Trở về

II. BIẾN ĐỔI CƯƠNG VỰC, HÀNH CHÍNH TỪ THỜI TIỀN SỬ ĐẾN HIỆN ĐẠI

Vùng đất thuộc địa bàn Quảng Ngãi hiện nay qua tiến trình lịch sử đã từng có nhiều tên gọi khác nhau, từ Cổ Lũy (động) đến Tư (châu), Nghĩa (châu), Tư Nghĩa (phủ), Hòa Nghĩa (phủ), Quảng Nghĩa hay Quảng Ngãi (phủ, dinh, trấn, tỉnh). Trong diễn trình lịch sử gắn với chủ thể địa lý vùng đất Quảng Ngãi, có thể phân kỳ giai đoạn như sau:

1. BIẾN ĐỔI CƯƠNG VỰC, HÀNH CHÍNH TỪ THỜI TIỀN SỬ ĐẾN NĂM 1402

1.1. VÙNG ĐẤT QUẢNG NGÃI TRONG THỜI TIỀN SỬ

Trong buổi bình minh của lịch sử, vùng đất Quảng Ngãi đã có con người thời đại đá cũ sinh sống. Địa điểm Giếng Tiền (huyện Lý Sơn), vốn là miệng núi lửa cổ, đã tìm thấy dấu tích cư dân sơ kỳ đá cũ sinh sống cách nay 30 vạn năm. Di vật còn lại là những công cụ đá có vết ghè, mảnh tước... Dấu tích cư dân hậu kỳ đá cũ phát hiện ở Gò Trá (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh) niên đại cách nay 15 vạn năm. Các công cụ đá cũ nằm ở bậc thềm cổ do quá trình xâm thực để lộ ra những hiện vật gồm rìu tay, hạch đá, công cụ mũi nhọn hình tam diện cùng khá nhiều mảnh tước đá. Bộ di vật đá cũ ở Gò Trá có mối tương đồng với công cụ đá cũ chất liệu thạch anh ở hang Thẩm Òm (Nghệ An), chỉ khác một điều là ở hang Thẩm Òm công cụ thạch anh nằm trong trầm tích xương răng động vật hóa thạch đầu hậu kỳ Cánh Tân ở trong hang, còn công cụ đá cũ Gò Trá nằm ngoài trời. Phát hiện này cho thấy cách nay từ 30 vạn năm đến 15 vạn năm, cư dân thời đại đá cũ đã sinh sống trên địa bàn Quảng Ngãi. Đây là bước khởi đầu văn minh của người nguyên thủy để từ đó phát triển lên thời đại đá mới (*).

Trong thời đại đá mới, ở vùng đất Quảng Ngãi đã tìm thấy các bằng chứng cư trú của cư dân hậu kỳ đá mới, đó là di tích Trà Phong (huyện Tây Trà). Cư dân cổ Trà Phong sống ở vùng thềm thung lũng ven sông suối nhỏ của vùng thượng nguồn sông Trà Khúc, thuộc các huyện Tây Trà, Trà Bồng và kéo dài xuống vùng tây huyện Bình Sơn. Cư dân cổ Trà Phong cư trú ở ngoài trời, gần sông suối để bắt cá, ốc sinh sống. Giai đoạn muộn hơn, họ di chuyển dần xuống vùng thấp hơn như Trà Xuân, Gò Nà. Các công cụ đặc trưng của cư dân cổ Trà Phong bao gồm loại hình rìu vai ngang, rìu vai có nấc nhỏ, có mặt cắt thấu kính lồi; loại cuốc vai xuôi bằng đá lửa có kích thước nhỏ; loại bàn mài bằng đá granit cứng... Niên đại văn hóa hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí Trà Phong cách nay khoảng từ 4.000 đến 3.500 năm.

Trong thời đại kim khí, từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ sắt sớm, cư dân cổ đã tiến dần xuống vùng đồng bằng, định cư lâu dài. Các làng cổ của họ tìm thấy qua các di tích Long Thạnh, Bình Châu I, Bình Châu II đã cho thấy tầng văn hóa di chỉ cư trú dày từ 1,50m đến 2m rất ổn định. Đây là những cư dân Tiền Sa Huỳnh thuộc thời đại đồng thau, họ để lại di sản văn hóa vật chất phong phú bao gồm đồ gốm, đồ đá, đồ đồng, đồ trang sức bằng đá quý. Họ tiến ra đảo Lý Sơn khai thác thủy sản, tạo dựng dạng Văn hóa Sa Huỳnh mang đậm sắc thái biển. Trong vùng đất liền, các cư dân thời đại đồng thau bước vào thời đại sắt sớm, họ đã tạo dựng nên đỉnh cao Văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt. Trong giai đoạn sơ kỳ sắt, cư dân Sa Huỳnh có những làng mạc lớn. Đồng thời, cư dân Sa Huỳnh đã có những khu nghĩa địa mộ táng lớn như Phú Khương, Thạnh Đức, Gò Quê. Di sản văn hóa vật chất của cư dân Sa Huỳnh để lại vô cùng phong phú với các loại hình đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt, đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh và vỏ nhuyễn thể biển (**).

Tuy đã có con người sinh sống rất lâu đời, nhưng tên gọi của các vùng đất có hay chưa trong thời tiền sử là điều mà ta khó có thể biết được.

