THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI VÀ CÁC HUYỆN TRONG TỈNH
----------------------------
 

 

HUYỆN TÂY TRÀ

TÂY TRÀ là huyện miền núi ở phía tây - tây bắc tỉnh Quảng Ngãi. Phía đông giáp huyện Trà Bồng; phía tây và bắc giáp huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam); phía nam giáp hai huyện Sơn Hà, Sơn Tây. Diện tích 336,8km2. Dân số 15.520 người (năm 2005). Mật độ dân số 46 người/km2(1). Đơn vị hành chính trực thuộc gồm có 9 xã, tên các xã đều lấy chữ Trà làm đầu như ở huyện Trà Bồng (Trà Phong, Trà Quân, Trà Khê, Trà Thanh, Trà Thọ, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Xinh, Trà Trung), với 37 thôn; trong đó:

Xã Trà Phong có 7 thôn: Trà Nga, Trà Niêu, Gò Rô, Hà Riềng, Trà Bung, Trà Na, Trà Reo.

Xã Trà Quân có 3 thôn: Trà Bao, Trà Xuông, Trà Ong;

Xã Trà Khê có 3 thôn: thôn Sơn, thôn Hà, thôn Đông;

Xã Trà Thanh có 4 thôn: thôn Vuông, thôn Cát, thôn Gỗ, thôn Môn;

Xã Trà Thọ có 5 thôn: Bắc Dương, Nước Biếc, thôn Tre, thôn Tây, Bắc Nguyên;

Xã Trà Lãnh có 4 thôn: Trà Lương, Trà Linh, Trà Dinh, Trà Ích;

Xã Trà Nham có 4 thôn: Trà Cương, Trà Huynh, Trà Long, Trà Vân;

Xã Trà Xinh có 3 thôn: Trà Veo, Trà Ôi, Trà Kem;

Xã Trà Trung có 4 thôn: thôn Đam, thôn Vàng, thôn Xanh, thôn Đông.

Huyện lỵ đóng ở xã Trà Phong. Từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi đến Tây Trà khoảng 90km.

Tây Trà là huyện mới tách lập từ vùng đất phía tây huyện Trà Bồng kể từ đầu năm 2004. Huyện nằm ở vị trí xa xôi nhất của tỉnh Quảng Ngãi, đời sống kinh tế còn hết sức khó khăn.

*
*          *

Về hành chính: Diễn tiến hành chính xin xem ở phần viết về Trà Bồng. Tây Trà và Trà Bồng là một trong bốn nguồn chính ở tỉnh Quảng Ngãi, xưa có tên là nguồn Đà Bồng, nguồn Thanh Bồng. Tây Trà với ý nghĩa là Tây Trà Bồng, là vùng núi cao của tỉnh Quảng Ngãi, có núi rừng trùng điệp. Thuở trước, nơi đây là rừng thiêng nước độc, với rừng rậm, nhiều chim thú, nhiều voi, hổ và các loài động vật hoang dã khác.

Về tự nhiên: Địa hình Tây Trà bị chia cắt mạnh bởi sông núi. Là một huyện miền núi nằm ở phía đông dãy Trường Sơn, Tây Trà có độ cao trung bình 500 - 700m, địa hình thấp dần từ tây sang đông, độ dốc bình quân 15 - 20o. Các núi cao là Cà Đam (tức Ngất Cà Đrook), Măng Xinh, Giơ Lốc, Trà Rút. Có các con sông Hà Riềng (Đắk Xa Riếc), sông Tang (Đắk Ka Tốc), Nước Biếc (Đắk Xa Biếc), sông Trà Ích (Đắk La Buốc). Các sông nhỏ hợp nước với sông Tang, chảy theo hướng tây bắc - đông nam, nhập vào với sông Rinh tại xã Sơn Bao ở tây bắc huyện Sơn Hà. Sông Rinh chảy về đông, lại nhập với sông Rhe thành sông Trà Khúc, con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Do vậy, có thể hiểu các sông ở Tây Trà là phụ lưu phía bắc của sông Rinh hay của sông Trà Khúc. Tại xã Trà Thanh cực tây bắc huyện là điểm xuất phát của sông Trường, chảy theo hướng tây - tây bắc vào địa hạt tỉnh Quảng Nam... Giữa các khối núi có các thung lũng sâu và đồng bằng rất hẹp. Tài nguyên chủ yếu là rừng tự nhiên với hệ động thực vật khá phong phú. Đất ở Tây Trà chủ yếu là đất triền dốc, thích hợp với cây quế và một số cây trồng khác.

