Trở về

TRUYỀN THỐNG
XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
----------------------------------------------

CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ TIÊU BIỂU 

Chương này giới thiệu tóm tắt tiểu sử, hành trạng của hơn 60 nhân vật lịch sử nổi bật, tiêu biểu cho phẩm chất tốt đẹp của người Quảng Ngãi trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, quê hương; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phần lớn các nhân vật được đề cập ở đây sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Ngãi, nhưng cũng có một số nhân vật sinh ra ở các địa phương khác (chủ yếu là ở vùng Thanh - Nghệ và di cư vào vùng đất Quảng Ngãi trong các thế kỷ XV - XVII), có những đóng góp đáng kể đối với quê hương mới và trở thành tiền hiền, tiên tổ của nhiều làng xã, dòng tộc ở đây như Bùi Tá Hán, Trần Cẩm,... Phạm vi và tầm ảnh hưởng của các nhân vật cũng khác nhau: nhiều người sống và hoạt động chủ yếu trên mảnh đất Quảng Ngãi, nhưng cũng không ít người hoạt động ở nhiều địa phương trong nước (như Trương Định, Lê Văn Duyệt...), hoặc gánh vác các trọng trách quốc gia như Trương Đăng Quế, Phạm Văn Đồng...

Trong việc lựa chọn, giới thiệu các nhân vật, nhất là các nhân vật giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước phong kiến, chúng tôi xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử và tư tưởng Hồ Chí Minh về lịch sử, văn hóa, trong đó chú trọng tính khách quan - chân thực lịch sử, và những đóng góp tích cực của các nhân vật này trong quá trình phát triển của đất nước trên nhiều bình diện. Như thế cũng có nghĩa là chúng ta không né tránh hoặc phủ nhận những hạn chế, tiêu cực do những nguyên nhân khách quan của thời đại hoặc chủ quan ở bản thân mỗi con người trong bối cảnh lịch sử cụ thể mà họ đang sống và hoạt động. Những lựa chọn này nằm trong tinh thần gạn đục, khơi trong, trân trọng những đóng góp của tiền nhân vào lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa.

Đối với các nhân vật lịch sử thời kỳ hiện đại, học theo quan niệm "cái quan định luận" của người xưa, chúng tôi chỉ giới thiệu những người đã qua đời vào thời điểm biên soạn Địa chí Quảng Ngãi (2005) trở về trước. Những nhân vật đang sống, đã và đang giữ những vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị hiện đại (như trường hợp nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Trần Nam Trung, Chính ủy kiêm Tư lệnh đầu tiên của Đoàn 559 Võ Bẩm...) sẽ được đề cập ở các giác độ khác nhau của Địa chí Quảng Ngãi.

Để thuận lợi cho việc tìm hiểu, nghiên cứu của bạn đọc, thứ tự các nhân vật lịch sử tiêu biểu được xếp theo vần A, B, C... của tên nhân vật đó. Đối với các nhân vật gắn kết nhau thành một mục (như Mai Bá - Mai Tuấn; Đinh Tăm - Đinh Mẫn - Đinh Mút - Đinh Rin,…), thì xếp theo vần của tên nhân vật đầu tiên.

       TRỊNH THỊ TUYẾT ANH (1870 - ?)

Trịnh Thị Tuyết Anh người làng Quýt Lâm, nay thuộc xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, sinh trưởng trong một gia đình quan lại, văn võ song toàn, hiếu hạnh, thông minh.

Thời son trẻ, Trịnh Thị Tuyết Anh đã yêu mến và quý trọng Nguyễn Bá Loan (1857 -1918), nhưng sau lại trở thành hôn thê của tên phản quốc Nguyễn Thân vì bị hắn bức bách.

Năm 1886, sau khi thoát khỏi đồn Đức Phổ (thuộc Cơ Nhất, nơi đóng phủ Sơn phòng của Nguyễn Thân), bà cải dạng nam trang trở về tham gia nghĩa hội Cần vương, chiến đấu dũng cảm suốt hơn 3 năm dưới ngọn cờ của thủ lĩnh Nguyễn Bá Loan, cho tới hơi thở cuối cùng.

       MAI BÁ - MAI TUẤN

Mai Bá - Mai Tuấn là hai anh em ruột, sinh trưởng ở làng Phong Niên (nay thuộc xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh), sau dời về làng Sung Tích (nay thuộc xã Tịnh Long, cùng huyện).

Mai Bá, Mai Tuấn cùng gia nhập Việt Nam Quang phục Hội. Trong cuộc khởi nghĩa năm 1916 của các nhà yêu nước Quảng Ngãi, Mai Bá chỉ huy một cánh quân tấn công thành Quảng Ngãi. Cuộc khởi nghĩa thất bại, hai ông Mai Bá, Mai Tuấn anh dũng hy sinh (1916).

       PHAN LONG BẰNG (1886 - 1908)

Phan Long Bằng người làng Thanh Sơn, nay thuộc xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ.

Ông là Nho sĩ sớm tiếp cận Tân học, giỏi Pháp văn, Quốc ngữ, toán học, tham gia phong trào Duy tân ở Quảng Ngãi, mở trường dạy học, sáng tác nhiều vở tuồng, thơ ca, hò, vè đả kích quan lại, cường hào, kể cả các quan Nam triều hàng tỉnh và Công sứ Pháp.

Năm 1908, khi phong trào kháng thuế cự sưu bùng nổ, ông được Hội Duy tân Quảng Ngãi cử vào chi viện cho phong trào ở Bình Định. Phan Long Bằng bị địch bắt khi đang dẫn đầu đoàn biểu tình tiến vào thành Bình Định, sau đó chúng đem ông xử chém.

       TRẦN CẨM (1545 - 1640)

Trần Cẩm người phủ Thanh Oai, Hà Tây, nhưng kiến lập sự nghiệp ở Quảng Ngãi. Ông theo giúp Nguyễn Kim "phù Lê, diệt Mạc", được thăng đến chức Phụ thượng đốc quân. Năm 1597 (Quang Hưng thứ 20, đời Lê Thế Tông), ông phụng mệnh vào Thuận - Quảng giúp Nguyễn Hoàng, lãnh chức Tham tướng Cai phủ, trông coi phủ Tư Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1625 (đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên), Trần Cẩm được phong chức Chánh Khám lý phủ Quảng Nghĩa. Trong suốt 30 năm trấn nhậm ở đây, ông có công rất lớn trong việc đốc suất quân dân khai phá đất đai, phát triển thủy lợi, huy động nhân tài vật lực cho sự nghiệp khai mở phương Nam Tổ quốc.

Trần Cẩm là tiền hiền khai lập xã Địa Thi (sau nhập với xã Phổ Xuyên thành xã Thi Phổ), huyện Mộ Hoa, nay thuộc 2 xã Đức Tân, Đức Thạnh huyện Mộ Đức.

       TRƯƠNG QUANG CẬN (1878 - 1926)

Trương Quang Cận hiệu là Viễn Chí, người Trà Bình Trại, nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh.

Chịu ảnh hưởng của phong trào Duy tân, Trương Quang Cận vận động dân làng xây dựng Trà Bình Trại - vốn là một sơn thôn, hoang vu, nghèo khó, sau 10 năm trở thành một vùng khá giả, xóm giềng hòa thuận, mùa màng tươi tốt, đường sá phong quang, hủ tục xóa dần, hương ước tiến bộ được mọi người tuân thủ. Lúc bấy giờ Trà Bình Trại được mệnh danh là "Cộng sản lạc thôn", nổi tiếng khắp cả tỉnh Quảng Ngãi.

Trương Quang Cận mất năm 1926 khi đang đi kiểm tra phòng lũ, bị nước ập đến bất ngờ cuốn trôi.

       LÊ ĐÌNH CẨN (1870 - 1914)

Lê Đình Cẩn người làng Hòa Vinh, nay thuộc xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành.

Ông đỗ Cử nhân năm 1903, được bổ làm Huấn đạo huyện Mộ Đức, rồi từ quan tham gia hoạt động yêu nước. Năm 1906, ông khởi xướng thành lập Hội Duy tân Quảng Ngãi, chủ trương "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", đoàn kết mọi giai tầng xã hội vì mục tiêu cứu nước, tổ chức các hoạt động thiết thực như mở trường dạy học, lập hiệu buôn, hội cày, thực hiện cắt tóc ngắn, bài trừ hủ tục, chống cường hào ức hiếp người dân.

Ảnh hưởng của Hội Duy tân ngày càng sâu rộng khiến thực dân Pháp và Nam triều lo sợ, tìm cớ bắt ông, đày lên làng Rí (huyện Sơn Hà). Trong cảnh bị giam cầm, Lê Đình Cẩn sáng tác nhiều vần thơ yêu nước, thúc giục đấu tranh. Khi ông bị lâm bệnh nặng, địch đưa ông về giam ở kho thóc Ba La (huyện Tư Nghĩa). Lê Đình Cẩn qua đời vào cuối năm 1914.

       NGUYỄN CHÁNH (1914 - 1957)

Nguyễn Chánh người làng Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh.

Nguyễn Chánh tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từng bị Pháp và Nam triều bắt giam tại nhiều nhà tù ở Trung Kỳ. Nguyễn Chánh từng giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1939), Chính trị viên trưởng, Bí thư Chi bộ Đội Du kích Ba Tơ (tháng 3.1945), Bí thư Liên khu ủy V (1951 - 1952), Chính ủy kiêm Tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên khu V, ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II. Đồng chí Nguyễn Chánh là nhà lãnh đạo toàn năng, nhà quân sự tài ba, có đóng góp rất lớn vào việc xây dựng lực lượng Du kích Ba Tơ vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi và Liên khu V, là người chỉ huy đánh thắng cuộc hành quân Átlăng của Pháp (đánh vào vùng tự do Liên khu V), giải phóng tỉnh Kon Tum. Ông qua đời năm 1957 tại Hà Nội khi đang giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng.

       PHẠM CAO CHẨM ( ? - 1918)

Phạm Cao Chẩm người làng Xuân Phổ, nay thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, thi đỗ Tú tài, nên thường được gọi là Tú Chẩm.

Phạm Cao Chẩm từng tham gia các phong trào Cần vương, Duy tân, vận động và ủng hộ phong trào Đông du. Năm 1908, ông tham gia lãnh đạo phong trào kháng thuế cự sưu, bị bắt đày ra Côn Đảo. Mãn hạn tù về quê ông gia nhập Việt Nam Quang phục Hội. Trong vụ mưu khởi của các nhà yêu nước Trung Kỳ năm 1916, ông cùng Lê Ngung, Nguyễn Công Mậu được phân công chỉ huy khởi nghĩa ở Quảng Ngãi. Cuộc toan tính vùng lên cứu nước bị bại lộ, thực dân Pháp đàn áp dã man, Phạm Cao Chẩm một lần nữa bị đày ra Côn Đảo. Năm 1918, ông cùng bạn tù là Nguyễn Trọng Thưởng (con trai nhà yêu nước Nguyễn Thiện Thuật) tổ chức cướp ngục. Địch phản công, các ông bị bắn chết.