1.2. HÀNH CHÍNH QUẢNG NGÃI TRONG THỜI THUỘC VƯƠNG QUỐC CHĂMPA

Theo các thư tịch cổ thì vùng đất Quảng Ngãi, đời nhà Tần (221 - 206 trước Công nguyên; Trung Quốc) thuộc đất Tượng Quận, đời vua Hán Vũ Đế (141 - 87 trước Công nguyên) thuộc quận Nhật Nam. Quận Nhật Nam (1) có 5 huyện: Chu Ngô, Tỷ Ảnh, Tây Quyển, Lư Dung và Tượng Lâm. Huyện Tượng Lâm nằm ở cực nam của quận Nhật Nam, bao gồm cả dải đất từ nam đèo Hải Vân cho đến Đại Lãnh. Vùng đất tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ thuộc huyện Tượng Lâm của nhà Hán. Đến năm 192 sau Công nguyên, viên Công tào huyện Tượng Lâm tên là Khu Liên tập hợp dân chúng nổi dậy giết quan huyện lệnh nhà Hán, tự xưng làm vua, dựng nước Lâm Ấp. Trong văn bia Võ Cạnh (Nha Trang) có niên đại thế kỷ II sau Công nguyên, nội dung tôn vinh Cri Mara là vị vua đầu tiên dựng lên quốc gia Lâm Ấp. Do vậy, hầu hết các nhà nghiên cứu đều có ý kiến chung về sự đồng nhất giữa Khu Liên và Cri Mara là một - vị vua đầu tiên của Lâm Ấp. Những thế kỷ đầu sau Công nguyên, trên dải đất miền Trung đã hình thành các tiểu quốc cổ gắn liền với cảng thị (city - port). Hiện nay, khảo cổ học đã tìm thấy các dấu tích vật chất về các tiểu quốc cổ này như di tích Trà Kiệu (Quảng Nam) gắn với cửa Đại Chiêm của sông Thu Bồn; di tích Cổ Lũy - Phú Thọ (Quảng Ngãi) gắn với cửa Đại Cổ Lũy của sông Trà Khúc và sông Vệ; di tích thành Hồ (Phú Yên) gắn với sông Ba… Như vậy, Khu Liên (Cri Mara) là thủ lĩnh tập hợp các tiểu quốc ở vùng Tượng Lâm đứng lên lật đổ ách thống trị của đế chế Hán, thống nhất và thành lập nhà nước Lâm Ấp, lấy quốc đô là Trà Kiệu (Sinhapura). Thời bấy giờ ranh giới của Lâm Ấp ít nhất kéo dài từ nam đèo Hải Vân đến vùng đất Nha Trang (Yangpuranga) là nơi tìm thấy văn bia Võ Cạnh. Dưới triều đại Phạm Văn (336 - 349), Lâm Ấp học được cách xây thành đắp lũy và xây dựng cung điện theo kiểu Trung Hoa. Năm 347, Phạm Văn đánh chiếm Tây Quyển, đòi nhà Hán lấy Hoành Sơn làm phân định ranh giới. Năm 446, Đàn Hòa Chi, viên tướng nhà Hán đem quân đánh Lâm Ấp, tiến chiếm Trà Kiệu, thu nhiều vàng bạc. Năm 605, Lưu Phương, tướng nhà Tùy, đánh Lâm Ấp chiếm kinh đô Trà Kiệu, lấy 18 thần chủ bằng vàng ở Mỹ Sơn. Nhà Tùy chia Lâm Ấp thành 3 châu: Đãng Châu, Nông Châu, Sung Châu. Sau đó lại đổi châu thành quận, Đãng Châu đổi thành Tỵ Ảnh quận, Nông Châu thành Hải Âm quận, Sung Châu thành Lâm Ấp quận.

Từ năm 758 đến 877, người Chăm dời kinh đô về Virapura thuộc châu Panđuranga (Panduranga - Phan Rang), đặt tên nước là Hoàn Vương (Huoan Wang). Từ năm 877 trở đi, người Chăm đặt tên nước là Chămpa, kinh đô dời về Đồng Dương (Indrapura), sau đó lại chuyển dời về kinh đô cũ ở Panđuranga (Phan Rang). Năm 1402, dời kinh đô về Vijaya (Bình Định).

Theo các tài liệu, như Tống thư của Trung Hoa, Ức Trai dư địa chí của Nguyễn Trãi, Vương quốc Chămpa (Un Royaume de Champa) của Maxpêrô (G. Maspero) thì Vương quốc Chămpa có 4 đại châu và cả thảy 38 châu, quận lớn nhỏ. Đại châu ở phía bắc gọi là Amaravati, một phần đại châu này bao gồm cả Quảng Nam và Quảng Ngãi, có hai kinh đô Trà Kiệu và Đồng Dương. Tiếp đến là vùng đất Vijaya bao gồm tỉnh Bình Định, có thể gồm cả Phú Yên, vùng đất này có kinh đô Vijaya tại Bình Định (còn có tên gọi là Pôcha, Phật Thệ và Đồ Bàn). Qua vùng đèo Cả là miền đất Kauthara bao gồm tỉnh Khánh Hòa có thành phố Nha Trang. Đại châu cuối cùng ở cực nam là Panđuranga (Panduranga) bao gồm tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay, có thành phố Virapura. Dưới các đại châu là các tiểu châu, dưới tiểu châu có các xã, theo thư tịch cổ Trung Quốc thì có cả thảy khoảng 100 xã trong cả vương quốc.

Vùng đất tỉnh Quảng Ngãi ngày nay là một tiểu châu trong đại châu Amaravati, thuộc một trong ba châu Sung Châu, Nông Châu, Đãng Châu mà nhà Tùy dựng đặt. Có thể tỉnh Quảng Ngãi thuộc về Nông Châu, sau đổi thành Hải Âm quận. Bởi lẽ nếu như trên dải đất của huyện Tượng Lâm đời Hán kéo dài từ nam đèo Hải Vân cho đến Đại Lãnh, thì Đãng Châu (Tỵ Ảnh quận) phải nằm ở phía nam thuộc vùng Bình Định, Phú Yên. Trong khi đó Sung Châu nằm ở phía bắc đổi thành Lâm Ấp quận, nay là tỉnh Quảng Nam, có kinh đô Trà Kiệu. Như vậy Nông Châu nằm ở đoạn giữa là vùng đất Quảng Ngãi ngày nay. Nơi đây có một tiểu quốc cổ ở Cổ Lũy - Phú Thọ, dấu tích văn hóa vật chất của tiểu quốc cổ này có niên đại kéo dài từ thế kỷ III - VII sau Công nguyên. Di tích này nằm ở bờ nam sông Trà Khúc. Phía bờ bắc sông Trà Khúc có thành Châu Sa là thành đất xây dựng quy mô của người Chăm. Thành Châu Sa có hai vòng, thành nội và ngoại, có tuyến đường thủy đi ra hai cửa biển là cửa Đại và cửa Sa Kỳ.