Theo bản đồ thổ nhưỡng tỉnh Quảng Ngãi (năm 1998, theo tiêu chuẩn của FAO - UNESCO) thì Tây Trà có 2 nhóm đất chính: nhóm đất xám (AC) chiếm đến 96,46%, nhóm đất phù sa chỉ chiếm 3,54% diện tích tự nhiên (dọc theo các con sông).

Về khí hậu, địa bàn Tây Trà có khí hậu khá khắc nghiệt, lượng mưa lớn, nắng nóng gắt, thường gây ra hạn hán, lũ lụt. Lượng mưa trung bình hàng năm lên đến 3.450mm, thường gây lụt lớn, lũ quét, sạt lở núi. Khi mưa dông có sấm sét dữ dội, có lúc đánh chết người.

Về tài nguyên thiên nhiên ở Tây Trà có thể kể đến đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên nước và khoáng sản.

Tài nguyên đất: Tính ở thời điểm 2005, tình trạng sử dụng đất đai ở Tây Trà như sau: 1) Đất nông nghiệp 3.390,4ha (2.856ha trồng cây hàng năm và 528,4ha trồng cây lâu năm); 2) Đất lâm nghiệp 18.954ha (rừng tự nhiên 12.642,8ha, rừng trồng 6.311,2ha); 3) Đất chuyên dùng 599,6ha; 4) Đất ở 148,8ha; 5) Đất chưa sử dụng 10.586,2ha.

Tài nguyên rừng: Rừng tự nhiên ở Tây Trà thường là rừng gỗ lá rộng, rừng già còn lại không nhiều. Do việc đốt nương làm rẫy, diện tích rừng ngày càng thu hẹp, đất đai bị xói mòn.

Tài nguyên nước: Nguồn nước khá dồi dào, nhưng do địa hình phức tạp nên việc dùng nguồn nước từ sông suối cho sản xuất và đời sống khó khăn. Hiện Quảng Ngãi đang xây dựng hồ chứa nước lớn trên sông Tang (hồ Nước Trong).

Tài nguyên khoáng sản: Chưa được khảo sát, đánh giá đầy đủ. Chủ yếu là đá xây dựng, đá ốp lát, trữ lượng vài triệu mét khối.

Về dân cư, các phát hiện khảo cổ học gần đây tại xã Trà Phong đã cho biết, tại địa bàn Tây Trà ngày nay, từ thời thượng cổ đã có các lớp cư dân sinh sống. Cư dân ở Tây Trà ngày nay hầu hết là người Cor, một số người Ca Dong, người Hrê và người Việt. Người Cor ở Tây Trà là một bộ phận của dân tộc Cor cư trú tập trung ở các huyện Trà Bồng, Tây Trà, Trà My (Quảng Nam), tây bắc Quảng Ngãi và tây nam Quảng Nam, trong đó số dân Cor ở Tây Trà là đông nhất.

Trong tống số 15.520 người tại thời điểm 2005 ở Tây Trà, người Cor có tới 13.139 người (hơn 84,6%), sống ở khắp nơi trong huyện.

Trong huyện Trà Bồng cũ thì dân tộc Cor có Cor "đường rừng" và Cor "đường nước". Đồng bào Cor ở địa bàn Tây Trà ngày nay chủ yếu là Cor "đường rừng". Đặc điểm chung của dân tộc Cor từ Cách mạng tháng Tám 1945 trở về trước là đang ở trạng thái kinh tế - xã hội tiền giai cấp, trong đó, sản xuất chưa thực sự phát triển, chế độ tư hữu chỉ mới manh nha, tinh thần cố kết cộng đồng cao, hiền hòa, dũng cảm, hiếu khách, sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, trồng quế, kết hợp với săn bắn, hái lượm.

Người Ca Dong ở Tây Trà hầu hết sống ở xã Trà Xinh (Măng Xinh xưa), với số dân 1.449 người (chiếm hơn 9,3% dân số toàn huyện), có đặc điểm chung với người Ca Dong ở huyện Sơn Tây láng giềng.