       NGUYỄN DUY CUNG (1839 - 1885)

Nguyễn Duy Cung hiệu là Văn Giang, người làng Vạn Tượng, nay thuộc xã Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi, đỗ Cử nhân năm 1868, là thầy của cử nhân Lê Trung Đình.

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Duy Cung về nhà dạy học một thời gian rồi ra làm quan. Năm 1885, ông được cử giữ chức Án sát tỉnh Bình Định. Tháng 8.1885, khi quân Pháp và tay sai tấn công thành Bình Định, ông đốc thúc tướng sĩ kiên quyết giữ thành. Bị phản bội, thành vỡ, Nguyễn Duy Cung tuẫn tiết (30.6 Ất Dậu, tức 12.8.1885). Trước khi chết, ông lấy máu mình viết lên vạt áo trắng bài Huyết lệ tâm thư ném ra ngoài thành kêu gọi sĩ phu và nhân dân quyết tâm kháng Pháp.

       TRẦN QUANG DIỆU (1746 - 1802)

Trần Quang Diệu sinh năm 1746, người làng Kim Giao, nay thuộc xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ(1).

Ông là chồng bà Bùi Thị Xuân và cả hai đều là danh tướng của triều Tây Sơn, từ khi phất cờ tụ nghĩa (1771) đến khi cơ nghiệp nhà Tây Sơn sụp đổ (1802).

Năm 1784, Trần Quang Diệu được cử theo đoàn quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ cầm đầu kéo vào Nam đánh tan quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút. Năm 1789, trong khi Nguyễn Huệ đưa quân ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược, ông nhận nhiệm vụ dẹp loạn Lê Duy Chỉ ở Tuyên Quang, góp phần ổn định Bắc Hà. Năm 1790, ông dẫn quân tiến đánh quân Xiêm ở Trấn Ninh (nay là vùng Savannakhẹt, Lào), áp sát biên giới Xiêm La, giết chết tướng giặc, đập tan âm mưu xâm lược của quân Xiêm.

Năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột băng hà, vua Cảnh Thịnh lên nối ngôi. Triều đình Tây Sơn bắt đầu giai đoạn suy vi. Nguyễn Ánh từ phía Nam, chớp cơ hội đánh lấn dần ra Trung, nhiều lần vây đánh thành Hoàng Đế (Bình Định). Năm 1794 và 1795, Trần Quang Diệu 2 lần kéo quân vây thành Diên Khánh (Khánh Hòa), gây cho quân Nguyễn Ánh nhiều tổn thất.

Trần Quang Diệu được phong làm Thái phó hợp cùng Nguyễn Văn Huấn (Thiếu bảo), Vũ Văn Dũng (Đại Tư đồ), Nguyễn Văn Danh (Đại Tư mã) gọi là "tứ trụ đại thần" của nhà Tây Sơn. Năm 1799, thành Quy Nhơn rơi vào tay Nguyễn Ánh, vua Tây Sơn cử ông cùng Vũ Văn Dũng kéo quân vào giữ Quảng Nam. Năm 1800, hai ông kéo quân vây hãm thành Quy Nhơn, khiến hai tướng của Nguyễn Ánh giữ thành là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu phải tự vẫn.

Trong khi Trần Quang Diệu phòng ngự vững chắc ở Quy Nhơn thì quân Nguyễn Ánh kéo ra đánh úp Phú Xuân ngày 3.5 năm Tân Dậu (1801). Tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802), ông và Vũ Văn Dũng bỏ thành Quy Nhơn, kéo quân theo đường thượng đạo, vòng qua đất Lào, ra Nghệ An trù tính hội quân với vua Cảnh Thịnh chống lại quân Nguyễn Ánh. Từ châu Quy Hợp, Trần Quang Diệu kéo xuống huyện Hương Sơn thì gặp lúc quân Nguyễn Ánh đã chiếm thành Nghệ An, ông bèn cùng vợ là Bùi Thị Xuân lui về Thanh Chương. Mấy hôm sau cả hai rơi vào tay quân Nguyễn Ánh.

Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và con gái bị Nguyễn Ánh xử đại hình. Sử cũ chép rằng, khi bị đưa đến nơi xử trảm, ông vẫn giữ nguyên tư thế oai phong, đĩnh đạc của một bậc anh hào.

       TRẦN DU (1864 - 1896)

Trần Du người làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, là người lãnh đạo cuộc vận động cứu nước cuối cùng của phong trào Cần vương ở Quảng Ngãi.

Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Thái Thú (1894), Trần Du tập hợp lực lượng kháng Pháp ở các tỉnh từ Thừa Thiên đến Khánh Hòa, liên hệ với nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Nghệ - Tĩnh. Ông được suy tôn là Bình Tây Đại tướng quân. Phong trào đang lúc phát triển, được đông đảo sĩ phu và nhân dân hưởng ứng, thì bị bại lộ.

Trần Du bị bắt và bị xử chém ngày 12.3 năm Bính Thân (1896) tại Mỏ Cày.

       LÊ VĂN DUYỆT (1763 - 1832)

 Lê Văn Duyệt sinh quán tại Mỹ Tho (tỉnh Định Tường cũ), nhưng quê gốc ở làng Bồ Đề, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Lê Văn Duyệt theo phò Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn và trở thành một trong những khai quốc công thần của triều Nguyễn, được phong chức Khâm sai chưởng tả quân dinh, Bình Tây tướng quân, tước Quận công. Tuy nhiên, những đóng góp tích cực của ông vào sự phát triển của đất nước, đặc biệt là vùng đất phương Nam, gắn liền với thời gian hai lần giữ chức Tổng trấn thành Gia Định (1813 - 1816; 1820 - 1832). Được các vua Gia Long và Minh Mạng giao quyền hành rộng lớn ở Gia Định và Nam Kỳ, Lê Văn Duyệt tỏ ra là một nhà cai trị xuất sắc, thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế, đoàn kết các thành phần dân cư, dân tộc, tôn giáo, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, chống tham nhũng, lạm quyền trong bộ máy quan lại… Nhiều quyết sách của ông ở Gia Định, đặc biệt là về giao thương, đối ngoại (với Cao Miên, Xiêm La và phương Tây) thể hiện tầm nhìn cởi mở, tiến bộ và có phần mâu thuẫn với chính sách "bế quan toả cảng", kỳ thị tôn giáo của triều đình Minh Mạng. Sau khi ông mất (1832), vua Minh Mạng và đình thần vin cớ Lê Văn Khôi (con nuôi và là thuộc tướng của Lê Văn Duyệt) nổi loạn ở thành Phiên An (1832 - 1835), ghép tội ông rất nặng, mãi đến năm Tự Đức thứ nhất (1848) mới được minh oan.

Triều đại nhà Nguyễn cũng như bản thân Lê Văn Duyệt có những mặt tiêu cực, hạn chế cần phân tích thấu đáo, nhưng những đóng góp của triều đại này, trong đó có Lê Văn Duyệt đối với đất nước nên được ghi nhận một cách công bằng, khách quan(2).

       VÕ THỊ ĐỆ (1860 - 1932)

Võ Thị Đệ quê ở làng An Điềm, nay thuộc xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, lấy chồng về sống ở làng Nhơn Hòa (nay thuộc xã Bình Tân).

Năm 25 tuổi, Võ Thị Đệ tham gia phong trào Cần vương do Lê Trung Đình lãnh đạo, sau đó làm nhiệm vụ tiếp lương cho nghĩa quân Nguyễn Bá Loan, Tôn Tường (Quảng Ngãi), Nguyễn Duy Hiệu (Quảng Nam). Khi chồng mất, bà tiếp tục tham gia các phong trào Duy tân, kháng thuế cự sưu, vận động giúp đỡ đưa thanh niên đi du học. Trong cuộc mưu khởi năm 1916 của Việt Nam Quang phục Hội, bà tham gia ban chỉ huy khởi nghĩa, lo việc hậu cần, quân lương, được các chí sĩ yêu nước tôn xưng là "Hộ quốc mẫu nghi". Toan tính cứu nước bất thành, các nhà yêu nước kẻ bị giết, người bị tù đày. Võ Thị Đệ bị kẻ thù bắt giam, tịch thu gia sản.

Về sau, Võ Thị Đệ lại tiếp tục giúp đỡ Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi. Khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh ra đời, dù đã 70 tuổi, bà vẫn là một người ủng hộ tích cực, nhiệt thành.

       LÊ TRUNG ĐÌNH (1857 - 1885)

Lê Trung Đình hiệu là Long Cang, người làng Phú Nhơn, nay là thôn Trường Thọ Đông, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh.

Lê Trung Đình thi đỗ Cử nhân khoa Giáp Thân (1884) tại trường thi Hương ở Bình Định. Gặp buổi vận nước lao đao, bên ngoài thực dân Pháp âm mưu xâm chiếm đất đai, bên trong triều đình rối ren, ông cùng các chí sĩ Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Tấn Kỳ... vừa dốc sức tổ chức lực lượng hương binh, vừa xây dựng chiến khu ở Tuyền Tung (huyện Bình Sơn) chuẩn bị đối phó với quân xâm lược. Phái chủ chiến ở triều đình cử ông làm Chánh quản Hương binh, sau đó được Nguyễn Duy Cung - lúc bấy giờ đang giữ chức Tham biện Sơn phòng Nghĩa Định, bí mật cử ra kinh đô yết kiến người cầm đầu phe chủ chiến là Tôn Thất Thuyết để nhận lệnh tổ chức lực lượng và kế hoạch chống Pháp.

Sau vụ âm mưu đánh úp quân Pháp ở Huế thất bại (5.7.1885), kinh đô rơi vào tay giặc, vua Hàm Nghi xuất bôn và hạ chiếu Cần vương.

Ngày 13.7.1885 (1.6 năm Ất Dậu), Lê Trung Đình cùng các thủ lĩnh hương binh kéo quân về tỉnh thành, đòi các quan lại đầu tỉnh cấp vũ khí, lương thực để chống Pháp, nhưng quyền Bố chánh Lê Duy Thụy và quyền Án sát Nguyễn Văn Dụ từ chối.