2. HÀNH CHÍNH QUẢNG NGÃI THỜI KỲ 1402 - 1832

Năm 1402, cuộc xung đột gay gắt giữa hai chính quyền phong kiến Đại Việt và Chămpa đã khiến cho vua Chămpa là Ba Đích Lại (Jaya Sinhavarman V) phải cắt nhượng đất Chiêm Động 占 洞 (Indrapura) và Cổ Lũy Động 古 壘 洞. Nhà Hồ sáp nhập đất Chiêm Động và Cổ Lũy Động (2) vào Đại Việt và cử con trai Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Dã Nam làm quan cai trị. Hồ Quý Ly vừa chiêu mộ vừa bắt buộc dân chúng các xứ Thanh, Nghệ không có ruộng đất vào Chiêm Động và Cổ Lũy Động khẩn hoang lập làng. Nhà Hồ đổi đặt vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy Động thành lộ Thăng Hoa, gồm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Hai châu Thăng, Hoa thuộc vùng đất tỉnh Quảng Nam ngày nay. Hai châu Tư 思, Nghĩa 義 bao gồm vùng đất tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Châu Tư nằm phía bắc sông Trà Khúc gồm hai huyện Trì Bình 持 平 và Bạch Ô 白烏.Châu Nghĩa nằm phía nam sông Trà Khúc gồm ba huyện Nghĩa Thuần 義 純, Nga Bôi 鵝 盃 và Khê Cẩm 溪 錦 (3).

Đại Nam nhất thống chí phần Quảng Ngãi chép huyện Trì Bình và huyện Bạch Ô như sau: "Đất Man Thanh Cù là huyện Bạch Ô xưa. Miền thượng lưu sông Trà Khúc là đất Thanh Cù". Như vậy có thể là huyện Bạch Ô và huyện Trì Bình bao gồm cả các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, một phần huyện Sơn Hà và huyện Trà Bồng ngày nay. Huyện Nghĩa Thuần theo Đại Nam nhất thống chí bao gồm huyện Chương Nghĩa và đất Minh Long, Tử Tuyền. Huyện Khê Cẩm bao gồm cả hai huyện Mộ ĐứcĐức Phổ ngày nay.

Năm 1407, nhà Minh đem quân xâm chiếm Đại Việt, nhà Hồ sụp đổ, cha con Hồ Quý Ly bị bắt đưa về Trung Hoa. Nhân cơ hội đó, vua Chămpa là Jaya Sinhavarman V tiến quân chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy Động. Nhưng sau đó nhà Minh sai Trương Phụ thu hồi lại vùng đất lộ Thăng Hoa vốn là đất cũ đã thuộc về Đại Việt dưới thời Hồ Quý Ly. Nhà Minh đổi lộ Thăng Hoa thành phủ Thăng Hoa, gồm 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Vùng đất Quảng Ngãi thuộc hai châu Tư Châu và Nghĩa Châu. Tư Châu chia thành hai huyện Trì Bình và Bạch Ô. Nghĩa Châu chia thành 3 huyện Nghĩa Thuần, Nga Bôi và Khê Cẩm. Như vậy dưới thời thuộc Minh, địa giới và tên gọi phủ huyện vẫn giữ nguyên như thời nhà Hồ. Tuy Trương Phụ có cắt đặt quan cai trị nhưng thực chất vùng đất 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa vẫn do người Chăm cai quản.

Theo Ức Trai dư địa chí thì buổi đầu thời Lê sơ vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi, trên bản đồ được ghi là Nam Giới và xem là đất "ky my" (tức là chỉ ràng buộc vào) như một phên giậu của Đại Việt. Năm Hồng Đức thứ 2 (1471) xảy ra cuộc xung đột giữa phong kiến Đại Việt và phong kiến Chămpa. Vua Lê Thánh Tông thân chinh và đánh thắng Chămpa, cắt đặt vùng đất từ phía nam đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông làm thừa tuyên Quảng Nam. Hệ thống hành chính của nhà Lê ở đạo thừa tuyên gồm: đạo thừa tuyên, phủ, huyện, xã. Từ năm Quang Thuận thứ 7 (1466) trở về sau, mỗi đạo thừa tuyên lại đặt 3 chức: Thừa chính, Tham chính, Tham nghị gọi là Thừa ty. Các chức Hiến sát sứ, Hiến sát phó sứ gọi là Hiến ty. Đô tổng binh các đạo thừa tuyên đều đặt Tổng binh sứ, Đồng tổng binh, Thiêm sự, Đô quan, Giang quan thuộc vào Thừa hiến đô ty quản lĩnh. Bộ máy cai trị của nhà Lê ở các đạo thừa tuyên còn gọi là Tam Ty, tức Thừa ty, Hiến ty và Thừa hiến đô ty.

Đạo thừa tuyên Quảng Nam gồm ba phủ: phủ Thăng Hoa lãnh 3 huyện, phủ Tư Nghĩa lãnh 3 huyện, phủ Hoài Nhân lãnh 3 huyện. Ranh giới phủ Tư Nghĩa 思 義 thời Lê sơ bao gồm cả vùng đất tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Phủ Tư Nghĩa lãnh ba huyện Bình Sơn 平 山, Mộ Hoa 慕 花, Nghĩa Giang 義 江. Huyện Bình Sơn có 17 xã, huyện Mộ Hoa có 15 xã, huyện Nghĩa Giang có 17 xã.

Huyện Bình Sơn dưới thời thuộc Minh là đất các huyện Trì Bình 持平 và Bạch Ô 白烏, thuộc Tư Châu 思 洲, phủ Thăng Hoa. Thời Lê sơ đặt làm huyện Bình Sơn 平 山, sau đổi thành huyện Bình Dương 平 陽, tiếp đó lại đổi thành huyện Bình Sơn. Ranh giới huyện Bình Sơn thời Lê bao gồm đất huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh ngày nay.

Huyện Nghĩa Giang 義 江 dưới thời thuộc Minh là đất các huyện Nghĩa Thuần 義 純 và Nga Bôi 鵝 盃, thuộc châu Nghĩa Châu 義 州, phủ Thăng Hoa. Đến thời Lê sơ đặt làm huyện Nghĩa Giang, sau đó nhà Lê đổi thành huyện Chương Nghĩa 彰義. Huyện Nghĩa Giang (Chương Nghĩa) dưới thời Lê bao gồm đất huyện Tư Nghĩa và một phần đất huyện Nghĩa Hành ngày nay.

Huyện Mộ Hoa 慕 花 dưới thời thuộc Minh là đất huyện Khê Cẩm 溪 錦, thuộc châu Nghĩa Châu, phủ Thăng Hoa, thời Lê sơ đặt thành huyện Mộ Hoa. Huyện Mộ Hoa dưới thời Lê là hai huyện Mộ ĐứcĐức Phổ ngày nay.