Người Hrê ở Tây Trà có 459 người (hơn 2,9% dân số toàn huyện), cư trú chủ yếu ở hai xã Trà Xinh, Trà Thọ giáp giới với huyện Sơn Hà và mang đặc điểm chung với dân tộc Hrê nơi đây.

Người Việt có nét văn hóa Việt ở đồng bằng, với số lượng 452 người (hơn 2,9% dân số toàn huyện), trong đó có 301 người ở xã Trà Phong, số còn lại ở rải rác tất cả các xã.

Các dân tộc anh em ở địa bàn Tây Trà chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy (riêng người Việt chủ yếu là làm công chức, giáo viên, buôn bán), có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xét về diện tích tự nhiên, xã có diện tích rộng nhất là Trà Xinh (79,87km2), xã có diện tích hẹp nhất là Trà Quân (17,51km2).

Xét về dân số, lấy thời điểm năm 2005 làm mốc, thì xã có số dân đông nhất là Trà Phong (nơi đóng huyện lỵ) với 3.240 người, xã có số dân ít nhất là Trà Trung với 792 người. Về mật độ dân số, trung bình trong toàn huyện là 46 người/km2, xã có mật độ cao nhất là Trà Quân (97 người/km2), xã có mật độ thấp nhất là Trà Xinh (21 người/km2). Mật độ dân số ở Tây Trà khá thưa thớt và sự phân bố dân cư không đồng đều. Cụ thể diện tích, dân số và mật độ dân số các xã ở Tây Trà năm 2005 như sau(2): 

TT

Diện tích (km2)

Dân số (người)

Mật độ dân số (người/km2)

1

Trà Phong

38,48

3.240

84

2

Trà Thọ

49,56

1.787

36

3

Trà Khê

32,32

1.351

42

4

Trà Nham

21,18

1.637

77

5

Trà Thanh

48,48

1.745

36

6

Trà Quân

17,51

1.706

97

7

Trà Lãnh

28,95

1.610

56

8

Trà Trung

20,44

792

39

9

Trà Xinh

79,87

1.652

21

*
*          *

Về truyền thống yêu nước, Tây Trà với huyện Trà Bồng gần như là một. Đồng bào các dân tộc ở Tây Trà đã có nhiều cuộc nổi dậy chống phong kiến, đế quốc từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong đó nổi bật là phong trào "Nước Xu đỏ" mang màu sắc thần bí từ những năm 1937 - 1938. Cũng như các dân tộc ở bắc Tây Nguyên, dân tộc Cor tham gia nổi dậy và tin vào thứ "nước thần" thiêng liêng. Đoàn nghĩa quân Cor kéo về đánh châu lỵ Trà Bồng thất bại, kéo lên núi Cà Đam xây dựng căn cứ chống Pháp, từng đẩy lùi cuộc càn quét của quân Pháp ở Gò Rô, cầm cự cho mãi đến Cách mạng tháng Tám 1945, dưới sự lãnh đạo của cụ Gia, cụ Bung, cụ Triều, cụ Tài. Nghĩa quân Cor nhiều lần bẻ gãy các cuộc tấn công của quân Pháp, giết được tên quan hai Pháp La Booctê (La Borté), đồn trưởng Trà Bồng. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, địa bàn Tây Trà tiếp tục là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Núi Cà Đam trở thành nơi đóng căn cứ của tỉnh trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị thể hiện lòng quyết tâm đánh Mỹ, được mệnh danh là Đại hội "Diên Hồng" của các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, được tổ chức ngày 7.7.1958 tại Gò Rô lịch sử. Trong cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi ngày 28.8.1959, hầu hết các xã ở Tây Trà đều nổi dậy đánh địch, giải phóng quê hương, nay còn lại các di tích ở Gò Rô (Trà Phong), Eo Chim (Trà Lãnh), Làng Ngải (Trà Xinh), Nước Xoay (Trà Thọ)... Năm 1962, lực lượng cách mạng bẻ gãy cuộc hành quân chiến thuật trực thăng vận của địch ở Nà Niêu (Trà Phong). Tháng 4.1964, quân giải phóng đánh thắng cuộc càn quét mang tên "quyết thắng 203" của địch tại Măng Xinh (Trà Xinh). Sau năm 1975, nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Trà tiếp tục truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Quân và dân Tây Trà, quân và dân 3 xã Trà Phong, Trà Trung, Trà Lãnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

*
*          *

Về hoạt động kinh tế, ở Tây Trà còn mang đậm dấu vết của kinh tế nông nghiệp sơ khai, nặng tính chất tự túc tự cấp. Cho đến năm 2004, tổng giá trị sản xuất toàn huyện chỉ đạt 16,1 tỉ đồng, trong đó nông, lâm nghiệp chiếm đến 98,1% cơ cấu kinh tế của huyện.

