Trở về

II. TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THEO ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG (1989 - 2005)

1. THỜI KỲ ĐẦU TÁI LẬP TỈNH (1989 - 1991)

Trong hơn 13 năm nhập tỉnh, những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội trên địa bàn Quảng Ngãi còn chưa tương xứng với tiềm năng đa dạng và truyền thống cách mạng kiên cường của một mảnh đất có bề dày lịch sử - văn hóa. Tuy vậy, sau gần 3 năm thực hiện đổi mới theo phương hướng Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (1986 - 1989), các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Quảng Ngãi bước đầu đã đạt được một số kết quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho thời kỳ tiếp theo.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tái lập tỉnh, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp ở Quảng Ngãi nhanh chóng được củng cố, kiện toàn; bộ máy lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể cấp tỉnh lần lượt hình thành. Mặt khác, tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách cán bộ, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật là người Quảng Ngãi đang làm việc ở các địa phương trong nước đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, mua sắm trang thiết bị và phương tiện hoạt động, tạo điều kiện về ăn ở cho số cán bộ chuyển từ Quy Nhơn về.

Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi thể hiện sự đoàn kết nhất trí, tập trung toàn lực để vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định dần đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và quốc phòng. Các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cân đối lương thực, thực phẩm, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa đa dạng; xử lý ách tắc trong sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để khôi phục sản xuất ở các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, kinh tế gia đình, kinh tế tư nhân, từng bước giải quyết việc làm cho người lao động; tiếp tục xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển hẳn các đơn vị kinh doanh thương nghiệp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; tăng cường xuất nhập khẩu, ra sức tăng thu, tiết kiệm chi, phấn đấu từng bước cân đối thu chi; điều chỉnh cơ cấu xây dựng cơ bản cho phù hợp với tình hình mới, tiếp tục tập trung vốn xây dựng cơ bản cho các công trình thủy lợi, trước hết là công trình thủy lợi Thạch Nham.

Những mục tiêu đề ra trong thời gian này được cụ thể hóa bằng các chủ trương, biện pháp nhằm tiếp tục thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, trong đó nông nghiệp là mặt trận hàng đầu.

Lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm đạt được một số thành tích đáng kể. Từ khi thực hiện rộng cơ chế "khoán 10", hộ gia đình xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng đất, bước đầu giải phóng được sức sản xuất, khai thác được tiềm năng lao động và vốn của xã viên. Các giống lúa mới có năng suất cao, kháng bệnh, kỹ thuật sạ trực tiếp thay cho cấy mạ, được áp dụng. Các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, các loại đậu, đều tăng diện tích, năng suất và sản lượng. Đàn bò tăng bình quân hàng năm 1,8%, đàn heo tăng 1,5%. Năng lực khai thác hải sản tăng gấp hai lần so với năm 1986, phong trào nuôi tôm xuất khẩu bước đầu phát triển. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp phát triển còn chậm, chưa vững chắc. Tổng sản lượng lương thực quy ra thóc hàng năm có tăng nhưng dân số tăng nhanh (2,4% năm 1990) nên lương thực bình quân đầu người giảm (từ 279,6 kg/người năm 1987, còn 261,3kg/người năm 1990). Giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương đạt khoảng 86 tỷ đồng. Tuy nhiên, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng gặp nhiều khó khăn về vốn, vật tư, công nghệ, năng lượng, thị trường tiêu thụ. Tốc độ phát triển chậm, bình quân hàng năm chỉ tăng 2,1%. Kim ngạch xuất khẩu thời gian này bình quân đạt 4,2 triệu USD/năm (so với 3 triệu USD năm 1989); khả năng nguồn hàng xuất khẩu tại địa phương không nhiều và phần lớn là hàng xuất thô, chưa tạo được thị trường ổn định.

Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã có những chủ trương, biện pháp tích cực, từng bước đưa đường lối đổi mới, nhất là chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, vào cuộc sống. Tuy mới bước đầu, nhưng kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả cụ thể. Một số đơn vị kinh tế quốc doanh khi chuyển sang thực hiện cơ chế mới đã làm ăn năng động, duy trì và phát triển sản xuất, đổi mới phương thức kinh doanh. Về kinh tế tập thể, từ khi thực hiện "khoán 10", nông dân phấn khởi phát triển sản xuất, đời sống được cải thiện. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này đã phát sinh một số mâu thuẫn. Việc thực hiện chính sách xã hội và xây dựng nông thôn mới bị hạn chế, bộ máy quản lý hợp tác xã vẫn còn cồng kềnh, tác dụng thấp, cách quản lý không còn phù hợp với cơ chế mới. Các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp sau "khoán 10" ít được chú trọng, nhiều nơi khoán trắng cho hộ nông dân. Trong tiểu thủ công nghiệp, năm 1988 có 68 hợp tác xã, đến thời gian này chỉ còn 37 hợp tác xã, phần lớn là quy mô nhỏ. Kinh tế cá thể, tư nhân và kinh tế gia đình đã phát triển tương đối khá ở thị xã, thị trấn trong các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, xây dựng,... và chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế địa phương. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình có vốn lớn chưa mạnh dạn đầu tư, do chưa thật tin tưởng vào chính sách.