Dưới thời nhà Mạc, từ năm 1527, vùng đất Quảng Ngãi vẫn giữ nguyên tên gọi hành chính như dưới thời nhà Lê sơ. Đến năm 1545, vua Lê Trang Tông cử Bắc quân đô đốc Trấn quận công Bùi Tá Hán vào thừa tuyên Quảng Nam đánh quân nhà Mạc (4) và mộ dân di cư vào khai khẩn đất hoang, bình ổn vùng đất mới. Tên gọi và địa giới hành chính của các phủ huyện ở xứ Quảng Nam vẫn giữ nguyên như dưới thời Lê sơ.

Năm Mậu Ngọ 1558, đời vua Lê Anh Tông, Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Năm 1568, Trấn thủ xứ Quảng Nam là Bùi Tá Hán chết, Nguyễn Bá Quýnh thay thế nhưng năm sau được điều chuyển ra Bắc. Năm 1570, vua Lê Anh Tông giao cho Nguyễn Hoàng kiêm quản cả trấn Quảng Nam. Nguyễn Hoàng có điều kiện xây dựng Đàng Trong thành một thế lực để đối nghịch với Đàng Ngoài dưới sự cai quản của chúa Trịnh. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đổi thừa tuyên Quảng Nam thành dinh Quảng Nam có 5 phủ, đổi tên phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa (hay Ngãi) 廣義 thuộc dinh Quảng Nam. Dinh Quảng Nam gồm phủ Quảng Nghĩa, phủ Điện Bàn, giữ nguyên tên phủ Thăng Hoa, đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn (1742), lấy đất phía nam đèo Cù Mông đặt thành hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa thuộc phủ Phú Yên. Như vậy, địa danh Quảng Nghĩa hay Quảng Ngãi xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XVII và tồn tại đến ngày nay (5).

Phủ Quảng Ngãi dưới thời các chúa Nguyễn có ba huyện là Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa. Riêng ở miền núi phủ Quảng Ngãi, gồm 4 nguồn là nguồn Phù Bà 附婆, nguồn Cù Bà 劬 婆, nguồn Ba Tư 波凘 (hay Ba Tơ), nguồn Đà Bồng 沱 蓬 (6). Các cửa nguồn của các dân tộc miền núi đều lệ thuộc vào các phủ huyện, kiểm soát việc buôn bán trao đổi giữa miền xuôi và miền ngược và thu nộp thuế hàng năm. Ở miền xuôi, cư dân tiếp tục khai khẩn, lập làng, hình thành thêm nhiều làng xã mới. Từ đầu thời các chúa Nguyễn (đầu thế kỷ XVII), một yêu cầu đặt ra là phải chia lập các đơn vị hành chính rõ ràng để đặt cơ sở cho một xã hội ổn định. Năm Canh Tý 1720, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Văn chức Nguyễn Khoa Đăng (con cận thần Nguyễn Khoa Chiêm) "chia lập các ấp, các thuộc ở Quảng Ngãi và Phú Yên". Năm Bính Ngọ 1726, chúa Nguyễn Phúc Chu lại sai Nguyễn Khoa Đăng "định rõ chức lệ cho các thuộc mới lập". Điều này cho thấy từ đời các chúa Nguyễn đã hình thành các tổng, thuộc (7). Tổng, thuộc là đơn vị dưới huyện, trên xã. Nói cách khác, từ các xã hình thành trước kia mà hợp lại thành tổng, các xã thôn mới ra đời thì hợp lại thành thuộc. Mỗi huyện có nhiều tổng, riêng thuộc chưa vào huyện mà có lẽ do phủ trực tiếp quản lý (đến đời Minh Mạng thế kỷ XIX mới chính thức nhập vào huyện) (8).

Từ đời chúa Nguyễn, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng thuộc về địa phận Quảng Ngãi: "Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là "Vạn lý Trường Sa". Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, ba ba… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì về đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người thuộc thôn Tư Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn, để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản" (9).

Hệ thống quan lại ở dinh Quảng Nam dưới thời chúa Nguyễn Hoàng có Trấn thủ, Cai bộ, Ký lục. Hai phủ Quảng Nghĩa và Quy Nhơn thì đặt riêng chức Tuần vũ (10) và Khám lý để cai trị.

Thời Tây Sơn cải đặt phủ Quảng Nghĩa thành phủ Hòa Nghĩa 和 義 thuộc quyền quản lý của vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Các đơn vị hành chính có thể vẫn giữ nguyên như thời các chúa Nguyễn.

Năm 1801, Nguyễn Ánh đánh chiếm được Quảng Ngãi từ tay Tây Sơn. Năm Gia Long năm thứ 2 (1803), đổi phủ Hòa Nghĩa thành dinh (doanh) Quảng Nghĩa. Gia Long tách hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn đặt thành dinh Quảng Nam, phủ Quy Nhơn đặt thành dinh Bình Định, phủ Phú Yên thành dinh Phú Yên. Hệ thống quan lại ở dinh dưới thời Gia Long, đứng đầu là quan Lưu thủ quản lý chung, quan Cai bạ coi về việc hộ, quan Ký lục coi việc hình.

Đến năm Gia Long thứ 7 (1808) đổi dinh thành trấn. 4 dinh đổi thành 4 trấn, dinh Quảng Nghĩa thành trấn Quảng Nghĩa.

Năm Gia Long thứ 10 (1811), cải đổi tên chức Lưu thủ thành chức Trấn thủ, giữ nguyên chức Cai bạ và Ký lục.

Trấn Quảng Ngãi năm 1813 đời vua Gia Long có phủ Tư Nghĩa và 3 huyện Bình Sơn 平 山, Chương Nghĩa 彰 義, Mộ Hoa 慕 花.

Huyện Bình Sơn có 7 tổng, thuộc: tổng Hạ, tổng Trung, tổng Thượng, thuộc Đồn Điền, thuộc Hà Bạc, thuộc Hoa Châu và Nội phủ.

Huyện Chương Nghĩa có 6 tổng, thuộc: tổng Hạ, tổng Trung, tổng Thượng, thuộc Đồn Điền, thuộc Hà Bạc, thuộc Hoa Châu.