Trong nông nghiệp, người dân Tây Trà từ xưa không có ruộng nước, chỉ canh tác lúa rẫy, trỉa bắp để có lương thực duy trì cuộc sống. Cây trồng đặc chủng truyền thống đã có từ xưa là cây quế. Trong một thời gian dài của lịch sử, cây quế là nguồn sống chủ yếu của dân tộc Cor. Cây quế ở Tây Trà nói riêng, cả Trà Bồng, Trà My (Quảng Nam) nói chung là giống quế Quảng nổi tiếng trong nước. Tuy vậy, trải qua thời gian, cây quế đã bị xuống giá, nên không còn đóng vai trò chính trong nông, lâm nghiệp ở Tây Trà. Năm 2004, sản lượng quế vỏ khai thác chỉ khoảng 40 tấn, năm 2005 là 65 tấn, bằng một phần rất nhỏ so với trước kia. Người dân tăng cường trồng các loại cây lương thực để sinh sống, tuy nhiên do đất đai, nguồn nước không thật thuận lợi, nên việc phát triển cũng còn khá chậm chạp, lúa nước chủ yếu ở hai xã Trà Thọ, Trà Phong như các đồng Nà Niêu (Trà Phong), Nà Pút. Cây lúa nước vốn không phải là cây trồng truyền thống, chỉ mới xuất hiện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sau năm 1975. Diện tích đất dành cho trồng lúa năm 2005 chỉ 304ha. Năm 2004, tổng diện tích gieo cấy lúa nước chỉ có 593ha, năng suất lúa cả năm trong toàn huyện chỉ đạt 17,8 tạ/ha, ở các xã chỉ trên dưới con số này chút ít. Đồng ruộng hẹp, năng suất lại quá thấp, nên sản lượng lúa thu hoạch ít ỏi. Nghề làm rẫy với hai loại cây trồng chính là lúa rẫy và ngô tiếp tục duy trì. Lúa rẫy có khoảng trên 600ha, ngô có hơn 200ha (2004). Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực năm 2004 là 1.417ha, năm 2005 là 1.468ha. Sản lượng lương thực năm 2004 là 2.282,1 tấn, năm 2005 là 2.694,4 tấn. Bình quân lương thực đầu người năm 2004 là 152kg, năm 2005 là 173,6kg, còn xa mới bảo đảm được nguồn lương thực tại chỗ. Diện tích gieo trồng lúa năm 2005 của Tây Trà là 1.206ha, trong đó trừ xã Trà Trung thấp nhất với chỉ 51,6ha, các xã khác xê dịch từ 100 đến 200ha, không có xã nào thực sự cao vượt trội. Cây khoai lang dường như ít được ưa chuộng. Cây ngô có diện tích 262ha, thu hoạch được 541,9 tấn. Cây khoai mì được chú ý trồng nhiều từ khi có Nhà máy tinh bột mỳ Sơn Hải (huyện Sơn Hà) được xây dựng. Năm 2005, Tây Trà có 1.112ha mì, sản lượng 9.766 tấn. Các loại rau, đậu tuy có được trồng nhưng không thật đáng kể. Thuở xưa, địa hạt Tây Trà trồng rất nhiều đậu xanh, loại đậu phổ biến ở nhiều vùng nhưng có lẽ được trồng nhiều ở đây có thể vì loại cây trồng này chịu được nắng hạn. Nghề chăn nuôi không thật phát triển. Năm 2005, toàn huyện Tây Trà chỉ có 119 con trâu, 1.609 con bò (trong đó chỉ có 13 con bò lai), 3.548 con heo, 12.420 con gà, 359 con dê, nếu so với chỉ một xã có nông nghiệp phát triển khá ở miền xuôi, vẫn còn kém xa, mặc dù nơi đây có thuận lợi hơn về đồng cỏ. Các xã có ngành chăn nuôi khá là Trà Phong, Trà Thọ, Trà Xinh, Trà Nham, tuy nhiên do tập quán chăn nuôi thả rông còn phổ biến, nên chất lượng, năng suất đều không cao. Cây lúa nước ở Tây Trà chưa thể phát triển mạnh. Do đặc điểm của địa chất, địa hình, dòng chảy trên địa bàn cư trú mà người dân Cor ở Tây Trà không có truyền thống canh tác lúa nước như người Việt hay người Hrê ở các huyện láng giềng. Từ sau năm 1975, với phong trào định canh định cư, người Cor mới dần từ bỏ khu vực cư trú ở cheo leo giữa sườn núi xuống cư trú dưới các trảng bằng và mới bắt đầu khai ruộng, tập làm lúa nước. Nếu không kể huyện Lý Sơn chủ yếu làm nghề cá, thành phố Quảng Ngãi trọng tâm là công - thương nghiệp, thì lương thực bình quân đầu người hằng năm ở Tây Trà là thấp nhất trong các huyện nông nghiệp trong tỉnh, chỉ bằng một nửa bình quân lương thực đầu người trong toàn tỉnh (320,3kg/năm 2005).