Tiến độ xây dựng công trình thủy lợi Thạch Nham được đẩy mạnh. Qua 5 năm thi công, đến năm 1991 công trình đầu mối đã hoàn thành, kênh chính đạt 50%, kênh nhánh đạt 40% và tỉnh đã bắt đầu đưa công trình vào sử dụng từ đầu năm 1991. Trên lĩnh vực giao thông - vận tải, tỉnh đã hoàn thành việc thông luồng cảng Sa Kỳ, thông tuyến Quốc lộ 24, hoàn thành xây dựng một số cầu trên các tuyến giao thông ở miền núi... Ngành bưu điện đầu tư và đưa vào sử dụng tổng đài điện thoại tự động 1.000 số. Nguồn lưới điện được đầu tư và phát triển mở rộng, sau ngày tái lập tỉnh phụ tải tăng, bình quân 30%/năm. Ba huyện miền núi Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà đã có thủy điện nhỏ; đường dây 15kV Hành Thiện - Minh Long và một số trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các hợp tác xã đã được xây dựng.

Các công trình phục vụ phúc lợi xã hội như bệnh viện, trường học, nhà ở, nơi làm việc... được sửa chữa, làm mới.

Qua 2 năm chỉ đạo với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Đảng bộ, các cấp chính quyền đã thực hiện có kết quả việc quản lý, lãnh đạo theo hướng xã hội hóa dần các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đời sống của đa số nhân dân trong tỉnh, nhìn chung so với 5 năm trước có ổn định hơn và có mặt được cải thiện. Việc thực hiện cải cách giáo dục về nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo có một số kết quả nhất định. Việc tiến hành phổ cập giáo dục cấp I và xóa mù chữ được tập trung chỉ đạo, đầu tư. Số lượng học sinh tăng và chất lượng được nâng dần lên. Việc đào tạo ở các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp có sự đa dạng hóa về hình thức và bước đầu gắn với yêu cầu sử dụng. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được duy trì. Việc triển khai tiêm chủng mở rộng và thanh toán bệnh bại liệt cho trẻ em đạt kết quả khá. Việc phòng chống dịch bệnh được tiến hành tích cực, dập tắt kịp thời dịch bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, đời sống của nhân dân Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn. Một bộ phận nhân dân, trong đó đại đa số cán bộ hưu trí, gia đình hưởng trợ cấp định suất, cán bộ công nhân viên chức hưởng lương hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang... đời sống còn bấp bênh. Vấn đề giải quyết việc làm đặt ra gay gắt, toàn tỉnh có hơn 40.000 người chưa có việc làm và thiếu việc làm, trong đó hơn một nửa ở lứa tuổi thanh niên. Cơ sở vật chất ở miền núi đã được chú ý xây dựng nhưng còn rất thấp so với yêu cầu; đời sống đồng bào miền núi chưa được cải thiện rõ rệt, một vài tập tục lạc hậu có dấu hiệu phục hồi. Việc kết hợp giáo dục toàn diện vẫn còn thấp, có mặt tiếp tục giảm sút, số học sinh yếu kém và bỏ học ngày càng tăng, nhất là học sinh Trung học cơ sở. Bệnh sốt rét ở miền núi tái phát, khắc phục chậm. Tỷ lệ phát triển dân số còn cao (trên 2,4%).

Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng bộ đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách về giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo vệ trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng. Tỉnh ủy xác định rõ địa thế của tỉnh có cả 3 vùng chiến lược, có một số đường giao thông có tầm quan trọng về kinh tế, quốc phòng; tỉnh vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến trong phòng thủ bảo vệ đất nước. Đảng bộ, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo việc ra sức xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân địa phương vững mạnh và rộng khắp, lực lượng dự bị động viên sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống; hoàn chỉnh kế hoạch phòng thủ trên địa bàn huyện, thị theo kế hoạch chung của tỉnh; đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện. Nhờ vậy, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khu vực biên phòng ổn định, từng bước vươn ra kiểm soát vùng biển, trấn áp kịp thời các tổ chức phản động mới được nhen nhóm và các đối tượng tổ chức vượt biển trái phép, liên tục mở nhiều đợt tấn công trấn áp các tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất tội giết người, cướp của và hoạt động của bọn côn đồ hung hãn. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động với nhiều nội dung và hình thức phong phú.

2. GIAI ĐOẠN 1991 - 2005

Thực hiện chủ trương của Trung ương, từ đầu năm 1991 đến cuối năm 2005, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành các kỳ Đại hội XIV (2 vòng), XV, XVI, XVII. Trong từng giai đoạn 1991 - 1995, 1996 - 2000, 2001 - 2005, các kỳ Đại hội đã xác định rõ những nhiệm vụ cơ bản. Đó là, vượt qua mọi khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị, ổn định và nâng cao dần đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, đảm bảo các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực của bộ máy chính quyền, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, từng bước xây dựng tiền đề phát triển, tạo thế đi lên cho những năm sau.

 Từ năm 1991 đến cuối năm 2005, nhân dân Quảng Ngãi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, ra sức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

2.1. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Nền kinh tế từng bước được ổn định và có sự tăng trưởng với nhịp độ khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) thời kỳ 2001 - 2005 tăng bình quân hàng năm là 10,3% (so với thời kỳ 1986 - 1990 là 2,3%, thời kỳ 1991 - 1995 là 6,8%, thời kỳ 1995 - 2000 là 8,6%), GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 325 USD (so với 170 USD năm 1995 và 197 USD năm 2000). Trong cơ cấu kinh tế, đến cuối năm 2005 tỉ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 21,58% lên 30%, dịch vụ giảm từ 36,5% xuống 34,8%, nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 41,9% xuống còn 34,8% (so với năm 2000).

Nông nghiệp tăng trưởng ổn định, giữ vững an ninh lương thực và từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thời kỳ 2001 - 2005 tăng bình quân hàng năm là 5,8% (thời kỳ 1986 - 1990 là 3,5%), cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và giảm tỷ trọng trồng trọt. Việc chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm đã dẫn đến việc đạt năng suất bình quân 59,4 tạ/ha, tăng 11,3% so với năng suất lúa làm 3 vụ/năm. Sản lượng lương thực toàn tỉnh năm 2005 đạt trên 400.000 tấn. Tuy dịch bệnh thường xuyên xảy ra nhưng số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm đều tăng. Lâm nghiệp có một số mặt chuyển biến tích cực, độ che phủ của rừng từ 25,5% (năm 2001) lên 34,5% (năm 2005). Ngành thủy sản đạt được những kết quả nhất định trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Kinh tế trang trại đã hình thành và đang phát triển, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân.

Công nghiệp - xây dựng đạt được nhiều tiến bộ. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm trong thời kỳ 2001 - 2005, trong đó công nghiệp quốc doanh tăng 12,3%/năm, công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 19,3%/năm, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,5%/năm. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ và chính quyền về việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các cấp, các ngành cùng các địa phương trong tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Quảng Phú và Tịnh Phong, gắn với thu hút đầu tư, phê duyệt quy hoạch 8 cụm công nghiệp ở các địa phương trong tỉnh, phối hợp thúc đẩy sự phát triển của Khu Kinh tế Dung Quất. Đa phần các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có cải tiến phương thức quản lý, đổi mới thiết bị công nghệ nên số lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng, một số sản phẩm khẳng định được thị phần trong nước và tham gia xuất khẩu. Trên địa bàn toàn tỉnh, hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển, hàng hóa trên thị trường phong phú, đáp ứng được nhu cầu của đời sống xã hội. Trong thời kỳ 2001 - 2005, dịch vụ - thương mại tăng bình quân 17%/năm. Các dịch vụ về bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được mở rộng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế và nhu cầu đời sống nhân dân. Trong giai đoạn 2001 - 2005, tổng vốn đầu tư trên xã hội đạt gần 19.289 tỉ đồng, gấp 3,8 lần so với giai đoạn 1996 - 2000.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh đã huy động vốn và hàng chục triệu ngày công lao động xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công trình thủy lợi Thạch Nham ngày càng phát huy tác dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều dự án lớn đã được triển khai và hoàn thành như tuyến đường Trà Bồng - Trà Phong, cầu Cộng Hòa, 185km đường Quốc lộ, cầu Trà Khúc 2, cầu Cây Bứa, cầu Sông Vệ, vũng neo đậu tàu thuyền và dịch vụ nghề cá Lý Sơn... Tỉnh đã tập trung đầu tư và phát triển hệ thống giao thông nông thôn và miền núi. Đến năm 2005, 100% tuyến đường từ huyện đến trung tâm các xã ở đồng bằng được nhựa hóa, cứng hóa; hầu hết các xã ở miền núi ô tô đến được trung tâm xã vào mùa mưa. Hệ thống điện lưới trong tỉnh từng bước được cải tạo, nâng cấp, mở rộng và ngày càng hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Cho đến năm 2005, hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có điện. Hạ tầng bưu chính, viễn thông phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng. Số máy điện thoại tăng từ 2,6 máy/100 dân vào năm 2001 lên gần 10,6 máy/100 dân vào năm 2005.