Huyện Mộ Hoa có 6 tổng, thuộc: tổng Hạ, tổng Trung, tổng Thượng, thuộc Đồn Điền, thuộc Hà Bạc, thuộc Hoa Châu (11).

Như vậy 3 huyện đều có 6 tên tổng, thuộc gần như nhau (Hạ, Trung, Thượng, Đồn Điền, Hà Bạc, Hoa Châu), riêng huyện Bình Sơn có thêm Nội phủ. Tổng cộng toàn trấn Quảng Ngãi lúc này có 19 tổng, thuộc, với khoảng 250 làng (tạm gọi chung cho đơn vị xã thôn và tương đương).

Ngoài biển có cù lao Ré, trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá thì hòn đảo này có tên là Du Trường Sơn. Thời các chúa Nguyễn, cù lao Ré gồm hai phường An Hải và An Vĩnh. Đến thời Gia Long (1808), đặt cù lao Ré là tổng Lý Sơn, gồm hai xã An Vĩnh và An Hải trực thuộc huyện Bình Sơn.

3. HÀNH CHÍNH QUẢNG NGÃI THỜI KỲ 1832 - 1885

Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832) đã đổi trấn thành tỉnh. Trấn Quảng Nghĩa dưới thời Gia Long được đổi thành tỉnh Quảng Nghĩa gồm có một phủ Tư Nghĩa kiêm lý huyện Chương Nghĩa và thống hạt hai huyện Bình Sơn và Mộ Hoa. Năm 1832, lần đầu tiên Quảng Ngãi mang danh xưng hành chính là tỉnh.

Huyện Bình Sơn đời Hồ và thời thuộc Minh là đất hai huyện Trì Bình, Bạch Ô thuộc Tư Châu. Đời Lê sơ đặt là huyện Bình Sơn, sau đổi thành Bình Dương, tiếp đó đổi lại thành huyện Bình Sơn. Đời các chúa Nguyễn đến sau này vẫn giữ nguyên tên huyện. Huyện Bình Sơn năm Minh Mạng thứ 11 (1830) có 3 tổng, 70 xã.

Huyện Chương Nghĩa đời Hồ và thời thuộc Minh là đất hai huyện Nghĩa Thuần và Nga Bôi thuộc Nghĩa Châu. Đầu đời Lê sơ là huyện Nghĩa Giang, sau đổi thành huyện Chương Nghĩa. Dưới thời các chúa Nguyễn vẫn giữ nguyên như vậy. Đến năm Minh Mạng thứ 11 (1830) giao cho phủ Tư Nghĩa kiêm lý. Huyện Chương Nghĩa có 3 tổng, 93 xã.

Huyện Mộ Hoa đời Hồ và thời thuộc Minh là đất huyện Khê Cẩm thuộc Nghĩa Châu. Đời Lê sơ đặt huyện Mộ Hoa. Đời các chúa Nguyễn vẫn giữ nguyên tên huyện. Huyện Mộ Hoa năm Minh Mạng thứ 11 (1830) có 3 tổng, 53 xã.

Về cấp tổng, năm Minh Mạng thứ 8 (1827) các thuộc có trước kia đều gọi thống nhất là tổng (12). Và có lẽ cũng từ đây, tổng được đặt tên riêng (như tổng ở Bình Sơn thì thêm chữ Bình, tổng ở Chương Nghĩa thì thêm chữ Nghĩa ở đầu) chứ không phải chỉ ghi tổng Thượng, tổng Trung… chung chung như trước. Năm Minh Mạng thứ 12 (1834), vua cho định lại mỗi huyện ở tỉnh Quảng Ngãi đều có đúng 6 tổng (13).

Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), do phạm húy, cải đặt tên huyện Mộ Hoa 慕花 thành huyện Mộ Đức 慕 德. Các làng xã có chữ "Hoa" đều đổi như Hoa Sơn đổi thành Tú Sơn, Hoa Bân đổi thành Văn Bân…

Năm 1841, vua Thiệu Trị cho đổi tên các nguồn ở miền núi. Nguồn Đà Bồng đổi thành Thanh Bồng 青蓬, nguồn Cù Bà đổi thành Thanh Cù 青衢, nguồn Phù Bà đổi thành Phụ An 附安, nguồn Ba Tư đổi thành An Ba 安波.

4. HÀNH CHÍNH QUẢNG NGÃI THỜI KỲ 1885 - 1945

Đây là giai đoạn triều Nguyễn hoàn toàn phụ thuộc vào sự thống trị của thực dân Pháp. Đơn vị hành chính cấp phủ, huyện ở Quảng Ngãi dưới thời Đồng Khánh (1885 - 1888) không có sự thay đổi, vẫn giữ nguyên phủ Tư Nghĩa và 3 huyện, nhưng số tổng, xã có tăng lên so với thời Minh Mạng. Huyện Bình Sơn có 6 tổng là Bình Thượng, Bình Trung, Bình Hạ, Bình Điền, Bình Châu, Bình Hà với 158 xã, thôn, phường, trại, ấp, vạn, ty. Huyện Chương Nghĩa có 6 tổng là Nghĩa Thượng, Nghĩa Trung, Nghĩa Hạ, Nghĩa Điền, Nghĩa Châu, Nghĩa Hà với 107 xã, thôn, trại, phường, vạn, ty, ấp. Huyện Mộ Đức có 6 tổng là Quy Đức, Cảm Đức, Triêm Đức, Ca Đức, Lại Đức, Tri Đức với 163 xã, thôn, phường, trại, ấp, vạn, ty. Như vậy, Quảng Ngãi thời gian này có 18 tổng với 428 xã, thôn, phường, trại, ấp, ty, vạn (14).

Năm Thành Thái thứ 2 (1890), các đơn vị mới được thiết đặt: huyện Bình Sơn tách ra thành huyện Bình Sơn và châu Sơn Tịnh; huyện Chương Nghĩa tách ra thành phủ Tư Nghĩa và châu Nghĩa Hành; huyện Mộ Đức tách ra thành huyện Mộ Đức và châu Đức Phổ trực thuộc Sơn phòng Nghĩa Định (sơn phòng hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định). Đến năm 1899, Sơn phòng Ngha Định đổi ba châu mới thành ba huyện: Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ. Năm 1915, thực dân Pháp đổi bốn nguồn thành đồn, các nguồn Thanh Bng, Thanh Cù, Phụ An và An Ba thành các đồn Trà Bồng, Sơn Hà, Minh LongBa Tơ. Năm 1929, huyện Bình Sơn đổi thành phủ Bình Sơn. Năm 1931, tổng Lý Sơn (thuộc phủ Bình Sơn) đổi thành đồn Lý Sơn. Ngày 23.4.1932, huyện Sơn Tịnh đổi thành phủ Sơn Tịnh. Ngày 01.12.1932, huyện Mộ Đức đổi thành phủ Mộ Đức.