Sau đây là thống kê tổng hợp về các cây trồng và vật nuôi chính của Tây Trà năm 2005(3).

Các loại cây trồng chính năm 2005

TT

Cây trồng

Diện tích canh tác (ha)

Sản lượng (tấn)

Năng suất (tạ/ha)

1

Lúa

1.206

2.152,1

17,8

2

Ngô

262

541,9

20,7

3

Khoai lang

32,5

133,9

41,5

4

Sắn

1.112

9.766

87,8

5

Vừng

19,5

4,5

2,3

6

Lạc

21

21

10

7

Rau các loại

140

796,7

56,9

8

Đậu các loại

119

90,6

7,6

Các vật nuôi chính năm 2005

Vật nuôi

Trâu

Lợn

Vịt

Ngan, ngỗng

Số lượng (con)

118

1.609

3.548

359

12.420

62.000

249.000

Nguồn sống của người dân Tây Trà cũng khó có thể trông cậy vào lâm nghiệp. Do sự tàn phá nặng nề của chiến tranh cộng với sự khai thác thiếu kế hoạch của con người, rừng ở đây từ lâu đã trở nên nghèo kiệt. Theo thống kê của huyện Tây Trà, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của toàn huyện là 30.478ha, trong đó diện tích đất có rừng chỉ là 8.733ha (chiếm 9%), diện tích đất trống có đến 21.743ha (71%). Điều này đặt ra một vấn đề rất lớn về việc trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Do vậy, sản lượng khai thác lâm sản ngoài cây quế trồng như đã kể, chủ yếu vẫn là khai thác đót (sản lượng khoảng 303 tấn năm 2005) và lồ ô (khoảng 143 ngàn cây). Dân vùng Trà Niêu xưa kia còn trồng nhiều chè, cắt chè lá cõng đi bán sang chợ Di Lăng (huyện Sơn Hà), nay chè cũng không phát triển. Người dân Tây Trà có nghề đi lấy mật ong về bán. Ong hoa quế khá thơm ngon. Đặc biệt, ở xã Trà Xinh có rừng nguyên sinh, thường có mật ong tốt. Rừng đã nghèo kiệt nên đối với Tây Trà ngày nay, lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào việc trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên. Nguồn sống từ vật nuôi cây trồng khó khăn, người dân ở Tây Trà tiếp tục săn bắt, hái lượm để bù đắp sự thiếu hụt về lương thực, thực phẩm của mình, như bắt cá, săn thú rừng, hái rau, bắt ốc quanh các suối, thác...

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa hạt Tây Trà hầu như chưa có gì đáng kể, ngoài nghề đan lát cổ truyền của các dân tộc nhằm tự cung, tự cấp các vật dụng hằng ngày. Năm 2005, toàn huyện chỉ có 25 cơ sở công nghiệp cá thể với 40 lao động, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chỉ 882,9 triệu đồng theo giá hiện hành.