Ngay trong đêm ấy, 3.000 hương binh theo lệnh Chánh tướng Lê Trung Đình và Phó tướng Nguyễn Tự Tân tập kết tại khu vực bãi sông Trà Khúc (phía tả ngạn, trước đền Văn Thánh) làm lễ tế cờ rồi vượt sông, tấn công tỉnh thành Quảng Ngãi. Được sự hỗ trợ của lực lượng nội ứng, nghĩa quân nhanh chóng đánh chiếm tỉnh thành, bắt giữ bọn quan lại, tịch thu ấn triện, phát động phong trào Cần vương trong toàn tỉnh, sẵn sàng ứng phó với quân xâm lược. Nghĩa quân làm chủ tỉnh thành được 4 ngày thì bị tên phản bội Nguyễn Thân (vốn là một thành viên Nghĩa hội), đưa lực lượng từ Sơn phòng về, đánh lừa nghĩa quân mở thành, rồi bất ngờ tấn công. Nguyễn Tự Tân hy sinh, Lê Trung Đình bị bắt. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Nguyễn Thân tìm cách lôi kéo Lê Trung Đình đầu hàng, nhưng không thể nào lay chuyển được ý chí của người thủ lĩnh yêu nước.

Ngày 23.7.1885 (11.6 năm Ất Dậu), Lê Trung Đình bị xử chém ở phía bắc thành Quảng Ngãi. Trên đường ra pháp trường ông ứng tác bài thơ tuyệt mệnh, người đời sau quen gọi là "Lâm hình thời tác":

Kim nhật lung trung điểu

Minh triêu trở thượng ngư

Thử thân hà túc tích

Xã tắc ai kỳ khu  

(Nay là chim trong lồng

Mai đã cá trên thớt

Thân này tiếc gì đâu

Gian nan tình đất nước)

                                                           Hoàng Tạo dịch

       TRƯƠNG ĐỊNH (1820 - 1864)

Trương Định sinh quán làng Tư Cung Nam, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Năm 1844, ông theo cha vào Gia Định rồi lấy vợ và lập nghiệp ở Tân An, tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Long An).

Hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình Nguyễn, Trương Định mộ dân nghèo, lập đồn điền (vừa làm ruộng vừa phiên chế thành quân dự bị) ở Gia Định, được phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ, nên thường được gọi là Quản Định. Khi quân Pháp chuyển từ Đà Nẵng vào tấn công Gia Định (1859), Trương Định đưa cơ binh ở đồn điền tham gia chống giặc, dùng chiến thuật du kích, tấn công bất ngờ, gây cho Pháp rất nhiều khó khăn.

Năm 1861, Pháp tấn công đại đồn Chí Hòa, Trương Định lại đưa quân phối hợp với quân của Nguyễn Tri Phương phòng thủ. Đại đồn thất thủ, quân triều đình rút về Biên Hòa, Trương Định không theo họ mà thu quân về Gò Công, hợp cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyến mộ thêm quân, đắp đồn lũy, xây dựng nơi đây thành căn cứ chống Pháp. Quân Trương Định lúc này lên đến hơn 6.000 người, phân thành 6 cơ, hoạt động khắp vùng Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn, Trảng Bàng,... trải rộng từ phía biển lên tới biên giới Cămphuchia, trở thành lực lượng kháng Pháp mạnh nhất trong số hàng chục lực lượng nghĩa binh nổi lên chống giặc khắp Nam Kỳ - Lục tỉnh.

Phần nào thấy được vai trò của Trương Định, vua Tự Đức phong ông chức Phó Lãnh binh và đến tháng 3.1862 lại cho kiêm chức Tổng chỉ huy đầu mục Gia Định. Ông chuyển bản doanh về Gò Thượng, chỉ huy 18 cơ binh, liên tục tấn công quấy rối, tiêu hao sinh lực địch, làm cho chúng hoang mang, rút bỏ nhiều vùng chiếm đóng.

Nhưng cũng chính vào lúc này, triều đình Tự Đức lại tỏ ra bị động, lúng túng trong cách đối phó với bọn ngoại xâm. Khâm sai đại thần là Phan Thanh Giản cùng Lâm Duy Hiệp được Tự Đức cử vào Nam khảo sát tình hình, thương thảo với Pháp, ký với Bôna (Bonard) điều ước Nhâm Tuất (5.6.1862), giao 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) cho Pháp, phong cho Trương Định chức Lãnh binh An - Hà (An Giang - Hà Tiên) và ra lệnh cho ông bãi binh. Trương Định từ chối theo lệnh triều đình, và ở lại Gò Công kháng chiến, được suy tôn "Bình Tây Đại nguyên soái", liên kết với các nhóm kháng chiến của nhiều sĩ phu, văn thân Nam Kỳ.

Ngày 16.12.1862, Trương Định ra lệnh tổng công kích, phản công mạnh mẽ trên khắp các mặt trận, đẩy quân Pháp vào thế lúng túng, bị động.

Tháng 2.1863, quân Pháp nhận thêm viện binh, lại nhân lúc triều đình án binh bất động, đã tập trung lực lượng gồm 12.000 quân, 8 khẩu đại bác cùng nhiều chiến hạm, tấn công khắp Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công. Nghĩa quân chống cự dũng cảm nhưng vì kẻ địch quân đông, thế mạnh, Trương Định phải lui binh về rừng Sác, sau đó chuyển sang Lý Nhơn, rồi trở lại Đám Lá Tối Trời gây dựng cơ sở kháng chiến.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trương Định, nhân dân Gò Công, Mỹ Tho, Tân An, Cần Giuộc, Chợ Lớn lại vùng lên kháng Pháp.

Giữa năm 1864, nghĩa quân chuẩn bị đợt tấn công mới nhằm chiếm lại Tân Hòa. Khi kế hoạch đang được triển khai thì tên nội phản Huỳnh Công Tấn dẫn đường cho quân Pháp đánh úp đại bản doanh Trương Định vào đêm 19 rạng ngày 20.8.1864. Mặc dù quân ít, bị đánh bất ngờ, nhưng Trương Định và nghĩa quân vẫn chiến đấu anh dũng. Rạng sáng ngày 20.8.1864, Trương Định bị thương nặng, ông rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết.

       TRƯƠNG ĐĂNG ĐỒ (? - 1802)

Trương Đăng Đồ là Đô đốc của nghĩa quân Tây Sơn, người làng Mỹ Khê, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh.

Ông gia nhập phong trào Tây Sơn từ rất sớm, góp công lớn trong sự nghiệp đánh bại các tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn, đập tan đội quân xâm lược Mãn Thanh. Vợ ông, bà Huỳnh Thị Cúc, là một trong năm nữ tướng tài ba của nhà Tây Sơn.

Năm 1802, nhà Tây Sơn sụp đổ, vợ chồng Trương Đăng Đồ - Huỳnh Thị Cúc cùng tự sát để giữ tròn khí tiết.

       PHẠM VĂN ĐỒNG (1906 - 2000)

Phạm Văn Đng bí danh là Tô, sinh ngày 1.3.1906 tại làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; là nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa lớn của Việt Nam.

Những năm 1925 - 1926, khi đang học tại Hà Nội, ông tham gia phong trào học sinh đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu (1925) và để tang cụ Phan Chu Trinh (1926). Sau đó, ông đi Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1926).

Cuối năm 1927, ông về nước, tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn, đến đầu năm 1929, được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ. Tháng 5.1929, ông đi Hồng Kông (Trung Quốc) dự Đại hội của tổ chức này và được bầu vào Tổng bộ và Ban trù bị thành lập Đảng Cộng sản. Tháng 7.1929, Phạm Văn Đồng trở về Sài Gòn hoạt động cách mạng và bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo. Tháng 7.1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, thực dân Pháp ở Đông Dương buộc phải trả tự do cho Phạm Văn Đồng nhưng lại đưa ông về quê quản thúc. Trở về Quảng Ngãi một thời gian, ông bí mật liên lạc với tổ chức Đảng ở Quảng Ngãi, tiếp tục hoạt động cách mạng, sau đó ra Hà Nội tham gia hoạt động công khai.

Tháng 5.1940, Phạm Văn Đồng đi Côn Minh (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, ông được cử đi hoạt động cách mạng ở Liễu Châu, Tĩnh Tây (Trung Quốc). Đầu năm 1942, ông được cử về Cao Bằng xây dựng căn cứ địa cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Tháng 8.1945, Phạm Văn Đồng dự Đại hội Quốc dân Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 5.1946, ông đảm nhận nhiệm vụ Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán với Chính phủ Cộng hoà Pháp tại Hội nghị Fôngtenơblô (Fontainebleau).

Trước ngày kháng chiến toàn quốc (19.12.1946), Phạm Văn Đồng được cử vào Quảng Ngãi làm đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở đây. Đầu năm 1949, ông được điều về chiến khu Việt Bắc. Tháng 8.1949, ông được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Tháng 5.1954, ông là Trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Giơnevơ (Genève) về Đông Dương. Từ tháng 9.1954, ông giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại của Trung ương Đảng. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I (1946 - 1960) đến khóa VII (1981 - 1987). Từ tháng 9.1955 đến tháng 12.1986 (31 năm), ông liên tục giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ (có lúc gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Trong nhiều năm ông đảm đương nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng chi viện cho tiền tuyến.

Trong Đảng, năm 1947 ông được bầu bổ sung ủy viên dự khuyết, năm 1949 chuyển thành ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2.1951), lần thứ III (9.1960), lần thứ IV (12.1976), lần thứ V (3.1982), Phạm Văn Đồng đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12.1986), lần thứ VII (6.1991) và lần thứ VIII (6.1996), ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương; đến tháng 12.1997 được kết thúc nhiệm vụ theo yêu cầu của ông.

Phạm Văn Đồng qua đời tại Hà Nội ngày 29.4.2000.

       ĐINH GIA (? - 1962)

Đinh Gia (Phó mục Gia) người dân tộc Cor, quê ở xã Trà Nham, nay thuộc huyện Tây Trà, sinh vào khoảng cuối thập niên 50 đầu thập niên 60, thế kỷ XIX.

Đinh Gia là một trong những người lãnh đạo phong trào yêu nước chống Pháp của đồng bào Cor kéo dài từ năm 1938 đến tháng 8.1945, nhiều phen gây cho Pháp và tay sai thất bại nặng nề. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng (đầu tiên) của huyện Trà Bồng, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1947, ông được Hồ Chủ tịch gửi thư khen, tặng quà và thay mặt Chính phủ trao cho ông Huân chương Quân công hạng Nhì. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, ông kiên quyết từ chối hợp tác với kẻ thù và tích cực vận động tổ chức Đại hội Gò Rô - "Đại hội Diên Hồng chống Mỹ" - của nhân dân các dân tộc Quảng Ngãi (tháng 7.1958). Đinh Gia mất năm 1962.