Như vậy đến năm 1932, tỉnh Quảng Ngãi có 4 phủ, 2 huyện, 5 đồn với 40 tổng, 605 làng, xã, thôn, sách: 1) Phủ Bình Sơn có 4 tổng, 82 làng, xã, thôn; 2) Phủ Sơn Tịnh có 4 tổng, 72 làng, xã, thôn; 3) Phủ Tư Nghĩa có 5 tổng, 67 làng, xã, thôn; 4) Phủ Mộ Đức có 3 tổng, 62 làng, xã, thôn; 5) Huyện Nghĩa Hành có 3 tổng, 45 làng, xã, thôn; 6) Huyện Đức Phổ có 3 tổng, 78 làng, xã, thôn; 7) Đồn Trà Bồng có 3 tổng, 34 sách (như làng, xã, thôn ở miền xuôi); 8) Đồn Sơn Hà có 5 tổng, 47 sách; 9) Đồn Minh Long có 5 tổng, 60 sách; 10) Đồn Ba Tơ có 5 tổng, 61 sách; 11) Đồn Lý Sơn có 1 nha bang tá, 2 xã (15).

Quan cai trị địa phương: Ở tỉnh chức Bố chính đổi thành chức Tuần vũ, giữ nguyên chức Án sát; ở phủ, huyện, đặt một Tri phủ, Tri huyện thuộc quyền quan tỉnh; mỗi đồn ở miền núi có một sĩ quan Pháp cùng một số hạ sĩ quan người Việt chỉ huy và một nha Kiểm lý thuộc Nam triều trông coi việc thu thuế, hành chính, đồng thời đặt các chức "Chánh tổng dịch man", "Phó mục" do người thiểu số nắm để cai trị. Riêng đồn Lý Sơn đặt chức Bang tá để cai trị.

Từ ngày 9.3.1945 đến 19.8.1945 dưới thời Nhật thuộc, sau khi thực dân Pháp bị Nhật đảo chính, tổ chức hành chính không đổi, chỉ thay tên gọi: Tuần vũ gọi là Tỉnh trưởng, Tri phủ, Tri huyện gọi là Huyện trưởng. Chức Chánh phó sứ thời Pháp do một cơ quan hiến binh Nhật đảm trách.

5. HÀNH CHÍNH QUẢNG NGÃI THỜI KỲ 1945 - 1975

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng lấy tên các nhà cách mạng yêu nước đặt cho các đơn vị hành chính từ cấp tỉnh đến phủ, huyện, xã. Tỉnh Quảng Ngãi mang tên tỉnh Lê Trung Đình. Phủ Bình Sơn mang tên phủ Nguyễn Tự Tân. Phủ Sơn Tịnh mang tên phủ Trương Quang Trọng. Phủ Tư Nghĩa mang tên phủ Nguyễn Sụy (Thụy). Phủ Mộ Đức mang tên phủ Nguyễn Bá Loan. Huyện Nghĩa Hành mang tên huyện Lê Đình Cẩn. Huyện Đức Phổ mang tên huyện Nguyễn Nghiêm. Đồn Lý Sơn gọi là tổng Trần Thành.

Đến thời điểm trước cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6.1.1946), tên tỉnh, phủ, huyện, xã đều lấy lại tên như cũ. Sáu phủ, huyện ở đồng bằng, 4 đồn ở miền núi đều thống nhất gọi là huyện và một thị xã tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Đảo Lý Sơn sáp nhập trở lại vào huyện Bình Sơn. Bãi bỏ đơn vị hành chính cấp tổng. Thiết đặt đơn vị xã trực thuộc huyện. Miền núi bỏ các chức "Chánh tổng dịch man", "Phó mục" thay thế bằng tổ chức hành chính cấp xã.

Đến cuối thời kỳ kháng chiến chống Pháp (năm 1954), tỉnh Quảng Ngãi có 10 huyện với 141 xã. Dưới xã là thôn. Tên của xã lấy từ một chữ của tên huyện và một chữ mới đặt: 1) Các xã thuộc huyện Bình Sơn đều bắt đầu bằng chữ Bình; 2) Các xã thuộc huyện Sơn Tịnh đều bắt đầu bằng chữ Tịnh; 3) Các xã thuộc huyện Tư Nghĩa đều bắt đầu bằng chữ Nghĩa; 4) Các xã thuộc huyện Nghĩa Hành đều bắt đầu bằng chữ Hành; 5) Các xã thuộc huyện Mộ Đức đều bắt đầu bằng chữ Đức; 6) Các xã thuộc huyện Đức Phổ đều bắt đầu bằng chữ Phổ; 7) Các xã thuộc huyện Trà Bồng đều bắt đầu bằng chữ Trà; 8) Các xã thuộc huyện Sơn Hà đều bắt đầu bằng chữ Sơn; 9) Các xã thuộc huyện Minh Long đều bắt đầu bằng chữ Long; 10) Các xã thuộc huyện Ba Tơ đều bắt đầu bằng chữ Ba. Cách đặt tên này là theo kiểu đặt tên tổng thời phong kiến, nghe đến tên xã, người ta biết ngay xã ấy thuộc huyện nào (16). Các thôn phần lớn lấy từ tên của các làng xã xưa kia và còn duy trì đến ngày nay.

