói đến di sản văn hóa ở địa hạt Sơn Tây thì một nhân tố làm mọi người chú ý nhất là di sản văn hóa tộc người Ca Dong, tộc người có số dân đông nhất huyện. Văn hóa dân tộc Ca Dong là văn hóa của một dân tộc có yếu tố nội sinh đậm nét. Cũng như các dân tộc anh em khác ở Trường Sơn - Tây Nguyên, người Ca Dong trước kia nằm ở trạng thái kinh tế - xã hội thời tiền giai cấp, có tín ngưỡng vạn vật hữu linh, có những đặc tính của loài người thời ban sơ với nhiều đức tính tốt đẹp. Sống ở vùng rừng núi khắc nghiệt, người Ca Dong ở miền Tây Quảng Ngãi có sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ, rất cần cù và mạnh mẽ, hiếu khách. Trong văn hóa sản xuất, người Ca Dong có nhiều kinh nghiệm về các cây trồng vật nuôi, đặc biệt có tri thức về nghề dệt và nghề rèn (như đã kể). Trong văn hóa tinh thần, người Ca Dong có truyện cổ, có kiến trúc nhà ở dân gian. Cũng như các dân tộc anh em khác ở miền núi, người Ca Dong rất thích múa hát. Âm nhạc dân gian Ca Dong có nhiều nhạc cụ tự tạo. Người Ca Dong thích đánh chiêng, nhảy múa. Đặc biệt người Ca Dong có nhiều lễ hội mang tính cộng đồng cao giống người Cor, như lễ mừng lúa mới, lễ hội ăn trâu... Cây nêu trong lễ hội ăn trâu của dân tộc Ca Dong khá độc đáo, nêu cao vút và có nhiều hoa văn họa tiết, được tạo hình phong phú, đẹp mắt. Người Ca Dong có sự giao thoa văn hóa với các dân tộc anh em láng giềng như với người Hrê, người Cor mà ở đó người Ca Dong có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Nói đến di sản văn hóa các dân tộc anh em ở Sơn Tây cũng không thể quên văn hóa của một bộ phận cư dân Hrê và cư dân Kinh ở đây. Văn hóa tộc người ngày nay ở Sơn Tây, ngoài yếu tố văn hóa của từng tộc người, là văn hóa hỗn hợp, giao lưu giữa các dân tộc anh em. Trong di sản văn hóa ở Sơn Tây còn có những di tích, thắng cảnh quý giá như thắng cảnh suối Huy Măng, Trạm Chín Cô, Bãi Màu...

Thuở xưa, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc anh em ở Sơn Tây chủ yếu theo lối cổ truyền. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, văn hóa mới của cách mạng mới lan đến. Tuy vậy, do đặc thù của vùng đất xa xôi, nhất là do điều kiện chiến tranh, nên văn hóa cách mạng mới thực sự phát triển từ năm 1975 trở về sau. Cùng với sự giao lưu, phát triển kinh tế, đồng bào các dân tộc ở Sơn Tây đã phát triển các hoạt động văn hóa mới. Một mặt, các giá trị văn hóa cổ truyền vẫn được bảo tồn và phát huy, mặt khác, các tập tục lạc hậu trong sinh hoạt và sản xuất dần dần được bãi bỏ, nhân dân các dân tộc ở Sơn Tây tiếp thu và phát triển văn hóa mới, các phương tiện văn hóa hiện đại ngày càng hòa nhập với các dân tộc anh em trên tiến trình phát triển của cách mạng. Cùng với mạng lưới điện đã kéo về huyện lỵ và các xã trong huyện, phát thanh và truyền hình đã hiện diện nhiều nơi ở Sơn Tây. Ở huyện có đài truyền thanh và phát lại truyền hình huyện. Ở nhiều địa phương trong huyện có trạm thu phát sóng truyền hình. Nhân dân ở các làng nhiều người đã sắm hoặc được phát máy thu thanh, máy thu hình. Năm 2005, Sơn Tây đã xây dựng được Nhà Văn hóa huyện mang nét dân tộc, hiện đại, khá khang trang. Song song với các sinh hoạt văn hóa mới, văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc Sơn Tây được bảo tồn và phát huy. Trong nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan, các tinh hoa văn hóa đó được phô bày đẹp đẽ và rất được hoan nghênh. Nghệ sĩ ưu tú Đinh Long Ta là người dân tộc Ca Dong ở Sơn Tây, đã trưởng thành từ phong trào văn hóa, văn nghệ nơi đây trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo xuất hiện rất muộn ở Sơn Tây. Thời thực dân phong kiến, gần như toàn bộ nhân dân ở đây không biết chữ và cũng không có cơ hội nào để học hành. Chỉ từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhất là từ sau ngày đất nước hòa bình thống nhất (1975), sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở Sơn Tây mới thật sự hình thành và phát triển. Ở các làng xã trong địa hạt Sơn Tây ngày nay đều có trường học, chủ yếu là trường Tiểu học. Ở huyện lị có Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, có trường Trung học cơ sở dân tộc nội trú, có Trung tâm giáo dục thường xuyên. Toàn huyện có 9 trường Tiểu học, trong đó các xã Sơn Dung, Sơn Mùa, Sơn Tân mỗi xã có hai trường, các xã Sơn Bua, Sơn Tinh, Sơn Lập mỗi xã có một trường. Nếu tính từ năm 1994 thì toàn huyện có 1.137 học sinh (Tiểu học) từ lớp 1 đến lớp 3. Tháng 10.1997, huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập Tiểu học. Năm học 1999 - 2000 có 3.920 học sinh, trong đó có 40 học sinh lớp 9. Năm học 2004 - 2005, Sơn Tây có 4.169 học sinh với 205 giáo viên. Năm học 2005 - 2006, Sơn Tây có 45 lớp Mẫu giáo, 45 giáo viên, 960 học sinh; về giáo dục phổ thông có 172 lớp, 4.297 học sinh, 250 giáo viên. Việc học được nâng dần lên các cấp cao hơn.