       TRƯƠNG QUANG GIAO (1910 - 1983)

Trương Quang Giao người làng Mỹ Khê, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 9.1930, sau đó trở thành Bí thư đầu tiên của chi bộ Mỹ Khê. Từ cuối năm 1931 đến năm 1934, Trương Quang Giao bị Pháp cầm tù. Năm 1936, ông tham gia phong trào Mặt trận Bình dân, là thành viên Ủy ban mặt trận đấu tranh, phụ trách Hội Ái hữu tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 25.2.1939, Trương Quang Giao lại bị Pháp bắt, xử tù 5 năm, đày đi Buôn Ma Thuột. Ở đây, ông và các bạn tù chính trị là Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Trần Lương (cùng quê Quảng Ngãi) bí mật tiếp tục hoạt động cách mạng, liên lạc với tổ chức Đảng bên ngoài.

Tháng 2.1944, địch chuyển ông về Căng An trí Ba Tơ. Ở đây, ông cùng Phạm Kiệt (chuyển về Ba Tơ năm 1943), Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Trần Lương kiện toàn chi bộ Đảng, xây dựng Ủy ban Vận động Cứu quốc tỉnh. Cuối tháng 12.1944, Tỉnh ủy Quảng Ngãi được thành lập, do ông làm Bí thư, lãnh đạo phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật trong toàn tỉnh mà đỉnh cao là cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945) và khởi nghĩa, giành chính quyền ở Quảng Ngãi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong kháng chiến chống Pháp, Trương Quang Giao giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Liên khu V như: Chính ủy Bộ tư lệnh Khu V, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Bí thư Ban Cán sự Tây Nguyên, Bí thư Liên khu ủy V.

Trương Quang Giao tập kết ra Bắc năm 1955, lần lượt giữ các chức vụ: Phó ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Ban kiểm tra Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất của Chính phủ.

Ông mất năm 1983 tại Đà Nẵng.

       TRẦN QUÝ HAI (1913 - 1985)

Trần Quý Hai (Bài Hốt, Bùi Chấn), người làng Kim Lộc, xã Châu Sa, nay là thôn Kim Lộc, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh.

Trần Quý Hai gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930, năm 1931 bị Pháp bỏ tù ở lao Quảng Ngãi. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, giữ các chức vụ Bí thư chi bộ Châu Sa, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Từ 1939 - 1944, ông bị Pháp đày ở nhà tù Buôn Ma Thuột, sau đưa về Căng An trí Ba Tơ. Tại đây ông cùng các đồng chí bí mật thành lập Chi bộ Đảng, xây dựng đội ngũ kiên trung. Tháng 3.1945, cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Trần Quý Hai tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thành công, tiếp đến lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945 ở tỉnh Quảng Ngãi, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt đảm nhận các chức vụ: Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Khu ủy Liên khu IV, Tư lệnh kiêm Chính ủy mặt trận Bình Trị Thiên, đồng thời là Tư lệnh kiêm Chính ủy Sư đoàn 325.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trần Quý Hai kinh qua các chức vụ: Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng tham mưu, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần, Thứ trưởng, Tổng thanh tra quân đội, Trưởng ban cơ yếu Trung ương. Ông là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, được phong quân hàm Trung tướng năm 1974. Năm 1985, ông qua đời tại Hà Nội.

       BÙI TÁ HÁN (? - 1568)

Bùi Tá Hán người gốc châu Hoan (nay là tỉnh Nghệ An), nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với vùng đất thừa tuyên Quảng Nam, đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.

Bùi Tá Hán ứng nghĩa "phù Lê, diệt Mạc" dưới cờ Nguyễn Kim, lập nhiều công trạng, được phong đến chức Bắc quân đô đốc phủ chưởng phủ sự. Ông được triều đình Lê Trung hưng cử vào trấn nhậm thừa tuyên Quảng Nam(3) trong một thời gian dài. Bùi Tá Hán là người đức độ, khoan hòa, chú trọng thực hiện nhiều chính sách an dân, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất mình cai quản. Cái chết của Bùi Tá Hán hiện chưa rõ nguyên nhân, còn trong dân gian lưu truyền giai thoại là ông đã "hiển thánh".

Hiện nay ở thành phố Quảng Ngãi có lăng, đền thờ Bùi Tá Hán đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia(4). Nhiều nơi khác ở Quảng Ngãi và một số tỉnh thành trong nước cũng có đền thờ ông.

       TRẦN THỊ HIỆP (1910 - 1937)          

Trần Thị Hiệp người làng Thi Phổ, nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. Bà tham gia hoạt động yêu nước từ năm 1927, được tham gia các lớp huấn luyện do Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi tổ chức. Cuối năm 1929, bà được Nguyễn Nghiêm cử vào Sài Gòn, thực hiện "vô sản hoá", tìm cách liên lạc với các tổ chức cách mạng vô sản ở Nam Kỳ.

Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, bà được triệu tập về Quảng Ngãi, tham gia xúc tiến thành lập Đảng bộ tỉnh. Khi Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, Trần Thị Hiệp trở thành 1 trong 5 ủy viên của Tỉnh ủy lâm thời. Đến Đại hội Đảng bộ lần thứ I (tháng 6.1930) bà trúng cử vào cấp ủy, trở thành nữ Tỉnh ủy viên đầu tiên của Đảng bộ Quảng Ngãi. Ngày 16.11.1930, Trần Thị Hiệp trực tiếp lãnh đạo nhân dân phủ Mộ Đức kéo về phủ lỵ đấu tranh, buộc Tri phủ phải ra tiếp bà và nhận yêu sách của nhân dân, nhưng sau đó chúng lập kế bắt bà và một số đồng chí lãnh đạo cuộc đấu tranh, đưa vào nhà tù.

Những đòn tra tấn dã man, liên tiếp của kẻ thù khiến bà kiệt sức và mất không bao lâu sau khi ra tù.

       PHẠM XUÂN HÒA (1913 - 1957)

Phạm Xuân Hòa người làng Thủy Thạch, nay thuộc xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1931, là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi giai đoạn 1933 - 1934 (lần I) và 1951 - 1954, Bí thư Ban cán sự Trung - Nam Xứ ủy Trung Kỳ (Quảng Nam, Quảng Ngãi - Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), bị Pháp bắt kết án 15 năm tù trong vụ án "Tái tổ Đảng Cộng sản Đông Dương" (12.7.1935).

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), ông được tiếp tục ở lại miền Nam lãnh đạo quần chúng đấu tranh và hy sinh vào tháng 3.1957, trong một trận chiến trực diện với kẻ thù.

       LÊ TỰU KHIẾT (1857 - 1908)

Lê Tựu Khiết, hiệu Dương Phong, tự Huy Thanh, người làng An Ba, nay thuộc xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, đỗ Cử nhân năm 1882.

Lê Tựu Khiết từng làm quan với triều đình Huế đến chức Bố chánh, và là thủ hạ của Nguyễn Thân, sau tỉnh ngộ, từ bỏ quan chức, về quê tham gia Duy tân Hội.

Khi phong trào kháng thuế cự sưu lan rộng ở Quảng Ngãi (1908), Hội Duy tân cử ông cùng Nguyễn Bá Loan (huyện Mộ Đức), Phạm Tiên (huyện Sơn Tịnh), Phạm Mỹ (huyện Tư Nghĩa) vào ban lãnh đạo phong trào. Ngày 7.4.1908, Pháp lập kế mời ông vào thành rồi bắt. Dụ dỗ ông không thành, Pháp xử chém ông cùng Nguyễn Bá Loan ngày 23.4.1908.

       TRẦN KIÊN (1920 - 2004)

Trần Kiên (tên khai sinh Nguyễn Tuấn Tài, bí danh: Quốc, Sơn), sinh ngày 15.5.1920 tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa trong một gia đình nông dân nghèo.

Trần Kiên tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936. Tháng 3.1945, ông gia nhập Đội Du kích Ba Tơ, tham gia khởi nghĩa tại Quảng Ngãi. Sau Tổng khởi nghĩa, ông tiếp tục công tác trong quân đội.

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, Trần Kiên ở lại miền Nam hoạt động, từng giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Liên Tỉnh ủy viên Liên tỉnh 4 (Tây Nguyên), Thường vụ Khu ủy V, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch U ban nhân dân cách mạng Khu Trung Trung Bộ...

Từ tháng 12.1975 đến tháng 12.1980, ông kinh qua các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình.

Trần Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương các khóa V, VI, đại biểu Quốc hội khóa VI.

Ông mất ngày 26.5.2004 tại Quảng Ngãi.

       PHẠM KIỆT (1912 - 1975)

Phạm Kiệt người làng An Phú, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh.

Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 1931 là Bí thư Chi bộ Đảng. Phạm Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đội Du kích Ba Tơ và cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Ông mất năm 1975 ở Hà Nội khi đang là Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh trưởng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, mang quân hàm Trung tướng. Phạm Kiệt là nhà quân sự tài ba, từng có mặt ở Sở chỉ huy của Bộ Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ và có nhiều đóng góp vào thắng lợi lịch sử này.

       NGUYỄN TẤN KỲ (1853 - 1913)

Nguyễn Tấn Kỳ người làng Châu Tử, nay thuộc xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn.

Nguyễn Tấn Kỳ là một trong ba thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Cần vương đánh chiếm thành Quảng Ngãi ngày 1.6 năm Ất Dậu (13.7.1885) do Lê Trung Đình lãnh đạo. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông trốn lên vùng núi Quảng Nam, liên lạc với nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu (Quảng Nam), tiếp tục kháng chiến. Phong trào Cần vương suy yếu và dần dần tan rã, Nguyễn Tấn Kỳ bỏ đi tu, nhưng vẫn bị Nguyễn Thân bắt về Huế, giam ở lao Thừa Phủ.

Ra tù, Nguyễn Tấn Kỳ về lại làng Châu Tử, lập chùa Phước Sơn, nương cửa bồ đề, sống những ngày cuối đời trong niềm bi phẫn.

       NGUYỄN BÁ LOAN (1857 - 1908)

Nguyễn Bá Loan (Ấm Loan) là con Phó bảng Nguyễn Bá Nghi, người làng Lạc Phố, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức.

Nguyễn Bá Loan tham gia cuộc khởi nghĩa Cần vương tháng 7.1885 do Lê Trung Đình lãnh đạo, phụ trách cánh quân Mộ Đức. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông kéo quân lên miền núi, ngược ra căn cứ Tuyền Tung (huyện Bình Sơn), hợp quân với Nguyễn Tấn Kỳ, liên hệ với nghĩa quân Quảng Nam tấn công giặc ở mạn nam phủ lỵ Bình Sơn (tháng 8.1885), gây cho địch nhiều thiệt hại.