Về thương mại - dịch vụ, xưa kia, những thương nhân người Việt từng lặn lội tận các làng trên cao để mua quế và bán các vật dụng thiết yếu cho đồng bào Cor ở đây. Từ sau 1975, ngành thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán hình thành và hoạt động. Chuyển sang cơ chế thị trường, ở Tây Trà (mà chủ yếu là ở Trà Phong trung tâm huyện) mới mọc lên một số tiệm buôn bán, dịch vụ. Năm 2005, chỉ mới có 163 hộ kinh doanh mua bán nhỏ với 326 lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ đạt 727,7 triệu đồng. Phương thức hàng đổi hàng giữa người dân với nhau còn phổ biến. Để đảm bảo nhu cầu của người dân còn đang rất khó khăn, nhà nước đã tổ chức cấp không một số mặt hàng và bán trợ giá, trợ cước một số mặt hàng thiết yếu cho dân. Hiện đời sống kinh tế của nhân dân ở Tây Trà vẫn hết sức khó khăn và không thể một sớm một chiều có thể khắc phục được.

Một cái nhìn tổng quát đối với Tây Trà thì đó là một huyện rất nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2004 chỉ khoảng 130.000 đồng/tháng. Tất cả các xã trong huyện đều là xã đặc biệt khó khăn. Theo điều tra của huyện ở thời điểm tháng 6.2004, số lượng hộ nghèo ở Tây Trà là 2.577 hộ, chiếm đến 83,6% tổng số hộ trong huyện theo chuẩn cũ; còn theo chuẩn mới diện đói nghèo chiếm đến 95%. Tất cả các xã đều có số hộ nghèo từ 83% trở lên, xã Trà Trung ở lưng chừng núi Cà Đam có 100% số hộ nghèo. Nguyên nhân của tình trạng đói nghèo ở Tây Trà ngoài địa hình tự nhiên không thuận lợi, thiếu đất sản xuất, cây trồng chủ lực là cây quế truyền thống bị xuống giá nghiêm trọng, còn có nguyên nhân thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu vốn, thiếu lao động và đông người ăn theo...

Để thúc đẩy, kích thích sự phát triển mọi mặt của đời sống nhân dân, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng được nhà nước cấp trên tập trung đầu tư, chú ý đẩy mạnh.

Về điện, trước kia ở các xã thuộc huyện Tây Trà hầu như không có nguồn điện nào, những năm từ đầu thế kỷ XXI đã kéo lưới điện quốc gia về trung tâm huyện và dần dần đến tất cả các xã trong huyện. Tuy nhiên, đến năm 2004 chỉ mới có 10% số hộ dùng điện, do dân cư có thu nhập quá thấp và do tình trạng cư trú tản mát, xa xôi.

Về giao thông, tổng chiều dài đường giao thông toàn huyện là 145km, trong đó có nhiều đường nhỏ khó đi lại. Trục giao thông huyết mạch của huyện là tuyến đường từ huyện lỵ Trà Bồng (tỉnh lộ 622) đi huyện lỵ Tây Trà (Trà Phong) dài gần 40km, trong đó tuyến đường nằm trên địa hạt Tây Trà dài 21km đã hình thành từ rất lâu đời. Tuy vậy, đây chỉ là nền đường đất, qua nhiều đèo dốc cao, khe suối sâu, nên đến mùa mưa đường sá thường bị tắc, chia cắt các xã trong vùng với bên ngoài, gây trở ngại rất lớn cho sản xuất và đời sống. Từ năm 2004, tuyến đường này bắt đầu được xây dựng, nhựa hóa và cho đến cuối năm 2005 đã xong về cơ bản. Tuyến đường liên huyện thứ hai từ Di Lăng (huyện lỵ Sơn Hà) chạy theo hướng tây bắc qua xã Sơn Bao, nối với Trà Thọ dẫn đến huyện lỵ tại Trà Phong, dài 9km, đường đất, trong tương lai sẽ không còn tồn tại vì ở đây sẽ xây dựng hồ Nước Trong. Đường liên xã có tổng chiều dài 70,7km, từ huyện lỵ đi đến các xã và giữa các xã trong huyện với nhau. Riêng từ Trà Phong đi Trà Thanh, xã cực bắc của huyện đến năm 2004 vẫn chưa có đường ô tô. Các tuyến đường liên xã, nội hạt xã vẫn đang trong quá trình xây dựng. Cũng cần biết thêm rằng, tỉnh lộ 622 từ Bình Sơn đến huyện lỵ Trà Bồng thì rẽ qua sông (phía tả ngạn sông Trà Bồng) qua các xã Trà Thủy, Trà Hiệp (huyện Trà Bồng), đã băng qua xã Trà Thanh nối liền với huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam). Như vậy, tuy chưa có đường ôtô nối với huyện lỵ, nhưng xã Trà Thanh thông với Trà Bồng và huyện Trà My, có khả năng phát triển tốt về dân sinh.