Từ năm 1954 đến năm 1975, chính quyền Sài Gòn thay đổi danh xưng hành chính huyện thành quận, thôn đổi thành ấp, còn tên gọi vẫn giữ nguyên. Riêng về xã, từ ngày 12.6.1958 (17), chính quyền Sài Gòn đồng loạt đổi tên các xã trong toàn tỉnh Quảng Ngãi. Các xã cũng lấy một chữ trong tên quận, nhưng đổi đặt như sau: 1) Các xã thuộc huyện Bình Sơn bắt đầu bằng chữ Bình (+ chữ sau mới đặt); 2) Các xã thuộc huyện Sơn Tịnh bắt đầu bằng chữ Sơn (+ chữ sau mới đặt); 3) Các xã thuộc huyện Tư Nghĩa bắt đầu bằng chữ Tư (+ chữ sau mới đặt); 4) Các xã thuộc huyện Nghĩa Hành bắt đầu bằng chữ Nghĩa (+ chữ sau mới đặt); 5) Các xã thuộc huyện Mộ Đức bắt đầu bằng chữ Đức (+ chữ sau mới đặt); 6) Các xã thuộc huyện Đức Phổ bắt đầu bằng chữ Phổ (+ chữ sau mới đặt); 7) Các xã thuộc huyện Trà Bồng bắt đầu bằng chữ Trà (+ chữ sau mới đặt); 8) Các xã thuộc huyện Sơn Hà bắt đầu bằng chữ Hà (+ chữ sau mới đặt); 9) Các xã thuộc huyện Minh Long bắt đầu bằng chữ Minh (+ chữ sau mới đặt); 10) Các xã thuộc huyện Ba Tơ bắt đầu bằng chữ Ba (+ chữ sau mới đặt). (1) Theo Nghị định số 314 - BNV/HC/NĐ ngày 12.6.1958 của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn). Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II (Thành phố Hồ Chí Minh).

Địa giới hành chính các quận, xã, ấp về cơ bản vẫn giữ nguyên như thời kháng chiến chống Pháp, nhưng cũng có một ít thay đổi. Toàn tỉnh chia thành 10 quận và một thị tứ Cẩm Thành. Quận Bình Sơn có 24 xã với 78 ấp. Quận Sơn Tịnh có 20 xã với 97 ấp. Quận Tư Nghĩa có 8 xã với 62 ấp. Quận Nghĩa Hành có 8 xã với 49 ấp. Quận Mộ Đức có 12 xã với 59 ấp. Quận Đức Phổ có 15 xã với 74 ấp. Quận Trà Bồng có 7 xã với 13 ấp. Quận Sơn Hà có 7 xã với 13 ấp. Quận Minh Long có 7 xã với 14 ấp. Quận Ba Tơ có 7 xã với 14 ấp. Đảo Lý Sơn có hai xã Bình Vĩnh và Bình Yến thuộc quận Bình Sơn. Tỉnh lỵ Quảng Ngãi đặt tại thị tứ Cẩm Thành gồm 4 ấp: Bắc Môn (nay là phường Lê Hồng Phong), Bắc Lộ (nay là phường Trần Hưng Đạo), Nam Lộ (nay là phường Nguyễn Nghiêm), Thu Lộ (nay là phường Trần Phú).

Trong khi đó, phía kháng chiến và đồng bào vẫn quen gọi các thôn, xã, huyện như trước. Do vậy, có thể nói thời kỳ này song song tồn tại hai danh xưng hành chính và địa danh cho cùng một thực thể hành chính. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo các địa phương trong hoàn cảnh chiến tranh chống Mỹ ác liệt, chính quyền cách mạng đã thay đổi một số đơn vị lãnh thổ - hành chính cấp huyện. Năm 1956, thành lập huyện Sông Rhe gồm 9 xã vùng cao của Ba Tơ. Tháng 7.1957, tách 10 xã vùng cao Sơn Hà lập nên Khu VII. Năm 1965, đổi tên Khu VII thành huyện Sơn Tây. Năm 1971, các xã phía đông của hai huyện Bình SơnSơn Tịnh được tách ra để thành lập huyện Đông Sơn.

6. HÀNH CHÍNH QUẢNG NGÃI THỜI KỲ 1975 - 2005

Từ ngày 10.11.1975 đến ngày 30.6.1989, tỉnh Quảng Ngãi hợp nhất với tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Huyện Tư Nghĩa hợp nhất với thị xã Quảng Ngãi thành thị xã Quảng Nghĩa. Huyện Nghĩa Hành hợp nhất với huyện Minh Long thành huyện Nghĩa Minh. Huyện Sơn Tây hợp nhất với huyện Sơn Hà thành huyện Sơn Hà. Năm 1982, theo quyết định của Quốc hội có sự điều chỉnh về hai đơn vị lãnh thổ hành chính trên: tách thị xã Quảng Nghĩa thành thị xã Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa, tách huyện Nghĩa Minh thành huyện Nghĩa Hành và huyện Minh Long như cũ.

Ngày 1.7.1989, tỉnh Nghĩa Bình tách ra thành tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định như cũ. Tỉnh Quảng Ngãi có 1 thị xã, 6 huyện đồng bằng là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ và 4 huyện miền núi là Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ. Toàn tỉnh có 6 phường, 8 thị trấn và 150 xã.

Ngày 01.01.1993, đảo Lý Sơn tách khỏi huyện Bình Sơn, chính thức thành lập huyện Lý Sơn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Huyện Lý Sơn gồm 2 xã Lý Vĩnh và Lý Hải (xã Bình Vĩnh trước đây gọi là xã Lý Vĩnh, xã Bình Yến trước đây gọi là xã Lý Hải). Xã Lý Vĩnh gồm 3 thôn là thôn Đông, thôn Tây và thôn Bắc (tức Hòn Bé), xã Lý Hải gồm có 3 thôn là thôn Đồng Hộ, thôn Đông và thôn Tây. Đến năm 2003, các xã của huyện Lý Sơn thay đổi, xã Lý Vĩnh đổi thành xã An Vĩnh và xã Lý Hải đổi thành xã An Hải (trở về tên gọi dưới triều Nguyễn), thôn Bắc của xã Lý Vĩnh (còn gọi là đảo Bé) được thành lập xã An Bình.

Năm 1994, huyện Sơn Hà được tách ra thành 2 huyện là Sơn Hà (trung tâm huyện lỵ đóng ở thị trấn Di Lăng) và huyện Sơn Tây (trung tâm huyện lỵ đóng ở xã Sơn Dung). Huyện Sơn Tây có 6 xã là Sơn Dung, Sơn Tinh, Sơn Tân, Sơn Mùa, Sơn Bua, Sơn Lập.

Năm 2003, huyện Trà Bồng được tách ra thành 2 huyện là Trà Bồng (trung tâm huyện lỵ đóng ở thị trấn Trà Xuân) và huyện Tây Trà (trung tâm huyện lỵ đóng ở xã Trà Phong).