Cuộc dấy binh ở phía bắc Quảng Ngãi không thành, Nguyễn Bá Loan quay vào Bình Định, liên lạc với nghĩa quân Mai Xuân Thưởng, vạch kế hoạch tấn công lên bản doanh Sơn phòng Nghĩa Định. Âm mưu bị bại lộ, ông lại đưa quân trở lại Bình Định, phối hợp chiến đấu với Mai Xuân Thưởng. Năm 1888, Mai Xuân Thưởng hy sinh, Nguyễn Bá Loan thoát khỏi sự truy bắt của kẻ thù. Năm 1905, ông trở về quê nhà, gia nhập Hội Duy tân. Năm 1907, người đứng đầu Hội Duy tân Quảng Ngãi là Lê Đình Cẩn bị bắt tù đày, ông đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Năm 1908, phong trào kháng thuế cự sưu ở Quảng Nam - Quảng Ngãi bùng nổ dữ dội, Nguyễn Bá Loan được cử vào Ban lãnh đạo đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi. Ngày 7.4.1908, ông bị Pháp bắt và đến ngày 23.4.1908 bị xử chém ở phía đông tỉnh thành.

       NGUYỄN NĂNG LỰ (1910 - 1944)

Nguyễn Năng Lự người làng Phú Thọ, nay thuộc xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa. Nguyễn Năng Lự tham gia các hoạt động yêu nước từ năm 1924 khi đang học ở trường Quốc học (Huế). Tháng 6.1925, ông bị đuổi học vì tham gia đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, sau đó về quê, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản (1930), Bí thư Huyện bộ đông Tư Nghĩa, góp phần tích cực thành lập Huyện ủy Tư Nghĩa (tháng 3.1931).

Cuối năm 1931, ông bị bắt, kết án 13 năm tù giam, đày đi Buôn Ma Thuột, Kon Tum. Năm 1932, ông vượt ngục về Quảng Ngãi rồi vào Sài Gòn, liên lạc với Trung ương, tham gia Xứ ủy Trung Kỳ, tham gia ban liên lạc miền Nam Đông Dương của Đảng, phụ trách Nông Hội vận. Nhờ giỏi ngoại ngữ (Anh, Pháp, Hoa, Latinh), ông được cử đi hoạt động ở Thái Lan, Malaixia, Xingapo. Năm 1935, từ Sài Gòn ông chuẩn bị đi Hồng Kông thì bị Pháp bắt đưa ra Huế, kết án 20 năm tù, đày đi Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Năm 1939, ông vượt ngục, liên lạc với Trung ương hoạt động; năm 1940, lại bị bắt, bị đày lên Buôn Ma Thuột. Tháng 6.1941, vì bị lao nặng nên địch đưa ông về an trí ở Quảng Ngãi. Tháng 10.1941, ông giả vờ đi tu ở nhà thờ La Vang (Quảng Trị ) rồi trốn ra Nghệ An, Hà Nội, liên lạc với Trung ương và Xứ ủy Trung Kỳ. Tháng 3.1942, Nguyễn Năng Lự về Quảng Ngãi triệu tập hội nghị cán bộ, bàn chương trình hành động và thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Hội nghị bị lộ, Pháp bắt ông, kết án tù khổ sai chung thân, giam tại lao Quảng Ngãi. Ông vượt ngục tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng, nhưng lại bị bắt, đày lên Buôn Ma Thuột.

Nguyễn Năng Lự qua đời ngày 6.5.1944 trong nhà lao sau mấy lần tiếp tục vượt ngục và bị bắt.

      NGUYỄN BÁ NGHI (1807 - 1870)

Nguyễn Bá Nghi tên tự là Sư Phần, người làng Thời Phố (sau đổi là Lạc Phố), nay thuộc xã Đức Nhuận huyện Mộ Đức, là thân phụ của nhà yêu nước Nguyễn Bá Loan.

Nguyễn Bá Nghi đỗ Cử nhân năm Tân Mão (1831), đỗ Phó bảng năm Nhâm Thìn (1832), là người đỗ đại khoa đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Ông làm quan triều Nguyễn, từng giữ nhiều trọng trách: Khâm sai đại thần, Thượng thư, Tổng đốc, Kinh diên giảng quan, Cơ mật viện Đại thần…Đường hoạn lộ của Nguyễn Bá Nghi kéo dài gần 40 năm, trải khắp ba miền Bắc, Trung, Nam; nhiều gian nan, ghập ghềnh nhưng lúc nào ông cũng thể hiện là một người mẫn cán, kiên nghị, giàu kiến văn, chuộng thực tiễn. Nguyễn Bá Nghi từng được vua Tự Đức giao nhiệm vụ tổ chức trùng tu đền Quốc tổ Hùng Vương và là người vận động các nhà khoa mục, văn thân ở quê nhà xây dựng văn chỉ huyện Mộ Đức. Sư Phần thi văn tập là trước tác của ông để lại cho đời sau.

       NGUYỄN NGHIÊM (1904 - 1931)

Nguyễn Nghiêm sinh năm 1904, người làng Tân Hội, nay thuộc xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, là chiến sĩ cách mạng vô sản, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyễn Nghiêm bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước từ năm 14 tuổi. Năm 20 tuổi (1924), ông tiếp xúc với cụ Trần Kỳ Phong và được nghe nhà cách mạng lão thành đề cập và ca ngợi chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Ngọc Thụy, Trần Kỳ Truyện lập Công Ái xã và bắt đầu tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin. Về sau, Công Ái xã giải thể, các thành viên tích cực trong đó có Nguyễn Nghiêm chuyển hướng hoạt động và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập, ông được cử vào Ban Chấp hành, phụ trách huyện Đức Phổ.

Tháng 7.1929, Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi Trương Quang Trọng tập hợp một số đồng chí tại núi Xương Rồng (huyện Đức Phổ) thành lập tổ chức "Dự bị Cộng sản", Nguyễn Nghiêm được giao nhiệm vụ xúc tiến thành lập Đảng bộ tỉnh. Tháng 8.1929, Trương Quang Trọng, Hồ Độ và một số yếu nhân của Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi bị bắt, Nguyễn Nghiêm lãnh đạo các hội viên còn lại thực hiện chủ trương vô sản hóa, cử một số cán bộ liên hệ với các tổ chức cộng sản trong nước.

Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau đó, Nguyễn Nghiêm đã bắt liên lạc với Đảng và đến giữa tháng 3.1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập do ông làm Bí thư lâm thời. Tháng 6 năm đó, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ I tiến hành tại làng Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, Nguyễn Nghiêm được cử làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 1.8.1930, Đảng bộ tổ chức rải truyền đơn, treo biểu ngữ ở nhiều nơi trong tỉnh, khiến kẻ địch hoang mang, ảnh hưởng của Đảng bộ bắt đầu lan rộng trong quần chúng. Đêm 7.10.1930, Nguyễn Nghiêm trực tiếp lãnh đạo hơn 5.000 người xuống đường biểu tình, mít tinh tấn công và làm chủ huyện đường Đức Phổ cho đến sáng hôm sau. Ngày 13.10, Tỉnh ủy họp ở làng Nghĩa Lập (huyện Mộ Đức), chủ trương tiếp tục biểu tình công khai; và về tổ chức, Tỉnh ủy chia làm hai bộ phận: bộ phận phía nam tính từ sông Trà Khúc trở vào do Nguyễn Nghiêm lãnh đạo, phía bắc tỉnh từ sông Trà Khúc trở ra do Phan Thái Ất phụ trách. Nguyễn Nghiêm đi Quảng Nam tìm bắt liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ, xin chỉ thị về việc dấy lên cao trào mùa xuân 1931. Khi về đến Bình Sơn, ông lọt vào tay địch nhưng trốn thoát được, lên Trà Bình. Sau đó theo ủy nhiệm của Xứ ủy, ông vào Bình Định, Phú Yên để củng cố các tổ chức cơ sở Đảng.

Sau cuộc biểu tình đầu năm 1931, địch bắt mẹ, vợ và đốt nhà Nguyễn Nghiêm, treo giải thưởng cho ai lấy được đầu ông. Ba Tỉnh ủy viên ở phía nam tỉnh bị bắt. Nguyễn Nghiêm chuyển cơ quan Tỉnh ủy từ Tân Hội về Gò Huyện (huyện Mộ Đức). Các đảng viên dự bị được lệnh thoát ly. Tỉnh ủy phát động "3 ngày căm thù" (16, 17, 18.2.1931), làn sóng đấu tranh vùng lên mạnh. Địch ra sức khủng bố, truy lùng. Nguyễn Nghiêm phải cải trang dời về sông Vệ, sau đó về làng An Đại (huyện Tư Nghĩa). Trên đường đi nắm tình hình, Nguyễn Nghiêm bị bắt đêm 15.1 năm Tân Mùi (6.3.1931).

Trong tù, Nguyễn Nghiêm giữ vững ý chí cách mạng. Mặc cho thực dân Pháp và Tuần vũ Nguyễn Bá Trác lôi kéo, dụ dỗ, tra tấn, ông vẫn giữ tròn khí tiết, tìm cách móc nối với phong trào, xây dựng Chi bộ Đảng trong tù. Không lay chuyển được ý chí của người cộng sản trung kiên, địch đem Nguyễn Nghiêm ra "xử trảm" theo luật Gia Long, tại bãi sông Trà Khúc vào 3 giờ sáng 23.4.1931.

       LÊ NGUNG (? - 1916)

Lê Ngung người làng Đông Phước, nay thuộc xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn.

Năm 1906, Lê Ngung gia nhập Hội Duy tân Quảng Ngãi, được chọn xuất dương du học, nhưng không thành. Mùa thu 1908, ông cùng Trần Kỳ Phong được cử ra Quảng Nam bàn việc phối hợp đẩy mạnh phong trào kháng thuế, rồi bị địch bắt kết án 6 năm tù. Ra tù (1914) ông liên lạc, vận động các nhà yêu nước Quảng Ngãi chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 2.1915, ông cùng Nguyễn Thụy được các nhà yêu nước Quảng Ngãi - Quảng Nam phân công chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa ở Quảng Ngãi. Tháng 3.1916, các yếu nhân Việt Nam Quang phục Hội ở Trung Kỳ quyết định gấp rút khởi nghĩa. Lê Ngung, Nguyễn Thụy, Phạm Cao Chẩm được phân công chỉ huy khởi nghĩa ở Quảng Ngãi. Không may, cuộc mưu khởi bị bại lộ, nhiều nhà lãnh đạo bị bắt và bị xử chém. Lê Ngung uống thuốc độc tự tử, nhưng kẻ thù vẫn đem thi hài ông chém bêu đầu.

       VÕ DUY NINH (1804 - 1859)

Võ Duy Ninh quê ở làng Đại An, nay thuộc xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, đỗ Cử nhân năm 1834.

Võ Duy Ninh từng giữ các chức vụ Bố chánh Hưng Yên (1847), Tả Tham tri Bộ Lại (1852). Khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ Đà Nẵng chuyển vào tấn công Gia Định (tháng 2.1859), ông được vua Tự Đức cử vào Nam, nhậm chức Hộ đốc thành Gia Định để tổ chức công cuộc phòng thủ. Mặc dù Võ Duy Ninh và quân sĩ triều đình chiến đấu anh dũng để giữ thành, nhưng trước sức tấn công của địch, thành Gia Định bị vỡ (18.2.1859), Võ Duy Ninh tuẫn tiết. Ông là vị võ tướng đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

       TRẦN KỲ PHONG (1872 - 1941)

Trần Kỳ Phong người huyện Bình Sơn, sinh trưởng tại làng Châu Me, nay thuộc xã Bình Châu, sau về già sống ở làng Lệ Thủy, nay thuộc xã Bình Trị.