Nhiều công trình thuỷ lợi cỡ nhỏ đã được xây dựng để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, ở đây cũng có hai khía cạnh khác nhau của một vấn đề về phát triển thủy lợi. Công trình thủy lợi phải gắn liền với ruộng lúa nước, và có công trình thủy lợi mới có thể mở rộng diện tích cây lúa nước (nếu địa hình cho phép). Nhìn vào các công trình thủy lợi đã có của Tây Trà, người ta không khỏi băn khoăn: trong tổng số 5 đập nước đáng chú ý nhất là đập Nước Doanh (Trà Lãnh), đập Trà Ong (Trà Quân), đập Nước So (Trà Phong), đập Nước Tiên (Trà Quân), đập Suối Lót (Trà Xinh) xây dựng trong các năm từ 1985 đến 2001, mà năng lực thiết kế chỉ tưới được cho 42,5ha, nhưng năng lực tưới thực tế lại còn thấp hơn (23ha). Theo tính toán của huyện Tây Trà, nếu một số đập được tu sửa, nâng cấp, cũng chỉ tăng được năng lực tưới lên 100 - 150ha. Điều này đặt ra vấn đề có nên đầu tư cho việc xây dựng đập hay không, hay nên đầu tư vào chăn nuôi gia súc hoặc theo hướng khác.

Các trường học, trạm y tế ở Tây Trà cũng phần nào được xây dựng, kiên cố hóa.

Bưu điện Tây Trà đã được thiết lập với tổng đài dung lượng 250 số, đã có 5 nhà bưu điện văn hóa xã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Số máy điện thoại trên địa bàn năm 2004 là 160 máy, năm 2005 là 210 máy.

Trọng tâm trước mắt của Tây Trà trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn là xây dựng trung tâm huyện lỵ, với các trụ sở hành chính và các thiết chế văn hóa xã hội đều đang phải bắt tay xây dựng mới, làm nền tảng kích thích sự phát triển của cả huyện. Sự phát triển kinh tế - xã hội còn phải tính những bước đường dài.

*
*          *

Về văn hóa - xã hội, địa hạt Tây Trà có nhiều điểm đáng lưu ý. Bốn dân tộc anh em trong huyện có vốn văn hóa cổ truyền rất quý giá, cùng góp phần làm phong phú cho di sản văn hóa của huyện và của tỉnh. Văn hóa Cor ở Tây Trà là văn hóa Cor "đường rừng", mang nét riêng của vùng cao nhất. Người Cor ở Tây Trà có nhiều truyện cổ, dân ca, dân nhạc mang đậm bản sắc dân tộc, có các lễ hội như lễ ăn trâu, có các loại cột lễ trong đó có loại nêu dù, "nêu đu đủ" rất độc đáo. Người Cor ở đây cũng rất giỏi nghề đan lát. Văn hóa ẩm thực thì có loại rượu đoak lấy từ cây đoak. Về văn hóa vật thể, đáng chú ý có di chỉ khảo cổ từ thời kỳ đồ đá ở Trà Phong mới được khai quật, bao gồm các loại rìu đá khá tinh xảo. Trên địa bàn huyện cũng có nhiều thắng cảnh đẹp, kỳ thú, mà hùng vĩ nhất là ngọn Cà Đam gắn với các di tích lịch sử. Núi Cà Đam đang được thăm dò để lập dự án xây dựng thành khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Xưa kia, các làng người Cor sống theo lối chung cư trong một ngôi nhà dài và rộng. Sau 1975, với sự phát triển xã hội, định canh, định cư, ngôi nhà chung như vậy tỏ ra không còn thích hợp. Bà con người Cor hầu hết đã làm nhà trệt theo kiểu người Việt ở miền xuôi, và các nóc nhà của một làng vẫn còn châu tuần san sát nhau, thể hiện truyền thống cố kết cộng đồng rất cao. Những thuần phong mỹ tục như tinh thần tương trợ, giúp nhau trong công ăn việc làm, lòng hiếu khách... được bảo tồn và phát huy. Một số tập tục lạc hậu dần dần được xoá bỏ. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có sự phát triển. Trong sinh hoạt tinh thần, văn hóa văn nghệ, các tinh hoa văn hóa dân tộc như trang phục, dân ca, dân nhạc, đặc biệt là cồng chiêng, hát xà ru, a giới... được chú ý phát huy. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng đều có sự tiến bộ.