Ngày 26.8.2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2005/NĐ-CP thành lập thành phố Quảng Ngãi trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân cư của thị xã Quảng Ngãi trước đây.

Như vậy thời điểm 2005, Quảng Ngãi có 14 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố, gồm 1 thành phố (Quảng Ngãi), 6 huyện miền núi (Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ), 6 huyện đồng bằng (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ) và một huyện đảo (Lý Sơn). Toàn tỉnh có 180 xã, phường, thị trấn (162 xã, 10 thị trấn, 8 phường). Tỉnh lỵ đặt tại thành phố Quảng Ngãi (18).


(*), (**) Xem thêm Chương XXV: Di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử - văn hoá, danh thắng.
(1) Theo Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu thì trong sách Tiền Hán Thư chép quận Nhật Nam có 5 huyện, 3.080 dặm, 16 con sông, 15.460 hộ, 69.485 khẩu.
(2) Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi chép Nam Giới (tức vùng đất ky my ở phía Nam dưới triều Lê, bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) xưa thuộc bộ Việt Thường, nội bạn của châu Tỷ Ảnh, thời Nội thuộc bị Chiêm lấy mất, người Chiêm chia làm Chiêm Chiêm và Chiêm Lũy (tr. 214). Chính sử chép: Người Chiêm dâng đất Chiêm Động, Quý Ly ép dâng cả Cổ Lũy Động. Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính Chiêm Chiêm tức Chiêm Động và Chiêm Lũy tức Cổ Lũy Động. Trong đó chữ Chiêm 占 chép nhầm sang chữ Cổ 古 .
(3) Ức Trai dư địa chí chép là Khê Miên (tr. 597), Đại Nam nhất thống chí chép là Khê Cẩm.
(4) Theo Lê Hồng Long - Vũ Sông Trà: Tư liệu thư tịch và di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán, Sở Văn hoá - Thông tin Quảng Ngãi, 1996. Phần Phủ tập Quảng Nam ký sự của tác giả Mai thị có ghi Bùi Tá Hán đánh quân Mạc. Nhưng trong sách Đại Việt sử ký toàn thư thì không thấy ghi ai đánh lấy.
(5) Cũng có người cho rằng khi Pháp cai trị thì "đổi" Quảng Nghĩa thành Quảng Ngãi nhưng không đưa ra chứng liệu nào. Thực ra trước kia, khi văn tự chính thức viết bằng chữ Hán, chữ 義 có thể đọc là Nghĩa, cũng có thể đọc là Ngãi (hai cách đọc khác nhau của một con chữ). Có lẽ vì vậy mà với các bậc Nho học thường đọc là Nghĩa, còn dân gian quen đọc là Ngãi (như nhân nghĩa gọi là nhân ngãi), và khi phiên ra quốc ngữ dùng con chữ Latinh người ta dùng âm phổ thông nhất là Ngãi. Từ đây trở đi, các tác giả sách này dùng hai chữ "Quảng Ngãi" (thay vì "Quảng Nghĩa") theo thông lệ.
(6) Theo Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh thì tên nguyên gốc là nguồn Bà Địa (tr.156). Theo H. Maitre: Les Jungle des hauts - Plateaux du Viet Nam central, Paris, 1909: Thời Bùi Tá Hán trấn nhậm (1545 - 1568) đã đặt thành 4 nguyên là nơi giao dịch trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược. Bốn nguyên đó là Đà Bồng, Cù Bà, Phù Bà, Ba Tư. Xuôi, ngược là tính theo chiều nước chảy. Chữ nguyên 源 có nghĩa là nguồn nước, xuất phát từ thực tế là nơi phát nguyên của các nguồn sông. Nên có thể gọi là "nguyên" mà cũng có thể gọi là "nguồn", hai cách gọi tồn tại song song nhau, cùng chỉ một vùng núi nào đó. 
(7) Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Sử học, 1962, tr. 186, 190, 191. Về đơn v thuộc, tr.191 sách ghi: "Bui quốc sơ [thời kỳ đầu chúa Nguyễn] mở mang bờ cõi dựng lập phủ huyện, hễ những nơi gần núi ven biển thì lập làm thuộc (…). Phủ Quảng Ngãi có 4 thuộc (…). Phàm thuộc có 500 người trở lên thì đặt 1 Cai thuộc, 1 người Ký thuộc, 405 người trở xuống thì đặt 1 Ký thuộc, 100 người trở xuống thì đặt một Tướng thần". Như vậy, ta có thể hiểu: Tổng 總 gồm nhiều xã, thôn đã hình thành trước, thuộc vào huyện. Thuộc屬 gồm nhiều xã, thôn mới khai phá gần núi, biển, thuộc vào phủ.
(8) Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập 8, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964. Tr. 233 chép: "Đổi các thuộc từ Thừa Thiên trở vào Nam đến Bình làm tổng, cho thuộc các phận Sở hạt. Trước đây thuộc vẫn là thuộc, không lệ vào huyện…".
(9) Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch của Viện Sử học, sđd, tr. 222. Bắc Hải tức là Trường Sa.
(10) Tuần phủ.
(11) Theo tài liệu về Địa bạ Quảng Ngãi của Giáo sư Nguyễn Đình Đầu (chưa xuất bản).
(12) Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập 8, bản dịch của Viện Sử học, sđd, tr. 233.
(13) Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập 8, bản dịch của Viện Sử học, sđd, tr. 98.
(14) Đây là những danh xưng thường thấy trong đơn vị cơ sở tỉnh Quảng Ngãi. Xã 社: đơn vị cơ sở, có thể gồm nhiều thôn, ấp, trại. Thôn 村: có thể thuộc xã, có thể đứng riêng. Phường 坊: làng làm một nghề nào đó. Trại 寨: làng xã mới lập, thường ở ven núi. Ấp 邑: thường là đơn vị nhỏ của xã, thôn. Ty 司: làng làm nghề thủ công. Vạn 萬: làng chài. Châu 洲 là làng nằm trong vùng bãi sông.
(15) Xem Phụ lục 2 ở cuối chương.
(16) Xem Phụ lục 3 ở cuối chương.
(17) Theo Nghị định số 314 - BNV/HC/NĐ ngày 12.6.1958 của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn). Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II (Thành phố Hồ Chí Minh).
(18) Xem Phụ lục 4 ở cuối chương.

Trang trước

Về đầu trang

Trang tiếp theo