Trần Kỳ Phong đỗ Tú tài năm 1888, mở trường dạy học ở quê nhà rồi tham gia phong trào Cần vương. Năm 1904, ông gặp chí sĩ Phan Bội Châu. Năm 1906, tham gia thành lập Hội Duy tân Quảng Ngãi. Năm 1908, tham gia phong trào kháng thuế, cự sưu, bị địch bắt, kết án tử hình, sau đổi thành khổ sai chung thân. Đầu năm 1909, ông bị đày ra Côn Đảo, sau giảm án còn 13 năm tù. Ra tù (tháng 3.1921), ông lại bí mật liên hệ với các nhà yêu nước, tuyên truyền, ca ngợi chủ nghĩa cộng sản. Năm 1926, ông tham gia thành lập một tổ chức yêu nước lấy tên là Tân Việt đảng. Ngay sau đó tổ chức này cử Hồ Độ, Nguyễn Bút ra Nghệ An liên hệ với đảng Tân Việt (ở Vinh) và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1927, Trần Kỳ Phong chuyển sang hoạt động theo xu hướng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Mùa thu năm 1929, ông bị Pháp bắt bỏ tù 11 tháng. Ra tù, ông lại tiếp tục hoạt động yêu nước. Khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi thành lập, ông trở thành một ủng hộ viên tích cực. Ông được Đảng bố trí tham gia nhiều hoạt động trong phong trào dân chủ (1936 - 1939). Ngày 01.7.1937, Trần Kỳ Phong dẫn đầu đoàn biểu tình đến gặp Gôđa và phái bộ chính phủ Pháp để đưa kiến nghị đòi dân sinh, dân chủ. Năm 1939, ông về sống ở làng Lệ Thủy (xã Bình Trị) và qua đời năm 1941.

       NGUYỄN CÔNG PHƯƠNG (1888 - 1972)

Nguyễn Công Phương người làng Hòa Vinh, nay thuộc xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành. Ông liên tục tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp từ Duy tân Hội (1906), đến kháng thuế, cự sưu (1908), Việt Nam Quang phục Hội. Năm 1926, ông bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu chủ nghĩa cộng sản và đến năm 1927 chuyển sang hoạt động theo khuynh hướng cách mạng vô sản của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, sau khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi thành lập, ông được kết nạp vào Đảng. Tháng 10 năm đó được bầu vào Tỉnh ủy, được phân công là dự bị Bí thư, rồi là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1935 - 1937), nhiều lần bị địch bắt, bị tù đày.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng huyện Nghĩa Hành, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt miền Nam Trung Bộ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 6.1969, Nguyễn Công Phương được Đại biểu Đại hội quốc dân miền Nam bầu làm ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông qua đời năm 1972.

       VÕ QUÁN (? - 1913)

Võ Quán (Lâm Quán Trung) người làng Trung Sơn, nay thuộc xã Bình Phước, huyện Bình Sơn. Ông tham gia các hoạt động yêu nước trong phong trào Đông du và Duy tân, là ủy viên Bộ Giao tế của Việt Nam Công hiến Hội, phụ trách việc tổ chức đưa thanh niên đi du học. Ông cũng là một trong 6 người Quảng Ngãi được đưa sang học ở Nhật, thuộc thế hệ thanh niên Việt Nam du học đầu tiên. Năm 1908, Nhật cấu kết với thực dân Pháp cưỡng bức lưu học sinh Việt Nam hồi hương. Võ Quán nằm trong số những người kiên quyết ở lại và trở thành "một trong mấy người có tiếng của lưu học sinh còn ở lại Đông Kinh" (Phan Bội Châu).

Từ Nhật, Võ Quán sang Trung Quốc học ở Học viện quân sự tại Bắc Kinh. Năm 1911, cách mạng Tân Hợi thành công. Đầu năm 1912, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang phục Hội, Võ Quán là một trong ba ủy viên vận động trong nước, phụ trách Trung Kỳ. Từ đó đến tháng 9.1913, ông liên tục có những chuyến đi về giữa Việt Nam và Trung Quốc, tiếp xúc nhiều lần với các nhà yêu nước Quảng Nam, Quảng Ngãi, xúc tiến thành lập phân bộ Việt Nam Quang phục Hội.

Tháng 9.1913, Võ Quán quay trở lại Trung Quốc lần cuối, rồi lâm bệnh nặng. Xót xa vì sự nghiệp lớn chưa thành, cuối năm 1913, ông gieo mình xuống sông Châu Giang tự vẫn.

       NGUYỄN ĐÌNH QUẢN (1878 - 1910)

Nguyễn Đình Quản, tự là Khánh Bá, người huyện Sơn Tịnh, chánh quán làng Phong Niên (nay thuộc xã Tịnh Phong), trú quán làng Đông Dương (nay thuộc xã Tịnh Ấn Tây).

Nguyễn Đình Quản đỗ Cử nhân năm 1897 nhưng ông ở nhà cày ruộng, giao du với các văn thân yêu nước. Ông ra Hà Nội tìm hiểu về phong trào Đông du, trở về quê ông gia nhập Hội Duy tân Quảng Ngãi, mở trường dạy học ở Sung Tích (Tịnh Long), sáng tác thơ ca yêu nước.

Năm 1908, phong trào kháng thuế cự sưu rầm rộ ở Quảng Ngãi, Nguyễn Đình Quản cùng nhiều thủ lĩnh Duy tân Hội Quảng Ngãi tham gia lãnh đạo, hướng dẫn phong trào. Phong trào bị đàn áp dữ dội, các sĩ phu yêu nước người bị chém, người bị tù đày. Nguyễn Đình Quản bị xử đày đi Côn Đảo, rồi bị bệnh mất ở đó năm 1910.

       TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ (1793 - 1865)

Trương Đăng Quế tự là Diên Phương, hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê, người làng Mỹ Khê, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh.

Trương Đặng Quế đỗ Hương tiến (Cử nhân) tại trường thi Thừa Thiên năm 1819 (Gia Long thứ 18) và là người "khai khoa" của sĩ tử Quảng Ngãi. Ông làm quan trải 3 triều vua nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) và giữ nhiều chức vụ quan trọng hàng đầu trong triều đình. Ông có những đóng góp lớn trên lĩnh vực văn hóa, là tác giả Quảng Khê văn tập, Quảng Khê tiên sinh thi tập, Sứ trình vạn lý tập,...; chủ trì hoặc tham gia biên tập nhiều bộ sách lớn thời Nguyễn như: Đại Nam thực lục (tiền biên và chính biên), Đại Nam liệt truyện (tiền biên), Hoàng Nguyễn thực lục...

       TRƯƠNG QUYỀN (1845 - 1867)

Trương Quyền quê gốc ở làng Tư Cung Nam, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, là con trai của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định và bà Lê Thị Thưởng, sinh trưởng ở làng Gia Thuận, nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Sau khi Trương Định hy sinh (1864), Trương Quyền nối chí cha, tiếp tục sự nghiệp kháng Pháp. Nghĩa quân Trương Quyền đã liên kết với nghĩa quân Thiên Hộ Dương và nghĩa quân Khơme, giành nhiều thắng lợi ở Trà Vây (Tây Ninh), Uđông (Oudong, Cămpuchia), Vàm Cỏ...

Giặc Pháp tăng cường viện binh, liên tục vây ráp, tiến công, Trương Quyền đưa quân rút vào rừng tổ chức kháng chiến, nhưng chẳng may ông bị sốt rét nặng, qua đời khi mới 22 tuổi.

       VÕ SỸ (1910 - 1948)

Võ Sỹ (Lê Văn Sỹ) người làng Minh Tân, nay thuộc xã Đức Minh, huyện Mộ Đức. Năm 1925, Võ Sỹ tham gia tổ chức Công Ái xã, sau đó trở thành hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 8.1929, ông bị bắt bỏ tù. Trong tù ông được những người cộng sản giác ngộ lý tưởng cách mạng vô sản. Ra tù, ông tích cực hoạt động khôi phục tổ chức Đảng và trở thành Bí thư Tỉnh ủy (tháng 1.1932). Sau đó bị Pháp và Nam triều bắt, kết án khổ sai, đày ra Côn Đảo.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông được đón về và được bố trí hoạt động ở Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông lấy tên là Lê Văn Sỹ, tham gia lãnh đạo kháng chiến ở mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và hy sinh khi đang là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

       ĐINH TĂM, ĐINH MẪN, ĐINH MÚT, ĐINH RIN (cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX)

"Bốn tráng sĩ Đá Vách" là tên gọi tôn vinh của bốn thủ lĩnh chống Pháp đầu thế kỷ XX, người dân tộc Hrê, sinh trưởng ở vùng núi Đá Vách (Thạch Bích), thuộc châu Minh Long, đó là các ông Đinh Tăm, Đinh Mẫn (hai anh em ruột), Đinh Mút, Đinh Rin. Tương truyền cả bốn ông đều có biệt tài và lòng dũng cảm. Đinh Tăm, Đinh Mẫn rất giỏi về bắn nỏ, phóng lao, Đinh Mút, Đinh Rin nổi tiếng gan dạ.

Đầu thế kỷ XX, sau khi "bình định" được vùng trung châu đồng bằng, thực dân Pháp dựa vào bọn tay sai lấn lên miền Thượng, hòng triệt phá các căn cứ bí mật còn lại của lực lượng chống Pháp, khuất phục đồng bào dân tộc thiểu số và vơ vét thuế khoá, tài nguyên. Không để cho kẻ thù cướp phá núi rừng, bốn tráng sĩ Đá Vách đã lãnh đạo nhân dân trong vùng chiến đấu dũng cảm với quân giặc suốt 12 năm đầu thế kỷ XX, khiến chúng phải nhiều phen khiếp sợ. Đinh Mẫn hy sinh trong một trận phục kích quân Pháp mùa xuân năm 1905. Đinh Tăm, Đinh Mút ốm nặng và qua đời tại căn cứ Hố Kết (nay thuộc xã Long Sơn, huyện Minh Long). Đinh Rin hy sinh trong cuộc chiến đấu 7 ngày đêm, khi quân Pháp và tay sai bao vây tấn công căn cứ Hố Kết năm 1912.

       NGUYỄN TỰ TÂN (1848 - 1885)

Nguyễn Tự Tân người làng Trung Sơn, nay thuộc xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, đỗ Tú tài năm 1868.