Kết cấu hạ tầng đô thị, tỉnh lỵ được quan tâm đầu tư nâng cấp. Cuối năm 2002, thị xã tỉnh lỵ đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 3. Ngày 26.8.2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2005/NĐ-CP thành lập thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với Trung ương, tỉnh đã và đang xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm hình thành thành phố Vạn Tường, thị xã Đức Phổ trong những năm tới.

Các vùng kinh tế (vùng đô thị và khu công nghiệp; vùng đồng bằng, ven biển và hải đảo; vùng trung du và miền núi) bước đầu phát huy được lợi thế, tiềm năng và có sự tác động tương hỗ lẫn nhau. Vùng đô thị và khu công nghiệp đang trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vùng đồng bằng, ven biển và hải đảo đã bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho toàn tỉnh và cung cấp nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến. Vùng trung du và miền núi đã có nhiều thành tựu về đẩy mạnh khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, giao đất, giao rừng gắn với khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng nguyên liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm xá, phủ sóng phát thanh, truyền hình,... nhằm đẩy mạnh sản xuất, từng bước cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến năm 2005, tỷ lệ hộ đói, nghèo ở miền núi giảm từ 60% năm 2001 xuống còn 25% (theo chuẩn cũ), đời sống tinh thần của đồng bào ngày càng cao, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát huy.

Khu Kinh tế Dung Quất đã có bước phát triển, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, mở ra một triển vọng phát triển mới cho tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả khu vực miền Trung nói chung.

Các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2005, Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước. Các hợp tác xã sau chuyển đổi đã định hình được hướng hoạt động. Doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ tăng nhanh. Kinh tế hộ gia đình phát huy được tính tự chủ và thích ứng dần với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, nền kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn kém so với nhiều tỉnh trong khu vực và cả nước. Kinh tế nông nghiệp chưa theo kịp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn chuyển dịch chậm, tỷ trọng chăn nuôi, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ còn thấp, chưa hình thành được vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh với quy mô lớn. Tình trạng phá rừng còn diễn ra nghiêm trọng, kinh tế thủy sản chưa trở thành khâu đột phá của nền kinh tế. Công nghiệp - xây dựng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa tạo được bước đột phá cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp còn nhỏ bé. Tiến độ phát triển các cụm công nghiệp chậm. Việc phát triển các làng nghề, các nghề thủ công truyền thống chưa được quan tâm đúng mức. Dịch vụ, thương mại và du lịch còn nhiều hạn chế; hạ tầng cơ sở du lịch còn rất yếu kém. Kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật tuy có phát triển nhưng nhìn chung chưa đồng bộ và chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế còn yếu, khả năng cạnh tranh thấp.

2.2. PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Đời sống nhân dân từng bước ổn định, cải thiện. Số hộ giàu, hộ khá tăng lên, số hộ nghèo, nhất là hộ đói, giảm. Đến năm 2005, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm còn dưới 9% (theo chuẩn cũ). Tỉnh đã quan tâm giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động thông qua việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện các đề án xuất khẩu lao động. Nhân dân toàn tỉnh tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công với nước". Các đối tượng chính sách được quan tâm chăm sóc ngày càng tốt hơn. Đến năm 2005, số đối tượng chính sách được giải quyết chế độ đã lên đến trên 120.000 người, chiếm 1/10 dân số toàn tỉnh.