Tây Trà là huyện mới tách lập, do địa hình thung lũng núi, thông tin có nhiều khó khăn. Thuở trước đất này là một vùng hẻo lánh, biệt lập, sống cách biệt với thông tin từ bên ngoài. Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 mở ra khả năng hòa nhập văn hóa của cộng đồng Cor nơi đây với toàn dân tộc. Văn hóa mới, văn hóa cách mạng bắt đầu hình thành và thâm nhập trong đời sống nhân dân trong hai cuộc kháng chiến. Từ năm 1975 về sau, thay đổi lớn nhất của người dân trên địa hạt Tây Trà là sự chuyển dịch vùng cư trú, từ cheo leo trên các sườn núi cao, xuống định cư dưới các trảng bằng trong các thung lũng. Nhiều hình thức thông tin mới đã xác lập. Truyền thanh, thu thanh dần phát triển. Ở Trà Phong có chảo parabol xem truyền hình từ những năm chín mươi của thế kỷ XX. Ngày nay, đài truyền thanh và phát lại truyền hình của huyện đang được xây dựng, kiện toàn. Đội chiếu bóng có từ trước vẫn được duy trì, hằng năm đi lưu động để phục vụ đồng bào ở các thôn làng xa xôi. Một phần truyện cổ Cor, các lễ hội đã được sưu tầm, nghiên cứu.

Về giáo dục, Tây Trà là huyện miền núi xa xôi nên là nơi giáo dục phát triển muộn nhất trong tỉnh Quảng Ngãi. Thời điểm năm học 2004 - 2005, ở Tây Trà cả 9 xã đều có trường Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở (riêng xã Trà Phong có 2 trường), huyện có 1 trường Trung học phổ thông. Tổng số có 4.218 học sinh phổ thông, trong đó có 2.771 học sinh Tiểu học, 1.238 học sinh Trung học cơ sở, 209 học sinh Trung học phổ thông. Tổng số giáo viên là 283 người, trong đó có 161 giáo viên Tiểu học, 76 giáo viên Trung học cơ sở, 11 giáo viên Trung học phổ thông. Tổng số lớp học phổ thông là 177 lớp, trong đó có 128 lớp Tiểu học, 44 lớp Trung học cơ sở, 5 lớp Trung học phổ thông. Hệ Mẫu giáo có 30 lớp với 711 học sinh. Số lượng học sinh bỏ học còn nhiều (8%) và trường ốc vẫn còn tạm bợ, cần phải tiếp tục xây dựng.

Về y tế, Tây Trà có trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh cho dân, có đội vệ sinh phòng dịch của Trung tâm y tế huyện. Tình trạng cầu cúng lúc ốm đau đã được hạn chế. Tuy đã có vận động kế hoạch hóa gia đình, việc tăng dân số trong huyện vẫn còn khá cao (1,68%). Trung tâm y tế Tây Trà đóng ở trụ sở xưa kia chỉ là phòng khám khu vực của huyện Trà Bồng (cũ), cơ sở chật hẹp, xuống cấp, nhưng chưa được xây dựng lại. Toàn huyện chỉ có 50 giường bệnh tập trung ở Trung tâm y tế huyện, có 8 trạm y tế xã trong huyện (trừ xã Trà Trung vẫn chưa có trạm y tế), toàn huyện chỉ có 4 bác sĩ (trạm y tế các xã đều không có bác sĩ). Hoạt động y tế vì vậy còn phải tiếp tục tăng cường.

Về xã hội, vấn đề cấp bách và cơ bản nhất ở Tây Trà là vấn đề mức sống của nhân dân còn quá thấp, tỉ lệ đói nghèo còn quá cao với hầu hết dân cư trong huyện; buộc các cấp chính quyền và tự thân nhân dân phải nỗ lực cao trong việc tìm phương hướng, biện pháp giải quyết. Điều này thể hiện rõ trong đề án xóa đói giảm nghèo ở Tây Trà giai đoạn 2005 - 2010 và báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I (2005).


(1) Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi 2005.
(2) Nguồn: Niên giám thống kê huyện Tây Trà.
(3) Nguồn: Niên giám thống kê huyện Tây Trà.
 

Về Đầu trang