Sau khi quân Pháp nổ súng xâm lược nước ta (1858), Nguyễn Tự Tân cùng nhiều sĩ phu yêu nước trong vùng tích cực chuẩn bị lực lượng chống Pháp. Cuối năm 1884 đầu năm 1885, lực lượng Hương binh Bình Sơn do Lê Trung Đình làm Chánh quản, Nguyễn Tự Tân được cử làm Phó quản đã lên đến con số 3.000 người, ngày đêm tập luyện sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 1.6 năm Ất Dậu (13.7.1885), lực lượng Cần vương do Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Tấn Kỳ lãnh đạo, có sự phối hợp của quân nội ứng, đánh chiếm thành Quảng Ngãi, bắt quan lại, thu ấn kiếm, tổ chức phòng thủ, sẵn sàng chống Pháp.

Do sự phản bội của Nguyễn Thân, cuộc khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Tự Tân hy sinh giữa trận tiền.

       HUỲNH TẤU (1904 - 1944)

Huỳnh Tấu (Hoàng Tấu) người làng Đông Yên, nay thuộc xã Bình Dương, huyện Bình Sơn.

Huỳnh Tấu sớm tham gia hoạt động yêu nước, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và bị địch bắt cầm tù. Trong tù, ông được kết nạp vào Đảng. Năm 1932, khi ra tù, Huỳnh Tấu tham gia củng cố Đảng bộ tỉnh, được bầu vào Tỉnh ủy và Liên Tỉnh ủy miền Nam Trung Kỳ. Năm 1935, ông lại bị địch bắt và đưa ra xử tại phiên tòa ngày 12.7.1935 (vụ án "Tái tổ Đảng Cộng sản Đông Dương"), bị kết án 15 năm tù, 20 năm quản thúc, đày đi Buôn Ma Thuột. Mùa hè năm 1942, địch chuyển ông về Căng An trí Ba Tơ. Tại đây, ông cùng các đồng chí xây dựng lại Tỉnh ủy (cũng đồng thời làm nhiệm vụ Ủy ban Vận động Cách mạng tỉnh Quảng Ngãi), giữ chức Bí thư. Tháng 8.1943, Huỳnh Tấu bị địch bắt. Ông bị kẻ thù tra tấn cho đến chết trong nhà tù năm 1944.

       HOÀNG CÔNG THIỆU (1518 - 1611)

Hoàng Công Thiệu sinh năm 1518, người huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Ông ứng nghĩa "phù Lê, diệt Mạc" dưới trướng Nguyễn Kim, sau được phái theo Bùi Tá Hán vào thu phục thừa tuyên Quảng Nam(5) từ tay nhà Mạc, lập nhiều công tích, được phong chức Chánh Đề lãnh phủ Tư Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi).

Hoàng Công Thiệu là người tổ chức quân sĩ và chiêu mộ dân nghèo từ phía Bắc vào khai khẩn đất hoang, mở cánh đồng Lộ Bôi, lập các làng An Thường, An Trường, Tân Tự thuộc xứ Lộ Bôi, tổng Tri Đức, phủ Mộ Hoa, nay thuộc hai xã Phổ Minh và Phổ Ninh, huyện Đức Phổ.

       NGUYỄN THIỆU (1903 - 1989)           

Nguyễn Thiệu người làng Thạch Trụ, nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, đỗ Tú tài Tân học năm 1923, thường được gọi là Tú Thiệu.

Nguyễn Thiệu là một trong những người thành lập "Công Ái xã", sau đó ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được cử đi dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu, Trung Quốc (1926), rồi trở về quê mở nhiều lớp huấn luyện cho thanh niên, xây dựng cơ sở tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Ngãi.

Tháng 5.1929, Nguyễn Thiệu là đại biểu Kỳ bộ Trung Kỳ đi dự Đại Hội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hồng Kông (Trung Quốc). Mùa thu năm 1929, tổ chức An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ, ông là một trong 6 ủy viên Ban lâm thời chỉ đạo. Tháng 2.1930, ông và Châu Văn Liêm là đại biểu tổ chức An Nam Cộng sản Đảng tham dự hội nghị hợp nhất - thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Những năm 1930 - 1931, Nguyễn Thiệu là ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ kiêm Bí thư liên tỉnh Mỹ Tho - Bến Tre - Cà Mau. Năm 1932, ông bị Pháp bắt, kết án khổ sai chung thân, đày đi Côn Đảo. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Nguyễn Thiệu được Chính phủ cách mạng đón về đất liền.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông được bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Ngãi, sau đó giữ chức Giám đốc Hoa kiều vụ Liên khu V.

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Nguyễn Thiệu tập kết ra Bắc, tham gia xây dựng Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (giữ chức Viện phó rồi Viện trưởng). Ông mất năm 1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

       THÁI THÚ (1870 - 1894)

Thái Thú tên thật là Nguyễn Long Phụng, sinh tại thị trấn Thu Xà, nay thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Năm 15 tuổi ông tham gia kháng Pháp dưới cờ Nguyễn Bá Loan. Tháng 8.1886, ông có mặt trong đội nghĩa quân Tôn Hoàn, Tôn Tường tấn công Nguyễn Thân ở phủ lỵ Bình Sơn. Khi cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Bá Loan thất bại, Thái Thú cùng Tôn Đính, Nguyễn Vịnh, Bạch Văn Vĩnh bí mật tập hợp lực lượng tiếp tục chống Pháp.

Cuộc Khởi nghĩa Cần vương do Thái Thú lãnh đạo nổ ra vào đêm mùng 7 rạng ngày 8.12 năm Giáp Ngọ (1894). Nghĩa quân do ông trực tiếp chỉ huy chiếm đồn Cổ Lũy, giết chết Râyna (Reignard, Chủ sự thương chánh của Pháp), sau đó hợp quân tiến đánh tỉnh thành, nhưng thất bại. Thái Thú cùng Nguyễn Vịnh, Bạch Văn Vĩnh bị địch bắt và bị xử tử.

      NGUYỄN THỤY (1880 - 1916)

Nguyễn Thụy (Sụy) người làng Hổ Tiếu, nay thuộc xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, đỗ Cử nhân năm 1903.

Nguyễn Thụy là thành viên Hội Duy tân Quảng Ngãi, tích cực cổ vũ quần chúng đấu tranh trong phong trào kháng thuế cự sưu 1908. Ông bị bắt đày đi Côn Đảo, đến khi mãn hạn tù lại về quê gia nhập Việt Nam Quang phục Hội. Tháng 2.1915, ông được tổ chức phân công cùng Lê Ngung xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa ở Quảng Ngãi. Tháng 4.1916, ông được cử vào Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa do các yếu nhân Việt Nam Quang phục Hội ở Trung Kỳ chuẩn bị phát động. Kế hoạch khởi nghĩa không thành và bị đàn áp đẫm máu. Nguyễn Thụy cùng nhiều nhà yêu nước bị bắt. Ngày 9.4 năm Bính Thìn (10.5.1916), Pháp và Nam triều đem ông xử chém.

      VÕ TÒNG (1891 - 1964)              

Võ Tòng (Võ Tùng, Lưu Khải Hồng) người làng An Tây, nay thuộc xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ. Năm 1908, Võ Tòng tham gia phong trào kháng thuế, cự sưu. Năm 1909, ông được Hội Duy tân đưa đi du học. Ông từng học ở Thượng Hải, Bắc Kinh, tham gia quân khởi nghĩa trong cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Hoa và là một trong những người tin cẩn của cụ Phan Bội Châu. Năm 1916, Võ Tòng chuyển sang hoạt động ở Thái Lan, rồi trở thành Bí thư phân bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ông được tổ chức cử đi dự tập huấn ở Quảng Châu (1926), rồi dự Đại hội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1929). Đầu năm 1930, Võ Tòng đi dự Hội nghị thành lập Đảng ở Hương Cảng, nhưng tới nơi thì Hội nghị đã bế mạc nên chỉ nghe truyền đạt lại nội dung. Trên đường về, ông bị mật thám Thái Lan bắt và giao cho Pháp, bị giải đi khắp các nhà tù Hà Nội, Huế, Sài Gòn, sau bị kết án khổ sai chung thân, đày đi Lao Bảo. Năm 1936, do áp lực của phong trào đấu tranh vì dân sinh dân chủ, thực dân Pháp giảm án tù của Võ Tòng xuống còn 13 năm khổ sai, sau đó đưa về quản thúc ở Quảng Ngãi.

Tháng 3.1945, Võ Tòng tham gia ban tài chính ủng hộ Đội Du kích Ba Tơ. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Ngãi (1948 - 1950). Sau Hiệp định Giơnevơ (1954) về Đông Dương, ông tập kết ra Bắc, tiếp tục cống hiến cho cách mạng và qua đời năm 1964 tại Hà Nội.

       TRẦN TOẠI (1892 – 1948)                   

Trần Toại (Giáo Đàm), biệt hiệu là Kim Tương, người làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc thị trấn Đồng Cát, huyện Mộ Đức, thi đỗ Tú tài Hán học. Ông tham gia các hoạt động yêu nước thời kỳ 1908 - 1916, tham gia thành lập "Hội Thiếu niên ái quốc", rồi bị Pháp bắt bỏ tù. Năm 1927, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư chi bộ đầu tiên của huyện Ba Tơ (mùa xuân năm 1930), Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên (1931).

Tháng 7.1931, ông bị Pháp bắt, kết án khổ sai chung thân, đày đi Buôn Ma Thuột, nhưng bị bệnh nên chúng đưa về Căng An trí Ba Tơ giam giữ. Tại đây, ông đã góp phần tích cực vào cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945).

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Trần Toại được cử làm Chủ tịch (đầu tiên) của Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Lê Trung Đình (Quảng Ngãi). Ông bị bệnh qua đời năm 1948.   

       TRẦN VĂN TRÀ (1919 - 1996)

Trần Văn Trà, tên thật là Nguyễn Chấn, quê xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, sau vào cư ngụ tại Sài Gòn. Ông còn có bí danh là Tư Chi, Tư Nguyễn, Ba Trà. Xuất thân trong một gia đình làm nghề nông, thời trẻ học tiểu học tại Quảng Ngãi. Năm 1936, ông tham gia đoàn Thanh niên Dân chủ Huế khi còn đang học tại trường Kỹ nghệ thực hành Huế; năm 1938, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông từng bị thực dân Pháp bắt giam hai lần.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông giữ chức Ủy viên Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ. Khi chiến tranh Đông Dương nổ ra tại Nam Bộ, ông tham gia công tác quân sự, giữ chức Chi đội trưởng Chi đội (tương đương trung đoàn) 14, Khu trưởng Khu 8, xứ ủy viên Nam Bộ (1946 - 1948); Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Tư lệnh Khu 7 (1949 - 1950); Phó Tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh Phân khu Miền Đông Nam Bộ (1951 - 1954).