Hoạt động văn hóa - thông tin, báo chí được củng cố và từng bước nâng cao chất lượng để phục vụ mục tiêu chính trị và đời sống nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được duy trì và thu hút được nhiều người tham gia, góp phần giáo dục truyền thống, củng cố niềm tin đối với đường lối đổi mới của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phát triển sâu rộng, có tác dụng giáo dục, hình thành nếp sống văn hóa cá nhân, cộng đồng. Đến năm 2005, toàn tỉnh có 68% gia đình, 50% thôn, tổ dân phố và trên 90% cơ quan đạt chuẩn văn hóa. Hoạt động báo chí, phát thanh - truyền hình tăng thêm giờ phát sóng, mở rộng phạm vi phủ sóng, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở, xây dựng các trạm tiếp sóng truyền hình ở các huyện miền núi, hải đảo, đồng thời có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Phong trào thể dục thể thao quần chúng có sự phát triển cả diện rộng lẫn chiều sâu, góp phần nâng cao thể lực, tinh thần cho nhân dân trong tỉnh. Thể thao thành tích cao đạt nhiều thành tựu nổi bật trên đấu trường trong nước và khu vực.

Thực hiện mục tiêu "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" với phương châm xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa hình thức đào tạo của ngành giáo dục, tỉnh đã mở một số trường bán công, hình thành các trung tâm dạy nghề, trường chuyên, lớp chọn. Số lượng trường lớp và học sinh hằng năm tăng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp, thi đậu vào các trường Đại học và các trường chuyên nghiệp ngày càng nhiều. Bổ túc văn hóa và xóa mù chữ được duy trì. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên được tăng cường số lượng và chất lượng, đã cơ bản hoàn thành việc chuẩn hóa trình độ chuyên môn. Tỉnh đã sắp xếp, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề, hình thành và đưa vào hoạt động Trường dạy nghề Dung Quất. Nhờ vậy, loại hình và cơ cấu ngành nghề đào tạo được mở rộng, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Đến năm 2005 đã có 29,69% trường Tiểu học, 17,46% trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở đạt chuẩn. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở, phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi ở các huyện đồng bằng và một số xã miền núi. Đề án xóa phòng học tranh tre, nứa lá, chương trình kiên cố hóa trường học, lớp học được quan tâm làm cho cơ sở vật chất trường học phổ thông được cải thiện nhiều.

Trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, các cấp, các ngành đã từng bước nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào một số lĩnh vực sản xuất, đời sống và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh như chuyển dịch cơ cấu cây trồng mùa vụ, cải tạo giống cây, con,... với hàng trăm đề tài nghiên cứu, ứng dụng cấp tỉnh. Quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và đi dần vào nền nếp. Tỉnh đã triển khai xây dựng và ứng dụng mạng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan các cấp. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đạt được nhiều kết quả. Cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã nâng cao được nhận thức về việc bảo vệ môi trường. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tập trung thực hiện.

Ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân theo hướng dự phòng là chính, từng bước kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Các chương trình y tế quốc gia được thực hiện đạt kết quả khá. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên. Tỉnh đã đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng nhiều trung tâm y tế cấp huyện, đang triển khai xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh, một số bệnh viện chuyên ngành và các cơ sở y tế khác... Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,0% vào năm 2005; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, trên lĩnh vực văn hóa - xã hội vẫn còn một số yếu kém. Công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế, chưa phát huy đúng nội lực để phát triển mạnh giáo dục đào tạo. Chất lượng giáo dục toàn diện còn thấp. Một số bức xúc trong ngành giáo dục như bệnh thành tích, vấn đề dạy thêm, học thêm không đúng quy định chậm được khắc phục. Khoa học và công nghệ chưa thật sự đóng vai trò động lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiệu quả ứng dụng một số đề tài nghiên cứu khoa học đạt mức thấp. Ngành văn hóa - thông tin, báo chí, phát thanh truyền hình có lúc còn chưa kịp thời tuyên truyền, khắc phục những nhận thức và hành vi lệch lạc trong xã hội. Một số công trình, cơ sở văn hóa phát huy tác dụng thấp, đời sống văn hóa ở nhiều nơi, nhất là nông thôn và miền núi còn nghèo nàn, phong trào thể dục thể thao chưa đi vào chiều sâu. Quản lý nhà nước về y tế còn nhiều yếu kém, tình trạng vi phạm y đức chậm được khắc phục.