Về y tế, từ trước kia, khi có việc ốm đau, sinh đẻ, đồng bào các dân tộc trên địa bàn Sơn Tây chủ yếu nhờ vào các bài thuốc dân gian. Từ sau 1975, trên địa bàn Sơn Tây có 1 bệnh xá khu vực thuộc bệnh viện huyện Sơn Hà với 6 cán bộ y tế. Hằng năm, ở đây chỉ có khoảng trên 1.000 lượt người đến khám, chữa bệnh. Từ năm 1999, trung tâm y tế huyện và bốn trạm y tế xã được xây dựng, có đội ngũ cán bộ y tế trên 40 người, hằng năm có hàng chục ngàn lượt người đến khám và chữa bệnh. Mạng lưới y tế có trung tâm y tế huyện, có bệnh viện huyện và đội vệ sinh phòng dịch, có 6 trạm y tế ở xã. Tổng số cán bộ y tế năm 2005 là 53 người, trong đó có 5 bác sĩ. Các tập tục mê tín dị đoan trong khám, chữa bệnh dần dần được xoá bỏ. Đồng bào các dân tộc trong huyện đã thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh đẻ nhiều như trước kia (giảm còn 1,48% năm 2004).

Về mặt xã hội, Sơn Tây vốn là một địa bàn căn cứ địa cách mạng trong các cuộc kháng chiến, có 894 người được hưởng các chế độ chính sách người có công với nước. Là huyện miền núi xa xôi nên được nhà nước quan tâm đầu tư, được cấp các mặt hàng thiết yếu. Đặc điểm của cư dân ở đây là ít dịch chuyển, do vậy tuy tỉ lệ đói nghèo còn nhiều, nhưng hầu như ít người đi xa kiếm sống. Tính ở thời điểm mới thành lập huyện, toàn bộ các hộ dân ở Sơn Tây đều thuộc diện đói nghèo. Qua nỗ lực rất lớn, suốt 10 năm sau tái lập huyện, tỉ lệ đói nghèo đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, với hơn 50% số hộ đói nghèo. Đói nghèo là vấn đề lớn nhất trong các vấn đề xã hội, xoá đói giảm nghèo là trọng tâm của các hoạt động ở Sơn Tây ngày nay.

Huyện Sơn Tây xác định trong khoảng 5 năm tới giảm số hộ nghèo còn 15%, năm 2009 bảo đảm lương thực tại chỗ. Cơ cấu kinh tế của huyện vẫn là nông, lâm nghiệp - công nghiệp - dịch vụ.


(1) Theo Niên giám Thống kê tỉnh Quảng Ngãi 2005.
 

Về Đầu trang