Năm 1955, ông tập kết ra miền Bắc, giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1955 - 1962), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn (1958), Giám đốc Học viện quân chính và Chánh án Tòa án quân sự Trung ương (1961). Từ năm 1963, ông được cử vào Nam làm Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (1963 - 1967 và 1973 - 1975), Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (1968 - 1972), Phó Bí thư Quân ủy Quân giải phóng Miền Nam. Sau Hiệp định Pari (1973), ông làm Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Ban Liên hiệp đình chiến bốn bên ở Sài Gòn.

Sau ngày 30.4.1975, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7. Từ năm 1978 đến năm 1982, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ năm 1992, ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (dự khuyết khóa 3, chính thức khóa 4). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1959, Thượng tướng năm 1974. Được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất.

       ĐINH TRIỀU (? - 1958)

Đinh Triều (Già làng Triều) người dân tộc Cor, quê ở thôn Trà Văn, nay thuộc xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà, sinh vào khoảng cuối thế kỷ XIX.

Đinh Triều tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp của đồng bào Cor từ năm 1938. Trong Cách mạng tháng Tám 1945 cũng như trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), ông luôn là người tích cực tham gia hoạt động cách mạng, tích cực vận động đồng bào đóng góp vào sự nghiệp cứu nước.

Tại Đại hội chống Mỹ, tổ chức tại Gò Rô (thuộc huyện Tây Trà ngày nay) tháng 7.1958, ông cùng già làng Đinh Kiến thay mặt đồng bào Cor nhận lá cờ của Tỉnh ủy tặng Đại hội mang dòng chữ "Suốt đời đi theo Bác Hồ làm cách mạng" và là người thay mặt nhân dân Trà Bồng tuyên thệ ủng hộ cách mạng, đi theo Bác Hồ.

Đinh Triều bị địch bắt khi đang tích cực vận động đồng bào chuẩn bị nổi dậy phá xích xiềng Mỹ - Diệm. Ông bị chúng đưa về thôn Trà Văn xử bắn.

       TRƯƠNG QUANG TRỌNG (1906 - 1931)

Trương Quang Trọng sinh năm 1906 tại làng Phú Nhơn, nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Đầu thập niên 20 thế kỷ XX, Trương Quang Trọng ra Huế học ban Thành chung, rồi cùng một số bạn học cùng chí hướng thành lập Hội Học sinh Ái hữu Trung Kỳ, có xu hướng tiến bộ, yêu nước. Năm 1923, Trương Quang Trọng ra Hà Nội học ở trường Bưởi rồi thi đỗ vào khoa Y trường Cao đẳng Đông Dương. Năm 1926, ông bị đuổi học vì tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu (1925) và để tang cụ Phan Chu Trinh (1926). Trong quá trình tham gia phong trào đấu tranh, Trương Quang Trọng tiếp xúc với Tôn Quang Phiệt và gia nhập đảng Tân Việt. Mùa hè năm 1926, ông trở về Quảng Ngãi, tập hợp các thành viên Công Ái xã (do Nguyễn Thiệu và một số người xây dựng), thành lập Tỉnh bộ đảng Tân Việt, hoạt động theo cương lĩnh của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1927, sau khi Nguyễn Thiệu (đại diện Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phụ trách Trung Kỳ) về làm việc với Tỉnh bộ Tân Việt Quảng Ngãi, Trương Quang Trọng và các đồng chí chuyển hướng hoạt động của Tân Việt Quảng Ngãi, thành lập tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên của tỉnh, do ông làm Bí thư. Cùng năm ấy, Trương Quang Trọng được Tỉnh bộ cử đi dự lớp tập huấn ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 5.1929, ông được cử làm đại biểu của Tỉnh bộ Quảng Ngãi dự Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hồng Kông.

Cuối tháng 7.1929, ông tập hợp các đồng chí tích cực trong Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại núi Xương Rồng (huyện Đức Phổ) thành lập tổ chức "Dự bị cộng sản". Cuối năm 1929, ông cùng 20 đồng chí bị Pháp bắt giam ở nhà lao Quảng Ngãi. Đầu năm 1931, Pháp chuyển số tù nhân này vào lao Quy Nhơn, rồi đưa lên ngục Kon Tum. Đến cuối năm, địch âm mưu chuyển tù chính trị ở Kon Tum đi làm đường ở Đắk Pết, hòng lợi dụng lam sơn chướng khí và lao động khổ sai giết dần giết mòn những người tù yêu nước. Trương Quang Trọng cùng Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Lung (Nghệ An), Nguyễn Long (Hà Tĩnh), Lê Trọng Kha (Quảng Ngãi),... quyết định đấu tranh phản kháng và ông được cử làm Trưởng ban.

Ngày 12.12.1931, cai ngục truy bức người tù đi lao động khổ sai, Trương Quang Trọng hiên ngang đấu tranh và bị bắn chết. Số tù nhân còn lại quyết liệt đấu tranh, buộc địch phải nhượng bộ, hủy bỏ việc bắt tù đi làm đường. Lịch sử gọi đây là "cuộc đấu tranh lưu huyết" ở ngục Kon Tum.

       PHẠM TUÂN (1868 - 1916)

Phạm Tuân (Phạm Ngao) người làng Lâm Lộc, nay thuộc xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Ông là thành viên Hội Duy tân Quảng Ngãi, được cử vào ban lãnh đạo phong trào kháng thuế cự sưu (1908), bị Pháp và Nam triều ghép tội "trảm gian hậu", sau đó đày đi Côn Đảo.

Ra tù, ông tiếp tục bí mật hoạt động yêu nước, gia nhập Việt Nam Quang phục Hội, tham gia vào vụ mưu khởi năm 1916 (khởi nghĩa Duy tân), bị Pháp bắt và đem xử chém ngày 9.4 năm Bính Thìn (10.5.1916) tại bãi cát sông Trà, phía đông bắc thành Quảng Ngãi.

       TRƯƠNG QUANG TUÂN (1923 - 1959)

Trương Quang Tuân người làng Trà Bình Trại, nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh. Thời Pháp thuộc, Trương Quang Tuân tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên khi đang theo học ở Huế. Bị đuổi học, ông về quê tham gia hoạt động Việt Minh ở địa phương những năm 1942 -1944 và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông lần lượt công tác tại Ủy ban Việt Minh huyện Sơn Tịnh, rồi tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 5.1947, ông trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Từ năm 1949, Trương Quang Tuân là thư ký riêng của ông Phạm Văn Đồng. Ông là đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2.1951), ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu V, phụ trách Phòng dân quân Liên khu V, sau đó làm Bí thư Liên tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Chính ủy Trung đoàn 120, Bí thư Ban cán sự Đảng miền Tây (gồm tỉnh Kon Tum và các huyện miền Tây Quảng Ngãi).

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Trương Quang Tuân được phân công ở lại hoạt động tại chiến trường Khu V. Tháng 11.1958, ông ra Hà Nội dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II). Năm 1959, trên đường trở về Khu V làm nhiệm vụ truyền đạt Nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới, Trương Quang Tuân hy sinh tại huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.

       ĐINH DUY TỰ (1807 - 1888)

Đinh Duy Tự (Nghè Kim) người Trà Bình Trại, nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, là một nhà Nho nổi tiếng ở Quảng Ngãi thế kỷ XIX.

Đinh Duy Tự thi đỗ Tú tài, nổi tiếng văn hay chữ tốt, được vua Thiệu Trị gọi vào cung giữ chức Cung trung giáo tập, dạy các hoàng tử, công chúa.

Năm 1857, ông về quê mở trường dạy học, bốc thuốc giúp dân nghèo, xướng xuất học trò lập "đồng môn điền" (ruộng đồng môn), giúp đỡ nhau học chữ, luyện tài.

Đinh Duy Tự từng góp công lớn trong việc huy động nhân lực phục hồi đập Ông Cá (đập Đinh Gia), được Nguyễn Thông (Bố chánh Quảng Ngãi thời bấy giờ) dành nhiều lời ca ngợi trong bài Đinh Gia yển ký.

       TỪ TY (1900 - 1982)

Từ Ty quê ở Xuân Phổ, nay thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa.

Năm 1929,  ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và đến tháng 6.1930 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Từ Ty được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, sau đó là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Tư Nghĩa. Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), ông được Đảng bố trí ở lại hoạt động với chức vụ Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa.

Từ Ty là người cách mạng có tổng thời gian bị thực dân, đế quốc bắt tù đày lâu nhất nước (trên 30 năm), từng bị giam cầm ở các nhà tù Buôn Ma Thuột, Huế, Chí Hòa, Tân Hiệp, Quảng Ngãi. Ông qua đời năm 1982 tại quê nhà.

       TRẦN VỸ (1924 - 1973)

Trần Vỹ (Trần Động, Trần Văn) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh.

Tháng 5.1945, Trần Vỹ tham gia hoạt động Việt Minh, làm thư ký Ban Chấp hành Thanh niên tổng Châu. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông là ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc huyện Sơn Tịnh. Cuối năm 1947, ông được cử đi học tại Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ; ra trường, được cử làm Thư ký Ủy ban Liên Việt tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1951, Trần Vỹ giữ chức Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh. Từ năm 1959 là Tỉnh ủy viên, rồi ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ II trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1960), ông giữ nhiệm vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách 5 huyện phía bắc tỉnh. Tháng 11.1970, sau khi chính quyền cách mạng tỉnh thành lập, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Ngãi.

Trần Vỹ mất đầu năm 1973 tại thôn Lương Nông, xã Bình Tân, huyện Bình Sơn khi đang trực tiếp chỉ đạo chiến dịch đấu tranh buộc kẻ địch thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.


(1) Sau đời Trần Quang Diệu, họ Trần dời về làng Tú Sơn, nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức.
(2) Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tại cuộc Hội thảo về Lê Văn Duyệt do Tạp chí Xưa & Nay, Hội Khoa học Lịch sử, Hội đồng khoa học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2002 đã đánh giá về ông như sau: "… tôi thấy tư duy của Lê Văn Duyệt có nhiều điểm ở tầm quốc sách và có những mặt khá gần gũi so với một số chủ trương của chúng ta trong thời kỳ đổi mới…".
(3) Thừa tuyên là một đơn vị hành chính lãnh thổ đặt ra dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1472, nước ta có 13 thừa tuyên, trực thuộc chính quyền Trung ương. Thừa tuyên Quảng Nam là dải đất kéo dài từ nam sông Thu Bồn đến đèo Cù Mông (có sách nói là đèo Đại Lãnh), tương đương với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng ngày nay.
(4) Xem Chương XXV: Di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử - văn hoá, danh thắng.
(5) Thừa tuyên Quảng Nam, xem chú thích ở phần viết về Bùi Tá Hán.
 

Về đầu trang

Trang tiếp theo