2.3. GIỮ VỮNG AN NINH - QUỐC PHÒNG, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI

Từ năm 1991 đến năm 2005, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, kẻ thù ráo riết đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", "bạo loạn lật đổ" hòng xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong tỉnh, các đối tượng phản động ra sức tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng. Quảng Ngãi đã kịp thời tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về quốc phòng - an ninh, nhất là chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và chiến lược an ninh quốc gia. Các cấp, các ngành đã có kế hoạch chủ động phòng ngừa và đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh được chú trọng hơn. Các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được quan tâm xây dựng, từng bước bảo đảm tính cơ bản, liên hoàn, vững chắc. Các địa phương trong tỉnh đã giữ được sự ổn định chính trị xã hội, xử lý có hiệu quả những vấn đề phức tạp trên địa bàn, nâng cao dần chất lượng hoạt động của các lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên, đấu tranh kiên quyết với các đối tượng phản động. Trong những năm 2001 - 2005, tội phạm hình sự giảm 46% so với thời kỳ 1996 - 2000. Công tác tuyển quân hàng năm đạt 100%. Công tác an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, thiên tai lũ lụt, cứu nạn - cứu hộ, được tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ hơn trước.

Tuy nhiên, sự phối hợp xử lý một số tình huống cụ thể giữa các cơ quan chức năng, có nơi, có lúc thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp. Năng lực thực tiễn của các cơ quan bảo vệ pháp luật còn chưa ngang tầm với nhiệm vụ. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa quyết liệt.

2.4. XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN, MẶT TRẬN, CÁC ĐOÀN THỂ; XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ

Đảng bộ Quảng Ngãi luôn xác định việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp bách. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền các cấp tập trung giải quyết những việc trước mắt; đẩy mạnh cải cách thể chế hành chính, trước hết là thủ tục hành chính. Công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp được chú trọng bồi dưỡng, đào tạo, chuẩn hóa theo chức danh, nâng cao phẩm chất đạo đức. Quyền làm chủ của nhân dân thông qua các cơ quan dân cử, các hội đoàn thể thực hiện ngày càng tốt hơn. Công tác thi đua khen thưởng tiếp tục được đẩy mạnh, đã tổ chức phát động được nhiều phong trào thi đua trong cán bộ, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân.

Công tác dân vận có sự chuyển biến tích cực. Chính sách đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc được triển khai thực hiện tương đối tốt, khối đoàn kết giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ngày càng được củng cố. Mặt trận, các hội đoàn thể quần chúng ngày càng bám sát vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng về cơ sở, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần tích cực thực hiện các công tác xã hội như xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách, chăm sóc và phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", vận động các quỹ hỗ trợ, giúp đỡ các cá nhân, gia đình, địa phương có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai lũ lụt...

Tuy nhiên, công tác xây dựng chính quyền, công tác dân vận và mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp vẫn còn nhiều bất cập. Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chưa thực hiện đầy đủ chức năng và quyền hạn của mình. Bộ máy chính quyền các cấp chưa tinh gọn. Cải cách hành chính vẫn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà. Công tác dân vận chưa được quan tâm thường xuyên và chưa được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động, chưa kịp thời giải quyết một số vấn đề bức xúc của nhân dân. Phương thức hoạt động của các hội, đoàn thể có nơi, có lúc cứng nhắc, mang nặng thủ tục hành chính. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ cho Mặt trận và các đoàn thể còn chưa được chăm lo đúng mức.

Trong những năm 1991 - 2005, Đảng bộ trưởng thành thêm một bước. Công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức và kiểm tra được tăng cường, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ từng bước được đổi mới. Kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được giữ gìn, củng cố. Đảng bộ đã tiếp tục phát huy được truyền thống cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng quê hương và góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước.

*

*          *

Nhìn xuyên suốt thời kỳ 1975 - 2005, Quảng Ngãi đã gặp muôn vàn khó khăn thách thức, nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, sự năng động sáng tạo của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Quảng Ngãi phát huy cao độ truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần cần cù và sáng tạo trong lao động sản xuất, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời thấy rõ điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình nên đã từng bước xây dựng, phát triển nền kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Đời sống mọi tầng lớp nhân dân được ổn định và từng bước được cải thiện. Nhiều người dân trở nên giàu có nhờ làm ăn chân chính, xuất hiện nhiều doanh nhân có nghị lực và năng động. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nhiều thiếu sót, yếu kém trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nhưng những thành công to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 1975 - 2005, đặc biệt là từ sau thời điểm tái lập tỉnh, đã tạo được những tiền đề quan trọng cho bước phát triển tiếp theo trong thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng niềm tin vững chắc cho Đảng bộ và nhân dân, tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, góp phần thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
 

Trang trước

Về đầu trang